- Tham gia
- 2/12/06
- Bài viết
- 5,891
- Điểm tương tác
- 1,535
- Điểm
- 113
KINH DUY-MA-CẬT
Dịch giả: Thích Huệ Hưng
_____
IV Phẫm Bồ-tát (1)
Dịch giả: Thích Huệ Hưng
_____
IV Phẫm Bồ-tát (1)
BỒ TÁT DI LẶC (2)
Lúc bấy giờ Phật bảo Bồ Tát Di Lặc :
– Ông đi đến thăm bịnh ông Duy Ma Cật.
Di Lặc bạch Phật :
– Bạch Thế Tôn ! Con không kham lãnh đến thăm bịnh ông. Vì sao ? - Nhớ lại lúc trước con nói hạnh “bất thối chuyển” (3), cho vị Thiên Vương ở cõi trời Ðâu Suất và quyến thuộc của người, lúc ấy ông Duy Ma Cật đến nói với con rằng :
“Ngài Di Lặc ! Thế Tôn thọ ký (4) cho Ngài một đời sẽ được quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, đó là đời nào mà Ngài được thọ ký ? Ðời quá khứ chăng ? Ðời vị lai chăng ? Ðời hiện tại chăng ? Nếu là đời quá khứ thời quá khứ đã qua. Nếu là đời vị lai thời vị lai chưa đến. Nếu là đời hiện tại thời hiện tại không dừng (trụ) . Như lời Phật nói : “Này Tỳ Kheo! Như ông ngay bây giờ cũng sanh, cũng già, cũng chết !”. Nếu dùng vô sanh (5) mà được thọ ký, thì vô sanh tức là chánh vị (6), ở trong chánh vị cũng không thọ ký, cũng không được quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Thế nào Di Lặc được thọ ký một đời ư ? Là từ “Như” sanh mà được thọ ký, hay là từ “Như” diệt mà được thọ ký ? Nếu từ Như sanh mà được thọ ký, mà Như không có sanh. Nếu từ Như diệt được thọ ký, mà Như không có diệt. Tất cả chúng sanh đều Như, tất cả Pháp cũng Như, các Thánh Hiền cũng Như, cho đến Di Lặc cũng Như. Nếu Di Lặc được thọ ký, tất cả chúng sanh cũng phải được thọ ký - Vì sao ? Vì Như không hai không khác. Nếu Di Lặc được quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, tất cả chúng sanh cũng đều được. Vì sao ? - Tất cả chúng sanh chính là tướng Bồ Ðề(7). Nếu Di Lặc được diệt độ, tất cả chúng sanh cũng phải diệt độ. Vì sao ? - Chư Phật biết tất cả chúng sanh rốt ráo vắng lặng, chính là tướng Niết bàn, chẳng còn diệt nữa.
Cho nên Di Lặc, chớ dùng Pháp đó dạy bảo các Thiên tử, thật không có chi phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, cũng không có chi thối lui. Ngài Di Lặc ! Phải làm cho các vị Thiên tử này bỏ chỗ kiến chấp phân biệt Bồ Ðề. Vì sao ? Bồ Ðề không thể dùng thân được, không thể dùng tâm được. Tịch diệt là Bồ Ðề, vì diệt các tướng; chẳng nhận xét là Bồ Ðề, vì ly các duyên ; chẳng hiện hạnh là Bồ Ðề, vì không ghi nhớ; đoạn là Bồ Ðề, bỏ các kiến chấp ; ly là Bồ Ðề, lìa các vọng tưởng ; chướng là Bồ Ðề, ngăn các nguyện (8) ; bất nhập là Bồ Ðề, không tham đắm ; thuận là Bồ Ðề, thuận chơn như ; trụ là Bồ Ðề, trụ pháp tánh ; đến là Bồ Ðề, đến thật tế ; bất nhị (9) là Bồ Ðề, ly ý pháp; bình đẳng là Bồ Ðề, đồng hư không ; vô vi là Bồ Ðề, không sanh, trụ, diệt ; tri là Bồ Ðề, rõ tâm hạnh chúng sanh ; không hội là Bồ Ðề, các nhập không nhóm(10) ; không hiệp là Bồ Ðề, rời tập khí phiền não; không xứ sở là Bồ Ðề, không hình sắc ; giả danh là Bồ Ðề, danh tự vốn không; như huyễn hóa là Bồ Đề, không thủ xả ; không loạn là Bồ Ðề, thường tự vắng lặng ; thiện tịch là Bồ Ðề, tánh thanh tịnh ; không thủ là Bồ Ðề, rời phan duyên; không khác là Bồ Ðề, các Pháp đồng đẳng ; không sanh là Bồ Ðề, không thể ví dụ ; vi diệu là Bồ Ðề, các Pháp khó biết.
– Bạch Thế Tôn ! Khi ông Duy Ma Cật nói Pháp ấy, hai trăm vị Thiên tử chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Vì thế, nên con không kham lãnh đến thăm bịnh ông.