Đại Cương Kinh Lăng-Nghiêm

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
5- DO XÚC-TRẦN MÀ CHỨNG THÁNH
ông Bạt-Đà-Bà-La với mười sáu người bạn Bồ-Tát sơ phát tâm, liền từ chỗ ngồi, đứng dậy đảnh-lễ dưới chân Phật mà bạch rằng :__Kiếp trước, lúc Đức Phật Oai-Âm-Vương ra đời, chúng con nhân đặng gặp Phật, nghe pháp mà xuất-gia, trong ngày chúng Tăng tắm gội, con theo thứ-tự vào nhà tắm, thì thoạt-nhiên ngộ biết thuỷ-trần vốn không rửa bụi trần hay không rửa bụi trần, tâm giác thường vắng-lặng, không có tướng gì ... do tập-quán cũ ấy nhớ mãi cho đến ngày nay, theo Phật xuất-gia được thành bậc vô-học. Đức Oai-Âm-Vương gọi tên con là Bạt-Đà-Bà-La, nhân diệu xúc tỏ bày sáng-suốt, thành vị Phật-tử trụ. Nay Phật hỏi viên-thông, thì như chỗ sở-chứng của con, quán xúc-trần làm nhơn là hơn cả.

LƯỢC GIẢI
Ông Bạt-Đà-Bà-La (Tàu dịch là Thiên-thủ hay Hiền-hộ) nhân quán xúc-trần mà ngộ nhập viên-thông. Xúc là đụng chạm, tiếp-xúc. Cảnh bị biết của thân-căn, hay nói cách khác là cảnh ứng hợp thân cần phát-sanh, nhận biết có lạnh, nóng, trơn, nhám v.v...đều gọi là xúc-trần. Như vậy, xúc-trần được phát-hiện là bởi có thân-căn với sắc-cảnh, thiếu một không thành, xúc-trần hư-dối. Vả lại như khi đối trước một lò lửa, nếu kẻ rét thì có cảm-xúc ấm, còn kẻ ấm thì lại có cảm-xúc nóng thêm. Vậy thì chỉ tuỳ chúng-sanh mà thành lạnh hay nóng, không có thật-thể nhất-định. Đối với nước cũng vậy, khi chúng ta dùng nước tắm gội thân-thể, nước chảy trên mình mà sinh ra cảm-giác thế này thế khác, gọi là xúc-trần. Nhưng xét nghiệm kỹ thì khi ta gọi là tắm rửa, ấy là rửa thân-thể hay rửa bụi trần ? Nếu nói là rửa thân-thể, thì như không có bụi trần thì lấy gì để rửa; nếu nói là rửa bụi trần, thì như nước chảy trên đất cũng gọi là tắm rửa đặng sao ? Thế thì nước, bụi trần, thân-thể vốn thật an-nhiên, nước không phải hay rửa (năng) mà bụi trần và thân-thể không phải bị rửa (sở), cho nên xúc-trần chỉ là tướng giả-dối, đối-đãi theo vọng-nghiệp chúng-sanh không xúc mà hiện xúc; nên xúc-trần đều là như huyễn : phi hữu, phi vô. Ngộ được như vậy mà tu-hành, tức thành bực vô-học.
*
6- DO PHÁP-TRẦN CHỨNG A-LA-HÁN
Ông Ma-Ha Ca-Diếp và Tỳ-kheo-ni Tử-Kim-Quang, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh-lễ dưới chân Phật và bạch rằng :__Con nhớ kiếp trước, trong thế-giới này có nhiều đức Phật ra đời hiệu Nhựt-Nguyệt-Đăng, con được thân-cận nghe pháp tu-học, sau khi Phật diệt-độ thì cúng-dường xá-lợi, đốt đèn nối ánh-sáng, lại dùng vàng tử-kim sáng chói mà thếp hình tượng của Phật. Từ đó đến nay đời đời thân con thường được đầy-đặn, ánh-sáng như đồng vàng tử-kim, còn Tỳ-kheo-ni Tử-Kim-Quang này chính là quyến-thuộc của con, đã từng cùng phát tâm một lúc với con. Con xem thấy thế-gian sáu-trần biến-hoại, nên chỉ đem tâm không-tịch tu-hành, thành diệt-tận-định. Thân-tâm tự-tại hay vượt qua trăm ngàn kiếp, dường như khảy móng tay. Con do quán-sát pháp không-tịch mà thành bậc A-la-hán; đức Thế-Tôn cho con là người tu hạnh đầu-đà bậc nhứt. Diệu-pháp mở sáng, các lậu tiêu trừ. Nay Phật hỏi viên-thông, thì như chỗ sở-chứng của con, quán pháp-trần làm nhơn là hơn cả.

LƯỢC GIẢI
Ông Ma-Ha Ca-Diếp nhơn quán pháp-trần mà ngộ-nhập viên-thông. Pháp trần là tất cả ấn-tượng của tiền trần : sắc, thanh, hương, vị, xúc lưu lại trong tâm ý mà làm cảnh sở duyên cho ý-thức. Tất cả cảnh-giới thế-gian tóm lại không ngoài sáu-trần : sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ấy. Những pháp đó luôn luôn biến-chuyển hoặc âm-thầm kín-đáo, hoặc rõ-rệt phô-bày, chứ không niệm nào yên-lặng dừng nghỉ. Vừa vị-lai đã thành hiện-tại, vừa hiện-tại đã thành quá-khứ; như vậy hãy chỉ vào đâu mà cho là có pháp thiệt. Chỉ vào vị-lai ư ? Hay chỉ vào quá-khứ, hiện-tại ? Thiệt không thể chỉ vào đâu được, pháp-trần đã không thiệt, pháp-trần là chơn-không, thì các món thọ tưởng, hư-vọng, phiền-não, nương pháp-trần sanh ra cũng liền tiêu-diệt, phá trừ ý-thức, chứng diệt-tận-định. Khi ấy thân-tâm tự-tại, đối với không-gian cũng như đối với thời-gian : không rời chỗ ngồi mà ở khắp mười phương, vượt trăm ngàn kiếp mà dường như trong giây phút khảy móng tay, thoát ngoài vòng chướng ngại của những sự lâu, mau, xa, gần, hạn cuộc.
Sáu vị trên đây do tu sáu trần mà được chứng quả.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
7- DO NHÃN-CĂN CHỨNG A-LA-HÁN
Ông A-Na-Luật-Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh-lễ dưới chân Phật mà bạch rằng :__Con mới xuất-gia thường ưa ngủ nghỉ, nên bị Như-Lai quở-trách là loại súc-sanh. Nghe lời Phật quở, con khóc-lóc tự trách, thức suốt bảy ngày không ngủ, hư cả hai mắt. Đức Thế-Tôn dạy cho con phép Tam-muội Nhạo-kiến Chiếu-minh Kim-cang. Con không do con mắt mà vẫn xem thấy mười phương, tánh chơn rỗng suốt, như xem cái trái trong bàn tay. Như-Lai ấn-chứng cho con thành bực A-la-hán. Nay Phật hỏi viên-thông, thì như chỗ sở-chứng của con, xoay cái thấy trở về tánh nguyên, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ông A-Na-Luật-Đà nhân tu về nhãn-căn, xả bỏ sắc-trần, xoay cái thấy (hư-vọng) trở về kiến-tinh (chơn-tánh) mà thành bậc vô-học.
Kiến-tánh thường diệu thường minh, nương nơi con mắt mà phát ra cái dụng thấy sắc gọi là nhãn-căn :kiến-tánh vốn đã diệu minh, cho nên kiến-dụng chẳng lúc nào không minh không diệu. Chúng-sanh nhiều kiếp mê-lầm không tự nhận biết, trở lại chấp rằng cái thấy chỉ do con mắt mà có sắc-trần; hễ có sắc-trần thì gọi rằng có thấy; còn không sắc-trần thì gọi rằng không thấy : mở mắt là thấy, nhắm mắt là không. Đã đem tánh thấy viên-dung cùng khắp mà khuôn-khổ một nơi, nên bị cách ngại, thấy không ngoài sóng mũi, thấy không thấu đặng hai đời. Dẫu khi nhắm mắt, khi ngủ mê không thấy đã đành, mà khi mở mắt cũng chẳng thấy được sự-thật của muôn pháp. Trong một đoạn trước, Phật gạn hỏi ông A-Nan về cái thấy là tâm hay con mắt ? Và Ngài đã bảo : Tâm thấy chớ không phải mắt thấy. Đây là Phật chỉ cái Kiến-tánh này cho đến cái Văn-tánh, Khứu-tánh, v.v... cho chúng-sanh rõ. Thế nên biết rằng : có mắt không tâm, không thành có thấy, có tâm không mắt cũng thấy khắp mười phương, ấy gọi là "nhạo kiến chiếu minh". Kiến-tánh bản-minh đó, xưa nay không hề lay-chuyển, ấy gọi là Kim-cang Tam-muội.
*
8- DO TỸ-CĂN MÀ CHỨNG A-LA-HÁN
Ông Châu-Lợi-Bàn-Đặc-Ca, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh-lễ dưới chân Phật và bạch rằng :__Con vì thiếu sự tụng-trì, nên tánh-tình ngu-độn, khi mới gặp Phật, nghe pháp xuất-gia, chỉ tụng-trì một câu kệ của Như-Lai, mà trong trăm ngày không thuộc, hễ nhớ trước thì quên sau, nhớ sau thì quên trước; Phật thương con ngu-muội, dạy pháp an-cư, điều-hoà hơi thở ra vào; con liền quán hơi thở đến vi-tế cùng tột, thấy các hạnh sanh, trụ, dị, diệt từng mỗi sát-na, mà tâm được rỗng-rang tự-tại không chút ngăn-ngại; hết các món lậu thành A-la-hán, ở dưới toà của Phật, được ấn-chứng thành vô-học đạo. Nay Phật hỏi viên-thông, thì như chỗ sở-chứng của con, xoay hơi thở trở về tánh không, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ông Châu-Lợi-Bàn-Đặc-Ca (là hai anh em. Tàu dịch là Đại-lộ-biên và Tiểu-lộ-biên. Đây là chỉ ông em) nhân tu tỹ-căn mà chứng-nhập viên-thông.
Kiếp xưa, ông là một vị Đại-pháp-sư vì tâm bỏn-xẻn Phật-pháp, không muốn nói cho ai nghe, nên bị quả-báo ngu-mê thiếu tánh nghe nhiều, hiểu rộng. Nhân đó Phật mới dạy phương-pháp nhiếp tâm là điều-hoà hơi thở ra vào, đếm từ một đến trăm, từ trăm lui một; sau khi tâm định-tĩnh, xét cùng tột đến tướng vi-tế của hơi thở, thảy đều sanh, trụ, dị, diệt từng mỗi sát-na. Tâm chỉ chú vào hơi thở, ngoài hơi thở không riêng có sự vật gì, cũng không có tướng hơi thở nữa, bởi vì hơi thở đã từng sát-na chuyển-biến, hơi thở không có thật tánh; vậy do tánh yên-lặng, quán cảnh thanh-tịnh, mà được rỗng-rang sáng-suốt.
 

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
9-DO THIỆT-CĂN CHỨNG A-LA-HÁN
Ông Kiều-Phạm-Bác-Đề, liền từ chỗ ngồi, đứng dậy đảnh-lễ dưới chân Phật mà bạch rằng :__Con bị khẩu-nghiệp nặng-nề; trong kiếp quá-khứ đã chê-bai vị Sa-môn, nên đời đời mắc bịnh, miệng thường nhơi như trâu. Đức Như-Lai dạy cho con pháp-môn Nhứt-Vị Thanh-Tịnh-Tâm-Địa; con nhân đó mà tâm được tịch-diệt vào tam-ma-địa, quán-sát cái tánh biết vị không phải thân, cũng không phải vật; liền trong miệng ấy, vượt bỏ các lậu thế-gian, bề trong giải-thoát thân-tâm, bề ngoài không dính-mắc thế-giới, xa-lìa ba cõi như chim ra khỏi lồng, tiêu hết các món trần-cấu, nên đặng con mắt pháp thanh-tịnh, thành A-la-hán. Đức Như-Lai ấn-chứng cho con thành vô-học đạo. Nay Phật hỏi viên-thông, thì như chỗ sở-chứng của con, xoay về quán-sát tánh biết vị ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ông Kiều-Phạm-Bác-Đề (Tàu dịch là Ngưu-từ) nhân tu thiệt-căn mà chứng-nhập viên-thông. Trong một kiếp quá-khứ, ông từng buông lời chê-bai vị lão Tăng, nên nhiều đời mắc lấy cái tật là miệng thường nhơi suông như trâu.
Phật thuyết-pháp lúc nào cũng tuỳ căn-cơ, tuỳ tập-quán chúng-sanh cả; nên Ngài đã tuỳ tập-quán của ông, mà dạy cho pháp-môn Nhứt-Vị Thanh-Tịnh Tâm-Địa; nghĩa là quán cái tánh biết vị khắp, hiện nơi thiệt-căn, vốn thường thanh-tịnh, không phải đối-đãi giả-dối, không thay đổi theo mặn, đắng, ngọt, cay, nên gọi là nhứt-vị. Đã vậy, thì cái tánh biết vị ấy không phải là thiệt-căn và không phải là vị-trần; vì chẳng phải trần nên chẳng phải vô-tri, mà chẳng phải căn nên không giả-dối; vì vậy, các món dục-lậu, hữu-lậu, vô-minh lậu, trong thế-gian không thể ô-nhiễm buộc-ràng; tuy ở trong ba cõi, mà vốn xa-lìa ba cõi, như chim ra khỏi lồng, thông-dụng tự-tại, thấy biết rộng xa. Ấy gọi là pháp-nhãn thanh-tịnh thành A-la-hán, không còn thọ-sanh trong vòng luân-hồi sanh-tử.
*
10- DO THÂN CĂN CHỨNG A-LA-HÁN.
Ông Tất-Lăng-Già-Bà-Ta liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lạy dưới chân Phật mà bạch rằng :__Lúc con mới xuất-gia theo Phật nhập đạo, thường nghe đức Như-Lai dạy những điều thống-khổ trong thế-gian; con đi khất-thực trong thành, để tâm-tư niệm pháp-môn đó, bất-giác giữa đường đạp nhằm gai độc, chân bị thương, sự đau nhức khắp cùng thân-thể. Con liền nghĩ rằng: Có tánh biết mới biết sự đau nhức đó. Tánh biết ấy chính là giác-tâm thanh-tịnh, tuy biết cái "biết đau" mà nó không phải bị đau. Con lại suy-nghĩ: Nếu như vậy thì một thân lẽ nào lại có hai tánh biết ? Con nhiếp-niệm chưa bao lâu, thân tâm bỗng-nhiên không-tịch; trong hai mươi mốt ngày thì các lậu tập tiêu hết, thành quả A-la-hán, được Phật ấn-ký, chứng bậc vô-học. Nay Phật hỏi viên-thông, thì như chỗ sở-chứng của con, là xả bỏ thân chấp, thuần một giác-tánh, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ông Tất-Lăng-Già-Bà-Ta (Tàu dịch là Dư-tập) nhân tu thân-căn mà ngộ-nhập viên-thông. Giác tâm thanh-tịnh vốn thường bất-biến, hàm-dung không có năng-sở, không có trong ngoài, không bị khổ vui làm lay-động; chúng-sinh nhơn mê, khởi ra vọng-tưởng phân-biệt, chấp có ngoại cảnh, có nội thân, cuộc tánh biết nơi thân-căn làm nơi y-chỉ, mà lãnh nạp các cảnh thuận nghịch giữa thế-gian. Vì vậy nên không tránh khỏi các món khổ.
Ông Tất-Lăng-Già-Bà-Ta nghe theo lời đức Phật dạy, quán khổ-đế giữa thế-gian trong khi đi khất-thực, bất-giác chân đạp nhằm gai độc, đau buốt toàn thân, mà càng chứng rõ khổ-đế một cách thống-thiết.
Nhân đau nhức mà ông phát suy-nghĩ: tự mình biết mình đang đau; vậy đã có cái đau lại có cái biết đau; đau là cái biết hư-vọng nơi thân-căn, tuỳ nhân-duyên ngoại cảnh mà phát-hiện có năng có sở; chữ "biết đau" chính là chỉ giác-tâm thanh-tịnh, ra ngoài có không, dù đau hay không đau cũng không thể làm tăng hay giảm. Ngặt vì trong lúc tâm ngã-pháp chưa tiêu, nên tướng năng, sở vẫn còn hiện-tiền, cần phải nhiếp-niệm vậy, sau mới không cả thân tâm, đoạn trừ năng sở, không thấy có cái tướng đau, không thấy cái tướng bị đau, chỉ thuần một giác-tâm thanh-tịnh. Lúc ấy, chẳng những giác tức là giác; mà mê cũng tức là giác; tánh-giác hoàn-toàn viên-mãn không còn bị điều chi ô-nhiễm.
 

