Vô tự Chân kinh. Bài 18.- Ngôn mà Vô Ngôn.- THIỀN NGỮ VÀ HÌNH ẢNH THI CA.
Tôn chỉ của Thiền là "Bất lập Văn Tự".- Thế nhưng Ngôn ngữ Văn Tự, mà Thiền môn dùng để giáo hóa Đạo Thiền lại vô cùng phong phú.
Nhưng đó là một loại: Ngôn mà Vô Ngôn. Văn tự mà siêu xuất Văn Tự. Nghĩa là Vô Ngôn có thể không rời ngôn thuyết. Vô Văn Tự vẫn có thể ở trong Văn Tự.
Để dẫn vào Vô Ngôn, Thật Tướng.- Thiền sư thường dùng những hình ảnh cụ thể làm phương tiện đưa người hành giả đến sự đạt ngộ.
Khi Vô Ngôn Thông được người ta hỏi về thiền và thiền sư, ông đã im lặng lấy tay chỉ vào một gốc cây thoan lư.
Thiền và Thiền sư trong lãnh vực đàm luận chỉ có thể là những khái niệm trừu tượng; gốc cây thoan lư là một hình ảnh cụ thể của thực tại; nếu nhìn thấy gốc cây thoan lư trong chính thực tại của nó tức đã thâm nhập thế giới thiền và trở thành thiền sư.
Các thiền sư không bao giờ muốn đưa học trò mình đi vào thế giới suy luận trừu tượng.
Khi Nam Tuyền hỏi Triệu Châu (hai vị thiền sư Trung Hoa thuộc thế kỷ thứ chín) về chủ ý của Bồ Ðề Ðạt Ma khi qua Trung Hoa, Triệu Châu cũng đã chỉ ra ngoài sân và nói: “Nhìn cây tùng ở ngoài sân”.
Thiền học, vì vậy rất gần với thi ca ở chỗ chú trọng tới hình ảnh mà xem thường những khái niệm trừu tượng.
Thi ca không có hình ảnh thì không còn là thi ca nữa, cũng như đi vào suy luận siêu hình thì thiền không còn có thể là thiền. Cho nên ta không lấy làm lạ khi thấy có những thiền sư dùng những câu thơ làm thiền ngữ. Một thiền sư có tâm hồn thi sĩ tự khắc diễn tả thực chứng bằng thi ca và hướng dẫn thiền giả bằng những hình ảnh thi ca.
Thiền sư Tuyết Ðậu (980 – 1052) ở Trung Hoa là một thi sĩ lớn trong thiền môn. Ông là người đã dựng nên truyền thống lấy hình ảnh thi ca làm thiền ngữ. Sự xuất hiện tại Việt Nam năm 1069 của thiền sư Thảo Ðường, đệ tử thiền sư Tuyết Ðậu, đã khiến cho khuynh hướng thiền ngữ thi ca ảnh hưởng sâu đậm đến thiền học Việt Nam, đặc biệt là trong thiền phái Vô Ngôn Thông. Thảo Ðường đã mang qua Việt Nam các tác phẩm của Tuyết Ðậu vốn thấm nhuần tính chất thi ca, và trong thiền phái Vô Ngôn Thông, nhiều thiền sư như Minh Trí (mất năm 1190) và Quảng Nghiêm (mất năm 1190) rất hâm mộ Tuyết Ðậu Ngữ Lục. Tuy nhiên, trước thiền sư Thảo Ðường, tại Việt Nam có thiền sư Thiền Lão cũng đã dùng những hình ảnh thi ca làm thiền ngữ. Thiền sư Thiền Lão (mất năm 1037) ở chùa Trùng Minh, núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du, sau có về núi Từ Sơn dạy học, học chúng quy tụ có hơn một ngàn người. Vua Lý Thái Tông có vào núi thăm thiền sư. Sau đây là cuộc đối thoại giữa hai người:
Vua: Ngài ở đây từ bao lâu rồi?
Thiền Lão:
Sống trong giờ hiện tại
Ai hay năm tháng xưa?
(Ðản tri kim nhật nguyệt
Hà thức cựu xuân thu?)
Vua: Ngài làm gì hàng ngày ở đây?
Thiền Lão:
Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh
Trăng soi mây bạc hiện toàn chân.
(Túy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân.)
Vua: Như vậy ý chỉ là gì, xin ngài cho biết?
Thiền Lão: Nói nhiều lời, sợ sau này bất lợi.
Những câu thơ mà Thiền Lão đọc ở đây không phải chỉ là những câu thơ, mà còn là những câu thoại đầu, những lời thiền sư nhằm đánh thức sự tỉnh ngộ của thiền giả. Vua Lý Thái Tông, sau hai câu thiền ngữ, không hiểu được chủ ý của thiền sư và đã hỏi lại. Chính vì tính chất thoại đầu của các câu thơ mà thiền sư đã đáp: Chừng đó lời đã quá đủ, nhà vua chỉ cần tham cứu cho kỹ, nói thêm thì sau sẽ bất lợi (từ đa, vô hậu ích).
Vị thiền sư thi sĩ tài ba nhất của thiền phái Vô Ngôn Thông là thiền sư Viên Chiếu (998 – 1090). Ông họ Mai, tên là Trực, con anh bà Linh Cảm Thái Hậu. Ông rất am tường phương pháp Tam Quán của kinh Viên Giác. Sách Thiền Uyển Tập Anh nói ông thâm đắc “ngôn ngữ tam muội”; các thiền ngữ của ông xuất phát từ thực chứng sâu xa về thiền. Ông là tác giả những cuốn:
– Tán Viên Giác Kinh
– Thập Nhị Bồ Tát Hạnh Tu Chứng Ðạo Trường
– Tham Ðồ Hiển Quyết
– Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn
Cuốn Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn được vua Lý Nhân Tông sai sứ thần đem sang tặng vua Triết Tông nhà Tống. Vua Tống giao sách này cho các thiền sư chùa Tướng Quốc xem và bảo có chỗ nào đáng sửa chữa thì sửa chữa lại. Các vị này xem xong thì tâu vua: “Ðây là đấng hóa thân đại sĩ ra đời ở phương Nam, giảng giải kinh nghĩa rất tinh vi, chúng tôi không dám thêm bớt gì nữa”. Vua Tống liền cho sao lại một bản, còn bản chính thì gửi trả lại vua Lý Nhân Tông với những lời khen ngợi. Sau đây là một số thiền ngữ có tính cách thi ca còn được chép lại trong Thiền Uyển Tập Anh, có lẽ là những gì còn lại trong tập Tham Đồ Hiển Quyết, một tác phẩm ghi lại những đề án thiền học. Một vài câu vấn đáp:
Hỏi: Phật và Thánh khác nhau ở chỗ nào?
Ðáp: Cúc trùng dương dưới dậu
Oanh thục khí đầu cành.
(Ly hạ trùng dương cúc
Chi đầu thục khí oanh.)
Hỏi: Kẻ học nhân chưa hiểu, xin thầy dạy lại.
Ðáp: Ngày quạ vàng chiếu rạng
Ðêm thỏ ngọc sáng soi.
(Trú tắc kim ô chiếu
Dạ lai ngọc thố minh.)
Hỏi: Ðã nhận được yếu chỉ
Nhưng huyền cơ ra sao?
Ðáp: Nước đầy bình vạc, chân vô ý
Vấp ngã một lần, hối kịp sao?
(Bất thận hủy bàn kinh mãn xứ
Nhất tao sa điệt hối hà chi?)
Và:
Muốn dìm cho sóng chết
Ai hay thân tự trầm.
(Mạc quán giang ba nịch
Thân lai khước tự trầm.)
Hỏi: Bồ Ðề Ðạt Ma ở núi Thiếu Thất hành đạo đạt đến chỗ huyền diệu sâu thẳm; từ xưa đến nay ai là kẻ thừa kế xứng đáng nhất?
Ðáp: Trời tối sáng soi nhờ nhật nguyệt
Ðất hiểm phân ranh có núi sông.
(U minh càn tượng nhân ô, thố
Khuất khúc khôn duy vị nhạc, hoài.)
Hỏi: Thế nào là một con đường đưa thẳng đến căn nguyên của đại đạo?
Ðáp: Cỏ mạnh đứng bờ cao gió dữ
Nước nhà thời loạn biết trung lương.
(Cao ngạn tật phong tri kỉnh thảo
Bang gia bản đãng thức trung lương.)
Hỏi: Tất cả chúng sinh từ đâu tới và sẽ đi về đâu?
Ðáp: Rùa mù xuyên vách đá
Rùa què leo núi cao.
(Manh quy xuyên thạch bích
Bì miết thượng cao sơn.)
Hỏi: Người ta nói: Khóm trúc xanh xanh kia là Chân như. Vậy công dụng của Chân như là gì?
Ðáp: Ðưa người xa ngàn dặm
Cười tặng một bình trà.
(Tặng quân thiên lý viễn
Tiếu bả nhất bình trà.)
Thiền sư Trí Bảo (mất năm 1190), một thiền sư sống khổ hạnh có đức khiêm nhượng lớn, mỗi khi có người trêu chọc thường chắp hai tay lại, cũng là một thiền sư hay dùng thiền ngữ thi ca. Ông thường ra tay bắc cầu sửa đường mỗi khi gặp cầu hư, đường lở. Trong khi đàm luận với thầy là Ðạo Huệ, ông đã dùng những câu sau đây:
Không nhờ gió cuốn mây trôi hết
Màu xanh sao tỏ một trời thu?
(Bất nhân phong quyện phù vân tận
Tranh kiến thanh thiên vạn lý thu?)
Và:
Quen biết đầy thiên hạ
Tri âm được mấy người?
