- Tham gia
- 2/12/06
- Bài viết
- 5,891
- Điểm tương tác
- 1,535
- Điểm
- 113
Mà nói đến ăn xin, tôi nhận xét thấy một điều thật tương phản giữa người Ấn
độ và người Tây tạng. Đó là, người Ấn độ đi ăn xin rất nhiều. Nhan nhản trên
đường phố Ấn độ. Người Ấn độ ăn mày còn vào cả trong các tu viện đi ăn xin
các du khách và chư tăng, nhất là trong những dịp lễ lạc lớn khi có nhiều
người ngoại quốc về tham dự. Và họ níu kéo cả tay áo của du khách, làm
phiền cho đến khi xin được tiền mới thôi. Ngược lại, trong suốt những lần đi
về các tu viện và các trại tỵ nạn của người Tây tạng, cũng như trong suốt
thời gian ở tại Dharamsala, tôi chưa hề thấy một người Tây tạng nào đi ăn
xin. Có những người Tây tạng rất nghèo khó, làm việc cực nhọc kinh khủng
để kiếm sống, nhưng họ không đi ăn xin, không ăn cắp, và họ rất vui vẻ,
hiếu khách và dễ dàng chia sớt vật dụng thức ăn cho người khác. Điều này
cũng làm cho tôi phải sinh lòng kính trọng nền văn hóa đặc biệt ấy. Đến đây,
tôi lại bồi hồi nhớ đến lần công tác ở Việt nam, khi đó tôi vào thăm Huế, chợ
Đông Ba, dân chúng cũng có cái giống như người Tây tạng, rất giữ nề nếp, đi
bán chè cũng mặc áo dài, nhưng chân đi đất vì nghèo, và cũng giữ cái liêm
chính không ăn cắp vặt. Tôi nghĩ, người Huế giữ được cái truyền thống của
mình, làm cho du khách đến thăm phải sinh lòng kính trọng…
Sau năm tiếng đi xe, chúng tôi tới Bangalore, thày viện trưởng đưa tôi vào
khách sạn quen, trong đó đã có thấy nhiều vị tăng quen biết đang ở. Tôi còn
được hơn một ngày để đi dạo chơi thành phố Bangalore. Khác với lần thày
viện trưởng dẫn tôi đi Bangalore năm 2002, hồi đó, ngài dẫn tôi đi thăm thú
nhiều nơi. Bây giờ, ngài đã già hơn, và chỉ dặn tôi là thích đi chơi đâu thì cứ
đi, còn thày chỉ ở trong phòng của khách sạn thôi.
Tôi cũng đâu có thích thú đi chơi gì lắm. Đầu tiên là về phòng tắm rửa sau
chuyến đi dài 5 tiếng mệt mỏi. Sau đó, tôi cần một thời thiền định để an
tâm, rồi mới đi đâu thì hãy tính sau. Tôi kính chào thày và đi về phòng mình.
Trong thời thiền quán, không biết tại sao lòng tôi cứ xúc động liên miên và
trào nước mắt. Phải chăng là vì những ưu tư lo lắng của thày viện trưởng khi
ngài kể lại cho tôi nghe những khó khăn hiện giờ tu viện phải đương đầu, mà
chính yếu là vấn đề chủ nghĩa đồng hóa và đàn áp cũng như xâm phạm chủ
quyền của Trung quốc đối với người Tây tạng... Những lo lắng đương đầu với
các vấn đề chính trị và ảnh hưởng của Trung quốc đối với chính phủ Ấn độ,
làm cho chính phủ lưu vong của Tây tạng càng ngày càng gặp khó khăn
trong chính sách đối ngoại cũng như đối với đồng bào tỵ nạn. Hay là vì tôi
thấy thày đã già đi, không còn như năm 2002, khỏe mạnh và dẫn tôi đi
thăm mọi nơi… Những kỷ niệm quá khứ trở về, mà ngày hôm nay, tất cả như
là giấc mộng.
Sau thời thiền quán, tôi ngủ một giấc chưa kịp thức dậy, thì có tiếng gõ cửa.
Hai vị tăng thị giả của thày viện trưởng rủ tôi đi ăn cơm trưa trễ và nhân tiện
mua chút gì về cho thày. Chúng tôi ăn nhanh nhanh để mang thức ăn về
phòng cho thày, và tôi ngồi bên thày suốt buổi ăn trưa thật trễ đó. Nghe
thày kể chuyện điều hành của tu viện, những khó khăn hiện tại của thày
cũng như của đức Đạt Lai Lạt Ma đối với tình hình Tây tạng và với nhóm tu
tập pháp môn Shugden Dorje…Khi thày ăn xong và nằm nghỉ, tôi xin phép
thày ra ngoài đi dạo một vòng , nhân tiện gửi vài lá điện thư thăm hỏi và kể
chuyện cho bạn bè về chuyến đi của mình.
Trên đường về phòng, tôi ghé qua một tiệm trái cây bên lề đường, mua một
ký quýt lớn, tôi biết thứ quýt lớn, tươi và ngọt này, thày viện trưởng rất
thích, định bụng để cúng dường ngài sau thời nghỉ ngơi. Lần trước năm
2002, tôi cũng rất thường mua quýt này cúng dường thày dùng sau thời gian
nghỉ trưa.