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
11- DO Ý-CĂN MÀ CHỨNG A-LA-HÁN
Ông Tu-Bồ-Đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lạy dưới chân Phật mà bạch rằng :__Nhiều kiếp lại đây, tâm con rỗng-rang không ngại, nhớ lại kiếp thọ-sanh nhiều như số cát sông Hằng, lúc còn ở trong thai liền biết muôn pháp không-tịch, như thế cho đến thấy cả mười phương toàn không, và giáo-hoá khiến cho chúng-sanh chứng đặng không tánh. Nhờ đức Như-Lai phát-minh tánh chơn-không của bản-giác, tánh "không" viên-mãn sáng-suốt, chứng A-la-hán, liền vào biển giác không-tịch sáng-suốt tôn-quí của Như-Lai, đồng tánh tri-kiến với Phật, nên được ấn-chứng thành bực vô-học. Con do tánh không mà giải-thoát, không ai sánh bằng. Nay Phật hỏi viên-thông thì như chỗ sở-chứng của con, là đem các tướng qui vào phi tướng, mà năng-phi sở-phi cũng diệt, xoay tánh-biết nơi ý-căn về không vô, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ông Tu-Bồ-Đề (Tàu dịch là Không-sanh) nhân tiêu trừ ý-căn mà chứng-nhập Viên-thông. Ý-căn là tánh hay hiểu biết tất cả pháp-trần, hễ có pháp-trần thì có ý-căn, mà ý-căn tiêu trừ thì pháp-trần không-tịch. Pháp pháp đều không-tịch cả, dù sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn tất cả đều không; ở trong thân tâm chánh-báo không, ở ngoài thế-giới y-báo cũng không, nên tâm đặng tự-tại không bị năm-uẩn ngăn che, không bị cái hôn mê cách ấm, khi ở trong thai cũng như khi ra khỏi thai, chỉ là tuỳ tưởng-thọ sanh mà vẫn không bị sắc thân chướng cách. Tuy vậy, mặc dù ngộ được không-lý, nhưng chưa ngộ tánh chân-như của Như-Lai-Tạng là tức nơi không mà tuỳ duyên hiện-hữu, tức nơi diệu-hữu mà vốn không, cái không ấy mới thiệt là cái tánh chân-không của đệ-nhất nghĩa, của nhất chân pháp-giới; vậy nên nhất thời đốn-ngộ tánh chân-không, ấy tức đồng một tánh thấy biết cùng khắp như chư Phật, không có sai khác.
Năm vị trên đây do tu 5 căn mà chứng đạo quả.
*
12- DO NHÃN-THỨC MÀ CHỨNG A-LA-HÁN
Ông Xá-Lợi-Phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh-lễ dưới chân Phật mà bạch rằng :__Con nhiều kiếp lại đây, tâm thấy rất thanh-tịnh, như vậy trong nhiều đời thọ sanh như số cát sông Hằng, mà đối với các pháp biến-hoá của thế-gian, xuất thế-gian, hễ một phen thấy liền thông-suốt không bị ngăn-ngại. Một hôm, nhân ở giửa đường con gặp đặng hai anh em Ngài Ca-Diếp, ba người cùng đi với nhau, tuyên nói kệ nhân-duyên mà ngộ biết tự tâm vốn không ngằn mé. Con theo Phật đi xuất-gia, tánh thấy biết viên-mãn sáng-suốt, được sức vô-uý, thành A-la-hán làm trưởng-tử của Phật, từ miệng Phật mà có, do pháp Phật mà hoá-sanh. Nay Phật hỏi viên-thông, thì như chỗ sở-chứng của con là do tâm thấy pháp sáng, sáng cùng tột các pháp sở-tri, sở-kiến, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ông Xá-Lợi-Phất (Tàu dịch là Thu-tử) do tu nhãn-thức mà chứng-nhập viên-thông. Do nhãn-thức thanh-tịnh nên tất cả pháp tướng của thế-gian đều thấy thông-suốt cả; nhận thấy thông-suốt các pháp biến-hoá ấy nên đến khi nghe thấy bài kệ nhân-duyên, liền ngộ đặng thật-tướng trung-đạo, ngộ Tạng-tâm cùng khắp pháp-giới, không phải lớn nhỏ, không có ngằn mé trong ngoài. Bài kệ Nhân-duyên theo Đại-thừa nghĩa là:

"Các pháp nhân-duyên sanh,
Tôi nói nó là không,
Gọi nó là giả danh,
Cũng gọi nghĩa trung-đạo".

(Nhân-duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị không, diệc danh thị giả danh, diệc danh trung-đạo nghĩa). Các pháp do nhân-duyên hoà-hiệp sanh, không có thật tánh tức là không; tuy không nhưng đã tuỳ vọng-nghiệp cơ cảm của chúng-sanh, chẳng phải không có giả tướng phát-hiện; ngoài giả không thể có không, ngoài không không thể có giả, không và giả không hai, ấy tức là thật tướng trung-đạo của các pháp. Đã ngộ lý trung-đạo tức là ngộ được Tạng-tâm tuỳ duyên bất-biến, bất-biến tuỳ-duyên, không phải giả, không phải không, nhưng không chỗ nào không có, không pháp nào mà không do Tạng-tâm, tuỳ duyên biến-hiện, mà thấy biết cùng tận tất cả pháp không chút ngăn che sợ-hãi.
 

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
13- DO NHĨ-THỨC MÀ CHỨNG BỒ-TÁT
Ông Phổ-Hiền Bồ-Tát liền từ chổ ngồi đứng dậy, đảnh-lễ dưới chân Phật và bạch rằng :__Con đã từng làm vị Pháp-Vương-Tử với hằng-sa đức Như-Lai. Mười phương các đức Như-Lai mỗi khi dạy hàng đệ-tử có căn cơ Bồ-Tát, tu-hạnh Phổ-Hiền, thảy đều lấy tên con mà đặc tên, Bạch Thế-Tôn ! Con dùng tâm mà nghe và phân-biệt mọi niệm-lự, tri-kiến của chúng-sanh; nếu ở phương nào khác, ngoài hằng-sa cõi nước, có một chúng-sanh nào phát tâm tu niệm hạnh Phổ-Hiền, thì trong khi ấy, con liền cỡi voi trắng sáu ngà, phân hoá trăm ngàn thân đến khắp các nơi ấy; dầu cho chúng-sanh đó nghiệp chướng sâu dày không thể thấy con, thì con nhân trong khi tối-tăm lấy tay rờ đầu, gia-hộ an-ủi khiến đặng thành công-đức. Nay Phật hỏi viên-thông, như bổn-nhân chứng ngộ của con, là phát-minh tánh nghe, phân-biệt tự-tại, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ông Phổ-Hiền Bồ-Tát ( hạnh độ sanh cùng khắp pháp-giới, là Phổ, gần địa vị cực Thánh, là Hiền) nhân tu nhĩ-thức mà chứng nhập viên-thông. Phổ-Hiền có ba vị khác nhau :
1/- Vị Tiền Phổ-Hiền tức là hai vị Tư-Lương và Gia-Hạnh .
2/- Đương vị Phổ-Hiền tức là Sơ-Địa cho đến Đẳng-Giác, Diệu-Giác.
3/- Vị Hậu Phổ-Hiền, tức là khi chứng Phật quả rồi, nhưng không ở nơi cảnh Niết-Bàn, mà với Đại-Bi nguyện luôn luôn trở lại độ sanh tế vật, như Ngài Văn-Thù, Quán-Âm, Phổ-Hiền v.v..Vậy biết Ngài Phổ-Hiền là vị Đại Bồ-Tát đã thành Phật mà trở lại độ sanh. Chính trong nhân địa, Ngài đã phát 10 lời đại nguyện : Từ "Lễ kỉnh chư Phật" cho đến "Phổ giai hồi-hướng". Ngài đã phát-minh tánh nghe chơn thật của bản tâm thanh-tịnh, không còn tuỳ tùng theo cái nghe hư-vọng của nhĩ-căn và nhĩ-thức, nên không bị điều chi cách ngại; nên hễ có mỗi một chúng-sanh nào cách xa hằng-sa thế-giới mà phát tâm tu hạnh Phổ-Hiền, thì Ngài liền quán biết rõ-ràng, phân vô số thân, cỡi voi trắng sáu ngà (biểu 6 độ của Bồ-Tát) đến tận nơi mà tìm cách an-ủi khuyên lơn, tán thán, gia-hộ khiến chúng-sanh ấy mau thành-tựu như Ngài. Các vị muốn tu Bồ-Tát-thừa sau khi thấy rõ chơn-tâm, phát-minh căn-bản-trí, đều phải khởi sai-biệt-trí, tuỳ nghi phương-tiện mà giáo-hoá độ sanh mới thành-tựu viên-mãn Phật-quả; nếu thiếu hạnh Phổ-Hiền tế-độ quần-sanh thì hạnh giác-tha bị thiếu, nên Phật dạy các Bồ-Tát tu hạnh lợi-tha đều nên tu theo hạnh đức Phổ-Hiền và cũng lấy tên ấy mà làm tên của mình.
*
14- DO TỸ-THỨC MÀ CHỨNG A-LA-HÁN
Ông Tôn-Đà-La-Nan-Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh-lễ dưới chân Phật mà bạch rằng :__Con lúc đầu xuất-gia theo Phật nhập đạo, tuy đối với giới-luật (giới) giữ-gìn đầy-đủ, mà đối với pháp Tam-ma-địa (định) thì tâm thường loạn-động, nên chưa thành vô-lậu. Đức Thế-Tôn dạy con cùng ông Câu-Thi-La quán tướng trắng trên chót sống mũi. Lúc đầu quán kỹ, trải qua 21 ngày con thấy hơi trong mũi ra vào như khói, thân-tâm thế-giới trong ngoài rỗng-suốt, khắp đều trong-sạch như ngọc lưu-ly. Rồi dần dần tướng khói tiêu-tan mà hơi thở lại biến thành sắc trắng, tâm đặng khai-ngộ; các lậu tiêu-trừ, hơi thở ra vào hoá thành ánh quang-minh, soi cùng mười phương thế-giới, chứng quả A-la-hán. Đức Thế-Tôn thọ-ký cho con, tương lai chứng đặng Bồ-đề. Nay Phật hỏi viên-thông, con do tiêu-trừ hơi thở; hơi thở tiêu nên tâm phát sáng, sáng càng viên-mãn, các lậu dứt trừ, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ông Tôn-Đà-La-Nan-Đà nhân tu về tỹ-thức mà ngộ nhập viên-thông; trên đường tu-hành chơn-chánh đến kết-quả vô-thượng Bồ-đề là phải đủ ba điều-kiện cần-yếu : giới-luật, thiền-định và trí-tuệ. Giới để ngăn-ngừa tội-lổi, Định để đón dẹp vọng-tưởng tán-loạn, Huệ để phá vô-minh thấu rõ thật lý. Bởi vậy mặc dầu giữ-gìn giới-luật hoàn-toàn mà tâm thiếu thiền-quán, bị tán-loạn, thì bao nhiêu hoặc-lậu vô-minh vẫn còn tương-tục ngăn-che thánh quả vô-lậu. Thiền-quán cốt tại buộc tâm vào một chỗ hay một pháp-môn để quán-sát. Như Phật dạy ông Tôn-Đà-La-Nan-Đà và Câu-Thi-La chuyên tâm quán tướng trắng nơi đầu chót sống mũi; hễ quán tâm lần sâu-xa, thì cảnh sở-quán lần thanh-tịnh, nên thấy hơi thở có khi như hơi khói, có khi thành trắng, đến khi hoá ra ánh-sáng, đều do quán tâm sâu cạn mà ra cả. Cảnh sở-quán đã sáng-suốt, tâm năng-quán cũng viên-minh, thì thân-tâm thế-giới mười-phương, thảy đều trong-suốt như chất lưu-ly, không nhơ bợn, không ngăn cách, ấy là dứt nhân sanh-tử, được Phật thọ-ký chứng quả Bồ-đề.
 

