K

HOA TRÔI TRÊN SÓNG NƯỚC

  • Người khởi tạo kequaduong
  • Ngày bắt đầu

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

Lúc đầu tôi nghĩ mình có thể chứng ngộ trong vòng một tháng nhưng một tháng trôi qua mà tôi vẫn chưa tiến bộ được chút nào. Tôi cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa, thay vì mỗi ngày ba buổi tọa thiền, tôi gia tăng lên bốn buổi rồi năm buổi. Thời gian tiếp tục trôi, một năm, hai năm đã qua mà tôi vẫn chưa thấy có sự thay đổi gì. Tôi có ý định trở lại tham dự khóa nhiếp tâm để hỏi thiền sư Joten cho ra lẽ nhưng không hiểu sao tôi lại nghĩ: «Mình đã từng tham dự khóa nhiếp tâm rồi, cũng chẳng có gì lạ, có mỗi công án «Vô» mà giải chưa xong thì tham dự thêm mấy khóa nữa cũng chẳng lợi lộc gì». Tôi nhất định không đến Zuiryuji mà chờ đến khi tự mình chứng ngộ được sẽ đến độc tham với thiền sư Joten. Thời gian cứ tiếp tục trôi. Thấm thoát tôi đã tham công án được bốn năm mà vẫn không thấy tiến bộ gì so với khi trước. Hơn lúc nào hết, tôi bắt đầu sợ hãi và mất niềm tin. Nhiều lúc tuyệt vọng, tôi đã nghĩ đến việc tìm cái chết. Sau cùng tôi tạm ngưng việc tham công án cho đầu óc bớt căng thẳng rồi kiểm điểm lại hành động của mình trong bốn năm qua. Tôi thấy mình đã có cố gắng nhưng không hiểu sao vẫn không thể hòa nhập được với «Vô». Tôi đành kết luận có lẽ nghiệp của mình quá nặng, không thể tu hành tiến bộ được, và muốn tiếp tục tôi phải tìm cách giải trừ các nghiệp chướng này. Tôi không nhớ đã đọc được ở đâu một phương pháp gọi là Lục Độ Ba La Mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ) trong đó hạnh bố thí đứng đầu và làm căn bản cho tất cả những Ba La Mật kia. Để tiêu trừ túc nghiệp, người tu phải lập hạnh Bố thí bằng việc cho đi tất cả những gì mình có như quần áo, thực phẩm, nhà cửa, tài sản, và nếu cần cả thân thể của mình nữa. Trong việc tu thiền, có năm chướng ngại là tham lam, giận tức, hôn trầm, trạo cử và nghi hối. Nhờ thực hành bố thí mà người tu diệt trừ được lòng tham lam. Nhờ phát tâm bố thí một cách trong sạch mà người tu sẽ nhẫn nhục, diệt trừ được sự giận tức. Nhờ phát tâm cầu đạt đạo giải thoát mà người tu siêng năng bố thí do đó diệt trừ được sự lười biếng, hôn trầm. Nhờ khởi tâm trong sạch, kính trọng mọi chúng sinh, chú ý đến hành động của mình để không tạo thêm nghiệp nữa mà người tu diệt trừ được trạo cử. Nhờ biết bố thí như trên mà người tu đạt được phước báu vô lượng, càng được nhiều phước càng vững tin vào sự bố thí mà người tu diệt trừ được nghi hối.



Biết bố thí là căn bản cho mọi hạnh khác. Tôi bèn quyết định thực hành bố thí qua việc chia xẻ những cái mình có với những người chung quanh. Mặc dù sống bằng nghề nhặt củi, lợi tức chẳng bao nhiêu nhưng tôi cố gắng ăn thật ít, để chia xẻ thực phẩm cho những người nghèo và những đứa trẻ thiếu ăn trong xóm. Vào lúc đó, cuộc thế chiến thứ hai đang bước vào giai đoạn trầm trọng, hầu như mọi hoạt động đều đổ dồn vào chiến tranh. Các hãng xưởng sản xuất khí giới hoạt động mạnh, mọi người bị động viên vào việc sản xuất cho chiến tranh, chỉ trừ những người già yếu, bệnh tật hay trẻ nhỏ mà thôi. Tôi gặp Kimura, một cựu quân nhân đã phục vụ trong mặt trận Mãn Châu trở về. Ông này bị nội thương rất nặng thường thổ huyết, không thể làm ăn gì được. Vợ ông lại mang bầu sắp sinh cũng không thể đi làm. Hai vợ chồng đã bán tất cả những gì họ có, từ đồ đạc, nhà cửa, ruộng nương để mua thực phẩm nuôi thân và sau cùng khi không còn gì nữa, họ gạt lệ rời bỏ căn nhà hương hỏa đã lọt vào tay kẻ khác, cất một cái chòi nhỏ ở chân núi, sống bằng cách đi mót rau trái ngoài ruộng để sống qua ngày. Mùa mưa đến, ruộng ngập nước không còn rau trái để mót, họ đành sống bằng cách đi ăn xin nhưng trong tình trạng chiến tranh, ai ai cũng đói khổ, nên họ thường đói nhiều hơn no. Biết rõ tình cảnh, tôi thường đến chia sẻ số thực phẩm ít oi của mình với họ. Hôm đó khí trời giá lạnh, tôi bước vào căn lều dột nát trơ trụi không có đồ đạc và thấy bà Kimura đang ôm bụng nằm rên la trong ổ rơm dưới đất. Tôi động lòng trắc ẩn nghĩ đến cái chăn bằng nỉ đã cũ nát của mình. Dù sao cái chăn cũ cũng còn ấm hơn nằm ổ rơm, hơn nữa bà Kimura lại sắp sinh, làm sao một đứa bé sơ sinh có thể chịu đựng được thời tiết lạnh cắt ruột như thế này. Tôi nảy ý định cho bà Kimura cái chăn cũ của mình nhưng khi trở về lều, nhìn cái chăn rách tôi lại có ý tiếc không muốn cho. Ngay lúc đó tôi thấy rõ hạt giống tham lam, bỏn xẻn vẫn còn ở trong tôi và quyết định: «Ta phải cương quyết diệt trừ tính tham lam này». Tôi vơ vội chiếc chăn rách và mấy cái áo cũ mang qua lều tặng cho bà Kimura. Trên đường trở về tôi thấy trong lòng nhẹ nhõm, thoải mái khác thường. Một cảm giác ấm áp lạ lùng dường như nảy sinh trong tâm khiến tôi suýt kêu lớn: «Bây giờ có lẽ ta sẽ đạt ngộ được rồi». Tôi vội vã xếp bằng tập trung tư tưởng vào công án «Vô» và thầm nghĩ có lẽ lần này mình sẽ thành công nhưng rồi một năm lại trôi qua, tôi vẫn không thấy mình tiến bộ chút nào.



Tôi đã khóc hết nước mắt, tôi đã thao thức nhiều đêm để tìm hiểu về số phận hẩm hiu của mình. Tôi tự hỏi tôi đã làm gì nên tội, tại sao công phu tu tập siêng năng như vậy mà không đạt được kết quả nào? Không lẽ nghiệp của tôi lại nặng đến như vậy hay sao? Tự nhiên ý định tìm đến cái chết bỗng nảy sinh trong đầu óc hoang mang, tuyệt vọng của tôi. Tôi lấy một sợi dây thừng treo lên cành cây gần đó toan thắt cổ tự tử nhưng may mắn thay khi vừa treo xong sợi dây, tôi lại nghĩ: «Nếu ta chết đi thì sự đau khổ này có chấm dứt không? Chắc chắn là không, nó sẽ tiếp tục theo đuổi ta qua những kiếp sau. Nghiệp chướng đâu thể thay đổi bằng cái chết. Người ta phải gặt hái những gì mà người ta đã gieo, không thể trốn chạy được. Có nợ thì phải trả và phải trả cho đến hết mới thôi. Chắc chắn trên thế gian này thiếu gì những kẻ cũng gặp khó khăn như ta, biết đâu hoàn cảnh của họ lại chẳng bi đát hơn ta nữa. Đi tìm cái chết chỉ là một hành động nhất thời không giải quyết được gì hết. Giải pháp duy nhất là phải nhẫn nhục chịu đựng để trả hết nghiệp. Khi hết nghiệp thì chắc chắn sẽ giải thoát được. Dù thế nào chăng nữa ta cũng phải đạt ngộ giải thoát, nếu không được trong kiếp này thì kiếp sao hay kiếp sau nữa». Nghĩ thế tôi bèn bỏ ý định tự tử và từ đó trở đi, dù trong hoàn cảnh tuyệt vọng nào, không bao giờ tôi nghĩ đến việc tìm cái chết nữa. Tôi vất bỏ sợi dây thừng rồi thắp một nén nhang, thành tâm xin xám hối những tội lỗi đã tạo và cương quyết phát nguyện sẽ tu hành để đạt đạo giải thoát, bất chấp mọi khó khăn trở ngại. Tôi không nhớ rõ mình đã làm những gì nhưng tôi biết chắc chắn tương lai của tôi sẽ phải thay đổi từ khi phát nguyện này. Tôi thành kính niệm hồng danh chư Phật, xin xám hối những lỗi lầm đã phạm và tôi đã khóc cho đến khi ngất đi lúc nào không biết.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

Tôi không biết mình mê hay tỉnh nhưng trước mắt tôi bỗng hiện ra một làn hơi mờ đục, tụ lại thành một hình bóng vật vờ bay lượn. Hình bóng này từ từ đông đặc lại thành một con vật lông lá xù xì, trông như con dã nhân. Con vật này vươn mình lên cao và cao mãi cho đến khi đầu nó đụng vào những lớp mây đang bay trên trời. Tôi tự hỏi tại sao lại có hiện tượng kỳ lạ như vậy. Tôi đã từng có dịp tiếp xúc với các cõi giới vô hình nhưng điều này vượt ra ngoài giới hạn mà tôi hiểu biết. Tôi bèn cố gắng tập trung tư tưởng để quán xét hiện tượng này và bất ngờ thay tôi bỗng thấy mình chính là Thái Dương Thần Nữ. Tôi nắm rất vững quan niệm về sự giao tiếp với các thần linh trong thiên nhiên và đã từng làm như vậy nhiều lần trong khi hành nghề cô đồng (Miko) nhưng lần này tôi không còn thấy mình là một dụng cụ để các vị thần nhập vào nữa, mà trở nên là một với các thần linh. Ngay lúc đó, tôi biết mình đang kinh nghiệm được một trạng thái đặc biệt, tối cao của Thần Đạo: Trạng thái hợp nhất với đấng Sáng Tạo hay Thái Dương Thần Nữ. Một sự an lạc lạ lùng xâm chiếm trọn tâm hồn tôi. Phải chăng đây chính là trạng thái mà lão sư vẫn thường nói đến, trạng thái đạt đại đạo? Tôi thấy mình tan biến trong một biển ánh sáng lạ lùng. Trước mắt tôi hàng ngàn hình ảnh kỳ lạ đầy màu sắc hiện ra chói lọi. Phải rồi, tôi đang chiêm ngưỡng sự tạo thiên lập địa của Thái Dương Thần Nữ. Không ! Chính tôi là người đang sáng tạo, giữa tôi và Thái Dương Thần Nữ không còn gì cách biệt mà là một với nhau. Tôi thấy mình sinh hóa ra muôn loài, ra các chư thần, ra chính tôi, chính tôi đã sinh ra tôi. Tôi đã kinh nghiệm được mình trước khi được sinh ra. Phải chăng đó là điều mà công án «Bộ mặt thật trước khi sinh ra» đã đề cập đến? Trong khoảnh khắc đó, mọi sự bỗng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi reo lớn: «Ngộ rồi (Satori), ta đã chứng ngộ rồi!» Tôi choàng dậy trong một cảm giác kỳ lạ không thể diễn tả. Tôi thấy mình chạy nhảy chung quanh căn lều và reo lớn như đứa trẻ được quà: «Satori! Satori! Satori!» Tôi có cảm tưởng như toàn thế giới đang tràn ngập một niềm vui không kể xiết và rồi tôi cười, cười mãi không thôi.



Không bút nào có thể diễn tả được cảm giác sung sướng mà tôi đã kinh nghiệm được lúc đó. Cái thế giới đầy phiền muộn vẫn quấy phá tôi từ trước đến nay bỗng dưng thay đổi một cách bất ngờ. Tôi thấy trong người nhẹ nhõm thoải mái như vừa trút được một gánh nặng. Phải chăng tôi đã chứng ngộ? Phải chăng ngộ là như thế ? Dĩ nhiên tôi muốn được ấn chứng về kinh nghiệm tâm linh này. Lúc đó vào đầu mùa đông, phải đợi đến cuối xuân mới có khóa nhiếp tâm tại Zuiryuji nhưng tôi không thể chờ đợi lâu như thế được. Tôi vội vã lấy xe lửa đi Maruyama để gặp thiền sư Joten ngay. Ngồi trên xe tôi đã thảo một bài thơ ngắn trình bày kiến giải của mình với hy vọng sẽ được thiền sư Joten ấn chứng cho. Khi xe lửa đến gần Maruyama, tôi lo lắng tự hỏi không biết thiền sư Joten có chịu tiếp tôi không ? Trong các khóa nhiếp tâm, người ta có thể xin đặc tham được nhưng hiện nay không phải tuần lễ nhiếp tâm. Phần lớn các thiền sư đều tĩnh tu, không dễ gì có thể gặp các ngài nếu không có hẹn trước. May mắn thay, khi vừa đến trước cửa chùa Zuiryuji, tôi gặp thiền sư Joten đi đâu về, đang chuẩn bị mở cổng bước vào. Tôi vội vã bước đến :

- Bạch thầy, cách đây hai năm con đã từng tham dự khóa nhiếp tâm với thầy.

Thiền sư Joten nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên :

- Thế ư ?

- Đúng thế. Con đã được thầy trao cho công án «Vô» nhưng lúc đó con đã không giải được.

- Thì ra thế, có lẽ bà đã thay đổi nhiều nên tôi không nhận ra...

Tôi vội vã rút bài thơ trong túi ra trao cho thiền sư Joten:

- Bạch thầy, từ đó đến nay con vẫn tiếp tục tham cứu công án và có bài thơ này, xin thầy coi qua để thẩm xét trình độ cho con.

Thiền sư Joten nhận bài thơ từ tay tôi, chăm chú đọc rồi gật đầu :

- Khá lắm! Khá lắm! Bà đã đạt được một trình độ khá cao rồi đó nhưng...

- Nhưng làm sao? Con chưa ngộ hay sao ?

Thiền sư Joten ngạc nhiên nhìn tôi như không hiểu tôi vừa nói gì. Tôi hỏi dồn :

- Như vậy là thế nào? Phải làm sao mới ngộ được ?

Thiền sư Joten im lặng không trả lời. Tôi vội hỏi:

- Con vẫn nghe nói phải cắt bỏ mọi tư niệm để đạt đến trình độ vô ngã, phải chăng tất cả mọi tư niệm đều là vọng hết ?

- Không hẳn thế.

- Thế là sao ? Nếu chỉ dẹp bỏ một số tư niệm thì làm sao người ta biết được cái nào cần giữ, cái nào cần bỏ ? Làm sao người ta có thể biết được cái nào là chân cái nào là vọng? Làm sao có thể phân biệt được những tư niệm nào là đúng hay sai, thiện hay ác, xấu hay tốt ?

Tôi liên tiếp hỏi hết câu này đến câu khác, dường như bao thắc mắc vẫn tích lũy trong tâm tôi từ trước đến nay bỗng được dịp tuôn ra như suối :

- Tại sao người ta cứ phải niệm chữ «Vô» mãi trong tâm, như thế có được ích gì ?

- Điều đó cũng giản dị thôi. Khi muối dưa người ta thường phải nén lên hũ dưa một cái cối đá nặng để đè dưa xuống...

- À con hiểu rồi, khi người ta nhấc cái cối đá nặng đó lên thì bao nhiêu sức mạnh bị đè nén bỗng bật lên một cách bất ngờ chứ gì?

- Phải rồi, như thế đó.

Nói xong thiền sư Joten quay lưng bước vào chùa rồi tiện tay đóng luôn cánh cửa lại như không muốn cho tôi làm phiền ông nữa. Tôi dứng sững trước cánh cửa đã đóng chặt, tự hỏi: Như vậy là sao? Ông có xác nhận trình độ của tôi không ? Tại sao ông lại có thái độ kỳ lạ như thế ? Tại sao đang nói chuyện với tôi ông lại quay lưng bỏ đi rồi đóng cửa lại như vậy ? Rõ ràng ông đã không xác nhận trình độ của tôi nhưng hình như ông cũng không phủ nhận nó, như vậy là thế nào ?

Không tìm được câu trả lời, tôi đành lủi thủi quay về với một tâm trạng vô cùng hoang mang, chán nản.



