<center>[FONT=Arial,Helvetica][SIZE=-1]CHƯƠNG XXXIII[/SIZE][/FONT]
[FONT=Arial,Helvetica]MẶC GIÁP TINH TẤN[/FONT]</center> Thưa đại chúng,
Chúng ta sẽ đi vào chương ba mươi ba Phật dạy như sau.
A. CHÁNH VĂN.
Âm Hán văn của chương Kinh ba mươi ba nầy rất mạnh, tôi xin đọc và dịch nghĩa để quí vị cùng nghe và thấy cái hay của Kinh văn:
Phật ngôn: “Phù vi đạo giả, thí như nhất nhân dữ vạn nhân chiến. Quải khải xuất môn, ý hoặc khiếp nhược, hoặc bán lộ nhi thối, hoặc cách đấu nhi tử, hoặc đắc thắng nhi hoàn. Sa môn học Đạo, ưng đương kiên trì kỳ tâm, tinh tấn dũng nhuệ, bất úy tiền cảnh, phá diệt chúng ma, nhi đắc Đạo quả.”
Đức Phật dạy: “Người tu hành theo Đạo giống như một người chiến đấu với vạn người. Khoác áo giáp vào người đi ra cửa. Hoặc có ý khiếp nhược sinh sợ hãi, hoặc là rút lui, hoặc chiến đấu cho tới chết, hoặc là đắc thắng trở về. Các thầy Sa môn học Đạo nên phát tâm cứng rắn tiến tới mạnh mẽ, không sợ bất cứ một khó khăn nào trước mặt, đánh dẹp hết các loài ma, thành tựu đạo quả giải thoát.
B. ĐẠI Ý.
Đoạn kinh này Phật dạy con đường thực tập của các vị Sa môn đòi hỏi phải tiến bước bền bỉ, kiên cường mới có thể thành tựu đạo nghiệp.
C. NỘI DUNG.
1. Mặc giáp tinh tấn.
Thưa quý vị, có những ý chính Đức Phật nêu ra cho chúng ta đi vững vàng trên con đường học đạo. Ấy là: Kiên trì, giữ tâm Bồ Đề cứng chắc, tinh tấn tiến tới không bao giờ thối lui, không sợ bất cứ gian lao nào, và phá giặc phiền não để thành tựu đạo nghiệp.
Để đi vào nội dung bài này chúng ta chia xẻ vấn đề thuận nghịch của đời tu. Và từ tinh thần lời Phật dạy chúng ta sẽ khai thác sự cần thiết của tinh tấn để vượt qua những điều làm trở ngại chắn lối đi của chúng ta.
Một điều dễ hiểu là tâm người tu chúng ta nếu có tinh tấn mà không đi kèm sự bền bỉ thì tinh tấn ấy cũng không thể vượt đường dài phiền não chấm dứt tử sinh được. Và tinh tấn mà không có chất kiên cường thì không thể đi ngang qua những thử thách, chướng nạn từ ngoại cảnh đến nội tâm để thành tựu giải thoát.
Sự thành tựu đạo nghiệp cũng phải trải qua nhiều tầng lớp. Ví dụ các vị thiền sinh cư sĩ bên ngoài với mơ ước rất bình thường là thực tập thế nào để thuần hóa được tâm giải trừ bớt lo âu, giận tức, sầu khổ, bất an để cho đời sống gia đình hạnh phúc, an vui nhưng nếu các vị không tinh tấn thực tập thì không hưởng được hương vị của pháp.
Người tu chúng ta đi trên con đường thực tập mà không tinh tấn hành trì thì đạo nghiệp cạn nhất chúng ta cũng không thành tựu; tức là không thể trở thành một Thầy tu giỏi, không thành bóng mát của Già lam, không thể làm chỗ nương cho Phật tử tín đồ khởi phát niềm tin vào Tam bảo.
Chúng ta không phạm hạnh đoan trang, không có chút ít tuệ giác do vì có thói quen thả trôi cuộc đời trong sinh tử, khi đi tu lại thả trôi cuộc sống bồng bềnh trong đạo để cho ngày lụn, tháng qua thì không thành cái gì cả.
