Bàn luận tiếp về bản chất của thực tại. Vì 'Sự trống rỗng tuyệt đối' không phải là Thực thể (một sự vật tự hiện hữu) mà cũng không phải là Hư vô (được xác định là không có gì cả) nên luôn nảy sinh biến thiên, dao động và tạo tác ra mọi sự vật hiện tượng thiên sai vạn biệt. Mọi thứ trong vũ trụ này là biểu hiện, hay nói cho đúng hơn, là cách thức hiện hữu (tồn tại) của 'Sự trống rỗng tuyệt đối'. Tôi tạm gọi bằng ngôn từ như vậy. Nhân tiện xin nói thêm vài điều mà người sơ cơ mới tìm hiểu Phật pháp cũng như các Phật tử hay lầm tưởng.
1. Tuy hai mà một, tuy một mà hai:
Bản thể và hiện tượng giống như hai mặt của một đồng tiền xu, nếu xét về thực chất thì đó là một (đồng tiền) còn xét về biểu hiện thì đó là hai (hai bề mặt khác biệt). Bởi vậy phải tùy vào ngữ cảnh và vấn đề bàn luận mà suy xét theo khía cạnh nào. Có người cho rằng nếu 'vô ngã' như vậy thì không có người tu, không có chứng đắc thì tu tập làm gì? Không phân biệt thiện ác vậy làm điều thiện để làm gì?...Nói vậy là đánh đồng Chân đế và Tục đế, vì Tục đế là phương tiện còn Chân đế là cứu cánh. Sự thể cũng giống như một học sinh được dạy rằng vạn vật đều do các nguyên tử hợp thành, nguyên tử của vật này cũng như vật kia đều y như nhau. Nhưng không thể vì vậy mà đứa trẻ đó nghĩ rằng ăn cơm hay ăn phân đều được, không cần phân biệt.
2. Dung thông sự đối lập:
Thực tại không phải là Có cũng không phải là Không (không có), đúng hơn là Có và Không đều được sinh ra đồng thời, do Sự bất định xuất sinh mà thành. Cả CÓ và KHÔNG đều là giả ảo, không thật. Như vậy nói vũ trụ này là CÓ hay KHÔNG đều đúng cả, tuy là tương đối, nhưng cần phải giữ vững lập trường, không ngả nghiêng thì mới không bị mâu thuẫn. Giống như câu nói của Từ Đạo Hạnh: 'Có thì có tự mảy may. Không thì cả thế gian không'. Cũng vì tư duy của con người theo ba quy tắc logic học Aristote (đồng nhất, cấm mâu thuẫn, triệt tam) trong khi bản chất của vũ trụ là sự dung thông, bao nhiếp hết thảy nên chúng ta không thể hiểu được bản chất của thực tại.
Định lý bất toàn Godel có thể diễn dịch nôm na rằng trong một hệ kín thì không thể tự nó giải thích được. Như vậy khi ta nhìn thấy được thật tướng (chân tướng) của vũ trụ thì không thể hiểu được theo lề lối tư duy thông thường. Bởi vì khi tìm hiểu cái gì đó cũng tức là ta muốn xác định nó là thế này hay thế kia, trong khi thật tướng là vô định (bất định). Ngay cả vô vàn sự vật trong vũ trụ này (giả tướng) thì nếu muốn xác định sự vật nào cũng phải nhờ vào sự vật khác mới hiểu được, vì nó không hề có tự tánh!
Người đời hay thắc mắc 'Vạn vật trong vũ trụ này từ đâu mà có?' cũng chỉ vì không hiểu được ý niệm 'có' được sinh ra từ ý niệm 'không'. Do Không mới xác định là Có. Ngược lại cũng vậy, do Có mới xác định là Không (không có), bởi vì chúng do 'Không bất định' mà xuất sinh. Tức là vũ trụ (giả tướng) có cả hai tính chất Có và Không, vì thiên kiến sai lệch 'chấp Có' nên nảy sinh thắc mắc trên. Nói khác đi, từ sai lầm này nảy sinh ra sai lầm khác, Phật giáo gọi điều này là 'điên đảo vọng tưởng'.