(Tương thức mãn thiên hạ
Tri âm năng kỷ nhân?)
Thiền sư Tịnh Không (mất năm 1170) chuyên tu
hạnh đầu đà, mỗi lần nhập định lâu tới năm bảy ngày. Có một lần kẻ trộm tới, ông chỉ vào thùng phước sương cho kẻ kia lấy tiền. Ðây cũng là một thiền sư thi sĩ. Người ta hỏi Phật là gì, ông đáp:
Nhật nguyệt trời cao soi mọi cõi
Ai hay mây khói phủ non sông.
(Nhật nguyệt lệ thiên hàm trân sát
Thùy tri vân vụ lạc sơn hà?)
Người kia hỏi: Làm thế nào mà hiểu?
Ông đáp: Mục đồng ngủ mãi lưng trâu nọ
Câu chuyện anh hùng biết được sao?
(Mục đồng kỳ quán ngọ ngưu bối
Sĩ hữu anh hùng khoa đắc y)
Hỏi: Ý chỉ của tổ truyền khác với ý chỉ của giáo lý ở chỗ nào?
Ðáp: Chư hầu vạn nẻo đều xuôi Khuyết.
(Vạn lý thê hàng giai triều Khuyết.)
Hỏi: Hòa thượng có sở đắc đặc biệt tại sao không nói cho chúng con nghe?
Ðáp: Ông thổi lửa, tôi vo gạo.
Ông khất thực tôi mang bình
Ai cô phụ ai đâu?
Một hôm ông họp đại chúng lại đọc một bài thơ sau đây:
Trên không manh ngói che
Dưới không đất cắm dùi
Người xách gậy tìm lại
Kẻ mặc áo lạ tới
Khi hành động xúc tiếp
Như rồng nhảy đớp mồi.
(Thượng vô phiến ngõa già
Hạ vô trác chùy địa
Hoặc dị phục trực nghệ
Hoặc sách trượng nhi chí
Ðộng chuyển xúc xử gian
Tợ long dược thôn nhỉ.)
Có một vị tăng bước ra hỏi: “Ngài nói cái gì thế?”.
Ông cười: Ngày ngày đi gặt hái
Kho lúa vẫn rỗng không!
(Nhật nhật khứ hoạch hòa
Thời thời không thương lẫm!)
Thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi cũng chịu ảnh hưởng lối dùng thiền ngữ thi ca, nhưng ít hơn thiền phái Vô Ngôn Thông. Thiền sư Chân Không (mất năm 1100) giỏi về sử học, cũng đã từng cư trú núi Từ Sơn nơi Thiền Lão dạy học. Những thiền ngữ của ông chứa đầy thi vị. Một hôm có vị tăng hỏi: “Diệu đạo là gì?”. Ông nói: “Giác rồi mới biết”. Người kia nói: “Học nhân chưa hiểu được, xin thầy dạy cho”. Ông nói:
Ðến được động tiên sâu thẳm ấy
Linh đơn đổi xác mới quay về.
(Nhược đáo tiên gia thâm động nội
Hoàn đan hoán cốt đắc hoài quy.)
Hỏi: Linh đơn nào mới được chứ?
Ðáp: Vạn kiếp si mê không hiểu thấu
Sáng nay bừng mở nẻo khai minh.
(Tịch kiếp ngu mông vô động hiểu
Kim thần nhất ngộ đắc khai minh.)
Hỏi: Nhưng khai minh thế nào?
Ðáp: Khai minh thấy hết trần gian nọ
Muôn loại sinh linh thảy một nhà.
(Khai minh chiếu triệt ta bà giới
Nhất thiết chúng sinh cộng nhất gia.)
Hỏi: Người ta nói: “Tuy không biện luận nhưng đâu đâu cũng gặp người”. Người đây là ai?
Ðáp: Lửa cháy tàn rồi, tan sạch hết
Non xanh, mây trắng vẫn còn bay.
(Kiếp hỏa đồng nhiên hào mạt tịnh
Thanh sơn y cựu bạch vân phi.)
Hỏi: Sau khi chết xác thân tan rã rồi thì sao?
Ðáp: Xuân đi xuân đến ngờ xuân hết
Hoa nở hoa tàn cũng lại xuân.
(Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận
Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân.)
Người kia đang suy nghĩ thì ông hét một tiếng và nói:
Bình nguyên sau trận cháy
Cây cỏ càng xanh thơm.
(Bình nguyên kinh hỏa hậu
Thực vật các thù phương.)
Người kia bừng tỉnh bèn lạy xuống.
Nói tóm lại: Phương tiện Thiền.- Có thể dùng Văn tự để vượt khỏi Văn Tự. Dùng Ngôn Ngữ để đưa vào Vô Ngôn.- Bởi vì
MUÔN PHÁP NHẤT NHƯ.- Mọi Ngôn Ngữ- Văn Tự Thiền để dẫn đến Chân Như- Vô Ngôn, tuyệt lự.