Hẳn nhiên tu là để thành ông thầy tu giỏi, đàng hoàng, bằng không như vậy thì thà rằng trả áo tu về đời lập gia đình để trở thành người cha tốt trong thế gian, người công dân tốt trong xã hội. Nếu tu mà cứ lửng lơ như diều đứt cánh thì khả năng đóng góp của mình cho đời không có, và cũng không tròn trách nhiệm của một ông thầy tu đối với Đạo. Người tu mà không có phẩm chất tức là chúng ta không hoàn thiện giá trị vai trò một ông thầy, làm chiếc áo tu của mình bị ô uế. Là mình có tội với chính mình, với cha mẹ, người thân, với thập phương Tam bảo và cũng có tội với xã hội loài người.
Thế nên, để thành tựu đạo nghiệp trung bình của người tu là phải có phẩm chất thực sự. Thành tựu đạo nghiệp cuối cùng là chúng chấm dứt khổ đau phiền não, lậu hoặc. Ngay nơi hiện đời dõng dạc tuyên bố câu của người xưa: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, không còn trở lại thân này nữa.”
Người tu giống như chiến sĩ ra trận, trước khi lên đường cũng phải mặc áo giáp. Chiếc áo tu tuy mỏng manh về mặt vật lý, nhưng rất nặng và có hồn ở bên trong. Đây là chiếc áo truyền thống đã có bề dày hai mươi sáu thế kỷ. Mỗi thế hệ mỗi vị Thầy đã bỏ vào chiếc áo này phạm hạnh, tuệ giác của các ngài. Và trong lịch sử tiến đạo quý Ngài phải vô cùng cực khổ lao đao để bảo vệ nó. Mặc áo giáp này là chúng ta đã phát nguyện đi vào đời sống tâm linh, và trong bốn pháp tựa nương thì hai pháp tựa nương đầu của Sa môn là nương vào bình bát, ca sa. Hai pháp khí rất quý Đức Phật đã ban cho đệ tử của Ngài để có thể sống bất cứ nơi đâu trên hành tinh này. Khi mặc chiếc áo này, chúng ta đã hứa trước Đức Thế Tôn là đi vào Niết Bàn thành Phật chứ không phải làm ông thầy tu dở dở ương ương.
Nếu chiến sĩ với chiếc áo giáp bảo vệ được họ khỏi tên đạn, vượt ngang qua khói lửa chiến tranh, giữ gìn mạng sống để thắng trận khải hoàn, thì chiếc áo của người tu cũng bảo vệ họ có thể đi vào lửa phiền não không chết cháy, đi trong đám bùn lầy của nhân gian mà không ô nhiễm, không nổi chìm trong ngũ dục, không bị danh lợi bé nhỏ của cuộc đời mua chuộc. Mặc áo giáp người tu là pháp y của Phật, là chiếc áo khi xưa Ngài đã thành tựu quả Bồ Đề, chúng ta hãy tự hào chiếc áo đẹp nhất của người tu.
Chúng ta đã nhiều kiếp gieo hạt mầm với Phật pháp nên kiếp nầy được làm đệ tử Đức Như Lai, được khoác pháp phục, được cọng trú trong Già lam, Tự viện. Thế mà qua khoảng thời gian ngắn tự nhiên khởi phát trong lòng nhiều nỗi lo sợ. Nếu tâm lo sợ khó khăn về hoàn cảnh, khó khăn về vật chất thì lòng tu chưa đủ vững vàng.
2. Vượt qua nỗi sợ.
Đệ tử Đức Điều Ngự là người phải có chí khí ngất trời. Đã phát nguyện một đời làm người tu là thề bỏ cuộc đời mình cho đạo. Sống này là sống cho đạo, chết nầy là chết cho đạo không thối lui vì những ngăn trở nhỏ nhoi phàm thường.
Cho nên một tu viện mà những người tu kèn cựa, lục đục nhau vì cái ăn cái mặc, vì việc làm nặng nhẹ, Phật tử ghét thương, khó chịu vì những lặt vặt rất tầm thường thì đời sống tâm linh của tập thể chúng nơi ấy còn rất thấp. Chúng ta hãy nhìn vấn đề cho rõ và xác định ta vào Đạo, ta đi tu để làm gì hầu nâng cao phẩm chất người tu. Đến với Đạo không thể vươn cao ý chí thành đạt Thánh hạnh mà đến vì nhu yếu ăn mặc, lợi danh, tình cảm thì ta không thể trưởng thành đời sống tâm linh.