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
15- DO THIỆT-THỨC MÀ CHỨNG A-LA-HÁN
Ông Phú-lâu-Na Di-Đa-La-Ni-Tử, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh-lễ dưới chân Phật và bạch rằng :__Con từ nhiều kiếp lại đây, biện-tài vô-ngại, tuyên nói các pháp khổ, không đạt cùng thật-tướng; như vậy cho đến tất cả pháp-môn bí-mật của hằng-sa Như-Lai, con đều đem giải-bài rất rõ-ràng, vi-diệu ra giửa đại-chúng không chút sợ-sệt. Đức Thế-Tôn biết con có tài hùng-biện, nên dùng âm-thanh tuyên nói pháp-luân dạy con đem ra truyền-bá. Con ở trước Phật dùng tiếng thuyết-pháp như sư-tử rống, để giúp Phật chuyển pháp-luân, đặng thành A-la-hán. Đức Thế-Tôn ấn-chứng con là người thuyết-pháp không ai bằng. Nay Phật hỏi viên-thông, con do pháp âm, hàng-phục lũ ma oán, tiêu-diệt các lậu, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ông Phú-Lâu-Na Di-Đa-La-Ni-Tử, nhân tu thiệt-thức mà ngộ-nhập viên-thông. Thiệt-thức có công-năng biết vị và thuyết-pháp. Phật vì muốn cứu chúng-sanh khỏi vòng điên-đảo, chấp mọi sự mọi vật là thường, là lạc, là ngã, là tịnh, nên truyền dạy pháp vô-thường, khổ, vô-ngã, bất-tịnh. Nhân đó mà hàng Nhị-thừa giải-thoát phần-đoạn sanh-tử, chứng vô-dư-y Niết-Bàn và đem giáo-hoá dẫn đạo chúng-sanh. Thật ra trong khi Phật dạy lý vô-thường, khổ, vô-ngã, bất-tịnh là mật ý cốt chỉ cho chúng-sanh đương nơi bốn điều ấy nhận thấu thật-tướng, bình-đẳng thường, lạc, ngã, tịnh của tất cả các pháp. Vì thật-tướng ấy mới là pháp-môn bí-mật của hằng-sa đức Như-Lai, là chỗ muốn chỉ cho âm-thanh-luân của Phật tuyên nói; nếu ngộ đặng pháp-môn ấy như Ngài Phú-Lâu-Na, thì biện-luận thuyết-pháp không ai sánh bằng, mặc dù nói pháp khổ, không mà không ly thật-tướng; tuy không ly thật-tướng mà tự-tại tuyên nói khổ không, để điều-nhiếp chúng-sanh, hàng phục ma ngoại.
*
16- DO THÂN-THỨC MÀ CHỨNG A-LA-HÁN
Ông Ưu-Ba-Ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh-lễ dưới chân Phật mà bạch rằng :
__Con thân hành theo Phật, thấy Ngài vượt thành xuất-gia, chính con quán thấy đức Như-Lai, 6 năm tu khổ-hạnh, hàng-phục loài ma, uốn dẹp ngoại -đạo, giải-thoát các tham-dục thế-gian; lại được thừa lảnh giáo giới của Phật chế; như thế cho đến 3.000 oai-nghi, 80.000 hạnh vi-tế, nào tánh nghiệp, nào giá nghiệp, con đều giữ-gìn thanh-tịnh, thân tâm vắng-lặng, thành bậc A-la-hán. Con là giềng mối trong chúng đệ-tử của Như-Lai. Phật ấn-chứng tâm con, giữ-giới tu thân, chúng suy-tôn là bậc thượng-thủ. Nay Phật hỏi viên-thông thì con trước do chấp giữ thân, thân đặng tự-tại; sau lại do chấp giữ tâm, tâm đặng thông-suốt. Vậy sau tất cả thân tâm thảy đều thông lợi, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ông Ưu-Ba-Ly nhân tu thân-thức mà ngộ-nhập viên-thông. Ông là một người hầu-cận của Phật trong khi Ngài còn làm Thái-tử, nên thấy rõ hành-động của Phật khi xuất-gia, khi tu khổ-hạnh cho đến khi thuyết phục tà-ma, thành đạo quả và thiết- chế giới-luật, lại là vị đệ-tử trì luật thứ nhứt, lãnh thọ giới-luật, thanh-tịnh tu-trì. Nào những điều thể-tánh vốn ác như sát, đạo, dâm, vọng gọi là tánh-nghiệp; những điều thể-tánh tuy không ác nhưng vì hay mở đường tội-lổi như rượu v.v...mà Phật chế ngăn gọi là giá-nghiệp; cho đến 3.000 oai-nghi (250 giới đều có 4 cử động là đi, đứng, ngồi, nằm 250 x 4 = 1.000; 1.000 đối với 3 tụ giới thành ra 3.000) 84.000 tế-hạnh (3.000 oai-nghi đem phối với bảy chi :sát, đạo, dâm, lưỡng-thiệt, vọng-ngôn, ác khẩu, ỷ-ngữ thành 21.000; lại phối với bốn phần phiền-não là đa tham, đa sân, đa si, tham si đồng phần, thành ra 84.000) thảy đều giữ-gìn, không giới nào khuyết phạm, thân thường ở trong giới, toàn thân tức là giới, khi giới đã đặng thanh-tịnh, thì thân ấy là thân tịch-diệt, mà tâm ấy là tâm chơn-thường diệu-giác, mặc dù ở trong thế-gian uế-ác mà không bao giờ ô-nhiễm như diệu-liên-hoa vậy.
 

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
17- DO Ý-THỨC MÀ CHỨNG A-LA-HÁN
Ông Đại-Mục-Kiền-Liên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh-lễ dưới chân Phật mà bạch rằng :__Lúc trước con đi khất-thực, giữa đường gặp ba anh em ông Ca-Diếp-Ba, là ông Ưu-Lầu-Tần-Loa, ông Già-Da và ông Na-Đề tuyên nói nghĩa nhân-duyên sâu-xa của Như-Lai; con liền phát tâm, thấu suốt rộng lớn, đức Như-Lai cho con mặc y ca-sa, râu tóc con tự rụng hết. Con dạo đi cùng mười phương, không bị ngăn-ngại, phát-minh thần-thông, được chúng suy-tôn con là hơn hết và thành A-la-hán. Đâu chỉ một mình Thế-Tôn, mà mười phương Như-Lai cũng đều khen thần-lực con, tròn sáng thanh-tịnh, tự-tại không e sợ. Nay Phật hỏi viên-thông, con xoay ý-thức về tánh viên-trạm, tam quang mở bày, ví như lắng dòng nước đục, lâu ngày thành trong suốt, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ông Đại-Mục-Kiền-Liên nhân tu ý-thức mà ngộ-nhập viên-thông. Sau khi nghe ba anh em ông Ca-Diếp-Ba nói lý nhân-duyên của Phật, liền ngộ đặng nhân-duyên thâm nghĩa, không phải như nghĩa thông-thường, nói các pháp có ra là do nhiều cái hợp lại; hơn nữa các pháp nhơn-duyên sanh tức không thiệt có, tức là như huyễn, tức là trung-đạo thật-tướng, chính nơi các pháp đối-đãi sanh diệt, mà nhận ra thật tướng, tuyệt-đối không sanh diệt. Vậy nên dầu gần dầu xa, dầu lớn dầu nhỏ, không còn chút gì ngăn-ngại, xứng ý thật-tướng, phát hiện thần-thông để độ chúng-sanh và phụng-thờ chư Phật. Vì được như vậy nên ông Mục-Kiền-Liên mới được gọi là thần-thông bực nhứt.
Sáu vị trên đây do tu sáu thức mà được viên-thông.
*
18- DO LỬA MÀ CHỨNG A-LA-HÁN
Ông Ô-Sô-Sắc-Ma ở trước Như-Lai chắp tay cúi đầu đảnh-lễ dưới chân Phật mà bạch rằng :__Con thường nhớ lại nhiều kiếp xa-xôi về trước, tánh nhiều tham-dục. Có đức Phật ra đời hiệu là Không-Vương. Ngài dạy : Người nhiều dâm-tánh là thành đống lửa hãi-hùng, lại dạy con quán khắp 100 hài 4 vóc, các khí lạnh, nóng và tinh-thần bề trong mà được ngưng tịnh, hoá tâm đa-dâm thành ra lửa trí-huệ. Từ đó chư Phật đều gọi con là Hoả-Đầu. Con do sức hoả-quang tam-muội mà thành A-la-hán, tâm phát-nguyện lớn :"Hễ chư Phật thành đạo thì con làm người lực-sĩ hầu-cận, uốn dẹp lũ ma-oán". Nay Phật hỏi viên-thông, con do quán cái xúc nóng nơi thân tâm, rỗng-suốt không ngại, các lậu tiêu trừ, phát sanh lửa trí-huệ lớn báu, lên bậc vô-thượng-giác, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ông Ô-Sô-Sắc-Ma nhân tu về Hoả-đại mà ngộ nhập viên-thông. Chỉ vì còn vọng-tưởng nên còn tánh tham dâm; do tánh tham dâm mới kết thành lửa nghiệp lẩy-lừng đốt cháy thân tâm lu mờ ánh-sáng trí-huệ. Nhưng vọng-tưởng chỉ là tâm, tham dâm chỉ là tâm, mà trí-huệ cũng chỉ là tâm; nếu tâm vọng-tưởng tham dâm ngừng tiêu, thì lửa trí-huệ phát-hiện. Ông Ô-Sô-Sắc-Ma vốn người nhiều dâm-dục; sau khi nghe đức Phật Không-Vương dạy cho biết người đa dâm biến thành đống lửa dữ, mới chuyên tâm quán-sát toàn thân tứ-đại vốn không chủ-tể; 100 hài 4 vóc, khi lạnh khi nóng v.v... đều thuộc về tứ-đại; tâm đa dâm vốn không tự-tánh, tất cả đều do vọng-tưởng mà ra; bởi tuỳ duyên biến hiện, ngộ được tất cả vô-tánh, tức thành định-lực hoả-quang tam-muội, đốt cháy hết thảy thế-gian và oán-ma sanh-tử.
 

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
19- DO ĐẤT MÀ ĐƯỢC CHỨNG BỒ-TÁT
Ông Trì-Địa Bồ-Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh-lễ dưới chân Phật và bạch rằng :__Con nhớ kiếp xưa thuở đức Phổ-Quang Như-Lai hiện thân ra đời. Con làm thầy Tỳ-Kheo thường đi đến các nẻo đường, bến đò, ruộng đất hiểm-trở, hoặc không được bằng-phẳng, phòng hại xe ngựa, thì con đắp ngay-ngắn, hoặc làm cầu cống, hoặc gánh cát, đất, siêng-năng khổ-nhọc như vậy, trải qua vô-lượng đức Phật ra đời. Hoặc có chúng-sanh ở chỗ chợ búa, cần người chuyển vật, con vì họ trước hơn ai cả, chuyển đi đến nơi tận chỗ để đồ vật xuống, liền đi ngay, chớ không nhận lấy tiền thuê. Trong khoảng đức Phật Tỳ-Xá-Phù ra đời, ở thế-gian, phần nhiều bị đói thiếu, con làm người chuyên-chở không kể gần xa, chỉ lấy thuê một tiền; nếu có xe trâu mắc phải bùn lầy, thì con đem sức-lực vì chúng đẩy xe, cứu-vớt sự khổ-não. Vị Quốc-vương thuở ấy, thỉnh Phật thiết trai cúng dường; bấy giờ con sửa sang đất-đai bằng-phẳng, chờ Phật đi qua. Đức Tỳ-Xá-Phù Như-Lai khi đi ngang qua, xoa đầu con và bảo :"Hãy bình tâm-địa thì thế-giới đại-địa tất cả đều bình". Tâm con liền đặng mở-mang, thấy rõ vi-trần tạo thành ra thế-giới, bình-đẳng không khác; tự-tánh của vi-trần không chạm lẫn nhau, cho đến đao binh cũng chẳng hề đụng-chạm; trong các pháp tự-tánh, ngộ được vô-sanh-nhẫn, thành bực A-la-hán. Xoay tâm tiểu-thừa này vào trong vị Bồ-tát, nghe các Đức Như-Lai dạy chỗ tri-kiến Phật như Diệu-Liên-Hoa; con đặng chứng tỏ lần đầu tiên mà làm vị thượng-thủ. Nay Phật hỏi viên-thông, con do chỗ đế-quán hai thứ vi-trần của căn-thân và thế-giới bình-đẳng như nhau, vốn từ Như-Lai-Tạng hư-vọng phát-sinh trần-cấu, trần-cấu tiêu rồi thì trí viên-mãn thành Bồ-Tát, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ngài Trì-Địa Bồ-Tát nhân nơi địa-đại mà chứng ngộ viên-thông. Phàm những vị phát tâm hướng cầu Bồ-Đề mà tu Bồ-Tát hạnh, thường xem việc lợi-tha làm trọng, lợi-kỷ làm khinh, lắm khi vì xả-kỷ để mà lợi nhân cũng không tiếc. Nhưng phương-tiện thực-hành Bồ-tát hạnh sai khác nhau, có vị dùng lời nói dịu-dàng thuyết pháp để lợi-ích chúng-sanh, có vị đem tiền-tài của cải bố-thí để lợi ích chúng-sanh v.v...Còn như ngài Trì-Địa thì thường đem thân lực mạnh-khoẻ mà giúp-ích nhiếp-hoá chúng-sanh; từ kiếp đức Phật Phổ-Quang xuất thế, mãi về sau vô-lượng kiếp Ngài thường đi qua các nẻo đường, bến đò, và bất cứ nơi nào hiểm-trở lầy lội, phương ngại người đi, Ngài đều ra công tự gánh đất cát sửa-sang bằng-phẳng, xây dựng cầu cống hoặc gánh gồng mang chở vật nặng giúp người về tận nơi chỗ mà không lấy tiền thuê, cho đến đẩy giùm xe trâu bùn lầy tự đi không nổi v.v... Sau nhân gặp đức Tỳ-Xá-Phù Như-Lai dạy một câu rằng :"Hãy bình tâm-địa thì thế-giới đại-địa tất cả đều bình", tâm liền khai ngộ. Ngài chứng quả vô-sanh. Câu ấy nghĩa là tất cả đại địa vi-trần từ trong thân đến ngoài thế-giới đều giả-dối, không có tự- tánh, chỉ do nhất tâm biến-hiện. Chúng-sanh vì mê không ngộ cảnh sở hiện ấy toàn là duy tâm, vốn không trong ngoài, không năng sở, không cao thấp, mà lại phân chia có trong ngoài, năng sở cao thấp, nên mới thấy tướng bất bình; nếu gạt bỏ hết các vọng-tưởng đảo-điên, mà bình được tâm địa nơi mình thì đại-địa ở ngoài thế-giới tự-nhiên bằng-phẳng, xem thấy các vi-trần hiệp thành nơi thân, vi-trần hiệp thành ngoại giới vốn đồng một tâm, tâm đồng một tánh, bình-đẳng như-như, không ngăn-ngại nhau; thì dù dao cắt vào thân-thể như rạch vào hư-không; vi-trần không diệt cũng như băng tiêu tức thành nước, chỉ tướng băng diệt chứ nước không bị mất. Pháp-tánh vốn tự viên-dung, chẳng có gì thêm, bớt, sanh, diệt. Nếu ngộ pháp-tánh ấy tức là ngộ nhập chỗ tri-kiến của Phật.
 