Vài hôm sau tôi trở lại Zuiryuji một lần nữa xin đặc tham với thiền sư Joten nhưng người ta đã từ chối lời yêu cầu của tôi một cách lễ phép. Cái cảm giác hân hoan sung sướng vừa đạt được của tôi bỗng dưng tắt ngúm như ngọn đèn trước gió. Niềm an lạc dễ chịu chợt tan rã như mây khói, tôi lại rơi vào trạng thái dằn vặt khó chịu như cũ. Phải chăng tôi lại đi lầm đường một lần nữa ? Phải chăng nghiệp của tôi quá nặng, không thể thoát ra được? Tôi thấy mệt mỏi, chán nản về việc theo đuổi sự Chứng ngộ (Satori) của mình. Tại sao có người chỉ tham dự một khóa nhiếp tâm mà đã chứng ngộ trong khi tôi khổ công suốt mấy năm trường mà kết quả chẳng đi đến đâu? Tôi đã tìm đủ mọi cách để đạt ngộ mà sao kết quả cứ mịt mù như vậy ?



Ít lâu sau tôi được tin thiền sư Joten mở khóa nhiếp tâm tại chùa Zuiganji thuộc tỉnh Matsushima, tôi tìm đến đó xin được đặc tham. Lần này ông chấp thuận lời yêu cầu của tôi nhưng một lần nữa, dù tôi cố gắng thu xếp tư tưởng để trình bày sự hiểu biết của mình thế nào, tôi vẫn không làm sao ăn nói trôi chảy được, dường như vẫn có cái gì vướng mắc, không thông suốt trong tâm tư tôi.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

Chương 7

Thất vọng về việc tham cứu công án không mang lại kết quả như ý muốn, tôi đành tìm đến nhà Hayakawa, một người bạn mà tôi đã quen khi tham dự các khóa lễ tại chùa Honganji. Hayakawa là một phụ nữ bình dân, trình độ học vấn chưa hết bậc tiểu học nhưng khả năng về Phật học lại rất thâm sâu. Trong các buổi đàm luận, bà thường đưa ra nhiều lý luận sâu sắc khiến mọi người phải thán phục. Sở dĩ Hayakawa có một kiến thức rộng rãi như vậy là nhờ sự học hỏi suốt mấy chục năm với giáo sư Shibata Fuguan, một học giả rất nổi tiếng về Phật học lúc đó. Nghe tôi than thở về việc tu hành không kết quả của mình, bà đã an ủi và rủ tôi đến thăm nhà học giả này.

- Tôi nghĩ giáo sư Shibata có thể giúp chị được. Có lẽ chị cần một vị thầy không quá nghiêm khắc như những người mà chị đã gặp.

Giáo sư Shibata sống trong một căn nhà nhỏ tại Toyochira-cho, thuộc ngoại ô thành phố Sapporo. Tuy chỉ là cư sĩ nhưng ông sống không khác gì một nhà tu. Ông không lập gia đình, ăn chay trường và dành trọn đời nghiên cứu kinh điển Phật giáo. Mặc dù tuổi đã ngoài bảy mươi lại thêm bệnh suyễn, nói năng khó khăn nhưng ông vẫn vui vẻ tiếp đón chúng tôi. Sau khi nghe tôi kể về trường hợp đi tìm đạo của mình, ông khoan thai nói:

- Bà muốn tìm kiếm con đường giải thoát nhưng tôi thấy hình như bà chưa biết rõ mình phải đi theo con đường nào một cách rõ rệt. Bà sống bằng trực giác nhiều quá, bà cảm thấy cần phải tu, phải đi theo con đường tâm linh, phải làm thế này hay thế khác, mà không thực sự nắm vững mục đích con đường của mình nên cứ trôi giạt từ nơi này đến nơi khác, từ lý thuyết này đến lý thuyết khác, từ thầy này đến thầy nọ…

- Giáo sư nói rất đúng. Tôi biết mình không thể sống một cách phiêu bạt hồ đồ mãi như thế được, đời người thì ngắn mà phiền não lại quá nhiều, tôi muốn tìm kiếm con đường thoát khổ. Xin giáo sư thương tình giúp cho.

Giáo sư từ tốn lắc đầu:

- Tôi không thể giúp cho bà được, chính bà phải tự giúp bà bằng cách tu học để giải thoát. Tôi chỉ có thể trình bày cho bà thấy con đường mà đức Phật đã chỉ dẫn nhưng bà phải tự cất bước mà đi. Bà nên biết, đạo Phật là một tôn giáo hết sức thực tiễn, đề cao sự giải thoát bằng nỗ lực cá nhân chứ không trông cậy vào một năng lực nào đến từ bên ngoài. Do đó người ta không thể đến với đạo Phật bằng cách trông chờ một đấng nào đó cứu giúp cho hay một tu sĩ nào tu giùm cho mình được mà phải tự cất bước. Muốn thế người ta cần phải học và hiểu những điều đức Phật đã dạy trong kinh chứ không thể tụng kinh mà không hiểu ý được.



Đây là lần đầu tiên tôi nghe có người chủ trương phải học hỏi kinh điển. Các vị thầy tôi gặp trước kia chỉ khuyên tín đồ đọc thật nhiều kinh nhưng không mấy ai giải thích ý nghĩa kinh điển ra sao hoặc nếu có giảng thì họ cố tình giảng giải theo ý kiến riêng của họ.

Giáo sư Shibata nói tiếp:

- Đọc tụng kinh điển là điều rất hay nếu người ta hiểu được ý nghĩa những câu kinh, còn nếu không thì được lợi ích gì nếu chỉ đọc suông như một con vẹt? Do đó bà phải chú trọng vào vấn đề học nhưng phải học trong tinh thần tự do tuyệt đối, không nên lệ thuộc vào sự giải thích của bất cứ ai. Phải có óc hoài nghi, vừa học vừa phân tích cẩn thận, xem đúng sai như thế nào. Chỉ khi nào thấy đúng hãy tuân theo. Sự tu hành mà thiếu yếu tố học hỏi này dễ đưa người ta đến lòng cuồng tìn, mù quáng, hẹp hòi cố chấp, và như thế là không đúng với giáo lý đề cao việc phát triển trí tuệ của đức Phật.

Tôi dè dặt đặt câu hỏi:

- Thưa giáo sư, phải chăng khi theo Phật giáo, tôi đã không đi lầm đường ?

Giáo sư Shibata nhìn tôi một cách ưu ái rồi nói:

- Đạo Phật không phải là một lý thuyết hay một mớ tín điều nhưng là một lối sống vì đức Phật, người khám phá ra những chân lý này, đã minh chứng nó một cách linh động và hùng hồn bằng chính đời sống của ngài. Ngài đã can đảm dứt bỏ địa vị cao sang, quyền quí để quyết tâm tìm đạo giải thoát. Ngài chủ trương không ỷ lại bất cứ một năng lực bên ngoài, như một đấng nào hay một vị thầy nào, mà chỉ hoàn toàn trông cậy vào khả năng sẵn có của mình. Sau khi chứng ngộ, ngài không nhập Niết Bàn ngay mà còn mang những điều mình biết ra chỉ dẫn để giúp nhân loại giải thoát khỏi những khổ đau hệ lụy của họ. Theo sự hiểu biết của tôi thì đạo Phật chính là con đường giải thoát mà bà vẫn tìm kiếm từ bao lâu nay. Tuy nhiên bà không thể nhắm mắt đi càn mà cần phải nghiên cứu, học hỏi để hiểu cho thật rõ điều đức Phật đã chỉ dẫn vì giáo pháp của ngài bao trùm tất cả mọi ngành, từ khoa học đến triết học, từ văn chương đến nghệ thuật, càng học hỏi người ta càng thấy nó bao la, cao siêu và mầu nhiệm vô cùng.

- Thưa giáo sư, vậy tôi phải bắt đầu như thế nào ?

- Bà có thường tụng kinh không ?

- Tôi vẫn thường tụng kinh và niệm hồng danh chư Phật.

- Bà có hiểu ý nghĩa của việc tụng niệm không ?

Thấy tôi lúng túng ngập ngừng không trả lời, giáo sư Shibata gật đầu cười:

- Phần lớn mọi người đều lúng túng như vậy cả vì tụng niệm là một truyền thống, đến chùa thì tụng kinh. Cha mẹ trước làm thế thì con cháu sau cũng làm theo, nhưng không mấy ai chịu tìm hiểu ý nghĩa của việc tụng niệm. Tụng là đọc, niệm là suy tưởng đến lời dạy của đức Phật để làm phương châm cho đời sống hàng ngày và gieo hạt giống giải thoát vào tâm thức. Do đó người ta cần phải hiểu thật rõ lời dạy của đức Phật thì mới có ích. Nếu chỉ đọc mà không hiểu gì hết thì chỉ như ca hát vu vơ chứ có ích lợi gì. Khi biết thật thấu đáo, không còn chút nghi ngờ nào thì mới được. Đối với đạo Phật, đức tin chỉ đến sau khi người ta đã tự mình chứng nghiệm nó bằng chính năng lực bản thân thì đức tin đó mới vững vàng, không thể lay chuyển. Lòng tin đúng với tinh thần Phật giáo không có sự mù quáng, vì càng hiểu thấu đáo nó bao nhiêu, người ta càng thấy lời dạy của đức Phật giản dị và rõ ràng bấy nhiêu. Một khi đã hiểu thật rõ thì đâu thể hành động khác với lời dạy của chư Phật được. Tóm lại, tụng niệm chính là việc ôn lại những lời dạy bảo này, gieo nó vào tâm thức mình để chuyển hóa tâm và thân. Tụng niệm là phương thức huân tập tâm thức rất tốt, giúp cho người tụng kiềm chế được thân, khẩu, ý, không để cho nói năng bừa bãi, buông lung theo thói quen nữa và nhờ thế giảm bớt được các nghiệp chướng, tai họa. Theo ý tôi, việc đầu tiên bà nên làm là học hỏi Phật pháp và tôi sẵn sàng giúp bà trong bước đầu này.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

Tôi hết sức cảm động trước lời chỉ dẫn đầy ưu ái, chân thành của giáo sư. Từ đó mỗi tuần tôi đều theo Hayakawa đến đây học hỏi. Giáo sư Shibata là người làm việc theo phương pháp khoa học. Ông thu xếp các bài giảng ra từng phần rõ rệt, bắt đầu từ những bộ kinh ngắn dễ hiểu và sau đến các bộ kinh lớn, hàm súc hơn. Sau buổi học, ông đúc kết các bài giảng ra những bài ngắn để học sinh có thể mang về nhà tham cứu thêm. Trong mỗi bài viết, ông đều có mục lục tham khảo để học sinh có thể tìm kiếm thêm tài liệu. Cho đến nay tôi chưa thấy ai có phương pháp làm việc quy củ, cẩn thận như ông. Giáo sư thường nói:” Khi xưa tôi đã đi khắp nơi tìm thầy học đạo. Tôi đã trải qua nhiều khó khăn trở ngại, có lúc muốn bỏ cuộc nên rất thông cảm tâm trạng của những người tìm đạo. Tôi chỉ muốn làm sao để người đi sau gặp hoàn cảnh tốt, có thể phấn khởi tu học nên không quản công lao, đúc kết những điều đã thâu tập được thành từng bài viết ngắn để những người đến đây học hỏi, nếu không hiểu gì nhiều thì cũng có cái cầm về nhà, sau này có dịp đọc lại biết đâu chẳng hiểu thêm ra”.



Giáo sư Shibata không mở những khóa tu mà chỉ dạy riêng cho từng người hay từng nhóm nhỏ, giới hạn khoảng hai ba người mà thôi. Ông chủ trương “tùy bệnh cho thuốc”, tùy tâm trạng mỗi người mà giảng dạy một cách khác nhau. Lúc đầu tôi đến học với ông mỗi tuần một lần, nhưng về sau tôi đến thường xuyên hơn, hai lần rồi ba lần một tuần, và sau cùng tôi dọn xuống Sapporo để có thể thăm viếng giáo sư hàng ngày. Hayakawa xin cho tôi vào làm công cho một gia đình khá giả gần đó. Công việc quét dọn, lau chùi nhà cửa này không đến nỗi bận rộn nên tôi có thể tham dự các khóa học một cách thường xuyên.



Trong suốt bảy năm liền, tôi đã theo học với giáo sư một cách chuyên cần, nhờ đó mà tôi vỡ lẽ ra được nhiều điều từ trước đến nay tôi không hề để ý đến. Tôi đã đọc nhiều sách vở của Thần Đạo cũng như của các tôn giáo khác nhưng giáo sư Shibata đã dạy cho tôi cách phân biệt lý thuyết nào là của Phật giáo, lý thuyết nào là của Thần Đạo hay của các tôn giáo khác. Ông cho biết:” Truyền thống nước ta (Nhật Bản) kính ngưỡng mọi sự thiêng liêng, từ các đấng thân linh (Kami) đến Bồ Tát và Phật. Trên nguyên tắc, chư thần (Kami) thuộc về Thần Đạo (Shinto) trong khi Bồ Tát và Phật thuộc về Phật giáo nhưng trải qua hàng ngàn năm, hai truyền thống này đã hợp lại nên rất khó phân biệt. Gần như ngôi chùa nào tại Nhật cũng có đền thờ chư thần (Kami). Đối với người dân thường thì không hề có sự khác biệt giữa các đấng thiêng liêng nhưng trong việc học hỏi, người ta phải biết phân biệt thật rõ giáo lý nào là của đức Phật và điều nào không phải. Thần Đạo tin rằng có một đấng hóa công sáng tạo mọi vật và đấng này cai quản vô số thần linh xuất hiện khắp nơi. Truyền thống Nhật Bản có rất nhiều giai thoại về các đấng thần linh này. Theo thời gian, con số thần linh tiếp tục gia tăng. Lúc đầu chỉ là hòn đá, gốc cổ thụ; về sau vua chúa, tướng sĩ đều được tôn làm thần hết. Điều này thực ra không có gì xấu vì các vị thần chỉ tượng trưng cho những lý tưởng cao thượng tốt lành, nhưng về sau người ta đã hạ thấp nó xuống thành một thứ thần quyền có thể ban phúc, giáng họa rồi lồng vào đó những nghi thức mê tín dị đoan khiến cho con người trở nên nhu nhược, ỷ lại, chỉ biết xin xỏ chứ không biết làm gì khác hơn. Phật giáo không chấp nhận có một đấng hóa công hay một vị thần linh nào có thể ban phúc, giáng họa mà giải thích mọi vật qua lý duyên khởi. Đây là một đặc điểm để phân biệt Phật giáo với các tôn giáo khác. Phật giáo chủ trương ”chư hành vô thường’ nghĩa là mọi hiện tượng trong trời đất luôn luôn thay đổi, không bao giờ thường trụ bất biến, có sinh ắt có tử, có thành ắt có hoại. Mọi hiện tượng đều trải qua bốn thời kỳ: phát sinh, tồn tại, thay đổi và tiêu diệt (sinh, trụ, dị, diệt). Con người sinh ra, trưởng thành, già yếu và chết đi. Cây cối cũng có bốn mùa: xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn. Tuy nhiên có chết đi thì mới lại sinh ra. Cây cối héo úa rụng lá trong mùa đông thì đến mùa xuân lại đâm chồi nẩy lộc. Con người có chết đi thì mới lại sinh ra vì chết không phải là hết mà là điều kiện cần thiết để tái sinh. Vì không hiểu lý vô thường, cho rằng mọi vật không thay đổi mà vững bền nên con người mới bám chặt vào những danh lợi phù du, đến khi sự việc thay đổi, không như ý thì họ đau khổ, tạo nghiệp và đọa lạc trong luân hồi sinh tử. Phật giáo chủ trương “chư Pháp vô ngã”, nghĩa là mọi cái mà ta tưởng là có thật đều chỉ là huyễn hóa, do duyên hợp lại mà thôi. Có duyên thì thành, hết duyên thì hoại, cứ thế thành trụ, hoại diệt mãi mãi không ngưng. Ngay thân xác chúng ta cũng do Tứ Đại (đất, nước, gió, lửa) gặp duyên mà hợp thành; khi hết duyên, chúng tan rã thì đâu còn gì nữa, đó là sự chết. Thế nhưng đa số con người cứ chấp vào một cái ngã trường tồn nên mới bị mê vọng chi phối. Vì nghĩ rằng có một cái Ngã nên người ta mới lo tô điểm cho nó bằng các danh xưng, địa vị, đồ ăn thức uống, rồi làm nô lệ cho nó và bị chính sự tưởng tượng của mình chi phối. Vì có Ngã nên mới nảy sinh ra tham, sân, si rồi tạo nghiệp hay điều kiện trói buộc vào trong sinh tử luân hồi. Đạo Phật chủ trương “Niết Bàn tịch tịnh” nghĩa là chuyển mê khải ngộ, phá cái Ngã chấp kia, diệt cái nhận thức mê lầm thì sẽ thoát khổ. Khi đã thoát khổ thì giải thoát, không bị chi phối bởi luân hồi, vượt khỏi phiền não, đạt đến giải thoát tuyệt đối hay Niết Bàn”.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

aaaaa
Từ khi học hỏi giáo sư Shibata, tôi bắt đầu sống thoải mái hơn. Phải nói thật, lúc đầu tôi cũng do dự lắm vì thâm tâm tôi vẫn không thích những gì thuộc về lý thuyết trừu tượng. Tánh tôi vẫn không ưa những người ăn nói thật hay nhưng lại hành động khác hẳn; nhưng về sau tôi thấy giáo sư không phải một học giả chỉ chuyên về chữ nghĩa mà còn có một nội tâm hết sức phong phú nữa. Mỗi lời nói của ông đều có một sức mạnh truyền cảm phát xuất từ kinh nghiệm sâu xa do công phu tu tập chứ không hời hợt như những người khác. Giáo sư khuyên chúng tôi tiếp tục đi chùa, tụng kinh, và thực tập thiền quán nhưng phải ý thức thật rõ những điều mình làm, đừng để thói quen chi phối. Nhờ sự hướng dẫn của ông mà tánh tôi bắt đầu thuần ra. Nhờ việc dạy dỗ công phu của ông mà tôi đã hiểu được nhiều điều lợi ích trong kinh điển. Phải nói, nếu không nhờ công ơn dạy dỗ của giáo sư, có lẽ ngày nay tôi vẫn trôi giạt trong những quay cuồng điên đảo không biết ra sao!



