Sống Với Lòng Từ
Giá trị lớn nhất của đạo Phật là chỉ ra phương pháp cho mọi người biết sống với nhau bằng một trái tim yêu thương và một khối óc được vận hành theo một trí tuệ hiểu biết.
Hay nói cách khác người học Phật phải biết ứng dụng những chân giá trị của Phật giáo, Phật học vào cuộc sống của bản thân, thì mới có thể khiến cho những giá trị đó hòa quyện vào thân tâm mình, trở thành xương máu của cơ thể mình, khiến cho cả cuộc đời mình được thăng hoa, hướng tới chân, thiện, mỹ, thật sự an lạc, hạnh phúc.
Do đó, trong đời sống hằng ngày, việc thực tập đời sống hướng nội luôn làm cho mọi người yêu thương nhau nhiều hơn, hiểu biết nhau nhiều hơn. Thế nên, Đức Phật ca ngợi lòng từ như là trạng thái tâm thức đẹp nhất trên thế gian này, thường khuyên nhủ học trò hãy tu tập lòng từ:
“Hãy tu tập từ tâm,
Trong tất cả thế giới
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn.
Phía trên và phía dưới,
Cũng vậy cả bề ngang,
Không hạn chế trói buộc,
Không hận, không thù địch.”
(Tiểu Bộ Kinh–Bài Kinh từ bi., bản dịch Thích Minh Châu)
Phật lại giảng tiếp:
“Khi đi hay khi đứng,
Khi ngồi hay khi nằm,
Lâu cho đến khi nào,
Khi đang còn tỉnh thức,
Hãy an trú niệm này,
Nếp sống này như vậy,
Được đời đề cập đến,
Là nếp sống tối thượng.”
(Kinh Từ bi)
Cũng trong Kinh từ bi, Phật ví lòng từ như tình thương của người mẹ đối với đứa con một của mình. Ví dụ này thật sâu sắc và có ý nghĩa. Lòng từ mà đức Phật ca ngợi đâu có phải là đức hạnh xa vời của bậc Thánh, siêu việt thế gian này, ngoài tầm với của chúng ta, mà trái lại vô cùng gần gũi và thân thương, vì trong chúng ta ai lại không có mẹ, và từng được lòng từ của mẹ ấp ủ, đùm bọc.
Nói như vậy để thấy, mọi người trong chúng ta đều có thể ứng dụng lòng từ vào cuộc sống hằng ngày, ngay nơi chúng ta đang sống và ngay bây giờ trong hiện tại. Ngay trong gia đình, trong ngôi nhà chúng ta ở, hãy yêu thương cha, mẹ, con cháu mình với tình thương rộng mở, chồng hãy yêu thương vợ, và vợ cũng phải yêu thương chồng như vậy với tình thương rộng mở. Rồi với bạn bè gần xa, với mọi người,... không những thế với những con vật nuôi trong nhà như con chó, con mèo, thậm chí cả với cây cỏ trồng xung quanh nhà, chúng ta cũng săn sóc với tất cả tình thương yêu rộng lớn, một tình thương không giới hạn, không bến bờ.
Thế nên, sống trong một thế giới đầy khổ đau, con người thường xuyên phải đối diện với những cơn lốc vô thường, sự mất mát, sự hơn thua, cái có, cái không, việc vận dụng tâm từ vào trong đời sống thường nhật là điều tất yếu. Nếu không như thế, bạn sẽ rơi vào sự chơi vơi, lạc lõng, mất quân bình về mặt tâm lý. Bạn phải cần có thái độ sống hoan hỷ mở rộng cõi lòng, đón nhận tất cả mọi tình huống xảy ra và sẵn sàng chuyển hóa. Nghĩa là thay vì đau khổ buồn chán và than khóc, chán đời thì phải biết trải nghiệm thực tập hạnh từ, sự yêu thương để hướng tâm đi vào lộ trình sống thiện, sống hoan hỷ, sống an lạc. Trong một gia đình, nếu có một người con hiếu thuận với cha mẹ, không bỏ rơi cha mẹ mình được, thì chúng ta tin chắc rằng cũng không thể bỏ rơi cha mẹ của thiên hạ được. Người cha yêu thương con cái mình, không bỏ rơi con cái mình được, thì chúng ta cũng tin chắc rằng không thể bỏ rơi con cái của thiên hạ được...
Tất nhiên, chúng ta là Phật tử, chúng ta phải đọc kinh Phật và học kinh Phật. Nhưng học là để hành, và qua thực hành, chúng ta tự cải tạo tâm mình theo hướng chân, thiện, mỹ. Lời dạy trong kinh phải tác động đến thân tâm chúng ta như liều thuốc kháng sinh, giúp loại trừ những độc tố tham, sân, si trong con người chúng ta, đồng thời cũng là một liều thuốc bổ bồi dưỡng mọi căn lành trong con người chúng ta.
Đức Phật răn chúng ta không nên tư biện suông, đặc biệt là tư biện những vấn đề siêu hình, chỉ làm mất thời giờ, mà không có ích gì cho sự nghiệp giải thoát và giác ngộ chung cuộc. Chúng ta hãy suy ngẫm về những câu sau đây trong Kinh “niệm hơi thở vô, hơi thở ra”, chúng ta sẽ biết thế nào là ứng dụng Phật học vào đời sống.
“Quán vô thường, tôi thở vô,
Quán vô thường, tôi thở ra...
Quán ly tham...”
Chúng ta có thấy không, quán vô thường lập tức dẫn tâm chúng ta quán ly tham, rồi quán đoạn diệt, và quán từ bỏ.
