31. Bái Kiến Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân.
Năm 1948 Ngài đến Chùa Nam Hoa, Bảo Lâm, Tào Khê Tỉnh Quảng Đông, triều bái chân thân Lục Tổ Huệ Năng và Đại Giám Thiền Sư, kế Ngài bái kiến Lão Hòa Thượng Hư Vân, bấy giờ đã một trăm lẻ chín tuổi.
Trong lúc đàm đạo Lão Hòa Thượng đã nhận ra Ngài là bực pháp khí, xứng đáng được truyền pháp gia bảo. Sau đó ủy nhiệm Ngài làm Giám Luật của Chùa Nam Hoa, Chủ nhiệm giáo vụ và là A Xà Lê Tôn chứng sư trong những kỳ giới đàn. Ngài nghiêm trì giới luật, đồng chí hướng và đạo hạnh của Lão Hòa Thượng.
Ngài cùng Lão Hòa Thượng tâm ấn tâm đàm luận, ý hợp tâm đồng. Chúng ta có thể khảo lược bài kệ sau đây:
Hư Công thấy tôi bảo Như Thị
Tôi thấy Hư Công bạch Như Thị
Hư Công và tôi đồng Như Thị
Phổ nguyện chúng sanh cũng Như Thị
Lúc đầu Lão Hòa Thượng Hư Vân yêu cầu Ngài ở lại làm giáo thọ tại tu viện Nam Hoa. Ngài từ chối, bạch rằng:
- Đệ tử từ vạn dặm đến đây để được gặp vị Thiện tri thức, nếu Hòa Thượng có thể bảo đảm rằng đệ tử sẽ chấm dứt sanh tử, thì dầu có phải nhảy vào dầu sôi lửa bỏng, dẫu có phải cúng dường nhục thân này đệ tử cũng sẽ hoan hỷ phụng hành.
-Người nào ăn thì người ấy no, người nào tu thì người ấy chứng và sẽ chấm dứt luân hồi sanh tử. Tu hành thì phải quán chiếu nội tâm và ngoại chướng, người tu không nên chỉ nhằm đạt đến quả vị A La Hán và chỉ nghĩ đến sự chứng đắc của mình. Phải tu Bồ Tát đạo, hộ trì Tam Bảo, hành thiện và phục vụ cho mọi chúng sanh. Như vậy phước huệ viên thành thì sẽ chấm dứt sanh tử.
Hòa thượng Hư Vân lại tiếp tục khuyến tấn Ngài dạy:
- Nhân giả từ miền Đông Bắc vạn dặm đến đây để gặp tôi, nếu người không nghe theo lời tôi thì thử hỏi có ích gì?
Ngài bèn y giáo; được dịp quan sát và học hỏi lời nói, hành động của Lão Hòa Thượng Hư Vân, Ngài cảm phục đạo hạnh của Hòa Thượng vô cùng. Ở chức vụ Giáo thọ Ngài đã tận lực làm việc để xứng đáng là một vị Thầy, một bậc đàn anh gương mẫu. Ngài nhận chịu tất cả những khó khăn và chướng duyên trong sứ mạng hoằng truyền giáo pháp.
Năm 1949 Lão Hòa Thượng Hư Vân về núi Vân Môn Tỉnh Quảng Đông lo việc tu sửa lại ngôi Đại Giác Thiền Tự. Từ đó Ngài cũng xin thôi việc chủ nhiệm giáo thọ, rồi đến Vân Môn bái biệt Hòa Thượng.
Hòa Thượng Hư Vân đã viết thư khẩn thiết lưu Ngài ở lại giữ chức Viện Trưởng, nội dung như sau:
“Kính bạch Pháp sư An Từ,
Tôi đã nhận được thơ Nhân giả và tôi đã đọc rất kỹ. Nhân giả đã quá khiêm tốn. Thật ra trong năm vừa qua, luật viện đã trông cậy phần lớn nơi sự giúp đỡ của Nhân giả. Tôi hy vọng rằng từ nay về sau chúng tôi lại còn có thể nhờ cậy nơi Ngài. Xin đừng nghĩ đến chuyện đi bất cứ nơi đâu. Tôi hy vọng rằng Nhân giả sẽ quyết định thường trú tại đây để hỗ trợ và bảo vệ Tự Viện. Đó là sự mong ước tha thiết nhất của tôi. Tôi không còn gì để nói thêm ngoại trừ kính chúc Nhân giả pháp thể khang an, tuệ giác viên thành.
Nhà sư áo rách Hư Vân Cẩn bái
Mồng 6 tháng 2 năm 1948”
Nhưng Ngài nghĩ rằng có rất nhiều người mà ngay cả danh từ “Phật Đà” cũng chưa biết đến cho nên Ngài quyết định đem Pháp Phật hoằng dương khắp chốn.