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
20- DO NƯỚC MÀ ĐƯỢC CHỨNG BỒ-TÁT
Ông Nguyệt-Quang Đồng-tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh-lễ dưới chân Phật và bạch rằng :__Con nhớ hằng hà sa số kiếp về trước, có đức Phật ra đời hiệu là Thuỷ-Thiên, dạy các vị Bồ-Tát tu phép quán nước, chứng-nhập chánh-định. Quán nước ở trong thân, tánh nó không cướp đoạt nhau. Đầu tiên quán từ nước miếng, rồi đến mồ-hôi, tinh-huyết, đại-tiện, tiểu-tiện, xoay-vần trong thân mà vẫn đồng một tánh nước. Quán thấy nước ở trong thân cùng với nước biển hương-thuỷ nơi cõi Phù-Tràng-Vương ngoài thế-giới, bình-đẳng không sai khác. Lúc con mới thành pháp quán nước, thì chỉ trong thấy nước mà chưa được không thân (nghĩa là còn chấp có thân này.) Đang lúc còn làm Tỳ-kheo yên-lặng tu thiền ở trong nhà, thì có người đệ-tử từ nơi cửa sổ ngó vào, chỉ thấy nước trong khắp đầy cả nhà, không thấy gì khác, nó trẻ dại không biết, liền lấy một viên ngói quăng vào trong nước, quấy nước lên tiếng, ngó quanh-quẩn rồi bỏ đi; sau khi con xuất-định, liền cảm nghe đau bụng, giống như ông Xá-Lợi-Phất gặp phải nạn quỉ vi-hại. Con tự suy-nghĩ : Nay ta đã được quả A-la-hán, khỏi bịnh duyên lâu ngày, vì sao nay bổng phát-sinh đau bụng, chừng bị thối thất chăng ! Bấy giờ đứa nhỏ thẳng đến trước con, nói lại việc như trên; con liền bảo :"Hễ ngươi trông thấy nước lại, thì nên mở cửa vào lượm viên ngói quăng đi". Đứa nhỏ vâng lời, lúc sau con nhập-định, nó trở lại thấy nước và viên ngói rõ-ràng, liền mở cửa lượm ra. Đến khi con xuất định, thân-thể lại y như cũ. Gặp vô lượng Phật, như vậy đến đời đức Sơn-Hải-Tự-Tại-Thông-Vương Như-Lai, con được vong thân, thân cùng nước biển Hương-Thuỷ khắp mười phương hiệp một tánh chơn-không, không hai không khác. Ngày nay đối trước Như-Lai được danh-hiệu Đồng-Chơn, dự hội Bồ-Tát. Nay Phật hỏi viên-thông con do thuỷ-tánh, một vị lưu-thông, chứng được phép vô-sanh-nhẫn, viên-mãn đạo Bồ-Đề, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ông Nguyệt-Quang Đồng-Tử nhân quán thuỷ-đại mà ngộ-nhập viên-thông. Thuỷ đại là chỉ tất cả nước trong biển cả, nước lưu-hành trong thân v.v...tuy thấy in tuồng có trong có ngoài mà vốn dung-thông. Quán thuỷ-đại dung-thông cùng khắp cả thế-giới, không chỗ nào không phải nước, toàn một tướng nước mà thôi, thì tâm phân-biệt tiêu-diệt, chân-trí vô phân-biệt hiện ra. Nhưng đây ông Nguyệt-Quang lúc đầu vì chưa chứng được chơn-tự-tánh; tánh thuỷ tức là chơn-không, tánh thân tức là chơn-không, tất cả đều chơn, tất cả đều không; nên ông thấy còn có thân, còn đem thân nhập-định, dụng tâm quán nước, chứ chưa phải tâm tức là định, định tức là tâm, tâm tức là nước, nước tức là tâm. Vậy nên khi nhập-định quán nước, có tướng nước hiện-tiền, đứa đồng-tử thấy nước quăng ngói vào trong, đến khi xuất-định tướng nước không còn, lại nghe bụng đau; về sau gặp đời đức Sơn-Hải Tự-Tại Thông-Vương xuất-thế mới được vong thân; thân đã vong, pháp cũng diệt, thì cùng mười phương đồng một tánh thuỷ chơn-không, không hai không khác, chẳng nhập-định xuất-định, mà tự-nhiên chứng được vô-sanh pháp-nhẫn.
 

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
21- DO GIÓ MÀ CHỨNG THÁNH-QUẢ
Ông Lưu-Ly-Quang Pháp-Vương-Tử, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh-lễ dưới chân Phật và bạch rằng :__Con còn nhớ trải qua hằng hà sa số kiếp trước, có đức Phật ra đời hiệu Vô-Lượng-Thanh, khai-thị tánh Bổn-giác diệu-minh cho các hàng Bồ-Tát, quán thế-giới này và các thân chúng-sanh, đều bởi sức gió nhân-duyên hư-vọng chuyển-biến ra. Lúc bấy giờ con quán cõi nước đứng yên, quán thời-gian qua lại, quán thân phần đi đứng, quán tâm-niệm động-lay, tất cả các thứ động không hai, như nhau không sai-khác.
Con hiểu biết rằng tánh của các món động ấy, đến thì không có chỗ ban đầu, đi không nơi cùng tột; chúng-sanh điên-đảo số như vi-trần trong mười phương, đều đồng một tánh hư-vọng cả. Như vậy cho đến những loại chúng-sanh ở trong một tam-thiên đại-thiên thế-giới, chẳng khác nào trong một cái đồ chứa hằng trăm mòng muỗi vo-vo loạn-lạc, ở trong phân tấc nổi sanh cuồng náo, gặp Phật chưa bao lâu mà chứng vô-sanh nhẫn; bây giờ tâm-địa mở-mang, trông thấy phương đông cõi Phật Bất-Động, làm con đấng Pháp-Vương (Phật), kính thờ mười phương Phật, thân tâm phát sáng, rỗng-suốt không ngăn-ngại. Nay Phật hỏi viên-thông, con do quán-sát phong-lực giả-dối không chỗ nương, ngộ tâm Bồ-Đề chứng-nhập Tam-ma-địa, hiệp với mười phương Phật, toàn một diệu-giác-tâm, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ông Lưu-Ly-Quang Pháp-Vương-Tử do phong-đại mà ngộ-nhập viên-thông. Tánh bổn-giác diệu-minh thường không diêu-động, nhân xem thấy sự chuyển-lay gọi là phong-đại hay phong-lực. Ông Lưu-Ly-Quang thường quán tất cả thân-tâm thế-giới đều nhơn phong-lực chuyển-biến, nào sự thành-lập phương-cõi, sự qua lại của thời-gian; sự động chỉ nơi thân, sự động-niệm nơi tâm, thảy đều không tự-tánh, đều do sức gió hư-vọng phát-sanh, không thật có đến có đi, hay có sanh diệt; chúng-sanh không nhận biết, chỉ do một tánh hư-vọng như thế, nên cuộc chấp nơi thân phần bé nhỏ, thân lại ràng-buộc vào thế-giới; rồi tự chịu lấy sự sanh-tử luân-hồi rất là đảo-điên oan-uổng; không khác nào trăm ngàn con mòng muỗi vô-tri ở trong đồ hẹp bé gang tấc, tự kêu la inh-ỏi, diêu-động lăng-xăng, mà thật ra gió hư-vọng không chỗ nương, chỉ nương Bồ-Đề bổn-giác. Như sóng nổi từ nước, hễ gió hư-vọng tiêu, tức bồ-Đề hiển-lộ, thông suốt không ngại. Mười phương chư Phật đều lấy cái đó làm tâm ; hết thảy chúng-sanh cũng lấy đó làm tâm, chỉ một diệu- tâm vô-nhị ấy; nhưng mà chứng-nhập được là phải diệt hết mê-lầm.
*

22- DO HƯ-KHÔNG MÀ CHỨNG BỒ-TÁT
Ông Hư-Không-Tạng Bồ-Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh-lễ dưới chân Phật mà bạch rằng :__Con với đức Như-Lai cùng ở thời đức Phật Định-Quang (Phật Nhiên-Đăng) chứng được vô-biên thân, lúc ấy tay cầm bốn viên bảo-châu lớn, chiếu sáng mười phương cõi Phật số như vi-trần, đều hoá thành hư-không. Lại nơi tự tâm hiện ra cái gương tròn lớn, từ gương phóng ra mười ánh sáng vi-diệu quí-báu; trong ánh sáng lưu-xuất mười phương các cõi nước khắp hư-không, rồi trở lại vào trong gương và lần vào thân con. Thân đồng như hư-không, chẳng còn sợ ngăn-ngại, nên có thể khéo-léo hiện thân vào các quốc-độ số như vi-trần, rộng làm Phật sự, được công-đức tuỳ thuận rộng lớn.
Đạt thần-lực như thế ấy là con chín-chắn quán-sát tứ-đại không chỗ nương, sanh-diệt theo vọng-tưởng; hư-không không hai và cõi Phật vốn đồng, phát-minh tới chỗ đồng, chứng đặng vô-sanh-nhẫn. Nay Phật hỏi viên-thông, con do quán-sát hư-không không ngằn, ngộ-nhập Tam-ma-địa, diệu-lực viên-mãn sáng-suốt ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Ngài Hư-Không-Tạng Bồ-Tát nhân tu không-đại mà chứng-nhập viên-thông.
Quán-sát 4 món đại là giả-dối, như huyễn, đều do vọng-tưởng của chúng-sanh phát-hiện; mà vọng-tưởng không có thiệt-tánh, y nơi nhứt tâm; khi đã ngộ lý duy-tâm triệt-để thì cả 4 đại sắc-không, bổn lai bình-đẳng như hư-không. Như bài kệ nói :
Hư-không chẳng phải cao, thấp cũng không thể có;
Các pháp cũng như vậy, tánh vốn không cao thấp.
Bồ-Tát Hư-Không-Tạng, đặng kho-tàng hư-không,
Đầy đủ cho hữu tình, thức ấy không cùng tận.

Đem thức tâm hư-không vô-tận ấy mà ấn-nhập tất cả pháp, thì pháp nào cũng vô-tận, toàn tâm là sắc, vậy nên tất cả pháp đều duy-tâm sở-hiện, không có thân sơ, toàn sắc là tâm, vậy nên tất cả pháp là sở-hiện duy-tâm không có trong ngoài.
Trong bài này, ngọc-châu là tiêu-biểu sắc-pháp, gương sáng là tiêu-biểu tâm-pháp. Toàn sắc là tâm, không phân chia chủ bạn, nên hay soi-chiếu mười phương vi-trần cõi Phật hoá thành hư-không. Toàn tâm là sắc, không phải xa rời nơi bổn-tế. Nên hay phóng quang hiện phương cõi, đều vào trong gương, trong thân không chút nào ngăn-ngại; chính nơi thân mà hiện độ, nơi độ mà hiện thân, để hoằng-pháp độ-sanh, tiếp-nối Phật-chủng mà không bao giờ trái với tánh bình-đẳng thanh-tịnh của pháp-thân, nên gọi là đức tuỳ-thuận rộng lớn.
 

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
23- DO THỨC-ĐẠI MÀ CHỨNG THÁNH QUẢ
Ngài Di-Lặc Bồ-Tát , liền từ chỗ ngồi đứng dây, đảnh-lễ dưới chân Phật mà bạch rằng :__Con nhớ trải qua vi-trần số kiếp về trước, có đức Phật ra đời hiệu là Nhựt-Nguyệt Đăng-Minh. Từ đức Phật ấy, con được xuất-gia, nhưng tâm con nặng-nề thế-danh, ưa giao-du với các dòng quyền-quí. Lúc ấy đức Thế-Tôn dạy con tu-tập pháp-định duy-tâm-thức mà ngộ nhập Tam-ma-địa. Nhiều kiếp lại đây, do sức Tam-muội ấy, con kính thờ hằng-hà sa-số Phật và tâm ham chuộng thế-danh kia nay đã hết. Đến kiếp đức Phật Nhiên-Đăng ra đời, con mới được chứng pháp vô-thượng diệu-viên-thức-tâm Tam-muội, thấy khắp hư-không các cõi nước dù là uế, tịnh, có, không, thảy đều do tâm-thức con biến-hoá hiện ra. Bạch Thế-Tôn ! Bởi con liễu chứng duy-tâm thức-tánh như vậy, từ thức-tánh xuất-hiện vô-lượng Như-Lai, nên nay đặng Phật thọ-ký sẽ bổ-xứ làm Phật. Nay Phật hỏi viên-thông, con do chín -chắn quán-sát mười phương đều là duy-thức, thức tâm viên-mãn sáng-suốt, chứng nhập tánh viên-thành-thật, xa-lìa tánh y-tha và biến-kế-chấp, ngộ vô-sanh-nhẫn, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Đức Di-Lặc Bồ-Tát nhân tu duy-thức mà ngộ-nhập viên-thông.
Ngộ tất cả vạn Pháp đều do nơi thức biến-hiện thì cảnh nào cũng là tánh-cảnh, cũng là tánh viên-thành-thật. Không ngộ tất cả vạn pháp do nơi thức biến-hiện, in tuồng sanh mà không thật sanh, in tuồng diệt mà không thật diệt; thì nếu chấp thiệt có sanh diệt, thành pháp y-tha. Các pháp do y-tha (nhân-duyên) sanh khởi mà không nhận là y-tha, lại so-đo sai-lầm, chấp có ngã, ngã sở, cho nên thường bị danh tướng thế-gian ràng-buộc. Tâm còn ham chuộng thế-danh, vì còn cho thế-gian là thiệt. Trái lại, sau khi ngài Di-Lặc tu-tập phép duy-tâm, duy-thức, quán-sát tất cả danh là giả, tất cả vọng-tưởng là giả, không vì duyên gì còn làm sanh-trưởng tâm ham-mê danh-vị được nữa. Lần lần chứng được vô-thượng-diệu-viên-thức-tâm tam-muội (chơn duy-thức tánh) chẳng những không thấy thiệt có tướng vạn pháp, cũng không còn thấy thiệt có tướng duy-thức; vì mười phương Như-lai, quốc-độ, sắc không v.v... đều không món nào ra ngoài thức-tánh ấy mà tự có. Các pháp đã là thức-tánh, thì pháp pháp đều là tự-tánh viên-mãn, thành-tựu chân-thật, nơi tánh viên-thành, sanh vốn vô-sanh. Cho nên xa-lìa y-tha như huyễn, nơi tánh viên-thành không thiệt có ngã và ngã-sở, xa lìa biến-kế sai-lầm, chứng pháp vô-sanh-nhẫn.
*
24- DO KIẾN-ĐẠI MÀ CHỨNG THÁNH QUẢ
Ngài Đại Thế-Chí Pháp-Vương-Tử cùng các Bồ-Tát đồng hàng là năm mươi hai vị, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh-lễ dưới chân phật và bạch rằng :__Con nhớ hằng-sa số kiếp trước, có đức Phật ra đời hiệu Vô-Lượng-Quang. Nội trong một kiếp ấy, mười hai đấng Như-Lai kế nhau ra đời. Vị Phật sau hết hiệu là Siêu-Nhựt-Nguyệt-Quang. Ngài dạy con tu phép Niệm Phật Tam-Muội. Ví như có hai người, một đàng chuyên nhớ, một đàng chuyên quên thì hai người ấy hoặc gặp nhau cũng như chẳng gặp, dù thấy nhau cũng như không thấy; nếu cả hai người đều nhớ nhau, hai mối nhớ càng ăn sâu thì dù từ đời này cho đến trải qua đời khác, cũng luôn luôn như bóng với hình, không bao giờ trái xa.
Mười phương các đức Như-Lai thương nhớ chúng-sanh như mẹ nhớ con, nếu con trốn-tránh, tuy mẹ nhớ cũng chẳng có ích gì; nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì mẹ con đời đời không xa cách nhau. Nếu chúng-sanh đem tâm nhớ Phật, niệm Phật thì hiện-tại hay tương-lai chắc chắn thấy Phật, cách Phật không xa, chẳng cần tu-hành phương-tiện nào khác mà tự-nhiên tâm được khai-ngộ. Cũng như người ướp hương mà thân có hơi hương; như thế gọi là dùng hương-quang để trang-nghiêm vậy. Chỗ bổn nhơn tu-hành của con là do tâm niệm Phật mà ngộ vô-sanh-nhẫn, nguyện ở cõi này để nhiếp-hoá mọi người niệm Phật vãng-sanh Tịnh-Độ. Nay Phật hỏi viên-thông, con vốn không lựa-chọn, chuyên thâu nhiếp cả sáu căn, khiến cho tịnh-niệm nối luôn, được vào tam-ma-địa, ấy là thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI
Kiến-đại cũng tức là căn-đại; trước thức-đại thuộc về thức, đây kiến-đại thuộc về căn. Ngài Đại-Thế-Chí Pháp-Vương-Tử, nhơn tu kiến-đại mà ngộ-nhập viên-thông.
Không như các viên-thông trước, chỉ lựa chọn từng căn để hạ thủ công-phu, mà trái lại ở đây, ngài Đại-Thế-Chí nhân phép niệm Phật tam-muội nhiếp phục cả 6 căn, qui cả 6 căn đều thâu về nơi nhứt-niệm niệm Phật, không để tán-loạn dong ruổi theo ngoại duyên. Tịnh niệm thường nối luôn, không xen một niệm gì khác, thì quyết nhiên chứng đặng niệm Phật tam-muội, thường thương-xót tưởng niệm chúng-sanh, như nhớ con dại; nếu chúng-sanh chuyên-tâm nhớ Phật, niệm Phật như con biết nhớ mẹ, như mẹ nhớ con, thì hiện-tiền hoặc tương-lai, quyết-định gặp Phật thấy Phật, vì nhân nào quả nấy mảy-mún không sai. Trái lại, Phật tuy nhớ chúng-sanh, mà chúng-sanh cứ trốn tránh không biết nhớ Phật; cũng như hai người, một bên chuyên nhớ, còn một bên chuyên quên, thì gặp cũng như không gặp, thấy cũng như không thấy, chẳng ích gì.
Vả chăng, tâm mê ngộ của chúng-sanh cũng như mẹ và con vậy. Tâm ngộ như mẹ, tâm mê như con, ngộ luôn luôn có trong mê, ví như mẹ thương nhớ con, mà mê thì không biết tự nhận, niệm niệm chuyển dời trái tánh giác, hiệp trần-lao, ví như con trốn tránh không nghĩ nhớ đến mẹ, bởi vậy mà uổng chịu luân-hồi sanh-tử ! Nếu biết phản quán, đem tâm niệm Phật giác-ngộ nơi tự tâm, thì mỗi phút mê hoá thành giác, năng sở đều chứng nhập tánh pháp-giới bình-đẳng, không ly đương độ mà nhiếp-hoá những chúng-sanh niệm Phật đồng vãng-sanh Tịnh-Độ.
Bảy vị trên đây do tu bảy đại mà chứng đạo quả.
 