Giáo sư cho biết khi còn trẻ ông say mê triết học Tây phương, chịu ảnh hưởng các triết gia Hy Lạp và tận tình nghiên cứu các lý thuyết này nhưng sau nhiều năm học hỏi, ông đi đến chỗ bế tắc. Không như các người khác chấp nhận các lý thuyết một cách dễ dãi và mù quáng, giáo sư thường đặt câu hỏi để đào sâu sự việc và ông không chấp nhận những gì có tính cách bắt người khác phải tin tưởng hay các điều siêu hình viển vông, không thực tế. Thất vọng với triết học Tây phương, ông quay về Á đông, nghiên cứu Ấn Độ giáo, Khổng giáo trước khi chuyển qua Phật giáo. Ông đã tìm được điều ông muốn trong kinh điển của đức Phật và nhờ siêng năng học hỏi mà ông đã mở được con mắt Tâm khi nghiên cứu bộ kinh Duy Ma Cật. Ông cho biết, một khi con mắt Tâm đã mở thì tất cả đều trở nên sáng sủa, không còn chút nghi ngờ nào nữa. Từ đó ông có thể giảng dạy kinh điển một cách dễ dàng, thông suốt nhưng không bao giờ ông bắt buộc học trò phải tin những điều ông nói. Trái lại, ông thường đặt câu hỏi và bắt học trò phải suy gẫm, tìm câu trả lời. Ông luôn luôn nhấn mạnh rằng:” Những gì người khác nói chỉ là kinh nghiệm của họ, không có lợi gì cho mình nếu mình không thực sự kinh nghiệm được nó. Phật giáo không phải là một lý thuyết. Người ta không có lợi gì nếu chỉ nghiên cứu suông mà phải biết áp dụng nó vào đời sống”.



Phương pháp giảng dạy của giáo sư thường bắt đầu bằng ý nghĩa tên cuốn kinh. Lý do nào đức Phật đã giảng kinh này, kinh đó thuộc về thời nào trong Ngũ Thời Pháp (Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã và Pháp Hoa) rồi từng đoạn ngắn trong kinh, từng hàng, từng chữ, bắt học trò phải nghiền ngẫm ý nghĩa của nó. Tôi thường nói đùa với Hayakawa rằng giáo sư thích chữ nghĩa quá, cứ nhai đi nhai lại từng chữ một như người “đếm từng hạt đậu” nhưng khi nghiêm chỉnh theo dõi, tôi phải công nhận mỗi câu, mỗi chữ qua sự giải thích của giáo sư đều có những ý nghĩa huyền diệu, sống động vô cùng.



Càng học hỏi với giáo sư, tôi càng say mê và tự nhiên nảy ra ý nghĩ phải tổ chức những khóa học cho quần chúng như tôi đã từng làm khi còn là một vị thầy của Thần Đạo. Tôi dự định sẽ thuê một thính đường lớn, tổ chức thuyết pháp để mang lại lợi ích cho mọi người. Tôi ngỏ lời với giáo sư, mặc dù chưa bao giờ ăn nói trước đám đông nhưng ông cũng vui vẻ trả lời:

- Nếu bà tổ chức một buổi thuyết giảng, tôi sẽ đến tham dự.

Tôi mừng rỡ đem việc này ra bàn với Hayakawa và nghĩ rằng bà sẽ đồng ý nhưng bất ngờ thay, bà này lại nổi giận:

- Chị chưa biết gì nhiều mà đã định làm thầy thiên hạ hay sao? Nếu chị làm thế, tôi sẽ tuyệt giao với chị ngay.

Tôi ngạc nhiên vô cùng vì việc tổ chức giảng kinh thuyết pháp đâu xa lạ gì với tôi. Tôi là người có óc tổ chức, đã từng làm việc này nhiều lần rồi. Hơn nữa, đem các lời vàng ngọc học hỏi từ giáo sư ra trình bày cho mọi người là điều nên làm kia mà. Giáo sư đã chẳng chấp nhận lời đề nghị của tôi hay sao? Tuy có phần bất mãn nhưng vì rất phục Hayakawa nên tôi không muốn làm phật lòng người bạn tốt này và tạm dẹp ý nghĩ đăng đàn thuyết pháp đó đi. Ngày nay nghĩ lại việc đó, tôi rất xấu hổ vì nếu làm vậy có lẽ tôi đã phải hối hận rồi. Khi đó tôi chưa biết gì, chưa tự cứu được mình, mới chập chững bước chân vào cửa Phật mà đã có những ý tưởng ngông cuồng, hão huyền, thật đáng xấu hổ.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

Chúng tôi tiếp tục học hỏi với giáo sư và đã có những tiến bộ rõ rệt. Giáo sư thường khen Hayakawa rằng chẳng bao lâu nữa bà này sẽ mở được con mắt Tâm. Một hôm sau buổi học, ông nói:

- Ta không thể chết trước khi mở được con mắt Tâm cho các con.

Một lời nói làm chúng tôi vô cùng hứng khởi, nhưng cuối năm đó, ông đã qua đời một cách bất ngờ. Trong những năm cuối của cuộc đời, giáo sư đã chuyên tâm dạy dỗ tôi, một kẻ già nua bơ vơ, không nơi nương tựa. Bất chấp tuổi tác và bệnh tật, ông đã giúp tôi có thể hiểu được ý nghĩa những lời dạy cao quí của đức Phật, có khi ông đã giảng cho tôi suốt mấy giờ liền không ngừng nghỉ. Sự qua đời của ông là một mất mát quá lớn đối với tôi. Sau những xúc động, tôi quyết định sẽ đền ơn giáo sư bằng cách dành trọn phần đời còn lại của mình để săn sóc mộ phần cho ông, soạn thảo lại những bài giảng dạy của ông, đúc kết thành những tập sách cho những người muốn tìm hiểu về Phật giáo.



Mùa đông năm đó, tôi quyết định xin xuất gia thọ giới thành một ni sư lãnh việc quét dọn nghĩa trang chùa Hongaji vì giáo sư được chôn cất tại đó, Tuy nhiên Hayakawa không đồng ý:

- Này chị bạn, cuộc hành trình tìm đạo của chúng ta chưa chấm dứt. Chúng ta chưa đạt đến mục đích tối hậu, chúng ta phải tiếp tục thì mới không phụ lòng dạy bảo của giáo sư. Phải chăng giáo sư đã chẳng mong chúng ta sẽ mở được con mắt Tâm? Bằng mọi giá, trong kiếp này chúng ta phải chứng ngộ thì vong linh của giáo sư mới có thể ngậm cười nơi chín suối được. Chúng ta phải tiếp tục…

Thái độ cương quyết của Hayakawa làm tôi ngạc nhiên và thán phục. Trong khi tôi còn đang buồn bã và âu sầu thì Hayakawa vẫn dũng mãnh tiếp tục con đường đạo. Bà chuẩn bị tìm kiếm ngay một vị thầy khác để hướng dẫn cho chúng tôi tu học.



Tiện đây, tôi muốn nói qua vài hàng về người bạn đồng tu này. Nếu xét về công phu tu học thì Hayakawa xứng đáng là một đại tướng oai phong lẫm liệt trong khi tôi chỉ là một thứ binh nhì, một lính mới tò te, ngây ngô chẳng biết gì. Ngoài sự hiểu biết thâm sâu về Phật học, Hayakawa còn có một khả năng lắng nghe thật tuyệt vời. Bà có thể ngồi hàng giờ chăm chú nghe giảng về Phật pháp mà không mệt mòi. Bà thường cùng tôi đến nghe giáo sư giảng dậy, mặc dù tôi biết bà đã nghe giảng nhiều lần về những đề tài đó rồi. Hayakawa cho biết: Không có một cái gì là cũ. Mỗi câu, mỗi chữ đều có những ý nghĩa sống động của nó. Nếu biết nghe một cách chăm chú, từng giây, từng phút, người ta sẽ học hỏi được nhiều điều mới mẻ. Trên đường từ nhà giáo sư trở về, chúng tôi thường đi ngang một ngôi chùa. Gặp hôm nào có buổi thuyết pháp, Hayakawa đều rủ tôi vào nghe. Tôi đã chán ngán việc nghe các giáo sĩ đạo mạo đăng đàn thuyết pháp đó rồi nên phản đối:

- Việc gì phải mất thì giờ với những người ăn nói chán ngắt đó? Chúng ta đã có thầy là giáo sư Shibata, liệu mấy ai có thể giảng hay hơn thầy chúng ta được?

Hayakawa nhẹ nhàng từ tốn khuyên:

- Này chị bạn, làm sao có thể mất thì giờ được khi mình đi nghe pháp? Chị không nghe cổ nhân có câu: Làm người khó được, Phật pháp khó tìm, thiện tri thức khó gặp đó sao? Hiện nay mình đã sinh làm người, gặp được Phật pháp, được nghe thiện tri thức giảng dạy, quả là hi hữu lắm rồi, bỏ qua cơ hội này thì biết bao giờ mới gặp được cơ hội như thế nữa?

Là người ít nói, nhưng một khi đã nói, Hayakawa rất cương quyết nên dù thân, chúng tôi vẫn hay bất đồng ý kiến với nhau. Có lần trong một buổi đàm đạo, tôi đã phát biểu cảm tưởng:

- Nếu quán triệt được những điều đức Phật chỉ dạy thì chúng ta có thể thoát ly luân hồi sinh tử, xa lìa những nơi chốn khổ đau.

Hayakawa lắc đầu nói một cách ôn tồn:

- Này chị bạn, phải cẩn thận không nên tuyên bố như vậy. Nếu cứ ăn nói hàm hồ như thế thì không chừng chị sẽ phải đầu thai thành loài chồn hoang đấy.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

Tôi biết Hayakawa muốn nhắc đến câu truyện Bách Trượng thiền sư và Hồ Ly tăng (chồn hoang): Khi tổ Bách Trượng đến giảng dạy Phật pháp tại núi Chung Nam thì có một ông già râu tóc bạc phơ bước ra nói: “Thưa ngài, tôi đã ở núi này mấy trăm năm rồi, xưa tôi là một vị tăng hay đăng đàn thuyết pháp, nhân có người đến hỏi: “Bậc đại giác có bị luật nhân quả chi phối không?” Tôi trả lời: ”Không”. Vì thế nên khi chết đầu thai thành một con chồn hoang ở mãi nơi đây, xin ngài thương xót giúp cho tôi câu trả lời để tôi thoát kiếp chồn”. Tổ bèn nói: ”Được, ông cứ hỏi đi”. Ông lão bèn hỏi: ”Bậc đại giác có bị luật nhân quả chi phối không?” Tổ Bách Trượng trả lời: ”Họ vẫn không tránh khỏi nhân quả đâu”. Ông lão tóc trắng hốt nhiên đại ngộ, vội quỳ xuống đảnh lễ tổ Bách Trượng: “ Đa tạ hòa thượng chỉ dạy, nay con đã thoát thân chồn, xin ngài thương xót mà làm lễ hỏa thiêu cho”. Nói xong ông già hiện hình thành xác con chồn lông trắng. Tuy biết Hayakawa muốn khuyên tôi không nên chấp trước vào những phân biệt nhị nguyên, nhưng bản tính ương ngạnh không cho phép tôi chịu thua:

- Nếu nói như vậy thì tất cả đều chịu sự chi phối của nghiệp lực và người ta không thể thoát ra khỏi nó hay sao ?

- Chị không nên kết luận vội vàng. Nếu quả quyết như thế thì có khác gì một kẻ chủ xướng thuyết tiền định đâu.

- Như vậy là sao? Chị ăn nói hàm hồ, chẳng có mà cũng chẳng không nghĩa là thế nào? Phải chăng chị muốn nói đến cái tự tánh trong Tánh Không…

Hayakawa ngắt lời tôi:

- Cái gì mà tự tánh trong tánh không? Làm gì có chuyện như vậy!

- Tại sao lại không?

- Chị nói nhiều quá, không đúng với tinh thần của đạo Phật.

- Tại sao không đúng?

Hayakawa không muốn cãi với tôi nên chỉ nói bâng quơ:

- Nếu muốn biết rõ hơn thì hãy đi kiếm giáo sư mà hỏi.

Tôi bật cười nghĩ thầm: “Chị chẳng hiểu gì hơn tôi mà còn làm bộ. Chị tưởng tôi không dám hỏi giáo sư hay sao? Tôi sẽ mang điều này ra hỏi cho ra lẽ và rồi chị sẽ biết tay tôi”. Một hôm nhân lúc rảnh rỗi tôi đã mang câu chuyện này ra hỏi giáo sư:

- Thưa thầy, nếu đã quán triệt được các diệu lý trong kinh điển, liệu con có thể nói cho người khác nghe được không ?

- Được chứ sao không?

- Nếu không thể nói được chắc hẳn con đã không hiểu rõ chứ gì ?

- Có lẽ thế.

- Tóm lại, một khi đã hiểu được thì phải nói được, có đúng không ?

- Dĩ nhiên rồi, nhưng không phải người nào hiểu cũng mang ra nói. Có người hiểu rất nhiều nhưng lại không thích nói ra. Hayakawa chẳng hạn…

Câu nói vô tình của giáo sư làm tôi bật ngửa. Tôi có cảm tưởng như vừa bị ai đập cho một nhát búa chí tử. Tôi toan cãi nhưng giáo sư đã tiếp:

- Cổ nhân đã dạy: “ Biết thì không nói mà nói thì không biết”. Có những sự việc không thể nói ra bằng lời được ví khi nói ra đã xa rời sự thật rồi. Có những việc người ta chỉ có thể kinh nghiệm chứ không thể diễn tả. Do đó ai uống nước thì biết nóng lạnh nhưng kẻ chưa uống thì làm sao biết được! Ngôn ngữ chỉ là những gì tương đối, không thể diễn tả được cái tuyệt đối. Tóm lại, con đừng quá tin tưởng vào lý luận, ngôn từ mà rời xa sự thật.

Tôi cảm thấy hai tai nóng lên, không biết vì xấu hổ hay vì điều gì khác. Giáo sư nhìn tôi một lúc. Dường như ông hiểu tâm trạng bối rối của tôi nên ôn tồn khuyên:

- Một kẻ thích nói thì không thể nghe thêm một điều gì khác, do đó sự hiểu biết thường hời hợt nông cạn mà thôi. Một người chỉ có thể nghe hoặc nói chứ không thể làm cả hai việc một lúc. Phật pháp cao siêu vô cùng, thoáng nghe tưởng giản đị nhưng thật ra người ta phải nghe đi nghe lại nhiều lần mới vỡ ra được. Như ta đây đọc kinh Phật nhiều lần mà mỗi lần đọc lại đều tìm thấy những điều mới lạ. Thế mới biết biển học thật bao la vô cùng, đừng bao giờ bằng lòng với cái mình đã biết mà phải đào sâu thêm nữa. Càng học nhiều càng thấy mình không biết gì mới đúng với tinh thần học. Đừng tự hào về kiến thức nhỏ nhoi của mình. Hẳn con biết chuyện học giả Mito đến viếng thiền sư Nan In chứ gì ? Học giả Mito tự hào lầu thông kinh điển nhưng vẫn đến thăm viếng thiền sư Nan In để hỏi về thiền. Thiền sư mời nhà học giả uống trà nhưng khi rót, mặc dù chén trà đã đầy ắp, ông cứ tiếp tục rót nữa khiến trà tràn đầy ra ngòai. Học giả Mito ngạc nhiên hỏi:” Trà đã đầy rồi, sao ngài cứ rót mãi như thế ?” Thiền sư chỉ vào chén trà đầy ắp nói:” Tâm ông giống như cái chén trà đã đầy ắp thành kiến và tư tưởng thì làm sao ta rót trà của ta vào đó được nữa ?”
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

Ngưng lại một lúc như để cho tôi thấm thía câu chuyện trên, giáo sư nói tiếp:

- Hẳn con biết chuyện mười bảy vị tăng đi tìm đạo trên đỉnh Tuyết Sơn rồi chứ gì? Họ đi từ Nhật đến Tuyết Sơn để cầu đạo giải thoát nhưng khi đến chân núi Tuyết thì họ dừng lại rồi quay về Nhật. Họ cho rằng họ đã giác ngộ và phải quay về để lo việc cứu độ chúng sinh. Con nghĩ thế nào về những người đó ?

Tôi có cảm tưởng như vừa bị khâu chặt miệng, không nói năng gì được. Giáo sư thong thả nói tiếp:

- Tại sao họ không leo lên đỉnh Tuyết Sơn như đã dự định? Phải chăng khi đến chân núi, họ thấy việc tìm đạo như vậy đã đủ ? Dù sao họ cũng đã đi từ Nhật qua Tuyết Sơn, trải qua một cuộc hành trình khá gian nan. Một khi nghĩ rằng “đã đủ” nghĩa là đã bằng lòng với cái mình có thì không bao giờ người ta có thể vượt qua bờ bên kia được. Đó là lười biếng, khiếp nhược, thiếu dũng cảm. Những kẻ tìm đạo như thế sẽ không bao giờ giải thoát được cho mình chứ đừng nói cứu được ai. Đó là những kẻ không biết bơi nhưng vẫn nói rằng họ sẵn sàng nhảy xuống sông cứu người chết đuối. Họ sẽ chẳng cứu được ai mà còn làm hại đến mình nữa. Đó là những kẻ viển vông, tu hành để giải trí, tiêu khiển; những kẻ chỉ thích ngộ nửa chừng mà thôi.



Sau bài học thấm thía đó, tôi không dám tranh luận với Hayakawa nữa và cũng bỏ bớt bản tính hiếu thắng, ương ngạnh đi. Như đã nói, sau khi đến học hỏi với giáo sư Shibata được một thời gian thì tôi quyết định dọn đến Toyohira-cho để tiện việc đi lại. Hayakawa đã giúp tôi tìm được việc làm cho một gia đình khá giả gần đó. Công việc tương đối nhàn hạ nên tôi có thể đến học với giáo sư một cách dễ dàng. Ít lâu sau, gia đình chủ tôi mở một quán ăn và giao cho tôi việc quét dọn nơi này. Công việc này còn nhàn hơn trước vì tôi chỉ phải quét dọn trước khi quán mở cửa khoảng xế chiều, và sau khi quán đóng cửa lúc nửa đêm mà thôi. Thời giờ còn lại tôi muốn làm gì tùy ý nên tôi có thể đến học hỏi với giáo sư Shibata thường xuyên hơn. Đó là một nhà hàng lịch sự, sang trọng, thực đơn gồm những sơn hào hải vị do một đầu bếp nổi tiếng phụ trách, nhưng thật ra đặc điểm của quán là những chiêu đãi viên xinh đẹp, được tuyển lựa cẩn thận để đón tiếp những loại khách thượng lưu, quý phái. Chỉ một thời gian ngắn sau khi khai trương, quán ăn đã trở nên mơi tụ tập của những người giàu có, tiền rừng bạc biển, những người có địa vị trong xã hội. Đêm nào tôi cũng phải nghe tiếng nhạc ồn ào phức tạp, tiếng người cười cợt nô đùa, tiếng súc sinh bị bắt mổ thịt, phải ngửi mùi xào nấu, rượu thịt hôi tanh, rồi chứng kiến những cảnh trái tai gai mắt khiến tôi vô cùng khó chịu. Tôi quyết định phải xa rời nơi chốn tối tăm sa đọa đó. Tôi kể mọi sự cho Hayakawa nghe rồi kết luận:

- Tôi không thể tiếp tục làm việc tại những nơi bẩn thỉu, ô uế đó được.

Hayakawa im lặng nghe tôi rồi ôn tồn khuyên:

- Chị không nghe giáo sư giảng ”phiền não tức bổ đề” hay sao ? Chị tưởng mình có thể xa rời được những nơi phiền toái, bẩn thỉu để tìm đến một chỗ yên tĩnh, trong sạch không một chút bợn nhơ nào hay sao ? Chị tìm đâu được một nơi chốn thanh tịnh như vậy nếu tâm chị không là một đạo tràng thanh tịnh trang nghiêm trước đã ?

- Nhưng làm sao người ta có thể nghe ngày đêm những chuyện thị phi, những điều ngang trái trong trà đình tửu quán mà không bị ảnh hưởng được ?

- Đã có lần giáo sư giảng kinh Hoa Nghiêm: ”Đức Phật thị hiện trăm ngàn ức loại âm thanh để diễn tả pháp mầu cho chúng sinh”. Ông đã nhấn mạnh rằng tất cả âm thanh trên thế giới đều là tiếng thuyết pháp của chư Phật, từ tiếng nước chảy, tiếng chim hót, tiếng gió thổi đều nói pháp cho mình nghe…

- Nhưng điều đó thì ăn nhập gì đến những tiếng động ồn ào náo nhiệt của quán ăn? Không lẽ tiếng nhạc kích động, tiếng súc sinh bị bắt giết mổ thịt, tiếng người nói láo cũng là tiếng pháp hay sao?

- Đúng thế. Nếu biết lắng nghe thì chị sẽ hiểu được rằng mọi sự vật trong thế giới này đều nói pháp cho mình nghe đấy. Người lành thì nói pháp lành, người ác thì nói pháp ác, súc sinh thì nói pháp của súc sinh, còn khách hàng thì nói pháp của khách hàng. Tất cả đều làm cho mình hiểu được vì sao mà những sự việc lại xảy ra như vậy. Vì nhân duyên nào mà súc sinh bị bắt giết mổ thịt cho khách ăn? Phải chăng con gà con vịt khi xưa cũng đã có lúc làm người, vì không hiếu thảo với mẹ cha, không làm đầy đủ bổn phận làm người, không biết sống theo đạo lý nên kiếp này mới sinh ra làm súc vật như thế ? Phải chăng những kẻ đang say sưa ăn uống thịt cá rồi khen ngon mà không biết rằng họ đang ăn thịt cha mẹ vợ con của họ từ những kiếp trước ? Phải chăng những kẻ đang mổ thịt súc vật không gớm tay kia không biết rằng trong một kiếp tương lai, y cũng trở nên nạn nhân của những cuộc chém giết tàn bạo như vậy ? Chiến tranh là gì ? Phải chăng nó bắt nguồn từ những chém giết trong bàn tiệc, bữa ăn mà ra ? Miếng thịt trong bữa ăn chứa đựng cả một biển oán hận, con người càng sát sinh nhiều thì thế giới càng lắm chiến tranh chứ đâu có gì là lạ. Này chị bạn, con mèo bắt con chuột, cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, phải chăng tất cả đều đang nói pháp cho mình nghe về luật nhân quả, gieo nhân nào gặt quả đó. Kẻ ăn cướp đồ vật của người khác vì biết đâu kiếp trước y đã bị người kia cướp mất đồ vật và kiếp này đến đòi nợ? Nếu không vậy thì kiếp sau y cũng sẽ bị người kia cướp lại. Có vay ắt có trả, mọi vật đều là luật nhân quả báo ứng. Nếu cái đó không phải là Phật pháp thì là gì ?
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

- Như vậy chị khuyên tôi phải làm gì ?

- Trong những nơi chốn thị phi đó, hiển nhiên có nhiều người lầm lạc đau khổ, cần được an ủi giúp đỡ. Đó là cơ hội tốt để chị khuyên bảo những người này, giảng dạy cho họ một chút về Phật pháp, giúp họ tìm được ý nghĩa chân thật của đời sống. Đức Phật đã nói: ”Mọi chúng sinh đều có Phật tánh” thì dù làm thầy tu hay làm chiêu đãi viên cũng đều có Phật tánh như nhau. Sở dĩ đa số không biết vì họ đang bị lôi kéo bởi nghiệp lực, trí tuệ của họ mờ tối, chẳng hiểu được bản tánh thật sự của mình nên cứ trầm luân điên đảo trong bể khổ đó mãi. Nếu phát lòng từ bi muốn giúp đỡ người khác thì tại sao chị không bắt đầu với những người chiêu đãi viên đó ?



Mặc dầu không hiểu được hết lời khuyên sâu xa của Hayakawa nhưng trong lòng tôi cũng nhen nhúm một cái gì đó nên tôi không nghĩ đến xin nghỉ việc nữa. Năm sau, đại học Hokkaido có mở phân khoa về Phật học, Hayakawa rủ tôi ghi tên tham dự. Tôi e ngại tuổi tác đã lớn không biết có được thu nhận hay không nhưng Hayakawa đã nói: ”Trong việc học, tuổi tác không có nghĩa gì cả. Việc quan trọng là mình có muốn học hay không mà thôi”. May mắn thay, sau khi nộp đơn, cả hai chúng tôi đều được thu nhận làm sinh viên dự thính. Năm đầu chúng tôi ghi tên theo học lớp Phật học đại cương do giáo sư Hiragawa giảng dạy. Ông này ăn nói lưu loát nhưng tôi thấy ông chẳng nói được điều gì mới lạ. Qua năm sau, chúng tôi ghi tên vào lớp Các Tông phái của Phật giáo do giáo sư Haranobu giảng dạy. Ông này biên soạn bài giảng rất công phu nhưng cũng chỉ chú trọng về phương diện lịch sử nhiều hơn là đào sâu vào nguyên nhân hay các chi tiết. Tuy nhiên đến năm thứ ba thì các lớp học bắt đầu khó hơn nhiều nhưng nhờ đã có sẵn một căn bản vững nên tôi và Hayakawa không gặp trở ngại nào. Đến khi đó chúng tôi mới phục công trình giảng dạy của giáo sư Shibata. Thời gian qua nhanh, chẳng mấy chốc tôi và Hayakawa đã học xong chương trình Phật học ở đây. Tôi còn nhớ khi ghi danh vào năm thứ nhất, lớp học có khoảng bốn mươi học sinh, nhưng đến khi học lên năm thứ tư thì cả lớp chỉ có vỏn vẹn ba người. Trong ba năm đầu tại đại học, chúng tôi vẫn tiếp tục đến học hỏi thêm với giáo sư Shibata. Khi ông này qua đời, chúng tôi vẫn theo đuổi việc học cho đến khi tốt nghiệp. Nhờ Hayakawa khuyến khích và khuyên bảo nên tôi bỏ ý định trở nên người quét dọn nghĩa trang cho chùa Hongaji nhưng sau đó, vì không có môi trường học hỏi chung nên chúng tôi không có dịp gặp nhau thường xuyên như trước.



Đối với tôi, việc ra đi của giáo sư Shibata là một mất mát rất lớn. Tôi cảm thấy khó có thể tìm được ai thay thế cho vị thầy hiền từ, uyên bác này. Thiếu người hướng dẫn, tôi đành trở lại chùa Chuoji tiếp tục những khóa tu thiền dưới sự chỉ dạy của vị trụ trì. Tóm lại, sau một thời gian học hỏi, nghiên cứu về Phật học, tôi lại thấy mình trở về với pháp môn thiền. Sau khóa tu, tôi thường mang những thắc mắc của mình ra hỏi để vị trụ trì hướng dẫn cho nhưng tiếc thay, đã quen với lối suy luận về Phật học, tôi không thể hiểu được những câu trả lời có tính cách nghịch lý của thiền, dù hỏi đi hỏi lại mãi tôi vẫn không hiểu thêm được bao nhiêu. Khi học hỏi với giáo sư Shibata, vì chỉ có hai người là Hayakawa và tôi nên việc đặt câu hỏi rất thoải mái, không có gì e ngại. Giáo sư Shibata là người kiên nhẫn và nhiều kinh nghiệm nên ông có thể trả lời tùy theo trình độ của người đặt câu hỏi. Hỏi cao thì ông nói cao, hỏi thấp thì ông trả lời thấp nhưng vị trụ trì tại chùa Chuoji thì không được như thế. Lúc đó khóa tu có đông người tham dự, một câu hỏi ngớ ngẩn thường làm mất nhiều thì giờ của người khác nên hôm đó một người đã phát biểu: ”Thật đáng tiếc cho những kẻ tu tập Pháp môn vi diệu mà không có một chút kiến thức căn bản gì. Làm sao họ có thể tiến bộ được nếu một chữ cũng không thể hiểu nổi ?” Nghe vậy tôi thấy khó chịu vì có cảm tưởng họ đang chế giễu mình. Tôi nghĩ thầm: ”Không hẳn thế. Một là tất cả. Nếu tôi có thể hiểu được một chữ thôi, nhưng hiểu thật hoàn toàn, thì tôi có thể hiểu được cả trăm ngàn những chữ khác”. Người kia lại nói tiếp: ”Người ta không thể nghĩ bàn đến những cái không thể nghĩ bàn, những điều tuyệt đối vô thượng với cái kiến thức bé nhỏ tối thiểu đó được do đó họ cần phải tin, không nên đòi hỏi quá nhiều”. Nghe vậy tôi phải cố gắng lắm mới khỏi khỏi buồn bực. Tôi thầm nghĩ: ”Ai nói rằng người ta không thể quán triệt được những điều lớn lao, vi diệu ? Điều này không hợp lý chút nào. Làm sao có thể tin tưởng suông khi không hiểu gì hết ?” Đáng lẽ tôi đã lên tiếng dạy cho người kia một bài học nhưng khi tôi nghĩ đến sự ung dung điềm đạm của Hayakawa tôi lại cố giữ im lặng, không bày tỏ thái độ.



Người ta nói rằng:” Thiền là nghệ thuật soi sáng thể tánh của con người; con đường giải thoát giúp người ta cởi bỏ những ràng buộc vào các khổ lụy thế gian. Thiền trực tiếp kêu gọi sự chứng nghiệm bản thân, vượt qua các kiến thức của sách vở để đưa ta đến thực tại mầu nhiệm. Khi nghe những lời giải thích như trên, tôi nghĩ rằng tôi có thể hiểu được phần nào nhưng không hiểu sao, trong tâm tôi vẫn có một cái gì đó không được ổn. Tôi có cảm tưởng như mình muốn đi mà không sao đi được, muốn vùng lên mà cứ bị giữ chặt xuống. Càng suy gẫm đầu óc tôi càng quay cuồng với những câu hỏi không được giải đáp. Sau cùng tôi đánh bạo đến gặp vị trụ trì để hỏi cho ra lẽ: ”Thưa thầy, khi nghe pháp con có thể hiểu được đôi ba phần nhưng không hiểu sao con vẫn không thể tin được. Con nghĩ rằng khi hiểu được thì sẽ phát lòng tin nhưng không hiểu sao con vẫn không thể tin được. Phải chăng sự hiểu biết của con còn nhiều thiếu sót ?” Lúc đó một vị tăng ngồi gần đấy đã buột miệng nói: ”Lạ thật! Sao có thể như thế được ? Ta đây chẳng hiểu biết gì nhưng rất tin vào Phật pháp”. Sau khóa thiền hôm đó, vấn đề tin tưởng đã được đem ra thảo luận một cách sôi nổi và sau cùng vị trụ trì đã kết luận: ”Có người nói rằng họ có thể hiểu nhưng không thể tin. Những kẻ thiếu đức tin như vậy khó có thể tiến xa vì thiếu nhiệt thành, thiếu một nội tâm bừng lửa đốt…” Tôi ngồi nghe mà có cảm tưởng như bị đóng đinh vào người. Từ đó tôi lại rơi vào trạng thái dằn vặt đau khổ như trước. Tôi đã tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn không thấy lối thoát. Tất cả vẫn hoàn toàn đen tối. Tôi biết thời gian không còn bao lâu nữa, cuộc đời của tôi đã đến lúc gần đất xa trời mà sao tôi vẫn còn loay hoay trong những bế tắc, không thấy được một chút hy vọng gì ở cuối chân trời.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

Chương 8

aaaaa
Thỉnh thoảng tôi có đến thăm Hayakawa. Mỗi khi gặp nhau chúng tôi thường hỏi: ”Chị đã tìm được vị thầy nào chưa?” Trong một khóa tu tại chùa Chuoji, tôi có nghe vài người nhắc đến tên thiền sư Suga Sama tại tỉnh Chitose và nói rằng đó là một vị thầy cự phách. Tôi bèn kể cho Hayakawa nghe, bà có vẻ thích lắm nhưng vốn cẩn thận, bà bảo tôi:” Chị hãy để tôi đến đó trước xem thế nào. Lời đồn đãi nhiều khi không đúng sự thật đâu. Nếu quả là một vị chân tu đạo hạnh, chúng ta sẽ cùng đến đó cầu đạo”. Hôm sau Hayakawa thu xếp đi Chitose ngay. Khi trở về, bà đến tìm tôi và nói vắn tắt: ”Vị thầy đó rất giỏi, tôi đã xin phép gặp ngài vào tuần sau, chúng ta sẽ cùng đi với nhau”. Tôi biết Hayakawa là người cẩn thận, có nhận xét thâm trầm. Một khi bà đã nói vậy chắc chắn thiền sư Suga Sama phải là một người đặc biệt hiếm có.


Chitoji là một ngôi chùa khá lớn, chánh điện trần thiết giản dị nhưng nghiêm trang. Thiền sư Suga Sama dáng người cao lớn, trông có vẻ lạnh lùng khắc khổ hơn những vị tăng mà tôi đã gặp. Vừa nghe Hayakawa giới thiệu, ông đã nói ngay: ”Tôi nghe nói bà nghiên cứu rất nhiều về Phật học?” Tôi ngượng ngập vì kiến thức hạn hẹp của mình nên chỉ ấp úng nói vài câu lấy lệ nhưng thiền sư Suga Sama đã nói: ”Học nhiều mà không biết áp dụng chỉ là một mớ kiến thức suông, không ích lợi gì cho việc giải thoát hết”. Mặc dù đó chỉ là một câu nói bình thường nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy nó có một sức mạnh vô cùng. Dường như ông đã đánh trúng vào tâm lý đang hoang mang của tôi nên tôi không thể chịu được nữa, bao nhiều nghi ngờ bất mãn trong lòng tôi trào ra như suối. Bỏ qua các dè dặt thường lệ, tôi kể lại việc theo học với giáo sư Shibata như thế nào và những khó khăn tôi gặp phải sau khi ông này qua đời. Thiền sư Suga Sama im lặng nghe tôi nói rồi đặt câu hỏi:

- Bà đã tọa thiền bao giờ chưa ?

- Thưa có. Con đã từng tọa thiền tại chùa Chuoji và đã tham dự khóa nhiếp tâm tại Zuiganji với thiền sư Joten.

- Thiền sư Joten dạy những gì ?

- Con được dạy phải tham công án Vô.

- Bà đã kinh nghiệm được gì khi tham công án đó ?

Đây là lần đầu tiên có người hỏi tôi về những kinh nghiệm khi tu thiền, tôi bèn kể lại công phu tu tập suốt mấy năm và nói rõ về kinh nghiệm lạ kỳ mà tôi đã trải qua khi còn ở trên núi Hokkaido. Tôi cũng kể thêm việc xin đặc tham và sự im lặng, không trả lời một cách bí hiểm của thiền sư Joten. Thiền sư Suga Sama lập tức nói ngay:

- Thiền sư Joten đã từ bi chỉ dẫn như thế mà bà vẫn không hiểu ư? Nếu không có sự im lặng sấm sét đó thì giờ này bà đâu được như thế này.

Câu nói bất ngờ của thiền sư Suga Sama làm tôi giật mình và chớm lên hy vọng. Phải chăng hoàn cảnh của tôi không đến nỗi bi đát như tôi nghĩ? Thiền sư Suga Sama nói tiếp:

- Bà hãy lập tức đến tu viện Mitaka tại Tokyo xin nhập thất tu trong thời gian một năm. Tôi sẽ viết thư giới thiệu. Bà phải đi ngay, không nên chần chờ gì nữa.

Lời nói của thiền sư Suga Sama như có một sức mạnh kỳ lạ, vừa nghe xong tôi đã quyết định đi Tokyo nhập thất tu thiền ngay. Có lẽ cũng cảm nhận được điều đó nên ông mỉm cười có vẻ hài lòng. Lần đầu tiên tôi thấy một nụ cười trên khuôn mặt khắc khổ của ông. Thiền sư Suga Sama chỉ tay ra chính điện:

- Bà hãy vào đó lạy Phật và đừng quên cám ơn lòng từ bi của thiền sư Joten. Tôi sẽ thỉnh chuông cho bà.

Chúng tôi bước vào chính điện làm lễ. Thiền sư Suga Sama đích thân thỉnh ba hồi chuông. Sau khi lễ Phật xong, ông chỉ vào một bức tranh bằng giấy treo trên vách bị thủng mấy lỗ, ôn tồn nói:

- Nhờ công phu tu tập, bà đã chọc thủng được bức màn vô minh, ít ra cũng thủng được hai lỗ nhỏ như bức tranh kia, dù chưa hoàn toàn, dù vẫn còn nông cạn nhưng ngộ vẫn là ngộ.

Lời nói của ông như luồng ánh sáng chiếu thẳng vào tâm thức đen tuối, đầy hoang mang của tôi. Lạ lùng thay, tôi cảm nhận được một sức mạnh kỳ lạ phi thường từ ông rót qua tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thoải mái sung sướng như lúc đó. Hình như tôi vừa tìm lại được một cái gì quý báu nhất đời. Câu trả lời mà tôi tìm kiếm bao lâu bỗng dưng được giải đáp một cách ngắn gọn và bất ngờ. Trước đây tại chùa Chuoji, tôi đã kể về kinh nghiệm này cho hai vị tăng nghe. Một người cười lớn và nói rằng tôi đã “mê ngủ”, người kia nói rằng đó chỉ là một “cảm hứng nhất thời” mà thôi. Có lẽ vì thế, tôi không bao giờ muốn nói đến cái kinh nghiệm kia nữa. Thiền sư Suga Sama nói:

- Bà nên biết kỷ luật nhập thất tại Ni viện Mitaka rất nghiêm khắc nhưng đã khổ công tu hành trong suốt mấy năm, tôi nghĩ bà có thể chịu đựng được. Bà hãy đi ngay trước khi thân thể của bà không chịu đựng nổi những kỷ luật gay gắt này.

Hayakawa vẫn im lặng từ trước đến nay nhưng đến lúc đó thì bà vội vã can thiệp:

- Thưa thầy, chị bạn tôi đã già yếu lắm rồi, tu nhập thất với những kỷ luật khắt khe tôi sợ bạn tôi chịu không nổi. Tại sao thầy không thâu nhận và hướng dẫn cho chị ấy ngay tại đây có hơn không ?

- Ta rất bận, không thể thâu nhận đệ tử trong lúc này.

- Nếu thế thì cứ để chị ấy ở lại đây, khi nào rảnh rỗi thầy chỉ dẫn cho chị ấy cũng được.

- Không được. Bà phải lên đường ngay trước khi nghiệp lực đời trước của bà làm giảm đi lòng nhiệt thành cầu đạo. Bà nên biết đây là cơ hội cuối cùng.

Tôi cương quyết nói ngay:

- Xin cám ơn lòng từ bi chỉ dẫn của thầy, con xin đi ngay.

Quay qua Hayakawa, tôi khẩn khoản:

- Xin cám ơn lòng tốt của chị nhưng ý tôi đã quyết rồi.

Hayakawa rưng rưng nước mắt nhìn tôi nhưng tôi biết chị đang mừng cho tôi.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

Tôi trở về Toyohiro-cho thu xếp hành trang để lên đường ngay. Tôi cho đi tất cả mọi vật sở hữu, chỉ giữ lại ba chiếc áo. Trước khi lên đường, tôi trở về làng cũ để thăm mộ song thân. Được tin tôi sẽ xuất gia nhập thất trong một tu viện tại Tokyo, gia đình tôi phản đối kịch liệt. Đứa con rể nói: ”Mẹ đã lớn tuổi rồi, không thể mạo hiểm như thế được. Không ai ở tuổi đó mà xuất gia tu hành nữa. Tu như vậy thì được lợi ích gì? Bây giờ mẹ đã có cháu, đã trở thành bà ngoại rồi mà sao không hành động như người đã có tuổi?” Đứa con gái vốn ít nói cũng can ngăn: ”Mẹ già rồi, đã chịu đựng cực nhọc cả đời rồi, bây giờ là lúc mẹ nên ở nhà tĩnh dưỡng cho con cháu báo hiếu”. Tôi cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của đứa con mà tôi không hề nuôi nấng chăm sóc. Hai cháu ngoại cũng chạy đến ôm chầm lấy tôi, không muốn để cho tôi ra đi. Trước tình cảm gia đình, tôi cũng mủi lòng nhưng lại nghĩ: ” Đời người nhanh như bóng câu qua cửa, ta chưa tìm được con đường giải thoát thì một phút chưa đại ngộ là một phút phí phạm. Ta không thể lưu luyến nơi đây được”. Chiều hôm đó chúng tôi mang hương hoa phẩm vật ra lễ trước mộ song thân của tôi. Đứng trước hai nấm mộ, tôi đã khóc hết nước mắt. Tôi biết mình là một đứa con bất hiếu, một người mẹ không ra gì, một bà ngoại chẳng bao giờ biết đến các cháu nhưng làm sao được khi tâm tôi không hề yên ổn, lúc nào cũng bị dằn vặt bởi khổ đau.



Sau cùng tôi gạt nước mắt khuyên hai con: ”Thời gian rất quý, một phút giây ngắn ngủi cũng là một chút mạng sống rồi cho nên mẹ không thể lãng phí thời gian được. Mẹ không muốn chờ đến ngày mai khi chân tay đã mỏi, mắt mờ, tai điếc không tu hành được nữa. Có lẽ vì kiếp trước mẹ không chịu tu hành nên kiếp này mới gặp khó khăn trở ngại như vậy, nhưng nay mẹ đã gặp được cơ hội thì phải bắt lấy ngay. Cả đời mẹ chỉ chờ đến cơ hội này. Nếu các con thương mẹ, hiểu mẹ thì hãy vui vẻ để cho mẹ ra đi”.



Trước khi rời khỏi làng, một người bạn cũ rất giỏi về khoa tử vi bói toán đã đến gặp tôi, cảnh cáo: ”Số chị năm nay gặp nhiều tai họa lớn, có thể thiệt mạng. Chị hãy đợi đến năm sau đi cũng không muộn”. Tôi cương quyết trả lời: ”Cám ơn bạn đã khuyên nhưng tôi đã chờ cơ hội này từ bao nhiêu năm nay rồi. Một phút chờ đợi là một phút khổ đau, xin hãy cho tôi ra đi một cách thoải mái”. Một cô đồng (Miko) khi xưa đã học hỏi về Thần Đạo với tôi cũng khuyên: ”Tôi được chư thần cho biết chuyến đi này của chị dữ nhiều lành ít, chị hãy xét lại”. Tôi trả lời: ”Tôi không còn bao nhiêu thời giờ nữa mà cơ hội chỉ đến một lần thôi. Xin hãy để cho tôi nắm bắt lấy cơ hội cuối cùng này. Dù chết tôi cũng cam lòng”.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

aaaa
Tôi rời Hokkaido vào ngày 2 tháng 6 năm 1955. Khi đó tôi vừa được 59 tuổi.

Ngồi trên xe lửa đi Tokyo, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về quyết định xin xuất gia của mình. Đây là một vấn đề mà tôi và Hayakawa đã bàn cãi rất nhiều lần trước đó. Theo tôi, muốn tiến bộ trên con đường tu, người ta phải từ bỏ gia đình để vào chùa, giữ gìn giới luật, xả thân tu hành để cầu giải thoát. Hayakawa lại cho rằng việc xuất gia không cần thiết vì một người tu tại gia vẫn có thể giải thoát được. Tôi cho rằng nếu không có một nhóm người cùng nhau khuyến tu, hỗ trợ tinh thần trong một môi trường thuận tiện, người tu một mình dễ bị lung lạc, cám dỗ, khó tiến bộ, và có thể lầm lạc vào các con đường tà. Kinh nghiệm bản thân tự mình cầu đạo suốt mấy chục năm nay đã dạy tôi như thế. Hayakawa cho rằng người ta không thể tìm đến một môi trường thuận tiện, cùng một số người xa lìa thế gian để tĩnh tu mà phải biết tu trong mọi hoàn cảnh. Bà chủ trương người ta không thể lìa bỏ xã hội vì mọi chúng sinh đều có liên hệ mật thiết với nhau, không thể tách rời ra được, do đó theo bà con đường đứng đắn nhất là phải đem đạo vào đời, không lìa xa thế gian mà phải tìm giải thoát ngay trong thế gian này. Chúng tôi đã bàn cãi nhiều lần về việc này, có lần chúng tôi đã phải hỏi giáo sư Shibata nhưng ông này chỉ cười và nói rằng không có con đường nào là tuyệt đối, mỗi cá nhân có một nghiệp quả riêng biệt, và mỗi người phải tự tìm lấy cho mình một con đường thích hợp. Nghe vậy, tôi nhất quyết chọn con đường xuất gia. Theo tôi nếu không thành công trong kiếp sống này, ít ra tôi đã gieo trồng một hạt giống tu hành, nhờ thế những kiếp sau tôi có thể tiếp tục con đường tu học cho đến khi giải thoát được.



Tôi đến Tokyo vào một ngày hè, trời nóng như thiêu đốt. Chuyến hành trình dài làm tôi vô cùng mệt mỏi, chỉ mong được nghỉ ngơi và tắm rửa cho mát. Từ nhà ga xe lửa, tôi phải đi bộ dưới cái nắng như nung nấu đó một lúc mới đến tu viện Mikata. Đây là một ni viện nổi tiếng về kỷ luật và cách sống kham khổ, đạm bạc. Không như các tu viện khác sống bằng sự yểm trợ của Phật tử, các ni sư tại đây đã sống tự túc bằng cách trồng trọt rau trái, đan rổ, dệt chiếu theo đúng tinh thần cần lao của tổ Bách Trượng khi xưa. Điều không ngờ là tôi đến Mikata nhằm vào mùa an cư kiết hạ, trước cửa tu viện có gắn một yết thị yêu cầu mọi người đừng làm rộn các ni sư trong thời gian tu tập này. Tôi ngần ngại đứng trước cánh cửa bằng gỗ dầy không biết có nên vào hay không. Sau cùng tôi tự nhủ dù sao đã mất công đến đây, không lẽ lại quay về nên tôi mạnh dạn đẩy cửa bước vào. Qua mảnh sân nhỏ trồng rất nhiều hoa, tôi đi đến nhà bếp và gặp một ni sư già đang nấu ăn. Tôi xuất trình lá thư giới thiệu của thiền sư Suga-sama và giải thích lý do cuộc viếng thăm của mình. Bà ni sư già mời tôi dùng trà và nói:

- Tôi biết bà đã trải qua một hành trình dài từ Hokkaido đến đây nhưng bà không thể gặp ni sư trưởng được. Trong mùa an cư, chúng tôi không tiếp xúc với người ngoài, hơn nữa lúc này ni trưởng đang tọa thiền, không thể làm rộn ngài được.

- Như vậy ni trưởng tọa thiền trong bao lâu ?

- Có khi một ngày, có khi lâu hơn thế.

- Liệu tôi có thể chờ đợi đến khi ni trưởng hoàn tất thời khóa thiền được không ?

- Không được, lúc khác bà hãy trở lại.

Tôi cố gắng năn nỉ bà này cho phép tôi tạm trú tại đây ít hôm nhưng bà lễ phép từ chối:

- Tôi chỉ là người làm bếp, không thể quyết định gì được. Kỷ luật tu viện rất nghiêm, không ai được phép tá túc nơi đây nếu không có lệnh của vị ni trưởng. Ngay như thiền sư Suga-sama có đích thân đến đây cũng phải xin phép trước chứ không thể đường đột mà đến như vậy được, xin bà hiểu cho.

Một lần nữa tôi cảm thấy niềm hy vọng đang chan chứa bỗng tắt ngúm. Tại sao mỗi lần tôi sắp đạt được điều gì lại có những trở ngại như vậy ? Phải chăng đây là một thử thách? Tôi nghiến răng quyết định dù gặp khó khăn thế nào cũng nhất định không bỏ cuộc. Tôi cố gắng năn nỉ:

- Thưa bà, tôi chẳng quen ai ở Tokyo cả. Tôi đến đây chỉ với mục đích duy nhất là được xuất gia đầu Phật và nhập thất tu thiền.

Bà ni già tỏ vẻ thương hại, sau một lúc suy nghĩ bà nói:

- Thôi được rồi, nếu bà đã nói thế thì tôi sẽ thưa lại với ni trưởng sau khi bà hoàn tất công phu thiền quán. Nếu ni trưởng bằng lòng tiếp bà thì mời bà trở lại sau vậy.

- Nhưng tôi không quen ai ở Tokyo cả, xin bà cho tôi tạm trú qua đêm nay.

- Không được. Nếu không có phép, tôi không thể cho bà tạm trú tại đây. Không lẽ bà không quen biết một người nào ở đây hay sao?

Ngay lúc đó, tôi chợt nhớ đến một vị tăng tên Minamikawa, xuất thân từ Tokyo, thường hay đến giảng dạy các khóa thiền tại chùa Chuoji.

- Tôi có quen một vị tăng tên là Minamikawa.

- Tưởng ai chứ Đại đức Minamikawa thì chúng tôi biết. Vị này tu tại chùa Taiheiji, cách đây không xa. Bà có thể đến đó xin tá túc qua đêm được.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

aaaaa
Biết không thể năn nỉ gì thêm, tôi đành xách khăn gói theo lời chỉ dẫn của ni sư kia tìm đến Taiheiji. Một lần nữa tôi phải đi bộ dưới cái nắng gay gắt của mùa hè suốt mấy giờ liền mới đến được Taiheiji. Khi đến đây thì quần áo tôi ướt đẫm mồ hôi, tôi phải cố gắng lắm mới trình bày được hoàn cảnh của mình. Một lần nữa, tôi lại thất vọng. Vị tri khách tại đây cho biết Đại đức Minamikawa đã đi hoằng pháp tại chùa Ryukyu phải mấy tuần lễ nữa mới về. Tôi lặng người không biết phải nói gì. Dĩ nhiên tôi có thể tìm một xó nào đó ngủ tạm qua đêm nhưng trải qua chuyến hành trình dài, tôi thấy trong người vô cùng mệt mỏi, cần một mái nhà che chở. Tôi đang ngập ngừng lúng túng thì một vị sư già ở đâu bước vào. Vị tri khách tăng liền giới thiệu tôi với vị này:

- Đây là vị trụ trì chùa Taiheiji, Thiền sư Yasutani.

Đó là một ông lão có khuôn mặt gầy ốm, hai gò má rất cao và đầy những vết nhăn. Ông im lặng nghe vị tri khách tăng trình bày hoàn cảnh của tôi rồi ôn tồn nói ngay:

- Tội nghiệp quá! Bà đi từ xa đến đây chắc mệt mỏi lắm rồi, bà hãy tạm trú tại đây qua đêm nay đã. Để tôi thu xếp phòng riêng cho bà.

Tôi mừng rỡ đến chảy nước mắt và không biết phải nói gì hơn ngoài mấy câu cám ơn tầm thường. Không như những vị trụ trì khác có thể sai người dọn phòng cho tôi, Thiền sư Yasutani đích thân đưa tôi đến tận phòng riêng. Ông còn thân hành mang cho tôi một tấm nệm ngủ nữa. Tôi cảm động trước cử chỉ thân ái, giản dị của vị sư già này. Hôm sau tôi trở lại Mikata nhưng người ta cho biết ni trưởng vẫn còn tọa thiền chưa xong nên tôi đành trở về Taiheiji kể lại mọi sự cho Thiền sư Yasutani. Ông này ôn tồn nói:

- Bà cứ tự nhiên tạm trú tại đây thêm ít hôm nữa cho đến khi nào ni trưởng tu viện Mikata hoàn tất thời khóa công phu. Từ nay bà khỏi mất công qua lại bên đó nữa, để tôi cho người nhắn với họ rằng bà hiện tạm trú tại đây, khi nào ni trưởng có thể tiếp bà thì bà hãy qua đó gặp họ sau.

Tôi hết sức cảm động trước thịnh tình của Thiền sư Yasutani. Trong thời gian tạm trú tại đây, tôi ra sức làm công quả, quét dọn lau chùi quanh chùa cẩn thận để báo đáp tấm lòng tử tế của các sư sãi nơi đây.


aaaaaVài hôm sau, một ni sư từ Mikata đến gặp tôi vào cho biết ni trưởng đã hoàn tất thời khóa thiền và sẵn sàng tiếp tôi. Tôi mừng rỡ theo vị nay trở lại Mikata. Vị ni trưởng là một người lớn tuổi, mặt đầy những vết nhăn và đặc biệt có một cặp mắt rất sáng. Bà nói:

- Tôi đã đọc kỹ lá thư giới thiệu của Thiền sư Suga-sama và đã suy nghĩ kỹ về trường hợp của bà. Theo ý tôi thì có lẽ giải pháp tốt nhất là bà hãy tìm một nơi nào đó tại Tokyo rồi hàng tuần đến đây tu học.

Tôi thất vọng kêu lớn:

- Thưa ni sư, con đến đây với mục đích xin xuất gia tu học. Việc sống với một gia đình nào đó rồi hàng ngày đến chùa tu học không phải là điều con muốn.

- Như vậy ý bà muốn xin được xuất gia?

- Thưa đúng như vậy. Hoàn cảnh của con không cho phép con tu hành một cách nửa chừng được nữa. Xin ni trưởng cho phép con được xuất gia thọ giới và nhập thất…

Vị ni trưởng nhìn tôi một lúc rồi nhẹ nhàng:

- Nhưng ít ra phải có một người nào đó bảo đàm cho bà kia chứ.

- Bảo đảm gì nữa, con tự bảo đảm cho mình là được rồi.

- Nhưng nếu bà đau yếu hay bệnh tật thì sao?

- Không sao đâu, con khỏe lắm, chẳng bao giờ đau yếu cả.

- Nhưng ốm đau đâu phải điều người ta có thể tránh được.

- Xin ni truởng đừng quá quan tâm, đến khi đó hẵng hay.

- Không được, nếu bà đau ốm sẽ làm phiền những người chung quanh. Ai sẽ săn sóc lo lắng cho sức khỏe của bà đây?

- Thưa ni truởng, con biết thế nhưng xin ni trưởng mở lòng từ bi.

- Chúng tôi rất tiếc, ni viện tại đây có luật chỉ nhận những người từ hai mươi đến ba mươi tuổi thôi. Bà đã vượt quá số tuổi ấn định rồi.

Tôi có cảm tưởng như bị sét đánh ngang tai. Có thể như vậy hay sao? Có lý nào người ta lại không nhận tôi? Tôi cố gắng nói nhưng cổ họng cứ nghẹn lại không sao nói được. Vị ni trưởng tiếp tục:

- Kỷ luật tại đây rất gắt gao, các ni sư tại đây đều sống tự túc bằng cách làm việc lao động. Họ đan rổ, dệt chiếu, trồng trọt cây trái, do đó sức khỏe là điều rất quan trọng. Tu viện này chỉ nhận những người còn trẻ mà thôi.

- Nhưng… nhưng không lẽ nào không đổi luật được sao?

- Không được. Chúng tôi không thể vi phạm luật lệ đã đặt ra được.

- Thưa ni trưởng, nếu bà không cho phép con xuất gia thì ít ra cũng cho phép con được sống tại đây.

- Không được. Bà chỉ có thể đến đây trong những thời khóa tu tập mà thôi.

- Như thế thì ít quá, con muốn xin nhập thất.

- Không được. Việc nhập thất chỉ dành cho những người đã được chọn lựa cẩn thận, những người đã dày công tu hành trong nhiều năm tại đây. Phần bà là người mới, lại chưa xuất gia thọ giới, ta không thể cho phép bà nhập thất được.

- Nhưng ni sư không cho phép con xuất gia thì làm sao con có thể nhập thất?

- Chúng tôi rất tiếc nhưng hiện nay tuổi bà đã cao, sức khỏe của bà đã suy giảm nhiều nên chúng tôi không thể thâu nhận bà được.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

aaaaa
Tôi trở về Taiheiji với một tâm trạng buồn chán thất vọng hơn bao giờ hết. Một lần nữa tôi lại thất bại trong việc tìm lối thoát cho mình. Có lẽ nghiệp của tôi quá nặng, mỗi lần muốn tu là một lần gặp trở ngại. Con đường đạo vẫn còn là một cái gì xa vời, không thể đạt được và tôi trở lại tâm trạng bơ vơ lạc lõng như hôm nào. Thiền sư Yasutani yên lặng nghe tôi trình bày rồi ôn tồn hỏi:

- Bây giờ bà định làm gì ?

- Thưa thầy, có lẽ tôi đành phải trở lại Hokkaido vậy.



Lúc đó tôi chỉ có ý nghĩ duy nhất là trở về Hokkaido tìm đến Thiền sư Suga-sama xin thụ giáo mà thôi. Tôi biết Thiền sư Suga-sama rất bận và không có ý định thâu nhận đệ tử nhưng tôi không còn giải pháp nào khác. Ông là cái phao duy nhất mà tôi có thể bám víu được trong lúc này mà thôi. Thiền sư Yasutani quan sát tôi một lúc rồi nhẹ nhàng nói:

- Nhưng bà đã mất bao công phu đến đây để xin xuất gia.

Tôi nghẹn ngào như muốn khóc:

- Thưa vâng, nhưng con không may mắn…

Thiền sư Yasutani nhìn tôi một lúc rồi thong thả nói:

- Cửa chùa lúc nào cũng rộng mở, nếu bà đã nhất quyết thì ta có thể thu xếp cho bà xuất gia tu học tại đây được.



Tôi rất cảm động trước câu nói của Thiền sư Yasutani nhưng lúc đó vì đầu óc vẫn còn xúc động bởi những chuyện vừa xảy ra nên tôi không thể quyết định ngay. Tôi xin ông hãy cho tôi vài hôm để suy nghĩ đã. Thật ra lý do chính làm tôi bối rối vì lúc trước tôi đã hứa với Thiền sư Suga-sama sẽ xin tu nhập thất tại Mikata, nếu không được thu nhận ít ra tôi cũng phải báo tin cho ông này biết rồi xin ông chỉ dẫn cho. Thiền sư Yasutani ôn tồn:

- Được lắm, bà cứ thong thả suy nghĩ. Nếu muốn thọ giới xuất gia tại đây, ta có thể thu xếp cho bà được. Còn như bà muốn trở về Hokkaido cũng không sao.



Tôi tiếp tục sống tại Taiheiji trong vài hôm cho qua cơn xúc động. Ngày nào tôi cũng lên chánh điện cầu nguyện, xám hối và cầu mong chư Phật hướng dẫn cho tôi. Cuối tuần đó sau khóa lễ phổ thông, có một buổi thuyết pháp của Thiền sư Yasutani. Ông đã nói:

- Sau khi chứng ngộ dưới cội bồ đề, đức Phật Thích Ca đã thốt lên: “ Thật kỳ diệu thay, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nhưng vì bị vô minh che lấp nên họ không nhận ra điều ấy”. Lời tuyên bố đầu tiên của đức Phật chính là tinh yếu của toàn bộ giáo lý của ngài. Đúng như thế, mọi chúng sinh, dù nam hay nữ, dù thông minh hay khờ dại, dù đẹp đẽ hay xấu xa, dù khỏe mạnh hay yếu đau cũng đều có Phật tánh như nhau. Trải qua bao nhiêu kiếp sống luân hồi, tâm thức của chúng sinh đã bị những lớp vỏ cứng của vô minh bao phủ nên họ không thể nhận thức được cái Phật tánh toàn vẹn, trong sạch, hoàn hảo kia nữa. Muốn giải thoát ta phải quay về với cái Phật tánh đó để thấy rõ rằng lâu nay chúng ta đã để cho vô minh lôi cuốn mà không hề hay biết.

Phương pháp hữu hiệu nhất để trở về với cái Phật tánh thanh tịnh đó là tọa thiền. Lịch sử Phật giáo đã chứng minh một cách hùng hồn rằng từ đức Phật đến các đệ tử của ngài, đều giác ngộ từ công phu tọa thiền. Tâm của Phật và tâm của chúng sinh thật ra không hề khác nhau. Cái tâm này có thể ví như mặt nước hồ, tâm của Phật thì như mặt nước yên tĩnh, trên đó mặt trăng chân lý có thể phản chiếu một cách toàn vẹn. Trong khi tâm của chúng sinh thì giống như mặt nước đang bị các làn sống vô minh quấy động, không thể phản chiếu gì được. Mặt trăng chân lý lúc nào cũng chiếu sáng, do đó vấn đề chính của sự tu tập là làm sao để tâm của mình có thể phản chiếu rõ ràng mặt trăng chân lý mà thôi.

Bây giờ quí vị nên tự hỏi cái gì đã làm khuấy động tâm của quí vị? Phải chăng đó là các tư tưởng? Trong việc tu tập, việc đầu tiên quí vị phải làm là bặt các tư tưởng lúc nào cũng dấy lên này. Đây là điều không dễ vì trải qua bao nhiêu kiếp sống một cách vô ý thức, vọng niệm đã thành một thói quen không dễ gì mà bỏ ngay được. Quí vị nên nhớ, tất cả mọi tư tưởng, dù thanh cao hay xấu xa, đều có khởi đầu và có chấm dứt. Vì có sinh nên có diệt nhưng vì nó cứ tiếp tục nổi lên nên quí vị tưởng rằng nó thường hằng, đó là sai lầm đầu tiên. Nếu những tư tưởng này tiếp tục khuấy động tâm của quí vị, quí vị sẽ không thể phân biệt cái thật với cái hư được. Con người đã đánh giá cao các tư tưởng trừu tượng, các phân biệt của lý trí, của lý luận, nhưng tất cả những cái này đều là sản phẩm của tư tưởng, mà đã là sản phẩm của tư tưởng vốn vô thường, có sinh có diệt thì gốc rễ của nó đã nằm ở chốn vô minh rồi. Tư tưởng chính là tâm bệnh của con người. Nó chính là nguồn gốc của sự mê hoặc và quí vị cần phải phân biệt thật rõ vai trò của tư tưởng, lý trí vốn có tính cách nhất thời với các khái niệm cố định.

Thiền định là phương pháp làm ngưng lại và dứt đi những tư tưởng này. Một khi các làn sóng tư tưởng khuấy động đó dứt tuyệt thì quí vị sẽ nhận thấy rằng mặt trăng chân lý lúc nào cũng chiếu sáng. Giây phút nhận ra điều này là kiến tánh, tức là ngộ, là hiểu rõ được bản thể chân thật của tự tánh. Khác với những ý niệm lý luận hay triết học vốn xuất phát từ tư tưởng, nghĩa là có khởi đầu và có chấm dứt, và có thể thay đổi theo thời gian. Sự chứng ngộ chân lý khi các làn sóng tư tưởng chấm dứt này không thay đổi hay có thể mất đi được. Nó sẽ ở mãi mãi với quí vị, và từ đó quí vị có thể sống một cách thoải mái, bình an trong cái tâm trạng đầy phúc lạc, thanh thản đó…
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

aaaaa
Sau buổi thuyết pháp, tôi tìm gặp Thiền sư Ysautani để trình bày hoàn cảnh của mính. Cho đến lúc đó tôi mới kể cho ông nghe về công phu tu học của tôi cũng như các kinh nghiệm tâm linh mà tôi đạt được:

- Thưa thầy, lúc nãy thầy nói rằng một khi đã kiến tánh thì cái kinh nghiệm đó sẽ không mất đi.

- Đúng như thế.

- Nhưng trường hợp chứng ngộ của con lại khác. Thiền sư Suga-sama nói rằng con đã chọc thủng được bức màn vô minh, dù chỉ được một hai lỗ rất nhỏ.

- Nếu bà có thể sống mãi trong tâm trạng đó thì đó là kiến tánh, còn nó đến trong một phút nhất thời rồi lại mất đi thì đó chỉ là một thứ mà ta gọi là Ma cảnh (Makyo), không có gì đáng nói cả. Đừng nên để ý đến nó và cũng đừng quan trọng hóa nó lên.

Tôi giật mình, mồ hôi toát ra đầy áo. Chưa bao giờ tôi thấy trong người lại chấn động mãnh liệt như vậy. Sau một lúc định thần, tôi lên tiếng:

- Xin thầy từ bi chỉ dẫn thêm cho con về Ma cảnh.

Thiền sư Yasutani mỉm cười:

- Ma cảnh là những hiện tượng không có thật, những cảm giác hư huyễn, những ảo tưởng mà người tu thiền thường gặp phải trong giai đoạn nào đó. Ma cảnh là những vọng tưởng đến và đi theo thời gian nhưng nó sẽ trở thành “chướng” khi người tu, vì thiếu sự chỉ dẫn, để nó quyến rũ và tưởng rằng nó là thật. Ma cảnh thường xuất hiện tùy theo nhân cách, tính khí của người tu. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã giảng rõ về năm mươi hai loài Ma cảnh khác nhau, nếu muốn bà nên nghiên cứu kinh này. Trong các tuần lễ nhiếp tâm, thường thường học trò của tôi bắt đầu kinh nghiệm về ma cảnh vào ngày thứ ba hay thứ tư. Sau khi siêng năng tu tập để kiềm chế tư tưởng, đến một lúc nào đó Ma cảnh sẽ xuất hiện và điều này rất thông thường, không có gì lạ đâu. Có người nhìn thấy các hiện tượng lạ lùng, có người nghe được những lời nói hay mách bảo, xui khiến, có người còn ngửi được các mùi hương hay có thể sờ mó được một vật gì kỳ lạ. Có khi họ thấy thân thể họ nhẹ bổng lên như bay, có khi họ cảm thấy như rơi vào một hố thẳm không đáy, có khi họ bật ra các câu nói kỳ lạ mà không thể kiếm soát được. Đôi khi những câu nói tưởng như vô tình này lại trở nên linh nghiệm như những lời tiên tri. Nhưng dù thế nào chăng nữa, nó vẫn là Ma cảnh, vẫn là những chướng ngại, vẫn xuất phát từ các tư tưởng nghĩa là gốc rễ của nó nằm trong vô minh.

Trong trường hợp của bà, đó là một ma cảnh về thị giác, bà đã kinh nghiệm được những điều kỳ lạ, nhìn thấy những quang cảnh với màu sắc lạ lùng, có thể nó xuất phát từ trong tiềm thức do những hình ảnh ký ức ghi nhận được khi bà tu theo Thần đạo. Ảo ảnh về thị giác là điều thường xảy ra nhiều nhất vì mắt là giác quan gắn liền với tư tưởng và người ta sử dụng giác quan này nhiều hơn cả. Một cái nệm ghế bỗng biến thành một con quái vật. Một vết nứt trên tường biến thành con rắn. Nhiều đệ tử của tôi đã thấy hình ảnh ma quỷ nhe nanh múa vuốt hoặc thấy các đức Phật hiện ra với hằng hà sa số đệ tử đi quanh ngài. Điều quan trọng nhất phải ý thức đó là Ma cảnh, đừng để nó quyến rũ, lôi cuốn mà cứ để tự nhiên vì nó đến thì nó sẽ đi. Đừng để tâm vọng động, cứ tiếp tục công phu thiền tập, không sợ hãi, không vui mừng, vì vui hay sợ, lo hay mừng đều là những cảm giác làm khuấy động tâm thức của người tu. Như tôi đã nói, vấn đề quan trọng là làm bặt mọi tư tưởng, làm sao để tâm trống rỗng, yên tĩnh như mặt nước hồ thu thì ánh trăng của chân lý mới có thể phản chiếu một cách toàn vẹn được. Bất cứ một cái gì làm cản trở điều này đều là những chướng ngại do đó điều quan trọng nhất là phải biết tự chủ.

- Nhưng lý do nào đã làm cho ma cảnh xuất hiện ?

- Ma cảnh là những trạng thái tâm thức xuất hiện một cách nhất thời trong khi khả năng tập trung của con người đã đạt đến một mức độ nào đó. Nếu hiểu theo một nghĩa khác thì công phu thực hành có tiến bộ, các lớp tư tưởng hời hợt trong tâm thức có bị chế ngự thì Ma cảnh mới xuất hiện. Nếu giải thích theo Duy Thức học thì khi các vọng niệm thuộc thức thứ sáu đã lắng đọng, các chủng tử tâm thức chứa đựng trong thức thứ bảy và thứ tám sẽ bị khích động và nổi lên, tạo ra các hình ảnh, màu sắc, âm thanh đặc biệt. Ma cảnh là một sự trộn lẫn của cái thực và cái không thực, hư hư ảo ảo. Nó khác các giấc mộng thông thường vì nó xuất phát từ những chủng tư hết sức vi tế nằm rất sâu trong tâm thức con người. Một số người tu, thiếu sự chỉ dẫn của một vị thầy đã có kinh nghiệm về Ma cảnh, thường bị chúng quyến rũ và đi lạc vào ma đạo. Đừng bao giờ nghĩ rằng các hiện tượng mình kinh nghiệm được trong lúc này là thật. Thấy một cảnh giới chư thiên không có nghĩa là mình đã đạt được cảnh giới đó, đã trở thành một chư thiên. Thấy Phật hay Bồ tát không có nghĩa là mình đã nhập được vào các Pháp hội, nghe Phật thuyết pháp mà lầm lẫn. Một người tu tập phải biết coi đó là một giấc mộng, là hư, là vọng tưởng, là những chướng ngại làm cản trở công phu tu hành. Dù thấy bất cứ điều tốt lành gì cũng đừng phấn khởi, dù thấy điều gì xấu xa cũng đừng sợ hãi vì nếu trong tâm nảy sinh bất cứ một cảm giác gì, nó cũng khuấy động mặt nước hồ tâm, cản trở sự phản chiếu toàn vẹn của ánh trăng chân lý.

Khi tu tập đến mức thuần thục, các Ma cảnh còn xảy ra ghê gớm hơn nữa. Có khi người tu thấy vào cõi Phật, thấy được ban phúc, được truyền những mặc khải rồi tưởng mình đã chứng đắc này nọ. Tất cả những cái đó đều là Ma cảnh. Nếu bị quyến rũ, nếu để tâm vọng động thì kết quả chỉ là sự phung phí năng lực mà thôi. Nhưng nói một cách khác, khi bắt đầu thấy những Ma cảnh thì đó là dấu hiệu cho biết mình đã đến một mốc điểm quan trọng nào đó rồi, và nếu giữ tâm yên tĩnh, không bị xao động thì chắc chắn sẽ thành công, sẽ kiến tánh, sẽ giác ngộ. Bà không nhớ đức Phật cũng đã trải qua bao nhiêu thử thách, bao nhiêu khó khăn, trước khi thành đạo dưới gốc bồ đề hay sao? Người ta có thể cho rằng có những Thiên Ma hiện ra quấy quá, thử thách ngài nhưng cũng có thể đó là những Ma cảnh mà ngài kinh nghiệm trước khi đạt đến trạng thái giác ngộ. Dù thế nào chăng nữa, phải biết coi thường những hiện tượng này, cứ để nó đến rồi nó đi, không phản ứng, không chống đối, không vui cũng không buồn, không mừng cũng không lo, thản nhiên bất động trước mọi sự kiện, đó chính là điểm then chốt của người tu thiền.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

aaaaa
Từ trước đến nay tôi đã nghe nhiều người giảng về thiền nhưng chưa bao giờ tôi thấy ai giải thích giản dị và rõ rệt như vậy. Hiển nhiên đây không phải là lý thuyết mà là kinh nghiệm thâm sâu của một bậc thầy đã từng trải. Tuy cố gắng ngồi yên nhưng thực ra toàn thân tôi đã chấn động mãnh liệt, bao thắc mắc nghi ngờ của tôi từ trước dường như đều được giải đáp cả. Thiền sư Yasutani thong thả giải thích thêm:

- Theo kinh nghiệm của tôi, Ma cảnh thường xảy ra khi sự điều hành của hơi thở và tâm thức chưa được hoàn chỉnh. Khi tâm và thân chưa hoàn toàn nhất như thì sự sai lệch này có thể tạo ra những hiện tượng kỳ lạ, do đó tư thế tọa thiền và việc điều hòa hơi thở rất cần thiết. Người ta không thể tu thiền một cách hấp tấp mà phải chú trọng đến cách ngồi (thiền tọa) cho thật đúng cách, thật thoải mái, và buông xả hoàn toàn.

Bà nên nhớ thân và tâm là một, bất cứ một sự căng thẳng nào của thân cũng ảnh hưởng đến tâm, và bất cứ một sự xung đột nào của tâm cũng ảnh hưởng đến thân. Việc ngồi thoáng nghe thấy giản dị nhưng thật ra quan trọng không kém việc điều hòa hơi thở. Phần lớn các vị thầy dạy thiền thường quá chú trọng đến việc đếm hơi thở hay tham công án mà xao lãng việc dạy học trò phải ngồi sao cho thật đúng cách. Phần đông các học trò cũng quá nôn nóng hập tấp vào những công án lạ lùng, các quán tưởng cao xa trong khi chưa biết cách ngồi sao cho thoải mái. Có lẽ đó là lý do nhiều người tu thiền đã bỏ cuộc vì ngồi lâu, chân tay tê buốt đau đớn mà chẳng thấy kết quả gì khả quan. Tư thế trong lúc tọa thiền chính là một trong những căn bản quan trọng của công phu tu tập. Đừng tưởng chỉ ngồi xếp bằng, điều hòa hơi thở và tập trung tâm thức là được. Đừng tưởng chỉ tham công án hay quán tưởng vào các hình ảnh, màu sắc là đủ. Một người tu thiền phải biết ngồi một cách trang nghiêm, thành kính với lòng biết ơn sâu xa chư Phật và chư Tổ, những người đã làm cho Phật pháp biểu hiện. Một người tu thiền còn phải biết ơn tổ tiên, cha mẹ đã tạo ra thân thể, hình hài này nhờ đó người tu mới có thể kinh nghiệm được thực tánh của Pháp. Chính nhờ biết cách ngồi một cách trang nghiêm mà tâm thức sẽ trở nên thành kính, rồi từ đó cử chỉ hành động như đi, đứng, ăn, ngủ cũng ảnh hưởng theo mà có sự chuyển hóa. Nhờ công phu tu thiền mà tâm thức được thoải mái, các vọng tưởng dần dần lắng xuống, và tâm được thanh tịnh. Khi tâm và thân đã quân bình thì sự an lạc sẽ đến, và chỉ trong sự an lạc này người tu mới kinh nghiệm rõ rệt được từng hơi thở sống động, mầu nhiệm từng phút giây. Từ đó sự hô hấp, vốn có tính cách vô thức và thụ động, sẽ chuyển qua ý thức và tích cực, và toàn bộ diễn biến của sự sống sẽ biểu hiện ra một cách rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tóm lại, việc ngồi cho đúng cách là căn bản chính yếu, cần thiết cho những người mới bước vào con đường thiền. Đừng cố gắng ngồi cứng ngắc như khúc gỗ, vừa không tự nhiên, vừa quá căng thẳng nhưng cũng đừng ngồi một cách cẩu thả, nặng nề, trì trệ như bị một vật gì đè nặng lên vai. Tư thế ngồi phải thật thoải mái, vững chãi do đó khi mới tập chỉ nên ngồi khoảng mười lăm phút cho quen thuộc, cho gân cốt co giãn tự nhiên theo tư thế, rồi dần dần tăng lên nửa giờ rồi một giờ. Dĩ nhiên thời gian tọa thiền lâu hay mau tùy lòng nhiệt thành và công phu hành trì nhưng khi người ta có thể ngồi khoảng từ nửa giờ đến một giờ mà thân thể không đau đớn, tê buốt thì cảm giác an lạc, thoải mái sẽ đến một cách tự nhiên.

- Thưa thầy, con có thể ngồi lâu không mỏi mệt nhưng sao vẫn không thấy có kết quả bao nhiêu ?

- Phải chăng khi ngồi thiền bà đã cố gắng để đạt đến giác ngộ? Cái lòng mong cầu, ao ước đó chính là một chướng ngại đã phá đi trạng thái ung dung tự tại cần thiết. Sự mong cầu, dù mong cầu một sự bình an, giác ngộ, vẫn là một vọng niệm làm khuấy động mặt nước hồ tâm thì làm sao ánh trăng chân lý có thể phản chiếu một cách toàn vẹn được ?
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

aaaaa
Một lần nữa tôi thấy tòan thân rung động mãnh liệt. Thiền sư Yasutani đã vạch trần những lỗi lầm mà tôi mắc phải. Tôi cố gắng biện bạch:

- Nhưng dù sao con cũng đã phát triển được về định lực (Joriki).

- Phát triển về định lực không phải là mục đích tối hậu của Phật giáo. Nó chỉ là một phương tiện, một trình độ mà người ta có thể đạt được khi sự tập trung lên đến mức nào đó. Có định mà thiếu tuệ thì làm sao có thể kiến tánh được.

Câu nói giản dị trên làm tôi giật nẩy người như bị điện giật. Nó là câu trả lời mà tôi vẫn tìm kiếm trong bao lâu nay. Thì ra thế! Tôi đã quá chú trọng đến công phu, đến phương pháp, đến cách điều hòa hơi thở, và hài lòng với những quyền năng của định lực mà quên lãng việc phát triển trí tuệ, cái điều kiện tiên quyết của người học Phật. Thiền sư Yasutani nói tiếp:

- Người có định lực có thể phát triển được những năng lực siêu nhiên hay thần thông nhưng dù đạt đến trạng thái tuyệt đỉnh, người ta vẫn không thể cắt đứt được sự kiềm chế của luân hồi sinh tử vì vẫn còn chịu sự chi phối của nghiệp lực. Người có định tuy làm chủ được thân tâm nhưng vẫn không thoát khỏi sự chi phối của khổ não vì chưa nhận ra được tự tánh của mình. Có định phải có tuệ đi kèm thì mới nhận ra tự tánh của mình được. Đó chính là điều mà Tổ Huệ Năng đã nói:” Nào ngờ bản tánh vốn tự đầy đủ, vốn tự thanh tịnh, vốn bất sinh diệt”. Nếu đã nhận ra tự tánh thì thực chất của cái kinh nghiệm đó sẽ không thể khác điều mà xưa kia chư Phật hay chư tổ đã chứng đắc.

Kiến tánh chính là sự phối hợp tự nhiên của định và tuệ. Định là sức mạnh và tuệ là chất xúc tác để mở con mắt Tâm. Thiếu trí tuệ, người ta chỉ có thể kinh nghiệm được những cái gì hời hợt, nông cạn, chợt đến chợt đi trong chốc lát và sau cùng chỉ là những kỷ niệm rời rạc, chẳng giúp ích gì mà còn là những chướng ngại nếu cứ mải bám víu vào đó.



Không còn nghi ngờ gì nữa! Thiền sư Yasutani quả thật là vị thầy mà tôi vẫn tìm kiếm từ bao lâu nay. Tự nhiên nước mắt tôi trào ra như suối nhưng lần này tôi đã khóc vì vui mừng. Tôi cung kính quỳ mọp xuống sàn đảnh lễ:

- Bạch thầy, xin thầy mở lòng từ bi thu nhận con làm đệ tử và hướng dẫn con trên đường tu học.

Thiền sư Yasutani chắp tay đáp lễ:

- Được lắm, ta sẽ thâu nhận con làm đệ tử.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

Chương 9

aaaaa
Trong đời sống vẫn có những sự kiện xảy ra thật bất ngờ, ngoài sự mong cầu, ao ước. Tôi đã mải miết tìm kiếm khắp nơi một cách mù quáng nhưng vẫn không tìm thấy điều tôi muốn. Quả thật tôi có mắt mà như mù, ngay khi đến Taiheiji, tiếp xúc với thiền sư Yasutani, tôi vẫn không nhận ra đó là vị thầy mà tôi muốn tìm từ bao lâu nay. Nếu thiền sư Yasutani không từ bi mở cho một con đường thì không biết hiện nay tôi sẽ như thế nào? Có thể tôi vẫn lang thang tìm kiếm cho đến những ngày cuối của cuộc đời. Tôi được thọ giới tỳ kheo và giao phó nhiệm vụ quét dọn, nấu nướng tại Taiheiji. Mỗi sáng tôi dậy rất sớm để tham dự các thời khóa thiền. Tôi thực hành theo lời chỉ dẫn của thiền sư Yasutani, luôn luôn cẩn thận, ngồi thật đúng cách, và gìn giữ cử chỉ thật trang nghiêm, thành kính trong mọi hành động. Trong lúc tọa thiền, nếu có điều gì thắc mắc tôi đều đem ra hỏi, nhờ thế tôi mới thấy việc tìm được một vị thầy có kinh nghiệm hướng dẫn quan trọng như thế nào. Đôi khi có những thắc mắc rất nhỏ, tưởng chừng không có gì đáng kể nhưng khi nhận được câu giải đáp, tôi mời thấy tầm quan trọng của nó.



Một hôm trong lúc tọa thiền, tôi cảm thấy trong người thoải mái, dễ chịu, dường như có một cái gì kỳ lạ đang biến chuyển trong tâm tôi. Tôi thấy mình như được nâng lên một bình diện nào đó, khắp người được bao phủ trong một niềm phúc lạc vô biên, tôi thấy mình như tan biến trong một biển tình thương rộng lớn. Tôi mừng rỡ tìm đến thiền sư Yasutani để kể cho ông nghe về kinh nghiệm này. Ông thản nhiên nói ngay:

- Điều này không có gì lạ, đa số học trò của ta cũng đều có những kinh nghiệm tương tự như vậy. Phần lớn con người thường quen suy nghĩ theo đuờng lối nhị nguyên, có chủ thể và đối tượng, nên thường bám víu vào bản ngã. Các cảm giác khoái lạc, hạnh phúc cũng đều xảy ra quanh cái bản ngã này. Lần này bà đã kinh nghiệm được một thứ tình cảm cao thượng hơn vì không còn tập trung vào bản ngã nên bà thấy sung sướng, thoải mái hơn các cảm giác khoái lạc của bản ngã. Tuy nhiên bà đừng nên bám víu lấy nó, chỉ nên coi đó là một việc đã xảy ra rồi và quên nó đi. Đừng để kinh nghiệm này trở nên một kỷ niệm rồi giữ mãi trong tâm mà thành chướng ngại.

Trong một buổi thiền tập khác, tôi bỗng dưng thấy chán nản và thất vọng một cách kỳ lạ. Tôi sợ mình sẽ không thể thành công được và cảm giác sợ hãi này cứ chi phối tôi trong suốt khóa thiền. Thiền sư Yasutani đã khuyên:

- Đó là một điều thường xảy ra. Một cái máy có thể hoạt động đều đặn không ngưng, nhưng một con người thì không như thế. Có lúc cơ thể mệt mỏi vì các hiện tượng tâm lý hay sinh lý, hoặc cả hai. Điều quan trọng là hãy vững tâm và đừng thất vọng. Bà phải tin chắc rằng mình sẽ thành công và sự quyết tâm này sẽ gây phấn khích và khôi phục lòng nhiệt thành của bà. Một khi bà nghĩ rằng mình không thể đạt được điều mình muốn hoặc tệ hơn nữa, bà cho rằng việc đó vượt khỏi khả năng của bà, thì bà không bao giờ nhận ra được chân tánh của mình.

Hôm sau, trong buổi giảng hàng ngày, thiền sư Yasutani đã nói:


- Có ba yếu tố hết sức quan trọng trong việc tu thiền, đó là Đại Tín Căn (Daishinkan) hay lòng tin nhiệt thành, một lòng tin đã cắm rễ rất sâu, không gì có thể lay chuyển được. Đây không phải là lòng tin mù quáng hay mê tín dị đoan nhưng là một lòng tin tưởng chắc chắn vào những điều đức Phật đã chỉ dạy. Phật giáo bắt đầu với sự giác ngộ của đức Phật, do đó niềm tin nhiệt thành của chúng ta là sự chứng ngộ của Phật và bản chất của sự chứng ngộ đó. Đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành và các con là Phật sẽ thành” thì chắc chắn chúng ta sẽ thành Phật vì chúng ta vốn sẵn có khả năng đó. Nếu người nào không tin được điều này thì chắc chắn không thể tiến xa được. Yếu tố quan trọng thứ hai là Đại Nghi Đoàn (Daigidan) hay sự nghi ngờ mãnh liệt, một nỗi nghi khiến chúng ta cảm thấy áy náy, khó chịu không sao tìm được sự giải thích thỏa đáng. Đây không phải là một mối nghi ngờ tầm thường hay đơn giản nhưng là một mối nghi phát xuất từ cái lòng tin nhiệt thành kia. Nó là cái nghi rằng tại sao thế giới này lại đầy xung đột, mâu thuẫn và đau khổ khi lòng tin nhiệt thành cho rằng chính sự ngược lại như vậy mới đúng. Cái nỗi nghi mãnh liệt này hiện hữu tương xứng với cái lòng tin nhiệt thành kia, do đó mới nảy sinh yếu tố quan trọng thứ ba là Đại Phấn Chí (Daifunshi) hay sự quyết tâm dũng mãnh. Sự quyết tâm này phát xuất một cách tự nhiên từ sự nghi ngờ mãnh liệt kia. Để dẹp tan mối nghi ngờ đó, người ta dốc toàn lực ra để khám phá vì sao lại có sự nghịch lý như vậy, tại sao “bản tánh của chúng ta vốn tự trong sạch, đầy đủ và không sinh diệt” mà thế giới của chúng ta, vốn chỉ là những biểu hiện của nội tâm chúng ta, lại bất toàn, thiếu sót, đầy những khổ đau và luôn luôn thay đổi như vậy? Chính cái động năng cương quyết tìm câu trả lời này sẽ dẫn người ta đến Ngộ. Giải quyết được mối nghi này là phá vỡ được tất cả những mâu thuẫn nhị nguyên và đó chính là con đường mà các tổ thiền tông đã chỉ dạy “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

aaaaa
Sau khi sống tại Tokyo khoảng một tháng, tôi được thiền sư Yasutani cho tham dự khóa Nhiếp tâm (Sesshin) tại chùa Shinkoji. Cũng như khóa nhiếp tâm trước tại Zuiryuji với thiền sư Joten, mọi người bắt đầu bằng công án Vô. Trong buổi độc tham (Dokusan) với thiền sư Yasutani, tôi đã cố gắng trình bày kiến giải của mình nhưng lúc đó tôi vẫn còn chịu ảnh hưởng các kinh nghiệm quá khứ nên thiền sư Yasutani đã nói ngay:

- Đó là Ma cảnh chứ chẳng phải Phật pháp, hãy khởi sự lại từ đầu.



Tôi lui ra và nhủ thầm: “Lần này ta phải bắt đầu lại như người sơ tâm, chưa biết gì”. Tôi xếp bằng để tham công án nhưng một lần nữa, các thói quen quá khứ lại chi phối tôi. Chỉ trong thoáng giây tôi lại bước vào trạng thái trống rỗng, thụ động như khi còn thực hành các phương pháp của Thần đạo. Mặc dù cố gắng nhưng lần nào cũng thế, lúc thì tôi thấy mình lo chiến đấu để gạt bỏ các lý luận nổi lên một cách rối loạn, khi thì tôi lại rơi vào trong hư vô không sao làm chủ được mình. Trong suốt khóa Nhiếp Tâm, tôi đã không tiến bộ bao nhiêu.



Trong buổi nói chuyện trước khi chấm dứt khóa Nhiếp Tâm, thiền sư Yasutani đã nói: ”Tôi biết trong quí vị có một số người đã thất vọng vì nỗ lực mà không đạt ngộ nhưng quí vị nên biết sự nỗ lực không bao giờ lãng phí cả. Điều này có thể so sánh với việc bắn cung. Ai dám bảo 99 lần bắn hụt không liên quan gì đến lần thứ 100 bắn trúng hồng tâm? Điều quan trọng là quí vị phải biết áp dụng những điều đã học vào đời sống hàng ngày. Có nhiều người khi trở về nhà mới kiến tánh, có người vài tháng sau khóa nhiếp tâm đang ngồi trên xe lửa bỗng kiến tánh. Tóm lại, việc có đạt ngộ hay không trong khóa nhiếp tâm không quan trọng. Điều quan trọng là quí vị hãy tiếp tục tập trung vào công án, đừng làm phí phạm công phu này. Đừng đợi đến khóa nhiếp tâm sau mới tiếp tục tham công án mà hãy thực hành những gì có thể ngay trong đời sống hàng ngày. Người ta không thể đạt ngộ bằng cách tham dự khóa nhiếp tâm, hay nghe các thiền sư chỉ dạy, mà bằng chính nỗ lực cá nhân không ngừng nghỉ của mình”.



Sau khóa nhiếp tâm, tôi tìm đến thiền sư Yasutani:

- Thưa thầy, con cố gắng lại lại từ đầu nhưng cứ bị các thói quen cũ chi phối. Mỗi khi tập trung tư tưởng vào công án con lại thấy trong tâm nổi lên những lý luận này nọ khiến con phải cố gắng gạt bỏ nó. Dĩ nhiên con biết như vậy là sai nhưng không hiểu sao đầu óc con cứ mâu thuẫn như một bãi chiến trường.

- Đó là cái bệnh của trí thức. Bà có thói quen suy nghĩ và lý luận nhiều quá nên vẫn thấy giữa mình và thế gian bên ngoài là hai thực thể khác biệt. Sự vướng mắc lại trầm trọng hơn khi bà cố gắng gạt bỏ nó vì vẫn còn sự phân biệt giữa cái bản ngã và cái không phải bản ngã. Bà phải biết bản ngã vốn là huyễn, do sáu thức sinh ra và tứ đại hợp thành. Cái quan niệm về bản ngã thực ra đã ăn sâu vào tiềm thức cá nhân, từ kiếp này qua kiếp khác, không dễ gì có thể gạt bỏ ngay được. Nhờ sự tập trung vào Vô một cách nhất tâm mà bà sẽ dần dần loại bỏ được vọng niệm này, và khi xóa sạch được nó là kiến tánh.

- Nhưng con đã tham cứu công án Vô nhiều năm mà vẫn không sao giải được. Xin thầy từ bi ban cho con một công án khác.

- Bà đừng thất vọng và bỏ cuộc một cách dễ dàng như vậy. Xưa khi tổ Huệ Khai đã tham cứu công án này suốt sáu ăm trời mới giải được thì công phu của bà đã thấm vào đâu? Sau khi giác ngộ, tổ Huệ Khai soạn bộ Vô môn quan và đưa công án Vô lên hàng đầu trong tất cả các công án hẳn phải có lý do đặc biệt rồi. Dĩ nhiên tôi có thể trao cho bà công án Tiếng vỗ của một bàn tay hay Bộ mặt thật trước khi cha sinh mẹ đẻ là gì, nhưng hai công án này sẽ còn kích thích trí tưởng tượng của bà nhiều hơn nữa khiến bà cứ bận tâm suy luận, không đạt lợi ích nào cả. Tổ Huệ Khai đã nói: “Cố gắng giải Vô bằng lý luận thì có khác gì sờ tay vào một tấm vách bằng thép dày nung đỏ”. Theo tôi, với những người trí thức, thích suy nghĩ lý luận, công án Vô là phương pháp tốt nhất. Người trí thức sẽ tìm đủ mọi lý luận, biện giải để tìm ra cho được ý nghĩa của Vô. Dĩ nhiên họ sẽ tìm được một câu trả lời nào đó để mang ra trình bày nhưng chắc chắn vị thầy hướng dẫn sẽ gạt nó qua một bên và yêu cầu người đó phải tìm nữa. Họ sẽ tiếp tục trò chơi của lý luận này một hồi, lần nào cũng thế, cứ tìm ra câu trả lời nào là bị vị thầy hất hủi, quát mắng, gạt bỏ không thương tiếc. Bà không thấy sao? Phần lớn các cuộc độc tham trong khóa nhiếp tâm đâu mấy khi kéo dài quá một phút vì tất cả những gì có thể lý luận, suy nghĩ, hay tưởng tượng đều bị gạt bỏ. Chỉ sau những năm tháng khổ công mà chẳng đi đến đâu, khi mọi lý luận, biện giải đều kiệt quệ thì người ta mới tuyệt mọi ý niệm, và rồi trong sự tuyệt ý niệm đó, người ta hốt nhiên nhận ra Vô.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Reputation: 100%
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

aaaaa
Thiền sư Yasutani nhìn tôi một lúc rồi thong thả giải thích:

- Bà cần hiểu rằng công án được thiết lập ra để làm bối rối những kẻ trí thức, những kẻ say mê chữ nghĩa, danh từ, lý luận, phân biệt. Mục đích của công án là giải phóng cái tâm ra khỏi trò chơi của ngôn ngữ hay cái bẫy của văn tự. Công án thường lấy những đề tài rất giản dị như cây cối, súc vật, sông núi để cho người ta dễ hiểu rồi khiêu khích lý trí đưa ra những giải đáp không thể có được. Nói một cách khác, công án vạch trần sự giới hạn của lý trí, của lý luận nhị nguyên và giúp người ta kinh nghiệm được chân lý không thể nghĩ bàn. Sự giải đáp công án chính là sự chuyển hóa của tâm, đưa nó từ trạng thái mê hoặc đến trạng thái thức tỉnh. Sự quyết tâm chiến đấu với công án chính là sự nỗ lực phá tan xiềng xích của vô minh để đạt đến giải thoát. Chỉ những người đã giải được công án mới có thể hiểu rằng mỗi công án đều có những ý nghĩa rất sâu xa, chỉ rõ bộ mặt thật của con người trước khi sinh ra chứ không giản dị đâu. Với những người khao khát giải thoát một cách nhiệt thành thì tham công án là phương pháp rất hữu hiệu nhưng với kẻ lười biếng, không khát khao bao nhiêu thì phương pháp này không ích lợi gì mấy.

- Như vậy con phải làm gì ?

- Điều quan trọng là phải tập trung để thành một với Vô chứ đừng nghĩ đến ý nghĩa của nó. Sự tập trung phải liên tục và hết sức ý thức vì một ngập ngừng là hỏng công phu rồi. Tổ Tăng Xán đã nói: ”Đạo lớn vốn không khó, chỉ bình thường giản dị, nhưng nếu sau một ly, là đất trời xa cách”. Do đó, bà phải biết cảnh giác rồi nhờ công phu bền bỉ mà sẽ hòa nhập được vào Vô.

- Nhưng nếu tránh được việc bị các lý luận quấy rầy, con lại rơi vào một trạng thái trống rỗng lạ lùng, không thể kiểm soát được.

Thiền sư Yasutani gật đầu nói:

- Trường hợp của bà rất đặc biệt. Bà hết rơi vào cực đoan này lại mắc vào cực đoan khác. Bà gặp ba chướng ngại lớn: Bản tánh của bà ưa lý luận, suy nghĩ nhiều quá, bà lại có lòng tham cứ mong cầu đạt ngộ, và bà có thói quen trở nên mẫn cảm, thụ động do việc thực hành một phương pháp thiền ngoại đạo. Ba chướng ngại này đã cản trở công phu tu tập của bà nên dù cố gắng bà vẫn không đạt kết quả bao nhiêu, Đa số mọi người chỉ gặp khó khăn về một phương diện nào đó thôi nhưng trường hợp của bà lại khác.



Đây là lần đầu tiên tôi ý thức rõ rệt về những sai lầm tai hại do sự tu tập một cách tự do, phóng túng của mình. Nước mắt tôi trào ra, tôi thấy rõ lý do tại sao dù cố gắng mà tôi vẫn không tiến bộ bao nhiêu. Tôi khóc cho sự dại dột, bất cẩn của mình. Tôi tiếc cho thời gian mấy chục năm lang thang tìm đạo một cách vô ý thức. Tuy nhiên tôi cũng mừng vì một vị thầy đã phân tích rõ rệt được “bệnh trạng” của tôi như vậy ắt hẳn phải có “thuốc chữa”. Tôi quỳ mọp xuống sàn:

- Xin thầy từ bi chỉ dẫn cho con làm sao có thể khắc phục được những chướng ngại này.

Thiền sư Yasutani ung dung nói:

- Có một cách tọa thiền để thực hiện tự tánh, nó không phải là sự tập trung vào công án để đả phá những lý luận, cũng không phải đếm hơi thở để chống lại việc đầu óc trống rỗng. Phương pháp này đòi hỏi lòng quyết tâm, can đảm và hùng lực, đó là phương pháp “Chỉ quán đả tọa” (Shikan-taza) mà tổ Đạo Nguyên (Dogen), người sáng lập dòng thiền Tào Động Nhật Bản đã đem nó từ Trung Hoa về. Nền tảng của nó là việc ngồi với lòng tin dũng mãnh không lay chuyển, ngồi như Phật ngồi, ngồi với tâm vô cầu, vô niệm, để thể hiện cái tâm thức Bồ Đề tự nhiên sẵn có. Người ngồi thiền theo phương pháp này tin rằng một ngày nào đó chắc chắn họ sẽ đạt Ngộ (Satori) một cách tự nhiên. Đây chính là điều mà tổ Đạo Nguyên đã dạy: “Ngồi thiền đúng cách là thể hiện chân tánh không ô nhiễm của mình chứ không phải cố gắng để Ngộ”. Tuy nhiên bà cần nhớ kỹ rằng Ngộ vẫn là điều hết sức quan trọng, tôi đã nghe có người lý luận một cách sai lầm rằng Ngộ không phải là điều cần thiết. Nếu tu thiền mà không đạt Ngộ thì cái đó là thứ thiền gì chứ không phải thiền Phật giáo. Bà nên biết có nhiều phương pháp khác nhau, cố gắng đạt Ngộ qua việc tham công án, quán hơi thở hoặc đạt Ngộ qua cách ngồi với lòng tin rằng giây phút kiến tánh sẽ đến tự nhiên, Tổ Đạo Nguyên đã nói: ”Trong Chỉ Quán Đả Tọa không có phương tiện (thiền tọa) hay cứu cánh (giác ngộ) mà phương tiện và cứu cánh là một”. Đây là một phương pháp thực hành mà người tu chỉ tập trung vào việc ngồi mà thôi. Vì không có công án hay hơi thở trợ giúp nên người ta rất dễ xao lãng, do đó nói thì dễ nhưng thực hành lại rất khó. Đây không phải phương pháp cho người mới tập mà dành cho những người đã có công phu tu tập lâu dài, những người có thể ngồi lâu không mỏi mệt, có thể đếm hơi thở rõ ràng, không nhầm lẫn, vì nó đòi hỏi một sự tập trung cao độ. Vì trạng thái tập trung này không thể kéo dài duy trì lâu được nên một thời khóa chỉ nên kéo dài khoảng nửa giờ là nhiều. Tôi tin chắc rằng nếu ngồi đúng cách, bà sẽ toát mồ hôi đầm đìa, dù giữa mùa đông giá lạnh, vì sự tập trung sẽ sinh nhiệt. Tuy nhiên trên con đường đạo, không có một phương pháp cố định nào để áp dụng cho tất cả mọi người. Mỗi người tùy tâm trạng, hoàn cảnh và hạnh nguyện sẽ lựa chọn phương pháp nào thích hợp với mình nhất để tu tập. Theo kinh nghiệm của tôi, bà cần phải áp dụng cả ba phương pháp để đối trị với những chướng ngại của bà. Bà cần tham công án để phá vỡ những chướng ngại về trí thức, lý luận. Bà cần quán hơi thở để giữ đầu óc minh mẫn, luôn luôn chủ động chứ không để lọt vào trạng thái trống rỗng thụ động. Và sau cùng bà cần thực hành Chỉ Quán Đả Tọa để thể hiện Phật tánh sẵn có, tránh những mong cầu về Ngộ. Một khi đã ngồi một cách thành kính, không mong, không cầu gì nữa mà hoàn toàn để tâm thoải mái thanh tịnh thì dù bà có đạt ngộ hay chưa, tự tánh sẵn có cũng vẫn khai mở và thể hiện một cách tốt đẹp.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Top