Thiền Minh Sát (***) - Phạm Doãn

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Thiền Minh Sát (***)

Cám ơn chú Doãn về một bài viết hay cho thực tập thiền minh sát. Xin post lại đây để lưu làm tư liệu cho chính mình và cùng chia sẻ với các bạn.



Thiền không lệ thuộc thời gian: Khi nào rảnh rỗi thì ta đều có thể thiền được. Buổi tối là lúc ta thư giãn nhất cho nên có thể nói buổi tối thuận lợi hơn. Thiền xong ngủ ngon hơn.

Thiền cũng không lệ thuộc không gian: Ở đâu ngồi thiền cũng được không cần bàn thờ hoặc bất cứ biểu tượng tôn giáo nào.

Thiền không lệ thuộc vào tư thế: Ngồi kiểu nào cũng được, bán già, kiết già, khoanh chân kiểu VN, bó gối, thậm chí ở tư thế nằm, hoặc đứng, đi (thiền hành). Tuy nhiên tư thế ngồi là vững chải, giúp ổn định tâm hơn hết. Đứng thì dễ kích động (trạo cử). Nằm thì dễ buồn ngủ "hôn trầm".

Thiền không lệ thuộc tôn giáo: bạn có thể là người của bất cứ tôn giáo nào hoặc bạn có thể là người không thuộc về bất cứ tôn giáo nào cả.

Nếu bạn có cuộc sống yên ổn và là người ăn chay, thiền sẽ dễ dàng hơn. Các bạn phải biết rằng ăn chay và ngồi thiền đang là phong trào trên thế giới. Cách sống này chính là một phương cách cứu nguy con người ra khỏi những ảo tưởng của đời sống xã hội công nghiệp, cái xã hội đã đề cao giá trị của kiểu sống vội, đầu tắt mặt tối, để vơ vét chụp giựt những "giá trị"... sẽ thuộc về hư không!



Khi tập ngồi thiền, điều khó khăn trước tiên là phải làm ngưng cái đầu ồn ào của mình. Nhiều người, dù cố gắng, cũng không thể nào làm yên được những ý nghĩ tạp nham trong đầu mình. Lúc mới đầu tập thiền tôi cũng gặp cái khó khăn như thế. Hình như có quá nhiều sự việc, ý nghĩ, xuất hiện trong đầu ta: chuyện quá khứ, chuyện tương lai, chuyện mới vừa xảy ra, chyện chưa xảy ra, những hình ảnh, âm thanh, cảm xúc buồn vui, ham hố, sợ hãi…lung tung. Tất cả như xuất hiện liên tục hoặc đồng thời. Kinh khủng và quả thực không chịu nổi. Ngồi thiền… thất bại! Một đêm quá tuyệt vọng với cái đầu “nhiều chuyện” của mình, tôi giận dữ trừng mắt nhìn chăm chăm vào nó, và nhận ra rằng khi ta chăm chú nhìn vào cái mớ tư tưởng điên đảo lộn xộn đó, dường như nó trở nên bớt kích động hơn, và dần dần dường như nó yên tĩnh lại! Trong tình huống này phải nói là “tức cười”: tôi quan sát sự chuyển động loạn xạ của tâm tôi. Tâm tôi nhìn ngắm tâm tôi. Tôi trở thành chứng nhân (witness) của chính bản tâm tôi. Mới đầu làm chứng nhân hơi khó, nhưng cứ cố gắng mọi người đều có thể làm được thôi. Chính nhờ phương pháp này mà nhiều người đã “an” tâm và ngồi thiền được.

Rồi cũng kể từ đó, mỗi lần khi ngồi xuống để thiền, là tự động tôi làm chứng nhân để quan sát tâm mình, hành động này lâu ngày như ăn sâu vào vô thức. Ngoài việc quan sát tâm mình để tâm trở nên yên ổn, tôi còn quan sát toàn bộ cơ thể vật lý của mình, từng bắp thịt , từng khớp xương. Vì làm vậy tôi cảm thấy rất “relaxing” và có khi còn giảm được mọi cảm giác đau nhức nữa. Về sau mới biết phương pháp này chính là *** (dịch là Thiền minh-sát).