3. Sự im lặng của Đức Phật:
Nhiều Phật tử thường lầm tưởng và suy diễn rằng ngài im lặng, không giải đáp một số câu hỏi là vì nó quá cao siêu, nếu giải thích thì người hỏi cũng không lĩnh hội được. Không phải như vậy, ngoại trừ trường hợp Đức Phật nói rõ điều đó là 'bất khả tư nghì', những trường hợp ngài im lặng là vì những nguyên nhân khác.
Chẳng hạn câu hỏi về nguồn gốc của vô minh, ngài không trả lời mà kể câu chuyện về người thợ săn bị trúng mũi tên độc. Ý rằng ngài khuyên người hỏi nên tìm hiểu những điều thiết thực hơn. Cứu cánh của việc tìm hiểu Phật học là trở nên giác ngộ, sau đó sẽ tự mình giải được những thắc mắc trước đây mà không cần nhờ ai khác. Vô minh cũng như ảo giác thấy nước trong sa mạc hay đường chân trời, do bản chất tự nhiên gây ra giới hạn về giác quan.
Còn câu hỏi 'Con người có tự ngã hay không?' thì ngài đã giải thích cho đồ đệ tại sao lại im lặng: vì ngài thấy Vachagotta còn chấp ngã sâu dày, nếu nói rằng 'có tự ngã' thì sai sự thật, còn nói đúng sự thật 'không có tự ngã' thì sẽ gây ra sự kinh sợ và hoang mang cho người hỏi chứ không giúp ích gì.
Trong khi đó, nhóm 3 câu hỏi của Vachagotta mà ngài im lặng lại vì nguyên nhân khác. Câu hỏi 'Vũ trụ là vô hạn hay hữu hạn?' thì trả lời 'vô hạn' hay 'hữu hạn' đều sai, vì như 2. vừa nói trên (dung thông sự đối lập). Câu hỏi 'Tâm và Vật là hai hay là một?' thì nói rằng 'hai' hay 'một' đều sai, vì tính Bất nhị nên không phải hai cũng không phải một. Câu hỏi 'Phật sau khi chết còn tồn tại hay không?' thì trả lời 'tồn tại' hay 'không tồn tại' đều sai, vì đó là quan điểm Thường hằng và Đoạn diệt, và sai lầm đó xuất phát từ sự hiểu sai về bản ngã khi cho rằng có bản ngã (chấp ngã).
4. Kế thừa và giác ngộ:
Tôi cho rằng mọi thứ đều có tính kế thừa chứ không phải tự dưng mà nó như vậy. Nếu Đức Phật sinh ra ở phương Tây, ngài sẽ nói kiểu khác sau khi thành đạo. Nếu Đức Phật sinh ra ở Trung Quốc, ngài sẽ nói cũng giống như Lão Tử, Trang Tử. Sở dĩ Đức Phật thuyết giảng về Khổ, Vô thường, Giác ngộ và Giải thoát là vì trước đó Ấn Độ giáo đã đề cập đến những vấn đề đó. Điểm khác biệt cốt tủy là Ấn Độ giáo giảng giải chúng dựa trên Bản ngã (với nền tảng là Chân ngã 'Purusha', Tiểu ngã 'Atman', Đại ngã 'Brahman'
...) trong khi Phật giáo lại giảng giải theo Vô ngã. Do đó tuy về ngôn từ có giống nhau nhưng ý nghĩa lại khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau.
Có nhiều người, nhất là những người ngoại đạo thường thắc mắc: "Thành Phật là thành cái gì? Giác ngộ có nghĩa là gì?..." Ai cũng biết giác ngộ là thấu hiểu bản chất của vạn vật, nhìn thấy được chân tướng của vũ trụ. Nhưng Đức Phật đã ngộ ra sự thật tuyệt đối như thế nào?
“Ta nhớ thuở trước, khi chưa thành Chánh giác, một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh Thiền định tư duy, khởi nghĩ như sau: Pháp gì có nên già, chết có? Duyên pháp gì nên già, chết có? Ta liền chánh tư duy khởi biết như thật liên tục: Vì có sanh nên có già, chết. Duyên sanh nên có già, chết. Cũng như vậy, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập, danh sắc.
Pháp gì có nên danh sắc có? Ta liền chánh tư duy khởi biết như thật liên tục: Vì có thức nên có danh sắc. Duyên thức nên có danh sắc. Khi Ta tư duy đều biết ngang thức mà lui không thể vượt qua nó. Nghĩa là duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có lục nhập, duyên lục nhập có xúc,..., duyên hữu có sanh, duyên sanh có lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Như thế thuần là nguyên nhân của khổ uẩn.