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
25- DO NHĨ-CĂN MÀ ĐƯỢC NGỘ ĐẠO
Khi đó, đức Quán-Thế-Âm Bồ-Tát đứng dậy lạy Phật cung-kính và thưa rằng :
__Bạch Thế-Tôn, con nhớ từ hằng-hà sa-số kiếp về trước, có Phật ra đời, tên là Quán-Âm. Con đối trước Phật Quán-Âm phát tâm Bồ-đề. Ngài dạy con từ nơi nghe rồi nhớ và tu mà được vào chánh-định (văn, tư, tu là điều cần yếu của người tu-hành).
Khi mới nghe tiếng, không chạy theo thinh-trần, xoay cái nghe trở vào chơn-tánh (nhập lưu vong sở). Vì chổ vào (chơn-tánh) đã yên-lặng, nên động và tịnh hai món trần-cảnh không sanh.


LƯỢC GIẢI
Đại ý đoạn này nói : Khi cái nghe đối với tiếng, không khởi vọng-niệm phân-biệt theo tiếng, do xoay cái nghe trở lại tự-tánh, nên tâm yên, cảnh tịch. Đây mới giai-đoạn thứ nhứt.

__Như thế lần lần tăng tấn đến cái nghe (năng) và cảnh bị nghe (sở) cũng hết (Đoạn trên nói thinh-trần yên-tịnh, song còn cái nghe; đoạn này nói "cái nghe" và "trần bị nghe" đều hết).
__Cũng không an-trụ ở chỗ hết nghe. Cái biết hết và cái bị biết cũng không còn. (Đoạn trên nói "cái nghe với cái bị nghe hết", nhưng còn chấp ở nơi "cái hết". Đoạn này nói cũng không chấp ở nơi chỗ hết. Song sợ e còn "cái biết hết", nên nói tiếp : cái biết và cái bị biết cũng không).
__"Cái biết" và "cái bị biết" cả hai đều không, đến chỗ cùng tột viên-mãn. Song hãy còn cái "không", phải tiến lên một từng nữa là cái "không" với cái "bị không" cả hai đều diệt hết. Khi các cái sanh và diệt đã diệt hết, thì cái chơn-tâm tịch-diệt hiện-tiền.


LƯỢC GIẢI
Cách tu-hành của Ngài Quán-Thế-Âm Bồ-Tát là :
1.- Bắt đầu từ khi cái nghe đối với thinh-trần không khởi phân-biệt theo thinh-trần, nên thinh-trần tự vắng-lặng; song còn cái "nghe".
2.- Đến giai-đoạn thứ hai cái nghe (năng, sở) cũng hết, song còn cái "hết".
3.- Đến từng thứ ba không chấp ở nơi hết, song còn cái "biết hết".
4.- Đến từng thứ tư là "cái biết" đó cũng không, song còn cái "không".
5.- Lên đến từng thứ năm là cái "không" đó cũng không còn. Lúc bấy giờ cái vọng-niệm phân-biệt chấp trước đều hết, thì chơn-tâm thanh-tịnh tự hiện bày; cũng như các cặn đục đã hết, thì tánh nước trong tự hiện. Mười phương các đức Phật hay các vị đại Bồ-Tát tu-hành, chỉ có một con đường duy-nhứt là trừ hết "vọng" thì "chơn" hiện bày, như lau gương sạch bụi, thì ánh-sáng tự hiện, thế gọi là thành Phật, hay là chứng đại Niết-Bàn.


IV.- NGÀI QUÁN-THẾ-ÂM KỂ LẠI SỰ KẾT-QUẢ
(Đoạn trên là Ngài ngộ được chơn-tâm, từ đây về sau là từ chơn-tâm khởi ra diệu-dụng).
__Bạch Thế-Tôn, do con tu như vậy, nên vượt ra khỏi thế-gian, và xuất thế-gian. Vì đã được chơn-tâm thanh-tịnh sáng-suốt viên-mãn khắp cả mười phương cùng với chư Phật và chúng-sanh đồng một thể-tánh ấy, nên con được hai điều thù-thắng :
a.- Hiệp với đức "từ độ sanh" của chư Phật.
b.- Hiệp với lòng "bi ngưỡng-mộ" của tất cả chúng-sanh. Và được các món diệu-dụng như sau :

A.- HIỆN RA 32 ỨNG-THÂN ĐỂ HOÁ-ĐỘ TẤT CẢ CHÚNG-SANH
__Bạch Thế-Tôn, con nhờ chứng được chỗ đồng-thể đó, nên cùng với chư Phật hiệp đức từ, hiện ra 32 ứng-thân để tuỳ-thuận theo các chúng-sanh mà hoá-độ.
1.- Hiện thân Phật
2.- Hiện thân Độc-Giác
3.- Hiện thân Duyên-Giác
4.- Hiện thân Thinh-Văn
5.- Hiện thân Phạm-Vương
6.- Hiện thân Đế-Thích
7.- Hiện thân Trời Tự-Tại
8.- Hiện thân Trời Đại-Tự-Tại
9.- Hiện thân Đại-Tướng-Quân
10.- Hiện thân Tứ-Thiên-Vương
11.- Hiện thân Thái-Tử
12.- Hiện thân Vua
13.- Hiện thân Trưởng-Giả
14.- Hiện thân Cư-sĩ
15.- Hiện thân Tể-Quan
16.- Hiện thân Bà-La-Môn
17.- Hiện thân Tỳ-Kheo
18.- Hiện thân Tỳ-Kheo-Ni
19.- Hiện thân Ưu-Bà-Tắc
20.- Hiện thân Ưu-Bà-Di
21.- Hiện thân bà Chúa
22.- Hiện thân đồng-nam
23.- Hiện thân đồng-nữ
24.- Hiện thân Trời
25.- Hiện thân Rồng
26.- Hiện thân Dược-Xoa
27.- Hiện thân Càn-Thát-Bà
28.- Hiện thân A-Tu-La
29.- Hiện thân Khẩn-Na-La
30.- Hiện thân Ma-Hầu-La-Dà
31.- Hiện thân người
32.- Hiện thân các chúng-sanh


B.- ĐƯỢC 14 MÓN KHÔNG SỢ
__Bạch Thế-Tôn, con nhờ tu pháp này, chứng được chỗ đồng thể với chúng-sanh, nên cùng với chúng-sanh đồng một lòng bi ngưỡng-mộ. Vì thế nên con khiến cho các chúng-sanh đặng 14 món không sợ :
1.- Chúng-sanh khổ-não quán tiếng-tăm được giải-thoát
2.- Vào lửa không cháy
3.- Vào nước không chìm
4.- Quỷ không hại được
5.- Dao chặt không đứt
6.- Quỷ không thể thấy được
7.- Không ai trói cột được
8.- Không ai trộm cướp được
9.- Lìa tâm dâm-dục
10.- Lìa nóng-giận
11.- Lìa si-mê
12.- Cầu nam đặng nam
13.- Cầu nữ đặng nữ
14.- Niệm danh hiệu Quán-Thế-Âm công-đức bằng niệm danh-hiệu của hằng-sa Bồ-Tát.


C.- ĐƯỢC 4 MÓN KHÔNG THỂ NGHĨ-BÀN
__Bạch Thế-Tôn, con nhờ tu pháp-môn này mà đặng bốn món thần-diệu không thể nghĩ-bàn :
1.- Hiện nhiều đầu, nhiều tay và nhiều mắt,
2.- Hiện hình nói thần-chú,
3.- Chúng-sanh hy-sinh tài-sản cầu con thương-xót,
4.- Chúng-sanh cầu chi được nấy.

__Bạch Thế-Tôn, do đó mà đức Phật Quán-Âm thọ-ký cho con tên là Quán-Thế-Âm .
 

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
BÀI THỨ MƯỜI BA
I.- Phật bảo Ngài Văn-thù lựa pháp tu viên-thông.
II.- Ngài Văn-Thù vâng lời Phật lựa phương-pháp tu.
III.- Chúng-sanh ở thế-giới Ta-Bà nhờ nghe nói pháp mới biết đường lối tu-hành.
IV.- Công-năng của nhỉ-căn (tai nghe).
V.- Ngài Văn-Thù quở trách A-Nan học nhiều mà không tu.
VI.- Các vị nghe pháp được chứng ngộ.
VII.- Ngài A-Nan cầu Phật dạy phương-pháp để độ chúng-sanh đời sau.
VIII.- Phật dạy phải tu Giới, Định, Huệ.
IX.-Nói về đại-thừa tâm giới có bốn :
A- Đoạn lòng dâm-dục
B- Đoạn lòng sát-hại
C- Đoạn trừ trộm cướp
D- Đoạn trừ vọng-ngữ


BÀI THỨ MƯỜI BA
II.- PHẬT BẢO NGÀI VĂN-THÙ LỰA PHÁP TU VIÊN-THÔNG
Khi ấy Phật bảo Ngài Văn-Thù Sư-Lợi :__Ông đã nghe các vị Đại Bồ-Tát và A-La-Hán vừa trình bày các phương-pháp tu-hành được thành đạo-quả. Thật ra 25 pháp tu này, đối với các vị Thánh, thì tu pháp nào cũng đều được chứng quả cả, không có pháp nào hơn và kém. Song nay ta muốn cho A-Nan và chúng-sanh đời sau, nếu muốn vào Đại-Thừa Bồ-Tát thì đối với 25 pháp tu này, ông nên lựa pháp nào tu-hành để mau thành đạo vô-thượng Bồ-Đề.


II.- NGÀI VĂN-THÙ VÂNG LỜI PHẬT LỰA PHƯƠNG-PHÁP TU
Ngài Văn-Thù Sư-Lợi vâng lời Phật dạy, đứng dậy lạy Phật, kính cẩn nói bài kệ, khen chơn-tâm nhiệm-mầu sáng-suốt, chỉ rõ cái "vọng" vốn không và lựa chọn pháp tu viên-thông.
NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN :

Giác hải tánh trừng viên
Viên trừng giác nguyên diệu
Nguyên minh chiếu sanh sở
Sở lập chiếu tánh vong

Mê vọng hữu hư-không
Y không lập thế-giới
Tưởng trừng thành quốc-độ
Tri-giác nãi chúng-sanh

Không sanh đại-giác trung
Như hải nhứt âu phát
Hữu-lậu vi-trần quốc
Giai y không sở sanh

Âu diệt không bổn vô
Huống phục chư tam hữu
Qui nguyên tánh vô nhị
Phương-tiện hữu đa môn

Thánh tánh vô bát thông
Thuận nghịch giai phương-tiện
Sơ tâm nhập tam-muội
Trì tốc bất đồng luân ...

(Ngài Văn-Thù dịch nghĩa bài kệ trên).
__Chơn-tâm thanh-tịnh viên-mãn lại nhiệm-mầu, như biển đứng lặng và rộng sâu. Vì vọng-động chiếu soi (phân-biệt) nên sanh ra có cảnh bị chiếu (bị phân-biệt). Khi năng, sở đã vọng sanh, thì cái "tánh chơn" lại ẩn (chiếu tánh vong).