Không thỏa mãn với các loại thiền định của các thày dạy của mình ( Alara,Uddaka, năm anh em Kiều Trần Như), ngay cả khi đạt được định chứng cao nhất của bốn “tưởng định” là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Đức Phật đã chọn một phương pháp thiền định cho riêng mình để tu hành và chứng đắc, đó là: ***. Nguyên lý của *** là trở thành “chứng nhân” của chính cơ thể, tư tưởng và cảm xúc của mình, đơn giản thế thôi! Tất cả các loại thiền định khác trong đạo Phật về sau đều là biến thể của *** hoặc có cốt lõi là ***. Tất cả phương pháp đều là witnessing. *** không thuộc về một giáo phái bí truyền nào. Nó là công cụ thiện xảo được công truyền.



*** trong thực hành

Gồm có ba bước

Bước một:

Trước hết quan sát chính cơ thể của mình, vì quan sát cơ thể của mình là điều ai cũng làm được. Ta quan sát từng hơi thở vật lý của ta. Ta quan sát từng bước chân của ta. Ta quan sát từng tư thế của ta. Ta đứng làm chứng nhân để nhận biết từng chuyển động của cơ thể vật lý của chính ta.

Các pháp quán hơi thở (anapranasati) đều có nguồn gốc là *** giai đoạn một. Hơi thở được nhận biết một cách tự nhiên, không phải thay đổi như trong yoga. Sau khi đi qua các nước châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật bản, Đại Hàn… thì phép quán hơi thở (sổ tức) lại bị sửa đổi hình thức như phải quán ở mũi hay ở rốn, thở nhịp này, thở nhịp kia, hay ngưng thở v.v…

Pháp Thiền hành mà Thày Nhất Hạnh phổ biến hiện nay chính là *** bước một. Ngày xưa, Đức Phật cũng từng có thói quen đi rất chậm, nghe ngóng từng bước chân của mình chạm trên mặt đường sỏi đá. Nói chung, ta có thể quán sát bất cứ bộ phận nào của cơ thể hoặc bất cứ chuyển động nào của thân như một đối tượng để thiền quán.

Quán hơi thở hay theo dõi bước chân là giai đoạn đầu tiên, giai đoạn chuẩn bị của *** chứ không phải là toàn bộ phương pháp. Có lẽ vì không hiểu tường tận, nên có nhiều người thắc mắc rằng làm sao quán hơi thở mà đạt được chân lý!

Có pháp môn gọi là quán âm, quán sự rung động (chấn động lực) bên trong của chính mình, thì đó cũng là nguyên lý của ***.

Bước hai:

Khó hơn một chút, bằng cách quán đến một đối tượng phức tạp và ồn ào hơn nhiều; đó là những ý nghĩ, những tư tưởng, đang ào ạt vụt qua óc ta. Ý nghĩ hay Tư tưởng, mặc dù vô hình, thật ra vẫn có bản chất vật lý, chúng là sóng điện não tức sóng vật lý. Quán sát tư tưởng chính là quán sát sóng vật lý, thế thôi! Trước cái đầu óc náo động điên loạn, ta chỉ đứng đó làm chứng nhân, lặng lẽ quan sát, tuyệt đối không có một ý kiến nào cả. Chỉ một niệm ý kiến hay phê bình khởi dậy là ta bị lôi ngay vào dòng tư duy náo loạn đó. Phải tách ra, đứng làm chứng nhân, im lặng nhìn dòng chảy của ý nghĩ tuôn qua. Việc tách đôi giữa “ta” và “mình” lúc đầu có thể hơi khó, nhưng chỉ một thời gian ngắn là ta có thể thực hiện được. Sau một thời gian tập luyện, dòng chảy tâm thức ồn ào kia sẽ dịu lắng và dừng lại.

Bước ba:

Người thực hành *** phải tập quan sát những đối tượng vi-tế hơn nữa. Đó là các cảm xúc của chính mình như buồn, vui, giận dữ, ham hố, sợ hãi…. Ta, nhân chứng, phải luôn sẵn sàng mỗi khi cảm xúc trổi lên, phải nhận ra rõ ràng từng cảm xúc đó. Đối trị với biển cảm xúc, ta vẫn phải luôn giữ chặt chẽ nguyên tắc: chỉ im lặng quan sát mà không phê phán. Với thời gian, ta sẽ kiểm soát được tất cả các cảm xúc của mình, ngay cả khi nó mới chỉ là ý đồ muốn bùng dậy.

Sau khi thực hành vững vàng ba bước thiền định ***, ta sẽ có một định lực mạnh mẽ, làm chủ được mọi ý nghĩ và cảm xúc. Tâm sẽ đạt trạng thái yên ổn thanh tịnh. Trí huệ sẽ bí mật phát triển. Bước thứ tư là một món quà tặng bất ngờ vào một ngày nào đó không định trước: Sự giác ngộ.