Chúng ta đến với đời tu không phải vì sợ cô đơn, sợ thương, sợ ghét... Đi tu không phải là tìm chỗ yên ấm của đời sống tình cảm, cần được thầy thương, bạn thương. Đến với thầy học pháp của thầy chứ không phải đến để làm cái ổ tròn tròn rồi ngủ yên trong tình cảm che chở, yêu thương của thầy.
Phẩm chất thật sự của người tu trong đó có sự kiêu hùng, không phải là phẩm chất của sự tựa nương, ỷ lại nơi thầy. Ngay với Đức Thế Tôn cũng vậy, chúng ta học pháp của Ngài để quay lại tự thân thành tựu vị Phật nơi chính mình chứ không phải chạy theo làm tôi tớ cho Đức Thế Tôn.
Thưa quý vị, khi tâm ý chúng ta còn đi tìm sự tựa nương ở bất cứ ai thì sự sợ sệt phát sinh ngay. Càng về lâu nỗi sợ hãi càng đầy làm cho ta trở thành khiếp nhược, nên điều quan trọng của người tu chúng ta là phải đứng vững trên đôi chân của mình. Niềm tri ân của chúng ta đối với Thầy rất lớn nhưng ta không phải là bản sao của ông thầy. Tất cả những gì của thầy là của thầy, mình là mình. Chúng ta nên nhớ nếu bắt chước bất cứ cái gì của người khác sẽ tự mình chuốc lấy nỗi phiền muộn, bất an, tự mình xem thường mình và dìm chết cuộc đời mình. Quá khứ các bậc Thầy cũng chưa hề bắt chước nhau và hành đạo cũng không giống như nhau. Chúng ta cũng thế, không thể máng cuộc đời ta vào một vị Thầy nào được cả. Hãy thắp lên trong tim lửa hùng khí của người tu là xây dựng được nền tảng vững chắc cho “tinh tấn lực.”
Không phải chúng ta đi tu để kiếm một chút yên bình đời sống tình cảm dù là thầy, dù là bạn, dù là Phật tử kính quý, thương yêu. Thưa không phải như vậy. Con đường Niết Bàn là con đường độc hành độc bộ. Một mình mình đi, một mình đối diện với chính mình, một mình loại trừ phiền não của chính mình, một mình ta vươn thẳng lên cao để thành tựu Phật quả, chứ không phải nương tựa vào ai cả. Điều này rất rõ, nếu chúng ta có được điều này trong trái tim thì không có nỗi bất an, lo lắng gì có mặt trong ta. Tuy nhiên trên con đường dụng công tu tập; nỗi sợ lớn nhất của chúng ta là nỗi sợ chết.
[bubble]Đối với nỗi sợ hãi nầy, nếu có dịp đọc vào những lời dạy của thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc sẽ nghe ông phê phán rất nặng: “Thiền tông Trung Hoa cực thịnh vào thời Đường nhưng đến cuối thời Tống, các thầy không có niềm tin vững vào pháp môn nên bày thêm “Thiền Tịnh song tu.” Phải niệm Phật đề phòng vì lỡ tu không nên thân thì có Đức A Di Đà đón mình về cõi Cực lạc. Đó là thời suy hoại tinh thần tu tập. Nếu chúng ta thật sự tu tập, có niềm tin thì không có chuyện hai chân trên hai chiếc thuyền. Chúng ta phải có niềm tin vững chắc đặt vào một pháp môn và năng lực tập trung một điểm mới mong đột phá vô minh, đoạn đứt tử sinh.”[/bubble]
Tuy nhiên, nếu đời này mình chưa sáng đạo, chưa chứng được Thánh quả, chắc chắn hạt nhân của sự tu tập hùng hậu không hề mất. Kiếp sau nếu chúng ta trở lại trong nhân gian vừa có mặt thì tâm tu bật sáng tức khắc là mình sẽ đi lại con đường cũ cực nhanh. Người xưa dùng câu nói “Nhất văn thiên ngộ”: một nghe nghìn hiểu để chỉ trường hợp tái lai nầy.
3. Bồ Đề tâm vững chắc.
Có những trường hợp sự thực tập chúng ta không đi tới có nghĩa là chúng ta đang thối lui. Nếu chúng ta tu mà không nếm được niềm vui của sự tu tập, có nghĩa là đang lửng lơ không phát triển được đời sống tâm linh.
Bước đầu vào đạo ta rất hăng hái, niềm vui rất lớn, đến năm thứ hai ta thấy hơi ngao ngán, đến năm thứ ba chúng ta thả cuộc đời mình bập bềnh như lục bình lên xuống theo con nước nổi trôi, dạng đó là dạng thối lui, tu cho qua ngày, đoạn tháng. Chưa nói đến chuyện bị ngũ dục nhân gian lượm mất sinh mạng, chưa nói tới chuyện ta cởi áo về đời. Chỉ cần tu không tiến đã là sự thất bại rồi.
Khi tâm ta chưa sáng đạo mà dừng lại không có tinh thần cầu học để phát triển là thụt lùi. Sâu hơn một tầng nữa là ta thấy được con đường đi, nhận ra được đạo nhưng chưa làm chủ được tâm thức mình, chưa liễu ngộ được chuyện tử sinh vẫn là người dừng lại.
4. Chiến đấu tới chết.
Thưa. Nơi chiến trường một mũi tên bay, một nhát kiếm xẹt mà ta không đỡ kịp là mất mạng như chơi. Trong đường tu cũng vậy, từ con đường tử sinh mênh mông bước vào cõi Niết Bàn lồng lộng cũng trong đường tơ kẽ tóc. Mình đi trọn đời trên đường tu, hay nửa chừng rơi rụng cũng trong một khởi niệm của ý thức sinh diệt mà thôi. Một niệm buồn chán, ân hận, lo lắng... mà không khéo nhận diện thì nó đưa chúng ta đang từ cõi thanh lương, yên ổn của đời sống trong đạo bước vào con đường gập ghềnh của thế trần chỉ trong tích tắc.
Cho nên điều đầu tiên chúng ta nên nhớ biên giới giữa chết và sống của người chiến sĩ như thế nào thì biên giới của người tu trên con đường thẳng đến Niết Bàn và con đường rớt vào cõi tử sinh cũng như thế. Rất gần nhau. Và phước để đi trọn đời tu thành tựu đạo nghiệp phải khá dày. Dĩ nhiên phước nghiệp nầy được sinh khởi từ trái tim từ ái, vị tha của chúng ta.
Câu Kinh Phật dạy: “Chiến đấu tới chết.” có hàm nghĩa phát dũng lực tinh tấn, kiên cường. Khi trong lòng ý niệm tinh tấn như trường giang cuồn cuộn hẳn nhiên tạo thành tính cách mạnh mẽ nuôi dưỡng được chính mình, và giúp đỡ yểm trợ cho “tinh tấn lực” nầy sẽ bộc phát cực mạnh trong kiếp lai sinh, và đưa ta vào quả vị nhanh như Đức Thế Tôn đã từng tu tinh tấn hạnh.
4. Đắc thắng trở về.
Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật đã nói lên điều đắc thắng của mình như sau: “Hỡi người làm nhà kia, ta đã thấy mi rồi. Kèo cột mi đã gãy, rui mè ngươi bị phá tan, ngươi không còn có khả năng cất được nhà cho ta nữa. Tâm ta đã đạt được tịch diệt, ái nhiễm đã đứt đoạn không còn dính dáng gì.” Đó là tuyên ngôn của người đắc thắng trở về nhà.
Tôi nghĩ là chúng ta tu thế nào để có thể nói lên được những câu như người xưa đã nói đó là người đắc thắng đã trở về.
Tất nhiên con đường tu tập của chúng ta có mở ra rộng hay không, có thênh thang đến cuối đường cho ta đi trọn hay không, điều quan trọng là trong ta có kiên cường giữ tâm rắn chắc và lòng tu có độ bền như kim cương hay không. Nếu chúng ta chỉ có sự tinh tấn mà không giữ lòng vững bền thì con đường tu hành cũng khó thành công. Có những người tu phát tâm rất lành, rất mạnh, rất tinh tấn nhưng trên con đường dài không đi trọn được kiếp tu.
5. Những thuận nghịch trên con đường tu.
Chúng ta có thể vượt qua được những khó khăn của ngoại cảnh, vượt qua được đời sống vật chất và hoàn cảnh xã hội khó khăn hoặc sung túc mời gọi. Nhưng để vượt được những thuận cảnh, nghịch cảnh tình cảm rất khó. Thuận, nghịch cảnh này có nhiều hướng đi vào, nhiều cách đánh phá chúng ta. Ví dụ như trong đời sống Tăng đoàn cùng là bạn đồng tu với nhau mà chúng ta thương, hay ghét đặc biệt một người nào cũng là một loại thuận, nghịch cảnh đặt ra sự thử thách cho ta.
Trong đời sống tình cảm người tu liên hệ nhau đặt ra nhiều khó khăn, mà đôi khi trong đời sống gia đình giữa bố, mẹ, anh, chị, em cũng đặt ra nhiều thuận, nghịch cảnh gây ra những khó khăn cho chúng ta thực tập. Cho nên chúng ta làm thế nào tiến được từng ngày, làm thế nào tâm mình an trú trong đạo ngày càng lớn, càng vững mạnh không phải là điều đơn giản.
Đôi khi, trở ngại lớn của người tu không phải là chuyện bên ngoài mà do chính tự thân quí vị. Sức khỏe không tốt là một trở ngại; nhiều lúc không phải ta làm biếng, nhưng sức khỏe không có nên sinh hoạt của đoàn thể ta không theo được nên mình cảm thấy bị lạc lõng, bị bỏ rơi. Thân bệnh cũng làm cho chúng ta đôi khi trở nên mặc cảm, buồn tủi nên ảnh hưởng đến đời sống tu của chúng ta vô cùng.
Ngoài ngăn trở của tự thân phải vượt qua, chúng ta còn phải vượt qua những vui buồn phát sinh từ tâm thức nó tạo thành mạng lưới giam nhốt và quấn chặt ta; những mạng lưới bất an, sầu khổ ngăn trở sự tiến đạo và ngăn trở sự thành đạt. Trên con đường tu có những thành đạt tất yếu như thành đạt cạn nhất là chúng ta được thầy thương bạn quí, được Phật tử tín đồ trọng vọng cũng là sự ngăn trở cần phải vượt qua. Nếu chúng ta dừng lại ở đó và nghĩ rằng đủ rồi, yên ổn rồi thì đời sống tâm linh của chúng ta không phát triển được.
Con đường tu của chúng ta càng lên cao thì sự khó khăn cùng mức độ dụ dẫn quyến rũ của thuận cảnh, nghịch cảnh sinh khởi càng nhiều. Làm một vị thầy lớn chưa hẳn là thuận duyên nhiều hơn một vị thầy nhỏ. Tại sao? Thưa, chúng ta phải chịu trách nhiệm về nhiều vấn đề, nếu không khéo thì niệm lợi, niệm danh và ít nhiều vô minh sinh khởi trong ta. Nhiều khi làm một thầy tu nhỏ sống giữa lòng đại chúng không ai biết đến mà thảnh thơi và hạnh phúc hơn nhiều, “Không có danh gì với núi sông.”, nhưng trên đường tu chúng ta không bị những quán trọ, những bến bờ gọi mời ta dừng lại.
Chỉ làm một thầy tu bình thường, chưa phải vị thầy giỏi, chưa có danh phận chi, khả năng tinh tấn của chúng ta rất mạnh. Nhưng đến khi làm vị thầy lớn sức mạnh tinh tấn của ta từ từ mất dần. Vì vậy, phải khéo lắm chúng ta mới nuôi dưỡng được mình.
6. Những bước tinh tấn.
Có hai loại tinh tấn: tinh tấn về mặt lý là mặt hiểu biết lý giải. Tinh tấn trong lúc hành trì, dụng công tức là đi vào sự thực tập trong đời sống hàng ngày. Hay nói cách khác là Hạnh và Giải tương ưng nhau. Sự hiểu biết và công phu hành trì phải song hành thăng tiến liên tục không gián đoạn.
Chúng ta có thể hiểu sâu hơn sự tương tức của lục độ Ba La Mật. Ấy là khi tinh tấn thực sự có mặt là có mặt của nhẫn nhục, trí tuệ, định lực... Tức là tu một Ba La Mật là có mặt các Ba La Mật khác. Người mà không có trí tuệ, không có định lực, không có khả năng nhẫn nhục thì người đó không thể tinh tấn được. Sự tiến đạo đòi hỏi rất nhiều yếu tố hội tụ mới có thể tiến vững trên con đường tu.
Thưa đại chúng, sự tinh tấn dụng công trong tu tập có hai cấp độ: cấp độ cạn là tinh tấn thông thường và cấp độ sâu là tinh tấn mà rất thong dong.
– Tinh tấn thông thường là sự biểu hiện ra bên ngoài sức cần mẫn, cố gắng tu tập thời khóa trong sinh hoạt mỗi ngày ai cũng thấy và tự thân ta cũng cảm thấy là mình tinh tấn.
– Tinh tấn thong dong có mặt nơi những hành giả đã thâm ngộ và có công phu hành trì thuần thục. Tinh tấn thực sự nhưng không thể hiện ra bên ngoài. Bên trong tâm thức người đó việc sống với chánh niệm tỉnh thức, việc an trú tâm nơi sự “nhận biết vô ngôn” là điều bình thường giống như hơi thở, tự nhiên không cần dụng công gì cả. Thong dong mà đến, thảnh thơi mà đi, “nhậm vận tùy duyên” như mây trời nhẹ trôi, như nước chảy về nguồn. An nhiên, thường tại.
Phân ra hai cấp độ như vậy để nhận diện và biết chúng ta đang tu trong tình trạng nào, cấp độ nào. Dĩ nhiên nếu không có sự tinh tấn ở mức độ cạn thì chúng ta không thể leo lên đến mức độ tinh tấn thong dong, tu mà như không tu được.
Chúng ta nhìn lại Đức Thế Tôn với sáu năm khổ hạnh, tu tập trong rừng già là Ngài thực hành tinh tấn một cách thông thường. Tuy Ngài đã làm chủ được hoàn toàn những cảm thọ của mình nhưng Ngài nhận thấy sáu năm qua con đường nầy không dẫn đến tuệ giác, chưa có thể đưa mình đến thành tựu giác ngộ, giải thoát cho nên Ngài bắt đầu thọ nhận chút thức ăn là bát sữa của nàng Sujata dâng cúng.
Ngài chọn cho chính mình một con đường tu tinh tấn rất thong dong là an trú trong thiền định bốn mươi chín ngày đêm, thành tựu quả chánh giác bên cội cây Bồ Đề khi sao mai vừa mọc.
Chúng ta tu tinh tấn thông thường có khi phải bỏ công, khó nhọc điều phục thân tâm, nhiều khi kéo dài đến mười, hai mươi năm. Vượt qua giai đoạn nầy chúng ta đến được giai đoạn tinh tấn thong dong thì sự tu tập của chúng ta rất tự nhiên, thong thả. Đến giai đoạn mà chúng ta thấy tu như chơi, rất nhẹ nhàng không bỏ một chút công sức nào cả. Và đây là giai đoạn hành giả đang thả trôi mình vào biển Niết Bàn.
Thưa đại chúng, có hai điều quan trọng chúng ta cần ghi nhận là nếu không có con đường thực tập sự dụng công nghiêm cẩn, thì sẽ không thể có giai đoạn chúng ta thong dong.
Trong sự dụng công thực tập chúng ta phải thông minh làm thế nào để sự tu tập của mình càng gần với tự nhiên, càng nhẹ nhàng càng tốt. Chúng ta cố gắng nhiều quá sẽ đưa đến tình trạng căng thẳng làm thương tổn thân và suy sụp tinh thần, không hợp với Đạo và cũng không đưa đến kết quả.
Tinh tấn nhưng không gấp gáp, không cố sức; hãy buông lỏng thân tâm và vận dụng sự trung hòa cho hệ đối giao cảm thần kinh có mặt thường xuyên là cách thực tập tốt nhất. Và không có gì tuyệt vời bằng sự thực tập mà gần gũi với tự nhiên. Không ai có thể truyền đạt được phương pháp thực tập cho chúng ta, ngoài chính chúng ta khéo thông minh để chọn cách thực tập riêng của mình mà thôi.
Thưa quí vị, chắc chắn một điều là con đường tu không phải dành cho người ít trí tuệ, không phải dành cho người có chút ít niềm tin thôi mà đủ, nó đòi hỏi sự bén nhạy, tinh tế của tâm thức. Cho nên chúng ta phải thông minh khi mặc chiếc giáp tinh tấn như lời Kinh Đức Phật dạy ở chương ba mươi ba nầy.