Lớn thay nguyên nhân ấy! Thế là, với ta, chưa từng nghe pháp ấy mà sinh mắt, sinh trí, sinh tuệ, sinh sáng, sinh ánh sáng..."
(Tương Ưng Bộ, XII.65)
Đó là Nguyên lý tùy thuộc phát sinh, tinh hoa của Lý duyên khởi. Lão Tử cũng là một người nhận ra chân lý đó. Cách nói có thể sai khác, nhưng ý nghĩa thì như nhau.
"Thiên hạ đều biết tốt là tốt,
Thì đã có xấu rồi.
Đều biết lành là lành,
Thì đã có cái chẳng lành rồi.
Bởi vậy
Có với không cùng sinh
Khó với dễ cùng thành
Cao với thấp cùng chiều
Giọng với tiếng cùng họa
Trước và sau cùng theo..."
(Đạo đức kinh)
Trước đây trên cái mạng ảo này tôi có cơ duyên gặp một người mà sau này tôi mới biết đó là người đã giác ngộ. Khi tôi hỏi 'duy vật và duy tâm cái nào đúng?' Anh ta nói vũ trụ như một đồ vật đa diện, nhìn thấy mặt này mà không thấy mặt kia sẽ có cái nhìn phiến diện, sai lầm, và khẳng định rằng mấy ngàn năm trước cũng như sau này hai trường phái trên sẽ luôn tranh cãi không có hồi kết.
5. Ngữ nghĩa và Trung đạo:
Đây là những vấn đề hình như tôi đã nói rồi, nhưng cũng xin nói lại vì thấy nó quan trọng đối với người sơ cơ.
- Cùng một nghĩa nhưng nói theo cách xác định hay phủ định sẽ khác biệt nhau, nói đúng hơn là trái ngược nhau, điều đó làm nhiều người hiểu lầm rồi đi sai đường lạc lối. Chẳng hạn nói 'Các pháp đều không có tự tánh' là nói theo kiểu phủ định, còn nói 'Các pháp có tự tánh là không' là nói theo kiểu xác định. Một đằng nói 'có', một đằng nói 'không có', nhưng đều chung một nghĩa.
- Cùng một từ nhưng có nhiều nghĩa: chẳng hạn 'tự tánh' khi thì có nghĩa là bản ngã, khi thì có nghĩa là tính chất, đặc điểm vốn có. Từ 'Phật' khi thì ám chỉ ngài Tất Đạt Đa, người sáng lập đạo Phật, khi thì ám chỉ những người giác ngộ như ngài, lại có khi ám chỉ đến Thật tướng của vũ trụ.
- Cùng một nghĩa nhưng có nhiều từ: chẳng hạn Thật tướng có nhiều cách gọi tên khác nhau như Phật tánh, Chân tâm, Niết Bàn, Bản lai diện mục....
- Chân tướng (thật tướng) của vũ trụ là thứ duy nhất mà ta không thể hiểu về bản chất. Khi nhìn thấy nó thì mọi tư tưởng, ngôn từ đều không thể giải thích được. Vì sao? Vì tư duy con người có tính Nhị nguyên trong khi Chân tướng có tính Bất nhị (Phi nhị nguyên). Vì 'hiểu biết' tức là phải có chủ thể tìm biết và đối tượng để tìm biết, trong khi Chân tướng chỉ có một thì cái gì tìm biết cái gì. Do đó Phật giáo dùng những từ 'trực nhận', 'chứng nhập' thay cho sự nhận thức thông thường.
Phật giáo theo trung đạo, tức là không rơi vào hai biên kiến. Nhưng khi thuyết giảng phải dùng cái này phá chấp cái kia, người nghe tưởng cái này là đúng thì lại sai. Hơn nữa, tất cả kinh luận đều giảng bày sự thật tương đối, nhờ nó làm phương tiện để tìm thấy sự thật tuyệt đối. Nó giống như đưa một tấm hình cho ta tìm ra một người nào đó. Không nên nhận lầm tấm hình là con người thật, nhưng tấm hình là hình ảnh thật của anh ta, nhờ nó mà ta hình dung mặt mũi anh ta ra sao.