*** trong lý luận kinh điển

Trong kinh điển, *** là pháp quán (contemplation) cơ thể vật lý và các hiện tượng tự nhiên đang xảy ra trong cơ thể. Cơ thể vật lý và các hiện tượng tự nhiên đang xảy ra trong cơ thể là biểu hiện của ngũ uẩn (five aggregates): Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Quán “ngủ uẩn” tức là đã quán toàn bộ tất cả sự hiện hữu của ta: Cái đang là (being). *** không chọn đối tượng quán là các vật, các sự vật, các khái niệm ngoài thân, ngoài sự hiện hữu chân thật của ta. Ví dụ nếu chọn đối tượng quán là hình ảnh một vị Phật, thì ta sẽ mắc sai lầm ở chỗ: hình ảnh vị Phật nào đó luôn luôn là do khái niệm từ tâm ta dựng nên, mà bản chất của tâm chưa giác ngộ luôn luôn là một ảo tưởng. Nếu ta chọn sự quán tưởng về lòng từ bi hoặc lòng bác ái thì lòng từ bi hay bác ái đó cũng chỉ là: Cái đã được đặt tên (named or labelled), mà ta không thể nào biết nội dung chân thật của nó. Khoa học khảo sát các vật, sự vật, hiện tượng ở ngoài ta, cho nên cái biết của nhà khoa học là cái biết bên ngoài. Nói cách khác khoa học chỉ biết cái thể hiện bên ngoài của một nội dung bí mật bên trong. *** khảo sát chính nội dung chân thật của bản thể ta bằng chính ý thức tự thức của ta. Như vậy *** nhận thức được hiện hữu chân thực của ta một cách trực tiếp mà không phải thông qua một khái niệm hay tên gọi nào.

*** (một pp quán) không hẳn là một cực đối lập với Samatha (pp định, cột chặt ý thức vào một điểm). Cả hai đều dẫn đến Jhana (tiếng Pali có nghĩa la Thiền). *** bao giờ cũng đưa đến Samatha, rồi cuối cùng đến Jhana. Chính xác là, người ta dùng khái niệm Jhana để phân định các giai đoạn tiến triển của ***. Ta có thể dùng khái niệm *** jhana để mô tả các mức định chứng của ***. Theo Phật giáo nguyên thủy Theravada và PG tiểu thừa Hinayana, Jhana có bốn cấp bậc từ sơ thiền đến tứ thiền. Đây chính là con đường mà Sakya Muni đã đi, và hiện còn lưu giữ trong đời này.

Kết luận

*** là phương pháp chân truyền của đạo Phật, được Phật giáo nguyên thủy Theravada lưu giữ. Tuy nhiên, *** không phải là một pháp bí truyền hay độc quyền của bất cứ giáo phái nào. Nguyên lý của *** có thể áp dụng cho tất cả các phương pháp thiền định khác. Đứng trên nguyên lý của ***, bạn có thể nhìn lại tất cả các phương pháp thiền định của mọi tông phái khác với một nhãn quan sáng tỏ và rõ ràng hơn.

- Ví dụ khi đi Thiền hành với từng bước chân chăm chú đầy tỉnh thức, bạn sẽ biết rằng đó là bước đầu tiên của ***.

- Ví dụ như được thày dạy rằng “Thấy vọng liền buông”. Bạn sẽ biết buông bằng cách nào hiệu quả nhất? Không thể bằng ý chí buông bỏ, mà buông bằng *** hiệu quả nhanh hơn.

- Ví dụ nếu như bạn đang thực hành Mười bức tranh trâu của Thiền tông (tức mười giai đoạn tiến triển của tâm trong quá trình tu tập). Thực hành ***, bạn có thể ung dung chăn trâu qua cả mười giai đoạn này. Tôi cũng đã có kinh nghiệm chăn trâu hiệu quả với ***.

Đang đứng ở Việt Nam, xứ sở của Phật giáo đại thừa, không hiểu sao tôi lại quyết định viết blog entry lạc lỏng này. Có lẽ trực giác nói rằng bài viết về ***, sẽ mang lại một thông tin cần thiết và mới mẻ với tất cả những bạn ham thích Thiền định. Cám ơn các bạn đã bỏ thì giờ để đọc bài viết này. Sau cùng cũng mong cầu được các bậc Thiện tri thức bỏ chút thời gian chỉnh sửa lại các kiến giải trái với chánh pháp.

Phạm Doãn

 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Chủ đề tương tự

T
Trả lời
0
Xem
3K
tuongphat3d
T
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên