Tải trọn bộ quyển Giáo Hành Tín Chứng

Kim Cang Thoi Luan

Registered
Phật tử
Tham gia
13 Thg 8 2018
Bài viết
932
Điểm tương tác
210
Điểm
43
Giáo Hành Tín Chứng của ngài Thân Loan
Quy mạng Vô Lượng Thọ Như Lai

Nam mô Bất Khả Tư Nghị Quang

Bồ-tát Pháp Tạng lúc nhân vị

Đến chỗ Phật Thế Tự Tại Vương

Thấy nhân tố tịnh độ chư Phật

Thiện ác nhân thiên cùng quốc độ

Kiến lập nguyện thù thắng vô thượng

Khởi phát thệ rộng lớn hiếm có

Năm kiếp suy xét để nhiếp lấy

Nguyện rằng danh tiếng vang mười phương

Vô Lượng, Vô Biên Quang tỏa khắp

Vô ngại, Vô Đối Quang, Viêm Vương

Thanh Tịnh, Hoan Hỷ, Trí Tuệ Quang

Bất Đoạn, Nan Tư, Vô Xứng Quang

Siêu Nhật Nguyệt Quang chiếu cõi bụi

Tất cả quần sinh mong sáng soi

Bản nguyện danh hiệu[1] chánh định nghiệp[2]

Chí tâm tín lạc nguyện[3] làm nhân

Thành Đẳng giác, chứng Đại Niết-bàn

Tất chí diệt độ nguyện[4] thành tựu

Như lai sở dĩ hiện ở đời

Chỉ nói Di Đà bản nguyện hải

Thời ác năm trược biển quần sinh

Phải tin lời thật của Như Lai

Phát khởi một niệm tâm hỷ ái[5]

Chẳng đoạn phiền não được Niết-bàn

Phàm Thánh, nghịch báng cùng hồi nhập

Các sông vào biển một mùi vị

Nhiếp thủ tâm quang thường soi giữ[6]

Bóng tối vô minh bị phá vỡ

Tham ái giận ghét làm mây mù

Che bầu trời tín tâm chân thật[7]

Khi mặt nhật bị mây mù che

Dưới mây mù vẫn sáng không tối

Được tín, thấy kính rất mừng vui [8]

Liền vượt ngang[9] cắt năm đường ác

Tất cả thiện ác kẻ phàm phu

Nghe tin Như Lai hoằng thệ nguyện

Phật nói bậc thắng giải rộng lớn

Người ấy là hoa phân-đà-lợi[10]

Phật Di Đà, bản nguyện niệm Phật

Chúng sinh ác, tà kiến kiêu mạn

Tín lạc thọ trì rất là khó[11]

Khó trong khó không gì qua đây.[12]



Những Luận sư Ấn Độ Tây thiên

Cùng cao Tăng Trung Hạ, Nhật Bản

Nói ý thú Đức Phật xuất thế

Bày Như Lai bản nguyện ứng cơ[13]



Thích Ca Như Lai núi Lăng Già

Vì chúng huyền ký Nam Thiên Trúc

Đại sĩ Long Thọ hiện ra đời

Phá vỡ mọi kiến chấp hữu vô

Tuyên thuyết pháp Đại thừa vô thượng

Chứng Hoan hỷ địa, sinh An Lạc[14]

Bày tỏ nan hành đi bộ khổ

Tin ưa dị hành đường thủy vui

Nhớ nghĩ Di Đà bản nguyện Phật

Tự nhiên tức thời nhập Tất định

Chỉ phải thường xưng Như Lai hiệu

Để báo ơn hoằng thệ đại bi.[15]



Bồ-tát Thiên Thân tạo luận thuyết

Quy mạng Vô Ngại Quang Như Lai

Y tu-đa-la bày chân thật

Khai sáng Hoành siêu đại thệ nguyện

Noi theo bản nguyện lực hồi hướng[16]

Vì độ quần sinh nói nhất tâm

Trở về biển đại bảo công đức [17]

Mong được vào số Đại chúng hội

Được đến thế giới Liên Hoa Tạng Liền chứng Chân như Pháp tánh thân

Dạo rừng phiền não, hiện thần thông

Vào vườn sinh tử, thị Ứng hóa.[18]



Bổn sư Đàm Loan: Lương thiên tử[19]

Thường hướng lễ Đàm Loan Bồ-tát

Tam tạng Lưu Chi trao tịnh giáo

Đốt bỏ Tiên Kinh quy Lạc bang[20]

Chú giải Thiên Thân Bồ-tát luận

Báo độ nhân quả bày thệ nguyện

Vãng hoàn hồi hướng do tha lực

Nhân của chánh định là tín tâm

Phàm phu hoặc nhiễm tín tâm phát

Chứng biết sinh tử tức Niết-bàn[21]

Ắt đến cõi Vô Lượng Quang Minh[22]

Chúng sinh các hữu đều phổ hóa.[23]



Đạo Xước dạy Thánh đạo khó chứng

Chỉ có Tịnh độ dễ thông nhập

Vạn thiện tự lực gièm siêng tu

Viên mãn đức hiệu khuyên chuyên xưng

Tam bất tam tín[24] dạy ân cần

Tượng, mạt, pháp diệt đồng bi dẫn

Một đời tạo ác gặp hoằng thệ

Đến cõi An Dưỡng chứng diệu quả.[25]



Thiện Đạo sáng tỏ ý chỉ Phật

Thương xót định tán và nghịch ác

Ánh sáng, danh hiệu bày nhân duyên[26]

Đi vào Bản nguyện đại trí hải

Hành giả tiếp nhận Kim cương tâm

Rồi vui mừng nhất niệm tương ưng[27]

Vi Đề, chúng sinh được ba nhẫn[28]

Liền chứng thường lạc Pháp tánh thân.[29]



Nguyên Tín rộng mở Giáo một đời

Nghiêng về An Dưỡng khuyên tất cả

Chuyên tạp chấp tâm rõ cạn sâu

Báo hóa hai độ kiến tạo xong

Người ác cực trọng chỉ niệm Phật[30]

Phật đã nhiếp lấy người ấy rồi

Phiền não chướng, mắt dù không thấy

Đại bi không mệt chiếu thân ta[31].[32]



Bổn sư Nguyên Không hiểu lời Phật

Thương xót kẻ phàm phu thiện ác

Phiến Châu[33] hưng Chân tông Giáo chứng

Tuyển Trạch Bản Nguyện hoằng đời ác

Trở lại sinh tử, luân chuyển nhà

Bởi lấy nghi tình làm chỗ dựa

Mau nhập vắng lặng vui vô vi

Phải dùng tín tâm để đi vào[34].[35]



Đại sĩ hoằng Kinh, chư Tông sư

Cứu giúp vô biên dữ vẩn đục

Mọi người đạo tục chung một lòng

Chỉ tin những gì cao Tăng nói.[36]



[60 dòng đã xong, 120 câu.]







[1] Bản nguyện danh hiệu là nguyện 17.
[2] Chánh định nghiệp là xưng danh niệm Phật, vì thuận và hành theo bản nguyện của Đức Phật A Di Đà, cho nên cho nên người tu nương vào bản nguyện của Đức Phật A Di Đà, ắt sẽ vãng sinh Cực Lạc.
[3] Chí tâm tín lạc nguyện (至心信樂願) là nguyện 18.
[4] Tất chí diệt độ nguyện (必至滅度願) là nguyện 11: “Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân ở nước tôi, chẳng an trụ định tụ, quyết đến diệt độ, thì tôi chẳng lấy ngôi Chánh giác.”
[5] Một niệm tín tâm chân thật. Hỷ là hoan hỷ. Ái là ái lạc. Hỷ ái là tín lạc.
[6] Tâm quang nhiếp hộ (心光攝護): Ánh sáng từ tâm đức Phật A Di Đà phát ra chiếu soi và hộ trì hành giả niệm Phật. Quán niệm Pháp môn (Đại 47, 25 trung) nói: “Tâm quang của đức Phật kia thường chiếu soi người ấy, nhiếp hộ không bỏ, lại chiếu soi nhiếp hộ cả các hành giả tu những tạp nghiệp khác, đây cũng là tăng thượng duyên hộ niệm đời hiện tại.”
[7] Thực ra, bóng tối “vô minh” lẽ ra đã bị ánh sáng đại bi của Đức Phật A Di Đà tiêu diệt rồi. Tuy nhiên, một đám mây mù tham ái, giận ghét luôn bao phủ bầu trời của “tín tâm chân thật”. Tín tâm chân thật là niềm tin hướng về Đức Phật A Di Đà, đó không phải là niềm tin do chính mình tạo ra, mà là niềm tin nhận được từ bản nguyện lực của Đức Phật A Di Đà.
[8] Kinh Vô Lượng Thọ: “Người có tín tuệ khó, Nếu nghe siêng năng cầu, Nghe pháp được chẳng quên, Thấy kính rất mừng vui.” Kiến kính (見敬): gặp mặt, thể hiện sự kính lễ.
[9] Hoành siêu (橫超): Vượt ngang. Chỉ cho pháp môn không cần phải trải qua thứ tự các giai vị mà hành giả có thể đạt được Vô thượng Niết bàn một cách nhanh chóng. Một trong Nhị song tứ trùng giáo phán (二雙四重教判) của Tịnh độ Chân tông Nhật bản. Pháp môn này tức là ý nghĩa chân thực của bản nguyện Di Đà. Ngài Thiện Đạo, Tổ sư của tông Tịnh độ Trung quốc, đã căn cứ vào ý nghĩa của câu: Hoành tiệt ngũ ác thú, ác thú tự nhiên bế (橫截五惡趣,惡趣自然閉. Cắt ngang năm đường ác, đường ác tự nhiên dứt) trong kinh Vô Lượng Thọ quyển hạ (Đại 12, 274 trung) mà lập thuyết Hoành siêu đoạn tứ lưu (橫超斷四流. Vượt ngang dứt bốn dòng), tức có hàm nghĩa Nhất thừa đốn giáo trong đó. Ngài Thân Loan, Tổ khai sáng của Tịnh độ Chân tông Nhật bản, noi theo thuyết của ngài Thiện Đạo, cho rằng Hoành siêu tức là ý nghĩa chọn Báo độ chân thực của bản nguyện thì liền được vãng sinh. Cũng tức là đối với bản nguyện của Phật Di Đà một lòng tin sâu, không hoài nghi, theo nguyện lực của Ngài mà tu hành, tâm không tán loạn, thì sau khi mạng chung sẽ trực tiếp được sinh về Báo độ chân thực. Vì Hoành siêu là nhờ vào bản nguyện tha lực của Phật nên bản nguyện của Ngài cũng được gọi là Hoành siêu đại thệ nguyện (橫超大誓願). Ngoài ra, do sự hồi hướng bản nguyện lực của Tín tâm kim cương có khả năng cắt ngang 5 đường ác, siêu chứng Đại niết bàn, cho nên cũng gọi là Hoành siêu kim cương tâm (橫超金剛心).
[10] Kinh Quán Vô Lượng Thọ: “Nếu có người niệm Phật, nên biết người đó là hoa Phân đà lợi trong loài người, các vị Bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí là bạn thù thắng của người đó, người đó sẽ ngồi đạo tràng, sinh vào nhà Phật.”
[11] Kinh Vô Lượng Thọ, quyển hạ: “Nếu nghe kinh nầy mà tin ưa thọ trì thì là khó trong khó, không gì khó hơn. Vì thế nên pháp của Ta, làm như vậy, nói như vậy, dạy như vậy, phải nên tin thuận y theo tu hành.”
[12] Quy mạng … gì qua đây: là lấy ý của kinh Vô Lượng Thọ, có 44 câu.
[13] Tổng nêu Tổ sư ba nước cùng nói nghĩa lý Tịnh độ, có 4 câu.
[14] Trong kinh Nhập Lăng Già, No. 671, tr. 569a24, Đức Phật đã huyền ký: “Đại quốc ở phương Nam, Có Đại đức Tỳ-kheo, Tên Long Thọ Bồ-tát, Phá kiến chấp hữu vô, Vì người nói pháp Ta, Pháp Đại thừa vô thượng, Chứng được Hoan Hỷ địa, Vãng sinh An Lạc quốc.” Kinh Đại Thừa Nhập Lăng Già, No. 672, tr. 627c19: “Trong nước Nam Thiên Trúc, Tỳ-kheo danh đức lớn, Danh hiệu là Long Thọ, Phá hai tông hữu vô, Thế gian nói pháp Ta, Pháp Đại thừa vô thượng, Được Sơ Hoan Hỷ địa, Vãng sinh An Lạc quốc.”
[15] Tán thán Bồ-tát Long Thọ, có 12 câu: 4 câu đầu y theo kinh Lăng già, và 8 câu sau y theo luận Thập Trụ Tỳ-bà-sa.
[16] Vô Lượng Thọ Kinh Ưu-bà-đề-xá Nguyện Sinh Kệ Chú, quyển hạ, tr. 833c16: “Hồi hướng là hồi công đức của mình để thí khắp cho chúng sinh, cùng được gặp A Di Đà Như Lai, cùng sinh về nước An Lạc.”
[17] Công đức đại bảo hải (功德大寶海). Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá: "Quán Phật bản nguyện lực, Người gặp không luống uổng, Khiến mau được đầy đủ, Biển đại bảo công đức."
[18] Tán thán Bồ-tát Thiên Thân, có 12 câu, y theo Vô Lượng Thọ Kinh Ưu-bà-đề-xá Nguyện Sinh Kệ (còn gọi Tịnh Độ Luận).
[19] Tịnh Độ Luận (淨土論), No. 1963, Ca Tài soạn, quyển hạ, tr. 97c09: “Pháp sư Đàm Loan người Vấn Thủy, châu Tinh, sống vào cuối đời Ngụy, đầu đời Cao Tề. Sư có tâm trí cao xa, vang danh ở ba nước (Lương, Đông Ngụy và Tây Ngụy), thông hiểu các kinh, kiến thức hơn người. Tiêu Vương, vua nước Lương, thường quay mặt về phía bắc lễ và tôn xưng Sư là Bồ-tát Đàm Loan. Sư soạn bản chú giải luận Vãng Sinh của bồ-tát Thiên Thân gồm 2 quyển, và soạn tập Vô Lượng Thọ Kinh 1 quyển có kèm theo 195 hàng kệ thất ngôn và những câu vấn đáp, cho lưu hành ở đời để khuyên người xuất gia lẫn tại gia quyết định cầu vãng sinh được thấy Phật A Di Đà.”
[20] Đại sư Đàm Loan thuở nhỏ dạo chơi non Ngũ Đài, cảm điềm linh dị mà xuất gia. Ngài ưa thuật trường sanh, từng theo Đào Ẩn Cư thọ mười quyển Tiên Kinh. Sau gặp ngài Bồ Đề Lưu Chi, đại sư hỏi: “Đạo Phật có thuật trường sinh chăng?” Ngài Lưu Chi trao cho kinh Thập Lục Quán và bảo: “Đây là phép trường sinh của Phật giáo”. Đại sư cả mừng, liền đốt Tiên Kinh, chuyên tu tịnh nghiệp, dù đau yếu cũng không tạm nghỉ. (Quê Hương Cực Lạc – H.T Thích Thiền Tâm dịch)
[21] Đối với sinh tử và Niết-bàn mà khởi Bình đẳng trí, bấy giờ do sự chứng ngộ đây mà biết “sinh tử tức Niết-bàn”, gọi là Vô trú Niết-bàn. Vô trú Niết-bàn là bỏ tạp nhiễm (phiền não) mà không bỏ sinh tử, nên không trú nơi sinh tử, mà cũng không trú nơi Niết-bàn. Vô trú Niết-bàn được đại bi, đại trí vĩnh viễn phụ lực nên không ở sinh tử, không trú Niết-bàn, lợi lạc chúng sinh, tận cùng vị lai hoạt dụng mà thường tịch.
[22] Kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, No. 361, Chi Lâu-ca-sấm dịch, quyển 2, tr. 288c06: “Nhanh chóng vượt ngay để đến, Thế giới của An Lạc quốc, Đến cõi Vô Lượng Quang Minh, Cúng dường nơi vô số Phật.”
[23] Tán thán Đại sư Đàm Loan, có 12 câu, y theo Vô Lượng Thọ Kinh Ưu-bà-đề-xá Nguyện Sinh Kệ Chú.
[24] Tam tín tam bất (三信三不): Cũng gọi Tam bất tam tín (三不三信). Chỉ cho 3 thứ tâm tin và 3 thứ tâm không tin do ngài Đàm Loan thuộc tông Tịnh độ của Phật giáo Trung quốc nêu ra. Tam tín tâm là: 1. Thuần tâm: Tâm có niềm tin bền vững; 2. Nhất tâm: Tâm chỉ tin không nghi; 3. Tương tục tâm: Tâm liên tục không gián đoạn. Trái lại, tín tâm không thuần, tín tâm bất nhất, tín tâm không tương tục thì gọi là Tam bất tín. Nếu phối hợp Tam tín này với các Tam tâm thì Thuần tâm lìa hư giả không thật, hợp với Chí tâm; Nhất tâm thì chuyên nhất không hai, phối với Tín lạc; còn Tương tục tâm thì không bị dị học, dị kiến làm tổn hại, phối với Dục sinh tâm.
[25] Tán thán Đại sư Đạo Xước, có 8 câu, y theo An Lạc Tập.
[26] Đức Phật A Di Đà cứu độ tất cả chúng sinh bằng nhân duyên của ánh sáng và danh hiệu. Tất cả chúng sinh đều có thể vãng sinh về báo độ Cực Lạc là do danh hiệu. Danh hiệu là nhân năng sinh, giống như một người cha. Ánh sáng là duyên sở sinh, giống như một người mẹ. Hồng danh và ánh sáng là nhân duyên để tất cả chúng sinh được vãng sinh Cực Lạc. Tín tâm là nhân bên trong, ánh sáng và danh hiệu là duyên bên ngoài. Tín tâm là nhân chân thật của Niết-bàn phát sinh từ nội tâm của tất cả chúng sinh, và ánh sáng và danh hiệu là nhân duyên của tín tâm phát sinh từ Như Lai khiến có sự suy lường bên ngoài.
[27] Hành giả nhất tâm niệm Phật là một niệm vui mừng có được Kim cương tín tâm.
[28] Kinh Quán Vô Lượng Thọ: “Ðức Phật bảo A Nan và Vi Ðề Hy rằng: Lắng nghe, lắng nghe, khéo suy nghĩ nhớ kỹ. Nay Như Lai vì tất cả chúng sinh đời vị lai, những kẻ bị giặc phiền não nhiễu hại mà nói nghiệp thanh tịnh. Lành thay cho Vi Ðề Hy khéo hỏi được việc ấy. Này A Nan! Ông nên thọ trì, rộng vì đại chúng mà tuyên nói lời Phật. Hôm nay Như Lai vì Vi Ðề Hy và tất cả chúng sinh đời vị lai, quán sát thế giới Cực Lạc ở phương Tây, do oai lực của Phật nên sẽ thấy được quốc độ thanh tịnh ấy, như cầm gương sáng tự thấy hình tượng mặt mình. Thấy những sự vui cùng cực vi diệu của quốc độ ấy, nên tâm vui mừng, ứng thời liền được Vô sinh Pháp nhẫn.” Kinh Vô Lượng Thọ: "Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi mà chẳng liền được đệ nhứt nhẫn, đệ nhị nhẫn và đệ tam pháp nhẫn, nơi các Phật pháp chẳng liền được bực bất thối chuyển thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác." (Nguyện 48) "Này A Nan! Nếu hàng thiên nhơn ở nước An Lạc thấy cây đạo tràng ấy thì được ba pháp nhẫn: một là âm hưởng nhẫn, hai là nhu thuận nhẫn, ba là vô sinh pháp nhẫn." Âm hưởng nhẫn: do âm hưởng mà ngộ giải chân lý. Nhu thuận nhẫn: tuệ tâm như nhuyến, có khả năng tùy thuận chân lý. Vô sinh pháp nhẫn: chứng thật tánh vô sinh mà ly các tướng.
[29] Tán thán Đại sư Thiện Đạo, có 8 câu, y theo Vãng Sinh Lễ Tán.
[30] Kinh Quán Vô Lượng Thọ: “Ðức Phật bảo A Nan và Vi Ðề Hi: Người Hạ Phẩm Thượng Sanh ấy: Hoặc có chúng sanh tạo những nghiệp ác. Người ngu như vậy, dầu chẳng hủy báng Kinh điển Phương Ðẳng Ðại Thừa, mà tạo nhiều việc ác, không có tàm quí. Người này lúc lâm chung, gặp thiện tri thức vì họ mà nói mười hai bộ Kinh Ðại Thừa danh tự đầu đề. Do nghe tên các kinh như vậy, dứt trừ ngàn kiếp ác nghiệp cực trọng. Trí giả lại bảo chắp tay xếp cánh, xưng Nam Mô A Di Ðà Phật. Do xưng danh hiệu Phật nên trừ năm mươi ức kiếp tội sanh tử.” (H.T Trí Tịnh dịch) Thương nhân Nguyên Tín nói: “Người ác cực trọng không có phương tiện nào khác, chỉ xưng niệm A Di Đà Phật mà được sinh Cực Lạc.” (Cực trọng ác nhân, vô tha phương tiện; duy xưng Di Đà, đắc sinh Cực Lạc. 極重惡人,無他方便;唯稱彌陀,得生極樂.)
[31] Phàm phu chúng ta bị phiền não ngăn che, mắt không thấy ánh sáng của Phật, mà ánh sáng “đại bi” của Phật chiếu soi chúng ta không biết mỏi mệt.
[32] Tán thán Thượng nhân Nguyên Tín, có 8 câu, y theo Vãng Sinh Yếu Tập.
[33] Phiến Châu (片州) chỉ cho Nhật Bản.
[34] Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập, No. 2608, Nguyên Không soạn, tr. 12b15: “Thâm tâm, là lòng tin sâu xa. Nên biết, nhà sinh tử lấy nghi ngờ làm chỗ dựa; thành Niết-bàn lấy lòng tin để đi vào.”
[35] Tán thán Thượng nhân Nguyên Không – Pháp Nhiên, có 8 câu, y theo Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập.
[36] Tổng kết công đức cứu giúp của chư Tổ. Những lời dạy của các cao tăng lỗi lạc ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản đã truyền lại chính xác công đức vĩ đại của “Nam mô A Di Đà Phật” do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

quynhat

Registered
Phật tử
Tham gia
2 Thg 7 2023
Bài viết
51
Điểm tương tác
20
Điểm
8
<Bổ sung phần DẪN NHẬP của tác giả>

Tịnh độ Chân tông là một con đường đặc thù cho những phàm phu “ác nặng chướng nhiều” như chúng ta, dẫn đến cõi Niết-bàn của sự an lạc và thanh tịnh tối thắng, đó là Tịnh độ. Chính ở Tịnh độ An Lạc này, chúng ta nhận ra Phật trí và đại từ bi tâm cứu độ chúng sinh thông qua Bản nguyện của Đức Phật A Di Đà.

Những người đã sinh, đang sinh và sẽ sinh về Tịnh độ An Lạc có trách nhiệm truyền bá chánh pháp trong thế giới luân hồi. Các tiền nhân của Tịnh độ giáo ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nơi khác, chẳng hạn như Long Thọ, Thiên Thân, Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo, Nguyên Tín, Pháp Nhiên, cũng không ngoại lệ. Thân Loan sinh ra ở Nhật Bản và đã đưa Tịnh độ giáo lên mức độ phát triển cao nhất với sự nhấn mạnh vào Tha lực.

Trong Lời Tựa của Giáo Hành Tín Chứng, Thân Loan viết: “Giáo pháp Phật thuyết một đời, không sánh với biển đức như thế.”

Ở đây, Thân Loan đang ca ngợi Bản nguyện Niệm Phật là lời dạy của Đức Thích Ca Mâu Ni mà những lời dạy khác của Ngài không sánh bằng và vượt trội. Những lời này cho thấy ý định giác ngộ sâu sắc của chính Thân Loan và cũng trình bày Phật Đạo chân chính trong giáo lý của Đức Thích Ca Mâu Ni mà những chúng sinh “ác nặng chướng nhiều” đạt được. Nói cách khác, đối với Thân Loan, tìm hiểu giáo lý của Đức Phật là làm sáng tỏ những lời dạy chân chính cho "phàm phu đầy đủ phiền não". Điều này có thể được nhìn thấy rõ ràng trong các từ theo sau những điều trên: “[Những ai] bỏ uế ưa tịnh, hành tín sai lầm, tâm mê thức ít, ác nặng chướng nhiều, [thì] cậy nhờ Như Lai đưa đi, mong về đường thẳng tối thắng. Riêng kính vâng hành này, chỉ tôn trọng tín đây.”

Trong khi Thân Loan tìm cách đạt được Phật đạo trong con đường của Thần đạo tại Enryakuji trên núi Tỷ Duệ cho đến năm hai mươi chín tuổi, cuối cùng, ông chỉ tiếp tục bối rối không biết đâu là cách thực hành và niềm tin thực sự hiệu quả vào Phật giáo. Điều này vượt xa kinh nghiệm cá nhân của ông theo cách khiến ông hiểu vấn đề sâu xa của việc “đầy dẫy phiền não” mà loài người phải đương đầu. Trong khi toàn tâm toàn ý tìm kiếm những giáo lý mà những người như vậy có thể áp dụng vào thực hành, Thân Loan đã gặp những lời của Đức Phật về Bản nguyện của Đức Phật A Di Đà và làm cho ý nghĩa của chúng trở nên rõ ràng.

Nói một cách cụ thể, làm thế nào Thân Loan hiểu được “Giáo pháp Phật tuyết một đời” và tại sao ông có thể nói rằng “không sánh với biển đức như thế”? Mặc dù câu hỏi này phải được hiểu từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng theo cách hiểu của Thân Loan, những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được phân thành hai: Chân thật và Giả tạm.

Khi bị đày đến miền bắc Nhật Bản, Thân Loan đã tuyên bố rằng ông không phải là một tu sĩ hay một cư sĩ. Khi xuống núi Tỷ Duệ, ông đã rời bỏ Tăng đoàn Phật giáo một lần và mãi mãi, và trở thành đệ tử của Pháp Nhiên. Giống như Thầy mình, việc Thân Loan rời khỏi Giáo hội càng làm tăng thêm quyết tâm truyền bá thông điệp cứu độ của Đức Phật A Di Đà đến những người đàn ông và phụ nữ bình thường trên cánh đồng và trên đường phố.

Lời dạy Niệm Phật của Pháp Nhiên rất đơn giản và chân thật, dễ hiểu và dễ thực hành. Lập trường cơ bản về đức tin vào tha lực của Thân Loan cũng vậy. Khi sống ở vùng Kanto, ông đã tham gia vào việc truyền bá lời dạy về Đức tin Niệm Phật cho người dân địa phương. Họ quá hạnh phúc khi nhận được lời dạy và sống theo nó. Nhận thấy rằng thông điệp của mình đang tiếp cận một cách hiệu quả ngay cả với những người có trình độ học vấn thấp hoặc không có học vấn, Thân Loan đã củng cố niềm tin của mình vào giáo lý Tha lực và cảm nhận sự cần thiết phải thiết lập hệ thống giáo lý Hoành siêu và Hoành xuất của sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà. Người ta tin rằng Thân Loan đã từng đến thư viện địa phương để thu thập tài liệu cho mục đích này.


Có một động cơ khác khiến Thân Loan viết tác phẩm toàn diện này về Bản nguyện Niệm Phật. Ký ức của ông vẫn còn rõ ràng khi Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập của Pháp Nhiên được công bố sau khi ông qua đời. Các tu sĩ uyên bác của các trường phái cũ ở núi Tỳ Duệ và Nại Lương đã tung ra những cuộc tấn công kịch liệt vào lời dạy của Pháp Nhiên. Các đệ tử của ông đã cố gắng hết sức để chống lại họ để bảo vệ giáo lý Niệm Phật của đạo sư. Thân Loan làm theo nhưng phải mất nhiều thời gian chuẩn bị, rất tỉ mỉ trong việc đưa ra một hệ thống Tịnh độ mới với quy mô và chiều sâu chưa từng có.

Giáo Hành Tín Chứng của Thân Loan không chỉ bảo vệ giáo lý Niệm Phật trước sự tấn công từ các trường phái truyền thống mà còn tuyên bố Đức tin và sự thực hành Tha lực là giáo lý Đại thừa tối thượng. Thân Loan bắt đầu sáng tác Giáo Hành Tín Chứng vào năm 1224, khi ông đang ở vùng Kanto. Ông vẫn tiếp tục sửa lại nó ngay cả khi đã trở lại Kyoto với tuổi tác đã ngoài sáu mươi.

Lý thuyết cứu độ của Thân Loan được xây dựng trong Giáo Hành Tín Chứng đại diện cho đỉnh cao tín ngưỡng Di Đà, không chỉ của Tịnh độ giáo mà còn của Phật giáo Đại thừa nói chung. Nó có vị thế cơ bản độc nhất, nhưng, như ông đã tuyên bố, ông chỉ đơn giản là một tín đồ của những người đi trước - Bảy bậc Thầy. Trong khi trích dẫn rất nhiều từ các tác phẩm của họ, Thân Loan đã phát triển hệ thống Giáo lý, Thực hành, Đức tin và Chứng ngộ của mình. Tựa đề của kiệt tác này là Hiển Tịnh Độ Chân Thật Giáo Hành Chứng Văn Loại (顯淨土眞實教行證文類, Kenjōdo Shinjitsu Kyōgyōshō Monrui), thường gọi tắt là Giáo Hành Tín Chứng (教行信證, Kyōgyōshinshō), thu tàng Đại Chánh Tạng, Tập 83, No. 2646.

Tựa đề tiếng Anh thường được dịch là The True Teaching, Practice, and Realization of the Pure Land Way. Nó mô tả hệ thống cứu độ trong Phật giáo Chân tông, trái ngược với những lời dạy về Tự lực mà thường tuân theo hệ thống ‘Giáo – Lý – Hành – Quả’. Theo tiến trình tu tập thông thường của Phật giáo, trước tiên chúng ta lắng nghe và tư duy lời dạy, rồi hiểu chân lý của sự thật. Sau đó, chúng ta thực hiện phương pháp thực hành đã quy định để chứng ngộ chân lý của sự thật. Khi thực hành thành công, chúng ta đạt được giác ngộ. Trong giáo lý về Tự lực, sự thực hành của một hành giả có tầm quan trọng hàng đầu; kết quả cuối cùng phụ thuộc vào mức độ hiệu quả mà người đó thực hiện sự thực hành đã quy định. Tuy nhiên, Giáo Hành Tín Chứng chứng minh rằng, “Quá trình giải thoát đến từ bên trên”, tức là từ Đức Phật A Di Đà. Đầu tiên, Đức Phật A Di Đà đến với chúng ta qua lời dạy của Kinh Vô Lượng Thọ. Tiếp theo, chúng ta nghe danh hiệu “A Di Đà Phật” mà được chư Phật ca ngợi, như trong Lời nguyện thứ 17, và qua đó, chúng ta nhận ra được năng lực cứu độ của Phật. Như vậy, khái niệm tu tập đã thay đổi hoàn toàn so với quan niệm tu tập thông thường. Sự tu tập Tha lực đòi hỏi sự đảo ngược lối tu tập Phật giáo thông thường. Trong Tịnh độ Chân tông, sự tu tập là năng lực của Đức Phật A Di Đà được truyền đến cho chúng ta qua danh hiệu. Khi danh hiệu của Phật đến với chúng ta và được chấp nhận trong tâm chúng ta, chúng ta trở thành một với Đức Phật A Di Đà trong sự tín lạc – như được thể hiện trong Lời nguyện thứ 18. Đức tin như vậy được thiết lập trong chúng ta là tâm quang của Đức Phật A Di Đà và Bồ-đề tâm, và vì vậy nó là nguyên nhân của sự giác ngộ.

Giáo Hành Tín Chứng thể hiện sự tổng hợp của nhiều kinh điển Phật giáo khác nhau trong văn học Đại thừa, bao gồm Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Niết Bàn, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Đại Bát Nhã. Bằng cách này, Thân Loan trình bày tư tưởng Tịnh độ Chân tông. Tác phẩm được chia thành sáu chương, không bao gồm Lời Tựa của Thân Loan, khéo léo kết hợp và dung hóa nhuần nhuyễn những dẫn chứng từ các kinh điển, những luận giải, cùng những chiêm nghiệm nội quán của tác giả.

Chương 1 – Hiển Tịnh Độ Chân Thật Giáo Văn Loại Chương
2 – Hiển Tịnh Độ Chân Thật Hành Văn Loại Chương
3 – Hiển Tịnh Độ Chân Thật Tín Văn Loại, cùng với Tựa bổ sung Chương
4 – Hiển Tịnh Độ Chân Thật Chứng Văn Loại Chương
5 – Hiển Tịnh Độ Chân Phật Độ Văn Loại Chương
6 – Hiển Tịnh Độ Phương Tiện Hóa Thân Độ Văn Loại

Thân Loan nhấn mạnh Tín tâm là gốc, cho rằng giáo pháp chân thật của Phật là Kinh Vô Lượng Thọ, bộ phận trọng yếu nhất là Bốn mươi tám nguyện của Đức Phật A Di Đà, bản thể của những nguyện này là danh hiệu “Nam mô A Di Đà Phật”, đồng thời lấy Tha lực vãng sinh làm đặc sắc. Cái gọi là Tha lực vãng sinh, tức là phàm phu nhờ vào nguyện lực của Đức Phật A Di Đà mà được lòng tin, về sau niệm Phật tức là niệm để báo ân cảm tạ. Lại nữa, người đã được lòng tin, thì ắt trụ nơi Chánh định tụ và cùng với Như Lai bình đẳng không hai.

Trong tất cả các giáo pháp của Phật giáo, mà theo truyền thống được liệt kê có 84.000 pháp uẩn, đâu là giáo pháp chân thật? Mỗi đạo sư Phật giáo ở mọi thời đại đã nỗ lực tìm kiếm giáo pháp chân thật. Thân Loan đã tìm thấy giáo pháp chân thật trong Kinh Vô Lượng Thọ. Đó là cuốn kinh mà vì nó Đức Thích Ca Mâu Ni đã xuất hiện thế gian. Kinh này trình bày đầy đủ những lời nguyện và công hạnh tu hành của Đức Phật A Di Đà, và trên hết, trình bày Danh hiệu và Tín tâm như con đường thực tế để cứu độ chúng ta. Lý do khiến Thân Loan khẳng định rằng Kinh Vô Lượng Thọ là giáo pháp chân thật xuất phát từ bằng chứng cụ thể rằng, trước khi kinh này được giảng dạy, Đức Thích Ca Mâu Ni đã biểu hiện một sắc diện vui vẻ sáng rỡ:

“Bạch Ðức Thế Tôn! Ðức Thế Tôn hôm nay, các căn vui đẹp, thân tướng thanh tịnh, nét mặt lộng lẫy, như gương sáng bóng tịnh thấu suốt trong ngoài, uy dung rực rỡ, siêu tuyệt vô lượng, con chưa từng thấy sự thù diệu như thế. Kính bạch Ðức Ðại Thánh! Lòng con nghĩ rằng: Có lẽ hôm nay Ðức Thế Tôn trụ nơi Pháp kỳ đặc, hôm nay Ðức Thế Hùng trụ chỗ chư Phật trụ, hôm nay Ðức Thế Nhãn trụ nơi Hạnh của Ðạo Sư, hôm nay Ðức Thế Anh trụ nơi Đạo tối thắng, hôm nay Ðức Thiên Tôn hành theo Đức của Như Lai. Chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại luôn nghĩ đến nhau. Phải chăng hôm nay Ðức Như Lai đang nghĩ đến chư Phật? Vì sao có sự uy thần sáng chói như thế này?”

Bấy giờ, Ðức Thế Tôn bảo Ngài A-nan rằng: Có phải chư Thiên nhờ ông đến hỏi Phật hay ông dùng tuệ kiến mà hỏi về uy nhan?

Ngài A-nan bạch Phật rằng: Không phải chư Thiên đến nhờ con, chính con thấy biết mà hỏi việc đó.

Phật dạy rằng: Lành thay, A-nan! Như Lai rất hoan hỷ với những gì ông hỏi. Ông phát trí tuệ sâu, biện tài chân diệu, thương nghĩ chúng sinh mà hỏi được việc đó. Như Lai đem lòng đại bi vô tận, thương xót chúng sinh trong ba cõi, nên mới xuất hiện thế gian, khai sáng đạo giáo, muốn cứu vớt quần sinh, trao cho họ những lợi ích chân thật. Vô lượng ức kiếp khó gặp, khó thấy Như Lai, giống như hoa Linh Thoại thỉnh thoảng mới xuất hiện một lần. Nay những điều ông hỏi có nhiều lợi ích, khai hóa cho tất cả chư Thiên, nhân loại. A-nan nên biết, Như Lai Chánh Giác, trí ấy khó lường, nhiều sự huấn thị và chế ngự, tuệ kiến vô ngại, không thể ngăn dứt.”


Chân thật Giáo, đây là chương ngắn nhất trong sáu chương, chủ yếu trích dẫn từ Kinh Vô Lượng Thọ, để giải thích rằng việc gặp được một vị Phật là điều cực kỳ hiếm hoi và tốt lành cho tất cả chúng sinh, và rằng sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên thế giới rõ ràng là để truyền bá giáo lý Tịnh độ. Kinh Vô Lượng Thọ dạy về công đức nhân vị và quả vị của A Di Đà Như Lai, dạy về sự trang nghiêm y báo và chánh báo của Tịnh độ An Lạc. Mặc dù ba bộ kinh được liên kết với nhau nhưng Kinh Vô Lượng Thọ là căn bản. Đại Kinh nói về bốn mươi tám nguyện của Đức Phật A Di Đà, trong đó nguyện thứ mười tám là chánh nhân vãng sinh, và cũng nói về biển cả trí tuệ sâu xa của Phật, trí tuệ mà chỉ có Phật mới hiểu được.

Chân thật Hành, Chương 2 này đi sâu vào chi tiết hơn về cơ sở của tư tưởng Tịnh độ giáo, cụ thể là: Đức Phật A Di Đà đã phát 48 lời nguyện cứu độ chúng sinh, nhưng lời nguyện quan trọng nhất và căn bản là lời nguyện thứ 18, dẫn chúng sinh về Tịnh độ nếu họ niệm danh hiệu Ngài. Đức Phật A Di Đà đã vượt trội hơn chư Phật bằng cách đưa ra con đường thoát khỏi đau khổ mà tất cả chúng sinh đều có thể thực hành. Ngay cả những người bình thường thiếu cả đạo đức lẫn năng lực tâm linh cũng có thể thực hành Tịnh Độ. Sau đó, chương này trích dẫn những đoạn văn dài từ các tác phẩm của Long Thọ, Thế Thân, Thiện Đạo và Nguyên Không cũng như các vị Tổ khác của Tịnh độ tông theo thứ tự thời gian. Trong Tịnh độ Chân tông, mọi công đức của Đức Phật A Di Đà đều được hồi hướng cho chúng sinh thành tựu dưới hình thức Danh hiệu A Di Đà. Do đó, “hồi hướng công đức” là điểm trọng tâm trong việc hiện thực hóa sự cứu độ. Trong số các chủ đề được thảo luận và trích dẫn có việc xưng niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, Bồ-tát đạo và bản chất của Tịnh độ. Ở phần cuối, Thân Loan chuyển sang chủ đề “Tha lực”, và một lần nữa trích dẫn từ nhiều kinh điển và bình luận khác nhau để rút ra ý tưởng của mình, đó là, sự thực hành “Tự lực” phải được thay thế bằng sự thực hành “Tha lực”. Ở cuối Chương 2, Thân Loan viết “Chánh tín niệm Phật kệ”. Đây là kệ tụng bảy chữ và 120 dòng, nội dung mô tả đại cương yếu nghĩa của Chân tông và giải thích rằng Hành và Tín là hai pháp thiết yếu của một tông; trích dẫn các câu văn từ Kinh Lăng Già, Luận Thập Trụ Tỳ-bà-sa, Vãng Sinh Luận, Vãng Sinh Luận Chú, An Lạc Tập, Quán Kinh Sớ, Vãng Sinh Yếu Tập, Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập; tiếp theo ca ngợi Đức Thích Ca Mâu Ni, Long Thọ, Thiên Thân, Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo, Nguyên Tín, Nguyên Không. Dựa vào Thánh giáo mà có được Tín chân thật và đại hành chân thật, thì đó là “Tha lực Niệm Phật”, cũng tức lấy tín tâm này làm chánh nhân, lấy “Xưng danh niệm Phật” làm chánh hành vì báo đáp ân đức của Đức Phật A Di Đà. Đặc biệt nhấn mạnh rằng, “Xưng danh niệm Phật” là giáo nghĩa của Tịnh độ Chân tông. Chánh Tín Kệ cùng với Tam Thiếp Hòa Tán (Tịnh Độ, Cao Tăng, Chánh Tượng Mạt) do Thân Loan biên soạn, đều được đọc tụng trong hai thời công phu tại các tự viện Tịnh độ Chân tông ở Nhật Bản. Xưng niệm “Nam mô A Di Đà Phật” chính là nguyện thứ mười bảy - thệ nguyện trong đó chư Phật đề cao, khen ngợi danh hiệu của Đức Phật A Di Đà. Danh hiệu ấy nhiếp hết mọi thiện pháp, đủ cả các đức bản, nền tảng của muôn hạnh, tổng thể của vạn thiện. Người thực hành xưng niệm danh hiệu thì được vãng sinh Tây phương. Người tin tưởng hiệu năng của danh hiệu thì đạt được giác ngộ tối thượng. Tất cả giáo lý của Đức Phật, dù là Nhất thừa hay Tam thừa, đều bao gồm trong “Giáo lý Nhất thừa của Bản nguyện A Di Đà”.

Chân thật Tín là “chí tâm tín lạc” của nguyện thứ mười tám: đem cái chân thật mà tin rằng diệu hạnh của “Nam mô A Di Đà Phật” là nhân tố chân thật của Báo độ chân thật. “Đại tín tâm, là phép thần trường sinh bất tử, là thuật diệu hân tịnh yểm uế, là chân tâm tuyển trạch hồi hướng, là tín lạc lợi tha sâu rộng, là chân tâm Kim cương bất hoại, là tịnh tín dễ sinh về mà có mấy ai, là nhất tâm tâm quang nhiếp hộ, là đại tín hy hữu tối thắng, là đường tắt thế gian khó tin, là thật nhân chứng Đại Niết-bàn, là bạch đạo mau chóng viên dung, là tín hải chân như nhất thật.” Người quyết định đi đến Báo độ chân thật thì phải y theo Đại tín tâm này. Lời nói đầu của chương này là sự thảo luận của Thân Loan về niềm tin của ông vào Tín tâm, hay sự phó thác hoàn toàn cho Đức Phật A Di Đà, và việc chư vị Thánh đạo môn tập trung vào Tự lực cho thấy họ đang lúng túng trong nỗ lực của họ như thế nào. Trong Chương 3, Thân Loan thảo luận rất chi tiết về tín tâm và lý do tại sao nó là trọng tâm trong sự thực hành của Tịnh độ Chân tông: “Tín tâm chân thật thì bao giờ cũng có [xưng niệm] ‘danh hiệu’. Nhưng [xưng niệm] danh hiệu không nhất thiết mang lại tín tâm vào nguyện lực.” Đối với Thân Loan, việc phó thác hoàn toàn cho Đức Phật A Di Đà là cách chắc chắn nhất để người bình thường được vãng sinh Tịnh độ, bởi vì sự vãng sinh sẽ xảy ra hoàn toàn thông qua lòng từ bi và trí tuệ của Đức Phật A Di Đà. Một lần nữa, Thân Loan trích dẫn luận giải từ Đàm Loan và Thiện Đạo để đề cao xưng niệm A Di Đà Phật và phó thác bản thân cho việc xưng danh. Thân Loan sau đó thảo luận về bản chất của Tín tâm và mô tả nó là “Sự tín lạc vào nguyện lực hồi hướng”, “Tâm nguyện làm Phật”, "Hoành Đại Bồ-đề tâm" và “Hoành siêu Kim cương tâm”. Ở đây Thân Loan nhắc lại quan điểm rằng, nếu một người từ bỏ “các tạp hành” và phó thác bản thân cho Đức Phật A Di Đà trong một niệm, họ sẽ đạt được trạng thái tín tâm và việc vãng sinh Tịnh Độ sẽ được đảm bảo. Thân Loan sau đó liệt kê những lợi ích của việc thực hành niệm danh hiệu A Di Đà Phật, bao gồm “đại khánh hỷ tâm”, “chư Phật hộ niệm và xưng tán” và trạng thái thực sự “an tâm”. Phần cuối cùng của Chương 3 tập trung vào những người tội ác sâu nặng không thể được cứu độ, những người được coi là trọng tâm chính của nguyện thứ mười tám của Đức Phật A Di Đà.

Chân thật Chứng là kết quả có được nhờ Hành và Tín, và sự chứng ngộ được khai mở. Đây là diệu ngộ có được khi thù đáp lời nguyện thứ mười một “Tất chí diệt độ”. Những từ ‘thường lạc’, ‘Niết-bàn’, ‘Pháp thân’, ‘thật tướng’, ‘pháp tánh’, ‘chân như’, ‘nhất như’, đều là tên gọi của sự giác ngộ này. Theo giáo nghĩa của chư Thánh đạo môn, cái thân do cha mẹ sinh ra này sẽ chứng ngộ chân lý sâu xa ở cõi này. Theo giáo lý của Tịnh độ môn, cái thân này nương Phật trí Di Đà thì sẽ đi đến cảnh giới Pháp tánh, tự nhiên kết hợp được sự chứng ngộ này. Đây không chỉ là mục tiêu cuối cùng của mọi sự theo đuổi của Phật giáo mà còn là nguồn gốc của mọi hoạt động vị tha. Những người chứng ngộ không thể chỉ tận hưởng niềm an lạc của Niết-bàn mà không hoạt động. Được thúc đẩy bởi lòng đại bi, họ thị hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như những vị Bồ-tát để cứu độ những người vẫn còn bị mắc kẹt trong luân hồi. Hoạt động này được gọi là “Hoàn tướng hồi hướng”. Trong Chương 4 tương đối ngắn, Thân Loan nói về Pháp thân của Đức Phật A Di Đà, và rằng những ai đạt được tín tâm đều được đảm bảo về Niết-bàn.

Đáng chú ý là câu trích dẫn ở đầu chương: “Trú Chánh định tụ nên ‘ắt phải đến Diệt độ’. Ắt phải đến Diệt độ tức là thường lạc. Thường lạc tức là rốt ráo Tịch diệt. Tịch diệt tức là Vô thượng Niết-bàn [1] . Vô thượng Niết-bàn tức là Vô vi Pháp thân. Vô vi Pháp thân tức là Thật tướng. Thật tướng tức là Pháp tánh. Pháp tánh tức là Chân như. Chân như tức là Nhất như. Như vậy, A Di Đà Như Lai từ ‘Như’ mà đến, mà sinh, thị hiện các thứ thân: Báo thân, Ứng thân, Hóa thân.”

Sau phần giới thiệu, Thân Loan viết về ý định của Đức Phật A Di Đà là dẫn dắt tất cả chúng sinh đến Tịnh độ thông qua Chánh định tụ, để họ có thể trở thành Bồ-tát. Những vị Bồ-tát này sau đó sẽ trở lại thế gian để dẫn dắt những chúng sinh khác đi theo con đường Tuệ giác. Dẫu chư vị Bồ-tát đã hoàn toàn thoát khỏi mạng lưới rối rắm của nghiệp lực, nhưng các Ngài vẫn tự nguyện hiện thân giữa lòng thế gian khốn khổ, để giải thoát tất cả chúng sinh bởi lòng bi mẫn rộng lớn và trí vô phân biệt. Một lần nữa, Thân Loan mở rộng những ý tưởng này bằng cách trích dẫn luận giải của chư Tổ về tư tưởng Tịnh độ.

Chân Phật Độ là thân và độ chân thật, tức là Báo Phật và Báo độ. Đức Phật là Bất Khả Tư Nghị Quang Như Lai. Quốc độ là Vô Lượng Quang Minh Độ. Đây là thân và độ đáp ứng lời nguyện thứ mười hai và thứ mười ba về quang minh và thọ mạng. Quang minh vô lượng và thọ mạng vô lượng thì đồng nhất với tánh đức căn bản của Phật tánh và Niết-bàn. Khái niệm “Vô lượng quang” đồng nghĩa với ánh sáng chói lọi rực rỡ không thể nào bị ngăn che nổi (Vô ngại quang), còn có ý nghĩa trí tuệ không hạn định nổi (Trí tuệ quang). Khái niệm “Vô lượng thọ” phù hợp với một đời sống vĩnh cửu vô cùng tận, nghĩa là Đức Phật A Di Đà tự kéo dài tuổi thọ của mình để dẫn dắt chúng sinh. Điều này cho biết tại sao đời sống vô hạn thì đồng nghĩa với Đại bi vô hạn. Chính vì sự thành tựu của hai lời thệ nguyện vĩ đại này mà Bồ-tát Pháp Tạng đã thành tựu địa vị Phật-đà với danh xưng “Vô Lượng Quang” và “Vô Lượng Thọ”. Cả hai danh xưng này được chứa đựng trong danh hiệu “A Di Đà”, nghĩa là “Vô Lượng”. Mặc dù về bản chất Tịnh độ là cõi Niết-bàn vượt trên các chiều kích tương đối, nhưng nó cũng là nguồn gốc của mọi hoạt động của Đức Phật khắp vũ trụ, qua đó Đức Phật A Di Đà tiếp xúc với chúng ta và chúng ta đáp lại sự cứu độ của Ngài. Theo nghĩa này, chúng ta xét Tịnh Độ trên mặt nhân quả và chấp nhận nó như là phạm vi của nghiệp hoàn thiện, được tạo ra bởi nghiệp lực của Đức Phật A Di Đà. Do đó, Tịnh độ được gọi là Báo độ - quốc độ tưởng thưởng cho hạnh nguyện của Đức Phật A Di Đà. Nghiệp lực ấy, được biết đến rộng rãi là “Nguyện lực”, nó hoạt động vô cùng vô tận để thực hiện Bản nguyện. Bản nguyện, một mặt nó có tác dụng duy trì Tịnh Độ, mặt khác nó có tác dụng giải thoát chúng sinh khỏi luân hồi và đưa họ về Tịnh độ. Báo Phật và Báo độ cũng là gốc rễ của hai thứ hồi hướng: Vãng tướng và Hoàn tướng. Điều này bổ sung cho sự khẳng định của Chương 4 rằng, Kim cương tín tâm giống như Niết-bàn.

Phương tiện Hóa thân Độ là Hóa thân và Hóa độ. Khi quán tưởng, lấy cái thân Như Lai biến pháp giới bình đẳng làm đối tượng, gọi là Chân thân quán. Kinh Quán Vô Lượng Thọ cho rằng, nếu quán tưởng chân thân Đức Phật A Di Đà thì lập tức thấy tất cả chư Phật mười phương, cho nên một pháp quán tưởng này còn gọi là Biến quán nhất thiết sắc thân tưởng. Về Hóa độ, đó là Giải Mạn giới được mô tả trong Kinh Bồ Tát Xử Thai, và Nghi thành Thai cung được trình bày trong Đại Kinh. Đây là Phương tiện Hóa độ của Đức Phật A Di Đà, theo lời nguyện thứ mười chín ‘Tu chư công đức’. Chương 6 là chương dài nhất của Giáo Hành Tín Chứng, đưa các tông phái và sự thực hành Phật giáo khác nhau vào bối cảnh Tịnh độ giáo như những hình thức khác nhau của phương tiện thiện xảo. Thân Loan tin rằng trong thời đại Mạt pháp, hầu hết các sự thực hành và giáo lý nguyên thủy đã lụi tàn hoặc mất đi hiệu quả, và vì vậy con đường khả thi duy nhất còn lại là con đường Tịnh Độ. Thân Loan đưa ra ba lời nguyện của Đức Phật A Di Đà - thứ mười tám, thứ mười chín và thứ hai mươi - làm tiêu chuẩn cho các loại thực hành khác nhau: Lời nguyện thứ mười tám hiển thị giáo lý Tha lực chân thật như được nêu trong Kinh Vô Lượng Thọ, và hai lời nguyện còn lại tượng trưng cho giáo lý Tự lực của Kinh Quán Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà. Tuy nhiên, Thân Loan đã không gạt bỏ giáo lý Tự lực vì hoàn toàn không có hiệu quả, mà ông coi chúng là con đường Tịnh độ “tạm thời” dẫn đến giáo lý Tha lực. Có lẽ dựa trên kinh nghiệm của chính mình, Thân Loan đã hình dung ra quá trình chuyển đổi sau đây: từ giáo lý Tự lực của nguyện thứ mười chín và thứ hai mươi đến giáo lý Tha lực của nguyện thứ mười tám.

Nửa sau của chương dài nhất này được dành để sửa chữa những quan điểm sai lầm phổ biến vào thời Thân Loan, bao gồm niềm tin phổ biến vào tâm linh, chiêm tinh học và tuyên bố của Đạo giáo về uy quyền tối cao của Đạo giáo so với Phật giáo. Thân Loan đã mất nhiều công sức để chứng minh sự vô ích của những niềm tin như vậy. Thiên văn học đã được hình thành từ lâu ở Nhật Bản dưới ảnh hưởng của khoa học Trung Quốc trong lĩnh vực này, trên cơ sở đó đã phát triển những mê tín về chiêm tinh. Để bác bỏ những niềm tin như vậy và hướng dẫn mọi người đến với Phật giáo chân chính, Thân Loan đã dựa rất nhiều vào Kinh Đại Tập Nguyệt Tạng, khẳng định rằng sự sắp xếp của các chòm sao và các vì sao được thực hiện đúng đắn thông qua năng lực và ảnh hưởng của Đức Phật. Mặc dù có đặc điểm sâu sắc là bí truyền, nhưng ông nghĩ rằng Kinh Đại Tập Nhật Tạng sẽ có hiệu quả trong việc chuyển sự chú ý của mọi người khỏi niềm tin chiêm tinh và khuyến khích họ quy y Đức Phật. Con người vào thời của ông cũng khá dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi quan niệm về các loại, quỷ thần và yêu mị. Thân Loan cẩn thận khuyên nhủ họ hãy cảnh giác trước những nỗi sợ hãi và mê tín như vậy bằng cách cung cấp cho họ những bằng chứng phản bác lại.

Tiếp theo, để bác bỏ những tuyên bố của Đạo giáo, Thân Loan đã trích dẫn một loạt đoạn văn trong tác phẩm Biện Chánh Luận của ngài Pháp Lâm (572-640) đời Đường. Mặc dù phần này có vẻ khá không liên quan, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng Thân Loan, khi đương đầu với ảnh hưởng không lành mạnh của Đạo giáo lên các giai đoạn khác nhau của đời sống người Nhật, đã muốn loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của nó bằng cách chỉ ra những sai lầm trong quan điểm Đạo giáo.

Phần cuối của Chương 6 là tự sự ngắn gọn, đặc biệt là trong và sau khi Thân Loan bị lưu đày khỏi Kyoto vào năm 1207. Thân Loan viết về việc ông ấy đã đến với lời dạy của Pháp Nhiên vào năm 1201 như thế nào và tự nhận mình là đệ tử của Pháp Nhiên kể từ đó, cũng như lòng biết ơn mà ông nhận được từ Thầy mình. Thân Loan giải thích rằng động lực của mình là chia sẻ niềm vui trong việc tìm thấy Tịnh độ và hy vọng rằng những người khác cũng sẽ quy mạng Đức Phật A Di Đà. Thân Loan kết thúc Giáo Hành Tín Chứng bằng một đoạn văn trong Kinh Hoa Nghiêm:

“Nếu ai thấy Bồ-tát
Tu hành những công hạnh
Khởi tâm thiện, bất thiện
Bồ-tát đều nhiếp lấy.”


Mỗi vị Phật đều có ba loại thân: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Đức Phật A Di Đà là Báo thân Phật, thị hiện vô số thân và cõi nước Hóa thân tùy theo nhu cầu của vô số chúng sinh được các Ngài cứu độ. Trong Đại Kinh đã dạy rằng có hai loại chúng sinh sinh về Tịnh độ: Hóa sinh và Thai sinh. Loại thứ nhất là những người nhiếp thọ Phật trí và sẽ được sinh ra ở Tịnh độ chân thật, và loại thứ hai là những người nghi ngờ Phật trí nhưng tin vào luật nhân quả và sẽ được sinh vào biên địa hay thai cung. Ngài Thân Loan cho rằng chín phẩm Tịnh độ là Phương tiện hóa độ, tuy vậy, không khác gì với Báo độ chân thật của Đức Phật A Di Đà.

Về phần Đức Phật Hóa thân, Ngài Thân Loan cho rằng Đức Phật ấy là đối tượng quán tưởng thứ chín của Quán Kinh, trong đó có nói:

“Ðức Phật bảo A Nan và Vi Ðề Hi: - Kế lại, nên quán Phật Vô Lượng Thọ thân tướng quang minh. A Nan phải biết Phật Vô Lượng Thọ thân như trăm ngàn muôn ức sắc vàng Diêm Phù Ðàn trời Dạ Ma, thân Phật cao sáu mươi muôn ức na do tha hằng hà sa do tuần, bạch hào giữa hai mày xoay bên hữu, uyển chuyển như năm tòa núi Tu Di, mắt Phật như bốn đại hải xanh biếc và trắng phân minh. Các lỗ lông nơi thân Phật phóng ánh sáng ra như núi Tu Di. Viên quang của Phật ấy như trăm ức Ðại Thiên thế giới. Trong viên quang ấy có trăm vạn ức na do tha hằng hà sa Hóa Phật. Mỗi mỗi Hóa Phật cũng có đông nhiều vô số Hóa Bồ Tát làm thị giả. Thân Phật Vô Lượng Thọ có tám vạn bốn ngàn tướng. Trong mỗi mỗi tướng đều riêng có tám vạn bốn ngàn tùy hình hảo. Trong mỗi mỗi hình hảo còn có tám vạn bốn ngàn quang minh, mỗi mỗi quang minh chiếu khắp thập phương thế giới, nhiếp lấy chúng sanh niệm Phật chẳng bỏ sót. Quang minh tướng hảo và Hóa Phật ấy chẳng thể nói đủ hết, chỉ nên nhớ tưởng khiến tâm nhãn được thấy. Thấy sự ấy, liền thấy thập phương chiếu khắp tất cả chư Phật. Vì thấy chư Phật nên gọi là Niệm Phật tam-muội.”

Nói một cách đơn giản, đối với Thân Loan, thân và độ của Đức Phật có kích thước hạn chế là thân và độ của Hóa Phật, trong khi đó, thân và độ của vô lượng Phật là Chân Phật và Chân độ, tức là Báo thân Phật A Di Đà và Tịnh độ An Lạc. Những người sinh ra ở các cõi Hóa độ có thể tận hưởng mọi loại lạc thú nhưng có nhiều thiếu sót khác nhau, chẳng hạn như không thể nhìn thấy một vị Phật chân thật hoặc nghe được Pháp từ Ngài. Những người sinh ra trong cung điện ngọc phải ở đó năm trăm năm, theo Thân Loan, thời gian này tương đương với nhiều kiếp, trước khi những nghi ngờ của họ được tha thứ và họ tiến tới Tịnh độ chân thật.

Hơn nữa, theo cách hiểu của Thân Loan, Hóa độ không tách rời khỏi Báo độ. Những người tu theo lời nguyện thứ mười chín và hai mươi thực sự được sinh ra trong Tịnh độ chân thật, nhưng do nghi ngờ nên nhìn thấy những hình ảnh huyễn hoặc do chính họ tạo ra.

Thân Loan đã lựa chọn sáu trong 48 lời nguyện vĩ đại của Bồ-tát Pháp Tạng như là phần thiết lập nòng cốt của bản kinh Vô Lượng Thọ. Thân Loan gọi nguyện thứ mười tám là nhân, và nguyện thứ mười một và thứ hai mươi hai là quả. Đối với ba nguyện mười tám, mười chín và hai mươi, trong Chương 6, Thân Loan đưa ra thuyết “Tam nguyện chuyển nhập”, nói rằng nguyện thứ mười chín là chí tâm phát nguyện, nguyện thứ hai mươi là chí tâm hồi hướng, và nguyện thứ mười tám là chí tâm tín lạc. Như thế, từ nguyện thứ mười chín xác định được nhân tố vãng sinh và nguyện thứ hai mươi xác định được kết quả của vãng sinh, nguyện thứ mười tám mới dần dần đưa vào. Nói cách khác, nguyện thứ mười chín là xả bỏ Thánh đạo giáo, nguyện sinh Tịnh độ; nguyện thứ hai mươi là xả bỏ các hạnh để chuyên tu niệm Phật; và nguyện thứ mười tám là quyết lìa bỏ tâm tự lực mà nương tựa vào nguyện tâm tha lực của Đức Phật A Di Đà.

Tóm lại, toàn bộ hệ thống giáo lý của Giáo Hành Tín Chứng liên quan đến Bản nguyện có thể được minh họa như sau:
Giáo …………………………… Kinh Đại Vô Lượng Thọ.
Hành ………………...………… Nguyện thứ mười bảy.
Tín …………………..………… Nguyện thứ mười tám.
Chứng ……………….………… Nguyện thứ mười một.
Hoàn tướng hồi hướng …………Nguyện thứ hai mươi hai.
Chân Phật độ ………………..... Nguyện thứ mười hai và thứ mười ba.
Hóa thân độ ………………........ Nguyện thứ mười chín và thứ hai mươi.

Giáo Hành Tín Chứng là cốt tủy giáo thuyết của Thân Loan, nên đương nhiên nó được coi là cuốn sách lập giáo khai tông của Tịnh độ Chân tông.

Về Thân Loan (1173-1262), cha mẹ mất khi ông còn rất trẻ, đi tu năm 9 tuổi và tu tập ở trường phái Tendai trên núi Tỷ Duệ (Hiei) trong hai thập kỷ tiếp theo. Ở tuổi 29, ông rời núi và đi tu trở thành đệ tử của Pháp Nhiên. Ông đã cống hiến hết mình cho việc thực hành Niệm Phật mà Pháp Nhiên khuyến khích, nhưng quan trọng hơn, ông nhận thấy rằng nguyên nhân thực sự của việc sinh về Tịnh độ là “Niềm tin vào Tha lực” – tức bản nguyện lực của Đức Phật A Di Đà. Do đó, ông đã thiết lập một hệ thống cứu độ tập trung vào đức tin, điều này được giải thích đầy đủ trong văn bản này, Giáo Hành Tín Chứng.

Khi việc giảng dạy Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập bị cấm và Pháp Nhiên bị đày đến Shikoku vào năm 1207, Thân Loan bị trục xuất đến Kokubu ở miền bắc Nhật Bản, nơi ông kết hôn với Huệ Tín Ni (Eshin-ni). Bị tước bỏ chức tu sĩ và bị gán cho cái tên tội phạm, Thân Loan tự phong cho mình là “Ngu Ngốc Thích Thân Loan” (Gutoku Shaku Shinran) - “Kẻ ngu ngốc, Thân Loan, đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni”, với nhận thức sâu sắc rằng mình chẳng phải là một tu sĩ hay một cư sĩ. Không còn bất kỳ giới luật Phật giáo nào ràng buộc Ngài và do đó, không có quy tắc ứng xử nào được quy định để thực hiện giác ngộ.

Mặc dù được ân xá bốn năm sau đó, Thân Loan vẫn ở lại miền bắc Nhật Bản thêm ba năm sau đó rồi chuyển đến tỉnh Hitachi, phía đông bắc Tokyo, nơi ông bắt đầu truyền bá thông điệp về sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà đến những người dân quê trong vùng đó. Trong nhiều năm, ông đã nghiên cứu tất cả các kinh điển Phật giáo và phi Phật giáo có sẵn và biên soạn những đoạn văn trong đó mà ông thấy hữu ích cho hệ thống triết học tôn giáo vĩ đại về cứu độ, tập trung vào Lời nguyện của Đức Phật A Di Đà.

Thân Loan trở lại Kyoto ở tuổi sáu mươi hai hoặc sáu mươi ba, có lẽ với ý định hoàn thành Giáo Hành Tín Chứng và viết những tác phẩm khác vì lợi ích cho chúng sinh. Ông có bốn con trai và ba con gái, nhưng ông sống phần lớn thời gian ở Kyoto với cô con gái út. Công việc văn chương của ông vẫn tiếp tục cho đến cuối đời ở tuổi chín mươi. Trong số hơn năm trăm bài Hòa Tán bằng tiếng Nhật do ông sáng tác, tuyển tập lớn cuối cùng gồm một trăm mười lăm bài Hòa Tán được cho là được viết sau tuổi tám mươi lăm.

Không rõ năm chính xác Giáo Hành Tín Chứng được tuân thủ. Ngày tháng duy nhất có thể được coi là có liên quan được tìm thấy ở gần cuối chương cuối, trong đó Shinran nói: “Từ năm Nhân Thâm đó (thời điểm Đức Phật nhập Niết bàn) cho đến năm đầu tiên của thời đại Nguyên Nhân (Giáp Thân) của chúng ta là 2.173 năm.” Nếu năm 1224 là năm ông hoàn thành tác phẩm này thì ông đã 52 tuổi. Tuy nhiên, nghiên cứu từ các nguồn khác dẫn đến kết luận rằng Thân Loan đã thực hiện bản thảo đầu tiên của tác phẩm này vào khoảng từ 40 đến 60 tuổi, khi ông vẫn còn ở vùng Kanto, và sau khi trở về Kyoto, ông tiếp tục sửa lại nó cho đến năm 75 đến 80 tuổi.

Quán Kinh có nói: “Ánh sáng của Đức Phật A Di Đà chiếu soi khắp mười phương thế giới, khiến chúng sanh tin vào bản nguyện mà niệm Phật trong quang minh ấy, được Phật nhiếp thủ không bỏ bất cứ một chúng sanh niệm Phật nào.” Ngoài ra, trong Vãng Sinh Lễ Tán của Đại sư Thiện Đạo, có nói: “Như Đức Phật A Di Đà, vốn đã phát thệ nguyện sâu nặng, dùng danh hiệu, quang minh, nhiếp thọ giáo hoá mười phương chúng sanh, hơn nữa, những người có lòng tin, niệm Phật cầu vãng sanh, hoặc hành trì trọn đời, hoặc ít nhất là xưng niệm mười danh hiệu, do nguyện lực của Phật, đều được vãng sanh dễ dàng.”

Vì lý do này, không phải sức mạnh trí tuệ của chúng ta đã thiết lập niềm tin vãng sinh, mà theo Thân Loan Thánh nhân, chúng ta nuôi dưỡng thiện căn bằng quang minh của Đức Phật A Di Đà, phát triển Tín tâm chân thật để tin biết Bản nguyện và Danh hiệu là chánh nhân vãng sinh, và tin rằng chúng ta có thể đến được Báo độ chân thật.

Xin mượn lời Thân Loan Thánh nhân để chúc nguyện: “Cầu mong những ai thấy và nghe tác phẩm này – hoặc tín thuận làm nhân, hoặc nghi báng làm duyên – hãy công bố tín lạc [của mình] nơi nguyện lực và hiển lộ diệu quả [của Phật] nơi An Dưỡng.”

Nam mô A Di Đà Phật.

San Francisco, ngày 13 tháng 9 năm 2023
Phật lịch 2567 – 30/7/Quý Mão
Phật tử Quảng Minh kính ghi

[1] Vô thượng Niết-bàn là quả sở chứng của Phật, phiền não hoàn toàn tiêu diệt, hoàn thành trí tuệ và từ bi, viên mãn trí đức tự lợi và lợi tha.

Nguồn: thuvienhoasen.org/a39994/giao-hanh-tin-chung (bản đăng ngày 14/09/2023)
Cung kính !!!
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 5)
Bên trên