Tham là gốc của khổ, ly tham tức là đoạn diệt gốc rễ của khổ. Cuối cùng là sự từ bỏ mọi vướng mắc, chấp thủ, là sự giải thoát.
Quán lòng từ cũng phải như vậy, nghĩa là quán lòng từ dẫn tới một sự chuyển biến thật sự của tâm thức. Tâm thức từ bỏ chỗ hạn hẹp, vị kỷ chuyển biến thành rộng lớn, vô biên, trải rộng khắp bốn phương, trên dưới, như trong kinh Phật nói.
Hay trong đời sống thường nhật, hẳn nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng bình an, thuận duyên. Có lắm lúc phải đối diện những vấn đề hết sức nan giải, khó khăn, lo âu sợ hãi đối với các đối tượng đang tiếp cận. Các vị thiền sư khuyên chúng ta hãy bình tâm và an trú trong chính niệm:
“Thở vào tâm tĩnh lặng,
Thở ra miệng nở cười
An trú trong hiện tại
Giây phút thật tuyệt vời”.
Khi thực tập như thế, bạn sẽ có cơ hội trở về lại cội rễ tâm thức của chính chính, không bị đối tượng và môi trường quấy nhiễu tâm thức bạn. Từ đó bạn sẽ có thái độ tỉnh giác để điều tâm, an trú tâm vào đối tượng cần giải quyết trong sự thương yêu và tôn trọng đối tượng.
Ứng dụng lòng từ không có nghĩa gì khác là mở rộng tâm thức, không phải hạn chế hay tiêu diệt tình cảm như một vài người hiểu nhầm Phật giáo, mà phải mở rộng tình cảm đến chỗ bao quát mọi người, mọi vật. Kinh nghiệm cho thấy, càng mở rộng tình cảm bao nhiêu, thì tình cảm đó càng trong sáng bấy nhiêu, càng dễ cho con người chủ động, điều hòa bấy nhiêu. Trái lại, tình cảm càng hạn hẹp, càng khó cho con người điều hòa, hướng dẫn.
Đó thật sự là bí quyết của phương pháp điều tâm. Muốn điều tâm, đem lại sự an lạc cho tâm, thì hãy mở rộng tâm, mà mở rộng tâm, cụ thể và thực tế nhất là mở rộng lòng từ, bao quát hết mọi người, mọi vật, mọi chúng sanh.
Khi lòng từ được mở rộng và trải khắp thì con người mới có khả năng đón nhận khả tính tình yêu vô hạn, không còn giới hạn bằng sự chấp thủ và khát ái trong sự đối đãi phân biệt. Sự an lạc sẽ được an trú ngay lòng mình và có khả năng kết nối và lan truyền đến với mọi người xung quanh. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, một người giữ tâm vắng lặng và nhiệt tâm tinh cần làm các việc thiện lành để hiến dâng cho đời thì sẽ được sự hạnh phúc cho chính bản thân và có sự tác động với người khác trong việc hướng tâm sống theo nếp sống hướng thiện. Kết quả, cá nhân đó không chỉ hiện tại lạc trú mà đời sau còn phước báu được sinh vào trú xứ thiện lành đúng như lời Phật dạy. Ngược lại, một người chỉ biết sống cho cá nhân riêng tư của mình, không hành trì thiện pháp, không chia sẻ những khó khăn và khổ đau đối với người khác. Kết quả chắc chắn sẽ đón nhận một đời sống cũng không như ý muốn.
Trong Tăng Chi I, có bài Kinh “Hạt Muối” rất hay, cũng có ý nghĩa tương tự. Một ly nước bé nhỏ, thì một dúm muối, cũng đủ làm cho nước trong ly mặn đến mức không uống được. Cũng như vậy, với một cái tâm hạn hẹp, bé nhỏ thì một chút đau khổ cũng đủ làm cho nó không chịu đựng được. Nhưng thay vì một ly nước nhỏ mà là cả nước sông Hằng rộng lớn, thì một dúm muối bỏ vào có can gì. Với tâm từ mở rộng tới vô lượng, vô biên, thì có khó khăn gì mà vị Bồ Tát không thể vượt qua. Hãy đối đãi với mọi người, mọi vật với lòng từ rộng lớn, thì có công việc gì dù khó khăn đến đâu, mà chúng ta không làm được? Phải không bạn?
Nói tóm lại khi bạn ứng dụng lòng từ vào trong đời sống thực tiễn thì bạn sẽ thiết lập được nhiều mối quan hệ tốt giữa tự thân với tự thân, giữa cá nhân và gia đình, với cộng đồng xã hội và môi trường sống. Cuộc sống con người có hạnh phúc hay không, thiết nghĩ một trong những điều cơ bản nhất là xây dựng các mối quan hệ trên cơ sở thiết lập tình cảm thân thiện, yêu thương, và tôn trọng hiểu biết lẫn nhau. Lòng từ chính cơ sở tạo dựng tình cảm, chuyển hóa tình cảm, hướng dẫn tình cảm bằng trí tuệ, khởi đầu bằng Chánh tri kiến. Mà có tình cảm nào cao quý hơn, rộng lớn hơn, lôi cuốn hơn là lòng từ, mà Phật Thích Ca từng ca ngợi là trạng thái tinh thần tốt đẹp nhất trên thế gian này.
Nếu nhận thức lòng từ được như vậy, thì việc ứng dụng lòng từ trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta đâu có phải chuyện xa vời, không làm được. Tất nhiên, là tùy theo bậc Thánh hay người phàm, tùy theo bậc vĩ nhân hay người bình thường mà lòng từ biểu hiện có khác nhau, nhưng cũng đều cùng một bản chất là lòng từ./.
Theo: GHPGVN