LƯỢC GIẢI
Như biển đứng lặng lóng trong, vì xao-động nên thành sóng, lúc bấy giờ tánh trong lặng của nước bị ẩn đi v.v...

__Từ mê-muội vọng-động cho nên có hư-không, nhơn hư-không mà có thế-giới. Những vọng-tưởng si-mê lóng lại thành ra thế-giới, còn cái phân-biệt hiểu biết thì làm chúng-sanh.
Hư-không sanh ở trong chơn-tâm rộng lớn này, cũng như chùm bọt nổi trên mặt biển. Thế-giới nhiều như vi-trần đều y hư-không mà sanh; khi bọt tan cũng như hư-không diệt, thì hằng-sa thế-giới đều tiêu hết.
Trở về chơn-tâm thì đồng một, nhưng trên đường tu có nhiều phương-tiện. Đối với bực Thánh, tu pháp nào cũng đều chứng-quả, dầu khó hay dễ cũng đều là phương-tiện cả. Còn đối với kẻ sơ tâm tu-hành lại có khó và dễ, bởi căn-cơ không đồng. Hôm nay con xét 25 pháp tu của các vị Thánh vừa trình bày thì duy có pháp tu Nhỉ-Căn (tai nghe) của Ngài Quán-Thế-Âm mới là viên-thông.


III.- CHÚNG-SANH Ở THẾ-GIỚI TA-BÀ NÀY NHỜ CÓ NGHE PHÁP MỚI BIẾT ĐƯỜNG LỐI TU-HÀNH
__Bạch Thế-tôn, Phật ra đời ở thế-giới Ta-Bà này, dùng âm-thanh nói pháp để giáo-hoá chúng-sanh. Chúng-sanh nhờ có nghe tiếng của phật nói pháp mới biết đường lối tu-hành được thanh-tịnh. Hôm nay muốn đặng chánh-định, quyết phải nhờ có nghe rồi mới tu được.


IV.- CÔNG NĂNG CỦA NHĨ-CĂN (TAI NGHE)
__Bạch Thế-Tôn, như lời Ngài Quán-Thế-Âm nói : "Ngài ở chỗ thanh-vắng, mười phương đồng đánh trống, nhứt thời đồng được nghe"; nên duy có nhĩ-căn (tai nghe) mới được viên-thông. Mắt xem còn bị cách ngại; miệng, mũi, thân và ý cũng không bằng, chỉ có nhĩ-căn là hơn hết. Mặc dầu bị cách vách, hay tiếng ở xa gần, tai đều nghe được cả, nên nhĩ-căn mới thật là viên-thông.
Âm-thanh khi có, khi không, còn cái nghe lúc nào cũng có. khi không có tiếng, thế-gian nói rằng :"không nghe"; thật ra chẳng phải "cái nghe" không có. Không tiếng, cái nghe không diệt; có tiếng, cái nghe cũng không sanh. Bởi cái nghe không có sanh và diệt, nên nó mới thật là thường.
Dầu cho ở trong chiêm-bao, tâm không có suy-nghĩ phân-biệt, mà "cái nghe" ấy cũng không mất (Vì khi đang chiêm-bao vẫn còn nghe tiếng chày giã gạo). Cái nghe, nó thoát ngoài tâm-niệm suy-nghĩ phân-biệt, nên thân và tâm (thức thứ sáu) đều không bằng (không bằng cái nghe).
 
Last edited:

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
V.- NGÀI VĂN-THÙ QUỞ TRÁCH ÔNG A-NAN HỌC NHIỀU MÀ KHÔNG TU
__Nay chúng-sanh ở thế-giới Ta-Bà này, nhờ có nghe nói chỉ dạy, nên mới hiểu biết tu-hành. Song chúng-sanh vì mê cái "tánh nghe thường còn" của mình, cứ chạy theo tiếng nói phân-biệt, cho nên mới bị lưu-chuyển.
A-Nan, ông tuy học rộng nhớ nhiều, nhưng vì chạy theo vọng-trần phân-biệt, nên không khỏi đoạ lạc theo tà. Nếu ông xoay cái nghe trở vào tự-tánh, thì sẽ đặng hết vọng.
A-Nan, ông nên chú-ý nghe : Tôi vâng oai-thần của Phật, nói pháp-môn tu-hành này. Ông đem cái nghe của ông, nghe tất cả pháp-môn thâm-mật của chư Phật, nhiều như vi-trần, nếu các phiền-não dục-lậu không trừ, thì cái nghe càng thêm lầm-lổi. Ông biết đem cái nghe của ông, để nghe các pháp-môn của chư Phật, sao ông không đem cái nghe đó, trở lại nghe "tánh nghe" (chơn-tánh) của mình.
A-Nan, cái "nghe" nó không phải tự-nhiên sanh, do có tiếng (thinh-trần) nên mới gọi rằng "nghe". Nếu xoay cái nghe trở vào tự-tánh, không chạy theo tiếng, thế là thoát-ly được cái tiếng, (thinh-trần) lúc bấy giờ cái nghe này cũng không còn gọi tên là nghe nữa (vì không còn đối-đãi, nên chẳng có tên kêu gọi). Một căn (lỗ tai) đã được phản-vọng trở về chơn rồi, thì cả sáu căn cũng đều được giải-thoát.
A-Nan, các cảm-giác : thấy, nghe, hay, biết của ông đó, đều là hư-huyễn, như con mắt bị nhặm. Còn ba cõi sum-la vạn-tượng đây, cũng không thật, đều như hoa đốm giữa hư-không. Khi cái thấy, nghe, hay, biết xoay trở lại chơn rồi, thì cũng như con mắt kia hết nhặm. Khi các vọng-trần tiêu hết, thì tâm ông được thanh-tịnh.

LƯỢC GIẢI
Vì vọng-động cho nên mới có thấy, nghe, hay, biết là năng phân-biệt. Bởi có năng phân-biệt, nên mới có cảnh bị phân-biệt là ba cõi muôn vật. Đến khi năng phân-biệt hết, thì cảnh bị phân-biệt cũng tiêu, lúc bấy giờ chơn-tánh hiện-bày. Cũng như vì bị mắt nhặm nên mới thấy hoa đốm; đến khi nhặm hết, thì hoa đốm không còn, thì chỉ còn con mắt trong sáng.

Khi tâm hoàn-toàn thanh-tịnh rồi, thì cái trí quang sáng-suốt hiện ra. Lúc bấy giờ chơn-tâm ông vừa tịch-tịnh lại vừa chiếu soi, bao-trùm khắp cả mười phương hư-không thế-giới, lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh-vật hiện-tiền ở thế-gian này, cũng như là việc trong chiêm-bao. Khi ông được như thế rồi thì nàng Ma-Đăng-Già ở trong mộng kia làm gì bắt ông được !
A-Nan, dụ như các nhà huyễn-thuật, làm các thứ hình tuy có thấy cử-động, nhưng cốt-yếu tại cái máy rút. Nếu máy kia thôi rút, thì các huyễn kia yên-lặng, đều không có tự-tánh.
Sáu căn của ông cũng thế, gốc từ nơi tâm, vì vô-minh vọng-động thành ra sáu căn, nếu một căn được phản-vọng về chơn rồi, thì sáu dụng kia (sáu giác quan) đều không thành. Nếu trần-cấu còn thì ông vẫn còn ở địa-vị hữu-học (còn phải tu). Khi trần-cấu hết, thì tâm-tánh ông được hoàn-toàn sáng-suốt, đó là Phật.
A-Nan, ông chỉ xoay cái nghe của mình trở về nghe chơn-tánh, không chạy theo phân-biệt vọng-trần bên ngoài, thì ông liền thành đạo vô-thượng, đây thật là pháp tu viên-thông.
Các đức Phật nhiều như số vi-trần cũng đều do một con đường này mà đến cửa Niết-Bàn. Hiện tại các vị Bồ-Tát và những người tu-hành đời sau, đều y pháp môn này mà thành đạo. Chính tôi cũng nhờ pháp-môn này mà được chứng quả, đâu phải một mình Ngài Quán-Thế-Âm tu mà thôi.
__Nay Phật dạy con lựa pháp-môn tu-hành, để cho người đời sau tu-hành mau thành đạo quả, thì duy có pháp tu của Ngài Quán-Thế-Âm là hơn hết. Còn bao nhiêu các pháp tu-hành khác, đều nhờ oai-thần của Phật gia-hộ mới được thành-tựu. Các pháp ấy đều từ nơi sự tướng mà dẹp trừ trần-lao, nên không phải là một phương-pháp trường-kỳ tu-tập.
Kính lạy đức Như-Lai, xin Ngài gia-hộ cho chúng-sanh đời sau, đối với pháp-môn này không còn mê-lầm. Bạch Thế-Tôn, phương-pháp này rất là dễ tu, mau được thành đạo-quả, có thể đem dạy A-nan và chúng-sanh đời sau, y theo đây tu-hành thì hơn các phương-pháp khác. Đây là do lòng thành thật của con lựa-chọn như thế.

VI.- CÁC VỊ NGHE PHÁP ĐƯỢC CHỨNG NGỘ
A-Nan và đại-chúng nghe Ngài Văn-Thù nói bài kệ rồi thì tâm-tánh đều được khai-ngộ, đối với quả Phật Bồ-Đề và đại Niết-Bàn hiểu rất rành-rõ, cũng như người đi xa quê-hương, đã biết rõ con đường về nhà, nhưng chưa có dịp trở về. Trong đại-hội có vô số Thiên, Long, Bát-Bộ, các hàng Nhị-Thừa hữu-học và các vị Bồ-Tát mới phát tâm, đều được xa-lìa trần-cấu, ngộ được chơn-tâm. Rất nhiều vị Tỳ-Kheo Ni nghe bài kệ này rồi, đặng thành A-la-hán và vô-lượng chúng-sanh đều phát Bồ-Đề tâm.

Lưu ý: Từ trước đến đây là nói về phần y-ngộ đốn-tu. Từ đây về sau là nói về phần tiệm-tu.
 

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
VII.- A-NAN CẦU PHẬT CHỈ DẠY PHƯƠNG-PHÁP ĐỂ ĐỘ CHÚNG-SANH ĐỜI SAU
Ngài A-Nan cúi đầu lạy Phật kính-cẩn thưa rằng :__Bạch Thế-Tôn, con nay đã hiểu pháp-môn tu-hành để thành Phật rồi; trên đường tu-hành con không còn lầm-lạc nữa. Nhưng con thường nghe Phật dạy :
"Người chưa được ngộ mà muốn độ người, đó là tâm Bồ-Tát. Còn người đã được giác-ngộ hoàn-toàn, rồi giác-ngộ cho người, đó là việc làm của Như-Lai". Nay con chưa được ngộ, mà phát tâm muốn độ cho tất cả chúng-sanh đời sau.
Bạch Thế-tôn, tất cả chúng-sanh đời sau cách Phật càng xa, lại gặp chúng tà-sư ngoại-đạo nói pháp nhiều như cát bụi. Vậy nếu có chúng-sanh phát- tâm tu-hành, thì làm sao để tránh xa các ma-chướng, đối với con đường Bồ-Đề, tâm không thối-lui ?

VIII.- PHẬT DẠY PHẢI TU GIỚI, ĐỊNH, HUỆ
Phật khen Ngài A-Nan và dạy rằng :__Ông hỏi phương-pháp tu-hành để độ chúng-sanh trầm-luân đời sau, vậy ông nên chú-ý nghe, ta sẽ vì các ông chỉ dạy.
__Này A-Nan, ông đã thường nghe ta dạy, người tu-hành quyết-định phải đủ ba điều cần-yếu :
1.-Dùng giới-luật nhiếp-phục tự tâm.
2.-Nhơn giữ giới, tâm mới sanh định.
3.-Nhơn định, tâm phát huệ
Đây gọi là ba món tu vô-lậu. (Vì tu ba phép này, thì không còn sa-đoạ).

LƯỢC GIẢI
Ngài An Pháp-Sư nói :"Giới, Định, Huệ là cái cửa của người vào đạo, cũng là cái ải trọng-yếu để vào thành Niết-Bàn".
Ngài La-Thập Pháp-Sư nói :"Trì giới mới hay chiết-phục được phiền-não, làm cho phiền-não yếu thế. Thiền-định như bốn cái núi để ngăn giòng nước phiền-não. Trí-huệ diệt được hết phiền-não".
Trong kinh Niết-Bàn nói :"Có phiền-não thì không trí-huệ, có trí huệ thì không phiền-não".

IX.- NÓI VỀ ĐẠI-THỪA TÂM-GIỚI CÓ BỐN : DÂM, SÁT, ĐẠO, VỌNG
A.- Trước đoạn lòng dâm .__A-Nan, tại sao dùng giới-luật để nhiếp-phục tự tâm ?__Này A-Nan, nếu các chúng-sanh trong tâm không còn nghĩ đến việc dâm-dục nữa, thì sẽ ra khỏi sanh-tử luân-hồi.
Ông tu-hành quyết cầu ra khỏi trần-lao, nếu tâm dâm-dục không trừ, thì cảnh trần-lao không bao giờ ra khỏi. Dầu cho ông hiện-tiền đặng nhiều trí-huệ và thiền-định, cũng sẽ đọa vào ma-đạo. Thượng-phẩm làm ma chúa, trung-phẩm làm ma dân, hạ-phẩm làm ma nữ. Các loài ma kia cũng đều có đồ-đệ và tự xưng đã thành đạo vô-thượng Bồ-Đề.
Sau khi ta nhập-diệt rồi, vào đời mạt-pháp, chúng ma này rất thạnh-hành trong thế-gian, ưa làm việc tham-dục, xưng là thiện-tri-thức của chúng-sanh, khiến cho chúng-sanh đọa vào hầm tà-kiến, mất con đường Bồ-Đề.
A-Nan, ông tu thiền-định, nếu không đoạn lòng dâm, thì cũng như người nấu cát muốn cho thành cơm, dầu trải bao nhiêu kiếp cũng không thể thành cơm được.
Ông đem tâm dâm-dục để cầu quả Phật, dầu cho ông có được diệu-ngộ đi nữa, cũng không ra khỏi tam-giới, vì gốc của nó là dâm thì làm sao ra khỏi sanh-tử luân-hồi được; huống chi quả Niết-Bàn của Phật, ông làm sao chứng được.
Nên quyết-định phải đoạn-trừ dâm-cơ : Trong tâm ngoài thân đều đoạn, cho đến cái biết đoạn cũng không còn, được như thế thì đối với quả Phật Bồ-Đề, ông mới có hy-vọng !
Vậy ông nên dạy người tu-hành , điều thứ nhứt là quyết-định phải đoạn trừ lòng dâm, đây là lời chỉ dạy sáng-suốt trong sạch của ta và của các đức Phật quá-khứ. Như lời ta dạy đây mới gọi là Phật nói, trái lại là Thiên-Ma Ba-Tuần nói.

LƯỢC GIẢI
Đây là Đại-Thừa giới, cao-siêu và khó hơn Tiểu-Thừa giới nhiều. Nếu tâm còn nghĩ tưởng đến dâm, sát, đạo và vọng, thế là phạm giới rồi.
Tổ Đơn-Hà dạy :"Nếu người chưa tỏ-ngộ được chơn-tâm thanh-tịnh của mình, thì hột giống dâm còn ẩn núp". Nói cho dể hiểu, nếu còn vô-minh, thì chơn-tâm sáng-suốt chẳng hiện, thế là giới-thể chưa được thanh-tịnh.
Phật-Tử đọc đến đoạn này, chớ nên thấy khó mà nản lòng. Phải biết rằng việc tu-hành cũng như lóng nước để lâu quyết-định sẽ trong, và cũng như lột bẹ chuối, lột mãi sẽ đến lỏi.
Người tu-hành cũng thế, trước đoạn phần thô-thiển ngoài thân, sau dần dần trừ đến phần tế-nhị trong tâm, lâu ngày thành tánh quen, thì quyết-định có ngày sẽ được thanh-tịnh. Điều cốt yếu là nên nhớ lời Phật dạy có bốn chữ "bất tuỳ phân-biệt". Nghĩa là khi đối cảnh không khởi vọng-niệm phân-biệt thì tham, sân, si không khởi. Tham, sân, si không khởi thì sát, đạo, dâm không sanh. Đây là lối tu tắt của Đại-Thừa, để trở lại với chơn-tâm thanh-tịnh.
 
Last edited:

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
B.- Đoạn lòng sát hại .__A-Nan, nếu các chúng-sanh trong tâm không nghĩ tưởng đến việc sát-hại, thì không còn bị sanh-tử luân-hồi nữa. Ông tu-hành quyết cầu ra khỏi trần-lao, nếu ông không đoạn trừ tâm sát-hại, thì cảnh trần-lao không bao giờ ra khỏi. Dầu cho hiện-tiền ông được nhiều trí-huệ hay thiền-định, nếu không đoạn tâm sát-hại, thì ông chỉ đọa vào thần đạo. Bực thượng làm Đại-Lực-Quỉ, bực trung làm Phi-Hành-Dạ-Xoa, và các loài Quỉ-soái, bực hạ làm Địa-Hành La-Sát và các Quỉ-Thần. Các loài Quỉ-Thần này cũng có đồ-đệ, đều tự cho mình thành đạo vô-thượng.
Sau khi ta diệt-độ rồi, trong đời mạt-pháp, các loài Quỉ-Thần này rất thạnh-hành trong thế-gian, và tuyên-bố rằng :"Ăn thịt cũng được đạo Bồ-Đề". A-Nan, trước kia ta cho các ông ăn ngũ-tịnh-nhục, là vì ở nhằm địa-phương đất chai, nhiều đá sỏi, không trồng rau cải được, nên ta tạm cho các ông dùng. Sau khi ta diệt-độ rồi, tại sao những người ăn thịt chúng-sanh, mà cũng xưng là Tăng-Lữ.

LƯỢC GIẢI
Trong kinh Lăng-Già, Đức Phật dạy Ngài Đại-Huệ Bồ-Tát :"Ta trước kia phương-tiện cho các ông ăn năm thứ thịt hoặc mười thứ, hôm nay tất cả đều cấm tuyệt".

__A-Nan, những người ăn thịt, dầu cho có đặng tâm trí khai-ngộ, cũng thành quỉ Đại-La-Sát, đến khi mãn kiếp quỉ La-Sát rồi, quyết-định phải trầm-luân trong biển khổ sanh-tử. Giết hại ăn thịt lẫn nhau, thì làm sao ra khỏi sanh-tử luân-hồi được.
A-Nan, ông tu thiền-định, nếu không trừ tâm sát-hại mà muốn cầu được đạo, thì cũng như người tự bịt hai lỗ tai của mình, la tiếng thiệt lớn, mà muốn cho mọi người không nghe, thì không thể được.
A-Nan, ông nên dạy người tu-hành, điều thứ hai là quyết-định phải đoạn trừ lòng sát-hại. Đây là lời sáng-suốt trong sạch của ta cũng là lời các đức Phật quá-khứ đã chỉ dạy.
Như lời ta dạy đây mới gọi là Phật nói, trái lại là Thiên-Ma-Ba-Tuần nói.
*
C.- Đoạn trừ trộm-cướp .__A-Nan, nếu các chúng-sanh, trong tâm không nghĩ tưởng đến việc (tham lam) trộm cướp, thì không còn sanh-tử luân-hồi nữa. Các ông tu-hành quyết cầu ra khỏi cảnh trần-lao, nếu tâm (tham lam) trộm cướp không trừ, thì không bao giờ ra khỏi.
Dầu cho hiện-tiền ông đặng nhiều trí-huệ hay thiền-định, nếu không đoạn tâm (tham lam) trộm cướp, thì quyết-định đọa vào tà-đạo. Bực thượng làm loài tinh-linh, bực trung làm loài yêu-mỵ, bực hạ làm người tà, bị các loài tinh-yêu này nhập (dựa). Bọn này cũng có đồ-đệ, đều tự xưng rằng :"đã đặng đạo vô-thượng".
Sau khi ta diệt-độ rồi, trong đời mạt-pháp, chúng tinh-yêu tà-mỵ này rất thạnh-hành trong đời, tự xưng là thiện-tri-thức, dối gạt phỉnh-phờ người, khiến cho người mất tâm chánh-tín; chúng nó đi đến đâu thì làm cho người tiêu hao tài-sản đến đó.
A-Nan, ông tu thiền-định, nếu không đoạn trừ tâm trộm cướp, mà muốn cầu cho được đạo quả, thì cũng như người rót nước vào chén bể, mà muốn cho đầy, dầu trải bao nhiêu kiếp cũng không thể đầy được. Ông nên dạy người tu-hành, điều thứ ba là quyết-định phải đoạn trừ tâm trộm cướp. Đây là lời nói sáng-suốt trong sạch của ta cũng như của các đức Phật quá-khứ. Đúng như lời ta dạy gọi là Phật nói, trái lại là Thiên-Ma-Ba-Tuần nói.
*
D.- Đoạn trừ vọng-ngữ .__A-Nan, nếu các chúng-sanh, đã giữ hoàn toàn ba hạnh trên là không sát, đạo, dâm rồi mà còn đại vọng-ngữ, thì tâm cũng không thanh-tịnh, mất hột giống Phật, thành ma ái-kiến. Thế nào là đại vọng-ngữ ? Nghĩa là: chưa đặng đạo nói mình đặng đạo, chưa chứng quả nói mình chứng quả. Đối với người đời, nói :"Ta đã chứng Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-Tát và Phật ", để trông cầu người lạy cúng. Những người nói dối như thế, làm tiêu-diệt hột giống Phật, sẽ đoạ vào trong biển khổ. Cũng như cây Đa-La khi bị chặt đứt đọt rồi (loại cây này giống như cây cau xứ ta) thì không thể mọc chồi đâm tượt được.
A-Nan, ta có dạy các vị Bồ-Tát và các vị A-La-Hán :"Sau khi ta diệt độ rồi, các ông phải thị hiện thân hình, trong đời mạt-pháp để cứu độ các chúng-sanh đang trầm-luân, thị hiện làm thầy sa-môn, cư-sĩ, vua, quan, đồng-nam, đồng-nữ, cho đến thị hiện đàn-bà goá, kẻ dâm-nữ, người gian-giảo, kẻ trộm cướp, người hàng thịt, kẻ buôn-bán, để lẩn-lộn trong từng lớp người, chung một nghề-nghiệp, đặng giáo-hoá chúng-sanh trở về chánh-đạo".
Nhưng các vị ấy quyết chẳng bao giờ nói :"Ta đây thật là Bồ-Tát hoặc A-La-Hán v.v..." hay tỏ ra một vài cử-chỉ gì làm tiết-lộ sự bí-mật, để cho người ta biết mình là Thánh-Nhơn thị-hiện. Chỉ trừ sau khi mạng-chung rồi, các vị ấy mới âm-thầm để lại một vài di-tích cho người biết thôi.

LƯỢC GIẢI
Các Phật-Tử đọc đến đoạn này nên chú-ý: Phật và Bồ-Tát thị-hiện, chúng ta không thể biết được; nếu chúng ta biết được thì đó không phải thiệt là Phật hay Bồ-Tát. Chỉ trừ khi nào các vị ấy cổi bỏ xác phàm, mới lưu lại một vài di-tích, lúc bấy giờ chúng ta mới biết được. Nhưng khi biết, thì không còn gặp các Ngài nữa.
Như Tổ Đạt-Ma hiện thân đến Trung-Quốc, vua Lương Võ-Đế không biết; nhưng đến khi biết được Ngài là Thánh thì không còn thấy được Ngài.
Vậy hiện nay những người tự xưng mình là Phật hay Bồ-Tát v.v...giáng-thế, thì chúng ta hãy căn-cứ vào đoạn kinh này, chúng ta sẽ thấy rõ-ràng và chắc-chắn không phải thiệt Phật hay Bồ-Tát rồi, chớ nên tin mà bị hại.
*
__A-Nan, chính thật Bồ-Tát hay A-La-Hán thị-hiện, mà còn không cho người biết, tại sao những người phàm-phu lại dám mạo xưng là Phật, Bồ-Tát v.v...Cũng như người cùng-đinh, mà mạo xưng mình là Đế-Vương, thì sẽ bị tội tru-diệt.
A-Nan, nếu người tu-hành, không đoạn trừ đại vọng-ngữ, mà muốn được đạo, thì cũng như người lấy đồ hôi tanh, tô đắp thành cái hình chiên-đàn, muốn cho thơm chừng nào lại càng hôi chừng nấy. Cái nhơn đã chẳng ngay, thì kết-quả phải cong vậy. Những người như thế mà cầu quả Phật Bồ-Đề, thì cũng như người muốn tự cắn cái rún của mình, làm sao cắn được !
A-Nan, ông nên dạy người tu-hành, điều thứ tư là quyết-định phải đoạn trừ đại vọng-ngữ. Đây là lời sáng-suốt trong sạch của ta, và các đức Phật quá-khứ chỉ dạy. Đúng như lời ta dạy đây thì gọi là Phật nói, trái lại là Thiên-Ma Ba-Tuần nói.

LƯỢC GIẢI
Bốn đoạn trên Đức Phật ân-cần nhắc-nhở, nói đi lập lại nhiều lần. Phật-tử chúng ta nên ghi xương tạc dạ những lời vàng ngọc chỉ dạy rất thống-thiết của đức Từ-phụ.
 

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
BÀI THỨ MƯỜI BỐN
I.- Phật dạy trì-chú Lăng-Nghiêm
II.- Ngài A-Nan cầu Phật nói lại thần-chú
III.- Phật phóng hào-quang nói thần-chú
IV.- Công-năng của thần-chú
V.- Các vị thiện-thần phát tâm bảo-hộ người trì-chú
VI.- Ngài A-Nan hỏi Phật : Tu-hành phải trải qua bao nhiêu địa-vị
VII.- Phật dạy ba món tiệm thứ
VIII.- Tu-hành phải trải qua năm mươi lăm địa-vị mới đến quả Phật
IX.- Năm mươi món ma-chướng (ngũ-ấm ma)
X.- Mười món ma về sắc-ấm:
1.-Thân-thể không bị chướng-ngại
2.- Lượm bỏ trùng sán trong thân
3.- Nghe trong hư không có tiếng nói pháp
4.- Thấy Phật hiện và hoa sen trổ
5.- Thấy các vật báu đầy cả hư-không
6.- Thấy ban đêm như ban ngày
7.- Thấy thân-thể không biết đau
8.- Thấy cảnh-giới Phật hiện khắp
9.- Ban đêm thấy nghe được phương xa
10.- Thân hình biến-hoá, nói pháp thông-suốt

BÀI THỨ MƯỜI BỐN
I.- PHẬT DẠY TRÌ-CHÚ LĂNG-NGHIÊM
__A-Nan, người tu-hành phải gìn-giữ bốn điều luật-nghi cần yếu : dâm, Sát, Đạo, Vọng cho trong sạch, cũng như băng tuyết, nơi tâm không khởi vọng-niệm, duyên theo ngoại cảnh, (chử duyên ở đây nghĩa là : Duyên khởi, duyên do thích hay ghét mà dính theo ngoại cảnh) thì chúng ma kia không làm sao sanh được (vì trong tâm vọng-động, nên ngoại-ma mới ứng).
Nếu người nào nghiệp-chướng nặng-nề không thể trừ được, ông nên dạy họ chí-tâm trì-chú Lăng-Nghiêm này, thì các nghiệp-chướng tiêu-diệt. Bằng chứng là ông cùng với nàng Ma-Đăng-Già, tình ân-ái làm chồng-vợ đã khắn-khít nhau từ nhiều kíêp, đâu phải mới một đời này; nhờ thần-chú Lăng-Nghiêm mà nàng Ma-Đăng-Già nguồn tình khô-cạn và được thành A-La-Hán.
Ma-Đăng-Già là kẻ dâm-nữ, không có tâm tu-hành còn được thành quả Thánh, huống chi các ông là bực Thinh-Văn, có chí cầu đạo vô-thượng, lại trì-tụng chú này, thì quyết-định thành Phật rất dễ, cũng như thuận gió tung bụi, chẳng có khó gì.

LƯỢC GIẢI
Trong đoạn kinh này Phật dạy phương-pháp tu-hành để thành Phật, tóm lại có ba điều :
1.- Bất tuỳ phân-biệt .__Nghĩa là, khi đối cảnh không khởi vọng-tâm phân-biệt, thì tham, sân, si chẳng sanh. Tham, sân, si không sanh thì các nghiệp sát, đạo, dâm chẳng tạo. Nghiệp nhơn không tạo thì quả-báo chẳng có. Nói tóm lại là "xoay các tri-giác trở về chơn-tâm", không duyên theo trần cảnh thì vọng-niệm không sanh, vọng niệm không sanh thì chơn-tâm hiện bày.
Tổ-sư có dạy: "Kiến sắc phi can sắc, văn thinh bất thị thinh"; nghĩa là thấy sắc không can hệ gì đến sắc, nghe tiếng cũng không dính-líu gì đến tiếng. Hay như câu: "Ngộ thinh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa, kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết" : Gặp sắc đẹp hay nghe tiếng hay, như hoa trồng trên đá (không dính-líu gì); thấy tài-lợi và danh-vọng như bụi rớt trong con mắt. Nếu người đến trình-độ này rồi, thì dầu vào thanh-lâu hay tửu-điếm cũng đều là đạo-tràng thanh-tịnh, (dâm phòng tửu tứ vô phi thanh-tịnh đạo-tràng).
2.- Trì-giới .__Phải giữ-gìn giới-luật, trong tâm ngoài thân đều thanh-tịnh như băng tuyết.
3.- Trì chú Lăng-Nghiêm .__Nếu người nào nghiệp-chướng nặng-nề, thì cần phải trì tụng thần-chú Lăng-Nghiêm sẽ mau đặng thành đạo-quả. Trong ba pháp tu này, bực thượng-căn, trung-căn và hạ-căn đều tu được cả. Thật là lòng từ-bi của Phật vô-lượng, mưa pháp khắp trùm, cỏ cây lớn nhỏ đều được thấm nhuần.

II.- NGÀI A-NAN CẦU PHẬT NÓI LẠI THẦN-CHÚ
Ngài A-Nan đứng dậy đảnh-lễ Phật và kính-cẩn bạch rằng :__"Bạch Thế-Tôn, con từ khi xuất-gia đến nay, vì ỷ-lại lòng thương yêu của Phật, chỉ lo học rộng nghe nhiều, chẳng chuyên tu-tập, nên chẳng chứng được đạo-quả, thành thử phải bị tà-thuật của Phạm-Thiên bắt; trong tâm con tuy thông-suốt mà năng-lực không được tự-do, nên còn phải nhờ Ngài Văn-Thù đến cứu-độ. Con tuy nhờ thần-chú Lăng-Nghiêm của Phật mới được giải-thoát, nhưng chính con chưa được nghe, cúi xin đức Thế-tôn từ-bi nói lại, khiến cho những người tu-hành hiện-tại và chúng-sanh luân-hồi đời sau, nhờ thần-chú này mà thân tâm được giải-thoát.
 

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
III.- PHẬT PHÓNG HÀO-QUANG NÓI THẦN-CHÚ
Khi đó từ nơi nhục-kế (đảnh) của Phật, phóng ra hào-quang trăm báu; trong hào-quang xuất-hiện ra hoa sen báu ngàn cánh. Trong hoa sen có đức Hoá-Phật ngồi, trên đảnh Ngài phóng ra mười đạo hào-quang sáng-suốt trăm báu. Trong mỗi đạo hào-quang đều có thị-hiện vô-số thần Kim-Cang : vị bưng núi, vị cầm bảo-sử v.v...đứng khắp cả hư-không. Đại chúng trông thấy vừa mừng vừa sợ, đều cầu Phật thương-xót chở-che và nhứt tâm chờ nghe Phật nói thần-chú.

Pht nói thần chú :

(Đ Ệ - N H Ứ T)

Nam-mô tát đát tha tô già đa da a la ha đế tam miệu tam bồ đà toả . Tát đát tha Phật đà cu-tri sắc ni sam .
Nam-mô tát bà bột đà bột địa , tát đa bệ tệ .
Nam-mô tát đa nẩm tam-miệu tam-bồ-đà cu-tri nẩm .
Ta xá ra bà ca tăng già nẩm .
Nam-mô lô kê A-La-Hán đa nẩm .
Nam-mô tô lô đa ba na nẩm .
Nam-mô ta yết rị đà già di nẩm .
Nam-mô lô-kê tam-miệu già đa nẩm . Tam-miệu già ba ra để ba đa na nẩm .
Nam-mô đề bà ly sắc noả .
Nam-mô tất đà da tỳ địa da đà ra ly sắc noả . Xá ba noa yết ra ha ta ha ta ra ma tha nẩm .
Nam-mô bạt ra ha ma-ni .
Nam-mô nhơn đà ra da .
Nam-mô bà già bà đế , lô đà ra da . Ô ma bát đế , ta hê dạ da . Nam-mô bà già bà đế .
Na ra dả noa da . Bàn giá ma-ha tam mộ đà ra .
Nam-mô tất yết rị đa da .
Nam-mô bà già bà đế. Ma-ha ca ra da . Địa rị bát lặc na già ra . Tỳ đà ra ba noa ca ra da . A địa mục đế . Thi ma xá na nê bà tất nê . Ma đát rị già noa .
Nam-mô tất yết rị đa da . Nam-mô bà già bà đế . Đa tha già đa cu ra da .
Nam-mô bát đầu ma cu ra da .
Nam-mô bạc xà ra cu ra da .
Nam-mô ma ni cu ra da .
Nam-mô già xà cu ra da .
Nam-mô bà già bà đế , đế rị trà du ra tây na , ba ra ha ra noa ra xà da , đa tha già đa da .
Nam-mô bà già bà đế .
Nam-mô a di đa bà da , đa tha dà đa da , a ra ha đế , tam-miệu tam-bồ-đà da .
Nam-mô bà già bà đế , a sô bệ da , đa tha già đa da , a ra ha đế , tam-miệu tam-bồ-đà da .
Nam-mô bà dà bà đế , bệ sa xà da cu lô phệ trụ rị da , bác ra bà ra xà da , đa tha già đa da .
Nam-mô bà già bà đế , tam bổ sư tỷ đa , tát lân nại ra lặc xà da , đa tha già đa da , a ra ha đế , tam-miệu tam-bồ-đà da .
Nam-mô bà già bà đế , xá kê dã mẫu na duệ , đa tha già đa da , a ra ha đế , Tam-miệu tam-bồ-đà da .
Nam-mô bà già bà đế , lặc đác na kê đô ra xà da , đa tha dà đa da , a ra ha đế , tam-miệu tam-bồ đà da , đế biều nam-mô tát yết rị da , ế đàm bà già bà đa . Tát đát tha già đô sắc ni sam , tát đát đa bác đác lam .
Nam-mô a bà ra thị đam , bác ra đế dương kỳ ra , tát ra bà bộ đa yết ra ha , ni yết ra ha yết ca ra ha ni , bạc ra tỷ địa da sất đà nể , a ca ra mật rị trụ , bác rị đát ra da nảnh yết rị , tát ra bà bàn đà na mục xoa ni , tát ra bà đột sắc tra đột tất phạp , bát na nể phạt ra ni , giả đô ra thất đế nẩm , yết ra ha ta ha tát ra nhã xà , tỳ đa băng ta na yết rị , a sắc tra băng xá đế nẩm , na xoa sát đác ra nhả xà , ba ra tát đà na yết rị , a sắc tra nẩm , ma ha yết ra ha nhả xà , tỳ đa băng tát na yết rị , tát bà xá đô lô nể bà ra nhã xà , hô lam đột tất phạp , nan giá na xá ni , tỷ sa xá tất đác ra , a kiết ni ô đà ca ra nhã xà , a bác ra thị đa cu ra , ma ha bác ra chiến trì , ma ha điệp đa , ma ha đế xà , ma ha thuế đa xà bà ra , ma ha bạt ra bàn đà ra bà tất nể , a rị da đa ra , tỳ rị cu tri , thệ bà tỳ xà da , bạt xà ra ma lễ để , tỳ xá lô đa , bột đằng dõng ca , bạt xà ra chế hắt na a giá , ma ra chế bà bác ra chất đa , bạc xà ra thiện trì , tỳ xá ra giá , phiến đa xá bệ đề bà bổ thị đa , tô ma lô ba , ma ha thuế đa , a rị da đa ra , ma ha bà ra , a bác ra , bạt xà ra thương yết ra chế bà , bạt xà ra cu ma rị , cu lam đà rị , bạt xà ra hắc tát đa giá , tỳ địa gia kiền giá na ma rị ca , khuất tô mẫu bà yết ra đá na , bệ lô giá na cu rị da , dạ ra thố sắc ni sam , tỳ chiết lam bà ma ni giá , bạt xà ra ca na ca ba ra bà , lô xà na bạt xà ra đốn trỉ giá , thuế đa giá ca ma ra sát xa thi ba ra bà , ế đế di đế , mẫu đà ra yết noa , ta bệ ra sám , quật phạ đô , ấn thố na mạ mạ toả .
 
Last edited:

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
( Đ Ệ - N H Ị )

Ô hồng rị sắc yết noa , bác lặc xá tất đa , tát đát tha già đô sắc ni sam . Hổ hồng đô lô ung chim bà na . Hổ hồng đô lô ung tất đam bà na . Hổ hồng đô lô ung ba ra sắc địa da tam bác xá noa yết ra . Hổ hồng đô lô ung , tát bà dược xoa hắc ra sát ta , yết ra ha nhã xà , tỳ đằng băng tát na yết ra . Hổ hồng đô lô ung , giả đô ra thi để nẩm yết ra ha ta ha tát ra nẩm , tỳ đằng băng tát na ra . Hổ hồng đô lô ung , ra xoa, bà già phạm tát đát tha già đô sắc ni sam , ba ra điểm xà kiết rị , ma ha ta ha tát ra , bột thọ ta ha tát ra thất rị sa , cu tri ta ha tát nê đế lệ , a tệ đề thị bà rị đa , tra tra anh ca ma ha bạt xà lô đà ra , đế rị bồ-đà na , man trà ra , ô hồng , ta tất đế bạc bà đô , mạ mạ , ấn thố na mạ mạ toả .


( Đ Ệ - T A M)


Ra xà bà dạ , chủ ra bạt dạ , a kỳ ni bà dạ , ô đà ca bà dạ , tỳ xa bà dạ , xá tất đa ra bà dạ , bà ra chước yết ra bà dạ , đột sắc xoa bà dạ , a xá nể bà dạ , a ca ra mật rị trụ bà dạ , đà ra ni bộ di kiếm ba già ba đà bà dạ , ô ra ca bà đa bà dạ , lặc xà đàng trà bà dạ , na già bà dạ , tỳ điều đát bà dạ , tô ba ra noa bà dạ , dược xoa yết ra ha , ra xoa tư yết ra ha , tất rị đa yết ra ha , tỳ xá giá yết ra ha , bộ đa yết ra ha , cưu bàn trà yết ra ha , bổ đơn na yết ra ha , ca tra bổ đơn na yết ra ha , tất kiền độ yết ra ha , a bá tất ma ra yết ra ha , ô đàn ma đà yết ra ha , xa dạ yết ra ha , hê rị bà đế yết ra ha , xả đa ha rị nẩm , yết bà ha rị nẩm , lô địa ra ha rị nẩm , man ta ha rị nẩm , mê đà ha rị nẩm , ma xà ha rị nẩm , xà đa ha rị nữ , thị tỷ đa ha rị nẩm , tỳ đa ha rị nẩm , bà đa ha rị nẩm , a du giá ha rị nữ , chất đa ha rị nữ , đế sam tát bệ sam , tát bà yết ra ha nẩm , tỳ đà dạ xà sân đà dạ di , kê ra dạ di , ba rị bạt ra giả ca hất rị đởm , tỳ đà dạ xà sân đà dạ di , kê ra dạ di , trà diễn ni hất rị đởm , tỳ đà dạ xà sân đà dạ di , kê ra dạ di , ma ha bát du bác đát dạ , lô đà ra hất rị đởm , tỳ đà dạ xà sân đà dạ di , kê ra dạ di , na ra dạ noa hất rị đởm , tỳ đà dạ xà sân đà dạ di , kê ra dạ di , đát đoả già lô trà tây hất rị đởm , tỳ đà dạ xà sân đà dạ di , kê ra dạ di , ma ha ca ra ma đát rị già noa hất rị đởm , tỳ đà dạ xà sân đà dạ di , kê ra dạ di , ca ba rị ca hất rị đởm , tỳ đà dạ xà sân đà dạ di , kê ra dạ di , xà dạ yết ra , ma độ yết ra , tát bà ra tha ta đạt na hất rị đởm , tỳ đà dạ xà sân đà dạ di , kê ra dạ di , giả đốt ra bà kỳ nễ hất rị đởm , tỳ đà dạ xà sân đà dạ di , kê ra dạ di , tỳ rị dương hất rị tri , nan đà kê sa ra dà noa bác đế , sách hê dạ hất rị đởm , tỳ đà dạ xà sân đà dạ di , kê ra dạ di , na yết na xá ra bà noa hất rị đởm , tỳ đà dạ xà sân đà dạ di , kê ra dạ di , a-la-hán hất rị đởm , tỳ đà dạ xà sân đà dạ di , kê ra dạ di , tỳ đa ra già hất rị đởm , tỳ đà dạ xà sân đà dạ di , kê ra dạ di , bạt xà ra ba nễ , cu hê dạ , cu hê dạ ca địa bát đế hất rị đởm , tỳ đà dạ xà sân đà dạ di , kê ra dạ di , ra xoa võng bà già phạm , ấn thố na mạ mạ toả .
 
Last edited:

bangtam

Phó Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2,823
Điểm tương tác
841
Điểm
113
( Đ Ệ - T Ứ )


Bà già phạm , tát đát đa bát đát ra . Nam-mô tý đô đế , a tất đa na ra lặc ca , ba ra bà tất phổ tra , tỳ ca tát đát đa bát đế rị , thập phật ra thập phật ra , đà ra đà ra , tần đà ra tần đà ra , sân đà sân đà . Hổ hồng , hổ hồng , phấn tra , phấn tra , phấn tra , phấn tra ta ha , hê hê phấn , a mâu ca da phấn , a ba ra đề ha đa phấn , ba ra ba ra đà phấn , a tố ra tỳ đà ra ba ca phấn , tát bà đề bệ tệ phấn , tát bà na già tệ phấn , tát bà dược-xoa tệ phấn , tát bà kiền-thát bà tệ phấn , tát bà bổ đơn na tệ phấn , ca tra bổ đơn na tệ phấn , tát bà đột lang chỉ đế tệ phấn , tát bà đột sáp tỷ lê hất sắc đế tệ phấn , tát bà thập bà lê tệ phấn , tát bà a bá tất ma lê tệ phấn , tát bà xá ra bà noa tệ phấn , tát bà địa đế kê tệ phấn , tát bà đát ma đà kê tệ phấn , tát bà tỳ đà da ra thệ giá lê tệ phấn , xà dạ yết ra ma độ yết ra , tát bà ra tha ta đà kê tệ phấn , tỳ địa dạ giá lê tệ phấn , giả đô ra phược kỳ nể tệ phấn , bạt xà ra cu ma rị , tỳ đà dạ ra thệ tệ phấn , ma ha ba ra đinh dương xoa kỳ rị tệ phấn , bạt xà ra thương yết ra dạ , ba ra trượng kỳ ra xà da phấn , ma ha ca ra dạ , ma ha mạt đát rị ca noa .
Nam-mô ta yết rị đa dạ phấn , tỷ sắc noa tỳ dụê phấn , bột ra ha mâu ni dụê phấn , a kỳ ni dụê phấn , ma ha yết rị dụê phấn , yết ra đàn tri dụê phấn , miệc đát rị dụê phấn , lao đát rị dụê phấn , giá văn trà dụê phấn , yết la ra đát rị dụê phấn , ca bát rị dụê phấn , a địa mục chất đa ca thi ma xá na , bà tư nể dụê phấn , diễn kết chất , tát đoả bà toả mạ mạ ấn thố na mạ mạ toả .
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên