Chào bạn latuan.
Hay lắm, ít ra tôi cũng thấy bạn có gì đó giống tôi: thích nói thẳng nói thật. Đây là nơi giao lưu tư tưởng, nên tôi cũng thẳng thắn xin bày tỏ mong muốn được biết quan điểm cá nhân của bạn về Phật pháp. Cũng đừng nên hiểu lầm là tôi có ý chờ bạn đưa ra để đả phá hay chê bai gì đâu, chẳng qua muốn biết chỉ để hiểu về nhau thôi, vì tôi là thành viên mới trong diễn đàn mà.
Về câu hỏi của bạn, vì tôi dốt ngôn từ Hán Việt nên thử định nghĩa theo ý riêng thế này:
_ Hành nhân: là tu sĩ, cư sĩ…
_ Hành giả: là nhà sư, thiền sư…
_ Học nhân: là một Phật tử hoặc một người bình thường tìm hiểu Phật giáo…
_ Học giả: là nhà khoa học, người trí thức nghiên cứu về tôn giáo, chẳng hạn trong PG thì có Tiến sĩ Phật học…
Nếu tôi hiểu vậy là đúng thì câu trả lời: tôi là một học nhân. Nói cho rõ hơn, tôi cũng không phải là một phật tử đúng nghĩa, chỉ là một kẻ ngoại đạo nhưng yêu thích và tìm hiểu Phật giáo.
Câu hỏi của bạn làm tôi liên tưởng đến chuyện trước đây, tôi có trao đổi bàn luận phật pháp với một người rất có uy tín trong một diễn đàn nọ. Khi tôi kiến giải về phật học thì ông ta ồ lên mà rằng: những gì tôi nói rất hay, phải rủ ông bạn thân cùng xem, và cho rằng nếu những gì tôi nói là do “nội chứng”, tức là tìm ra nó trong lúc hành thiền, thì tôi đúng là Phật tái thế rồi. Tôi nói với ông ta rằng, đó chỉ là do tôi suy luận mà thôi, làm cho ông ta…tiu nghỉu, cho rằng thôi thì nghe chơi cho vui vậy. Tôi đoán có lẽ latuan cũng giống như ông bạn của tôi
Ông bạn mà tôi vừa kể trên cũng như hầu hết các phật tử đều cho rằng, người giác ngộ là một người phải trải qua kinh nghiệm chứng đắc giống y như Đức Phật ngày xưa, tức là phải “chứng Tứ thiền, đắc Thần thông”, v.v…nói chung là một siêu nhân, giống như thần thánh vậy đó. Tôi thì ngược lại, cho rằng ngay cái tên của nó đã đủ nói gì rồi: giác ngộ tức là nhìn ra thật tướng của vạn pháp, không còn bị mê mờ nữa, chỉ vậy thôi. Trước đây tôi đọc một cuốn kinh của ngoại đạo là Nam hoa kinh, khi nghe đến câu “đó có là do đây có, đây có là do đó có” thì bỗng nhiên nó như gỡ được gút mắc sau cùng của tôi sau bao nhiêu năm trời trầm tư mặc tưởng. Tôi cho rằng như vậy là tôi đã “giác ngộ”. Tôi đóng ngoặc kép hai từ đó rồi nhé, các bạn đừng vội ném đá tôi, vì tôi đã nói quan điểm cá nhân về giác ngộ tức là gì rồi. Mỗi người đều có những gút mắc riêng cho nên cái tháo gỡ nó chỉ có giá trị cho riêng nó, còn với những người khác thì rất bình thường. Cũng như Newton bị trái táo rơi trúng đầu mà phát hiện định luật vạn vật hấp dẫn, trong khi người khác bị như vậy cũng thấy là chuyện bình thường thôi. Nhiều người cứ cho rằng phải tìm người tinh thông phật pháp mới có thể dạy cho mình hiểu được. Nhưng theo tôi thì bất cứ cái gì mà gỡ rối ngay chỗ kẹt của mình mới là điều quan trọng nhất, cho nên đối với tôi dù Phật có tái thế để giảng dạy phật pháp cho tôi mà không gỡ rối đúng chỗ tôi cần thì cũng bằng không
Ví dụ như trước đây khi tôi còn đi học, có một ông thầy học vị tiến sĩ nhưng giảng dạy không ai hiểu, đến khi có ông thầy trình độ cử nhân nhưng đã làm cho nhiều người,trong đó có tôi, đã hiểu ra vấn đề. Nói vậy để thấy rằng, khi học hỏi điều gì thì chúng ta cần người có khả năng sư phạm quan trọng hơn là trình độ. Người có trình độ cao có thể không có khả năng sư phạm như người có trình độ thấp hơn, vì hai thứ này không liên quan nhau.
…………
Tôi định nói vài điều quan trọng khác về PG lúc sau cùng, nhưng sẵn đây nói luôn, dù biết là rất có khả năng bị xóa nick vì tội dám báng bổ Phật giáo
Không sao cả, vì những gì tôi cần nói thì xem như đã nói hết rồi, có ra đi cũng là lẽ thường tình, vì duyên chưa tới để hiển bày Chánh pháp mà thôi. Cũng giống như Bồ đề đạt ma trước đây bị đuổi khi thuyết giảng cho Lương võ đế (xin đừng hiểu lầm, tôi ví mình đồng cảnh ngộ chứ không phải cho rằng tôi cũng có trí tuệ sánh ngang với ngài Bồ đề đạt ma)
_ Không có Tứ thiền, Lục thông:
Theo các phật từ, muốn giác ngộ thì phải trải qua những cảnh giới và kinh nghiệm chứng đắc mà Đức Phật đã từng trải qua trong lúc hành thiền, ít nhất là phải ‘chứng Tứ thiền, đắc Lục thông’. Chính vì nghĩ như vậy nên đã 2500 năm nay, họ chưa thấy ai thành Phật cả. Vì sao? Vì sự thật là không có Tứ thiền, Thần thông. Xin đừng hiểu lầm, tôi không hề phản bác việc hành Thiền, bản thân tôi cũng ngồi thiền đây mà (ngồi ít lắm, tôi mà so với Thiền giả thì chả khác gì ngọn đèn so với mặt trời
) Khoa học hiện nay xác nhận Thiền rất tốt cho sức khỏe tinh thần, làm cho con người điềm tĩnh, minh mẫn sáng suốt…Nhưng các cảnh giới khi Thiền hoặc những trạng thái ‘ta hòa làm một với vũ trụ’…đều chỉ là ảo giác của tâm thức mà thôi. Các nhà nghiên cứu đã làm cho những người tình nguyện khi thí nghiệm cũng trải qua những ảo giác giống như vậy. Thực chất giá trị của hành Thiền để giác ngộ chỉ là để chứng thực những gì trong tâm thức đều luôn biến đổi sinh diệt, đến rồi đi. Không tìm thấy thực thể nào trong tâm, thân xác cũng vậy, chứng tỏ một sự thật rằng con người không có bản ngã, không có cái TA nào cả (ngũ uẩn giai không). Chân lý đều như một, ở trong hay ngoài đều như nhau, nên ‘nội chứng’ hay ‘ngoại chứng’ đều có cùng kết quả. Những người cho rằng chỉ có Thiền định là phương cách duy nhất để giác ngộ là hiểu sai lời Phật dạy, vì ngài không phân biệt phương tiện nào tốt hơn cả, nó phải phù hợp với căn cơ sở thích của mỗi người. Nếu chân lý là những gì chỉ có cá nhân hành giả đó thấy biết, ‘ai ăn nấy no’ chứ không thể chứng minh, thì nó giống như kiến giải của Tà đạo rồi. Tu lâu quá không đạt thì cứ bảo ráng đi, sắp đạt rồi
Nếu như vậy thì làm sao biết đâu là chánh pháp đâu là tà pháp? Trong kinh Kalama có nói rõ “Chớ vội tin, hãy để những nhà hữu học chứng nghiệm”, quả như vậy, chân lý mà ngài phát hiện có ở khắp nơi nên không thể cho rằng chỉ có hành thiền mới độc quyền nắm được chân lý, vì đã là chân lý thì cần phải được chứng minh và kiểm nghiệm bởi người ngoài. Nếu không thì ai cũng có thể tưởng tượng ra một chân lý riêng của mình, vậy là phản khoa học. Chân lý chỉ có một, nó phải được kiểm chứng mới xứng đáng gọi là chân lý, là Chánh pháp của Đức Phật. Nó không phải để dành cho đẳng cấp tăng lữ như Ấn giáo nói, lại có thể dùng bất cứ phương tiện nào tùy thuộc căn cơ sở thích của mỗi người, cho nên ai ai cũng có thể thành Phật đúng như tâm nguyện của ngài trước khi tịch diệt. Chúng ta phải hiểu đúng Chánh pháp để lạc quan tin tưởng mình theo đúng hướng và sẽ có ngày giác ngộ như ngài. Chính vì hiểu sai nên cứ tưởng nó siêu hình và thần bí như ngoại đạo thành ra chán nản vì thấy có quá ít người đắc đạo.
Chẳng hạn tôi là người duy lý, thích suy luận, thì đây cũng là một trong những phương tiện để tìm ra chân lý. Đạo Phật là đạo của trí tuệ, của khoa học (tất nhiên là nó siêu khoa học theo cách hiểu riêng của từng người) cho nên không thể thiếu suy luận. Đã như vậy thì đừng so đo phương tiện nào tốt hơn cả. Long thọ là một luận sư nổi tiếng nhất của PG, trí tuệ của ngài được nhiều người xem như Phật tái thế. Ngài lập ra Trung quán tông, không hề phân biệt Hành Thiền hay Suy luận mà còn có thể kết hợp cả hai để tìm cầu chân lý. Hãy xem đoạn phân tích dưới đây để thấy:
….
Có hai đường lối quán Không. Một lối là thể nhập trực tiếp tánh Không không thông qua phân tích bằng luận lý và ngôn ngữ. Đó là pháp hành thâm Bát nhã hay pháp chiếu kiến ngũ uẩn giai không của Quán Tự Tại Bồ tát nói đến trong phần mở đầu Tâm kinh. Theo lối thể không quán này, hành giả không quán sát ngoại giới và nội tâm nên thường khi năng lực duy trì tịnh chỉ bị suy giảm, niềm xác tính sẽ trở nên mơ hồ và tình nghi hoặc sẽ sinh khởi.
Lối thứ hai gọi là Tích không quán, tức là dùng quán sát và phân tích để thấy các pháp không tự có mà là do nhân duyên hòa hợp mới có, nghĩa là hiện hữu không có tự tánh. Tâm kinh mô tả pháp này trong mấy câu: “Xá lợi tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc; Sắc tức thị không, không tức thị sắc; Thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.” Thường người ta nghi ngờ làm sao có thể dùng phân tích và lý luận mà thấu triệt được tánh Không hay Vô phân biệt trí theo lối tích không quán, vì nhân và quả không cùng bản tính. Theo Bảo Tích kinh (Ratnakùta Sùtra) đức Phật đánh tan sự nghi ngờ này trong lời giảng dạy tu sĩ Kashyapa:
“Này Kashyapa, thí dụ, ông cọ xát hai que củi với nhau làm sinh ra lửa và hai que củi ấy cũng bị thiêu rụi ngay trong tiến trình sinh lửa. Cũng như thế, này Kashyapa, vọng tưởng phân biệt đích thực làm phát sinh năng lực thành đạt trí Bát nhã và trí Bát nhã chứng ngộ tức thì tiêu diệt vọng tưởng phân biệt đích thực.”
(Tìm hiểu Trung Luận - Nhận Thức và Không Tánh (Phần II)
……
Thần thông là những thứ tà đạo đem ra để lòe thiên hạ. Phàm phu ngu muội hay tin vào những điều thần bí siêu nhiên nên Phật không thể bác bỏ chúng mà nương theo chúng để thu phục lòng người. Tuy nhiên ngài cũng khéo léo nhắc nhở mọi người đừng nên ham mê nó sẽ không thể đạt đến cảnh giới giải thoát. Bởi vì nó đâu có thật, chẳng hạn lấy cái gọi là Thần túc thông để xem xét, thì thấy nó trái ngược với giáo lý vô ngã của PG. Mà đây lại là trụ cột của PG, Phật giáo chỉ khác Ấn giáo có bấy nhiêu đó thôi, nên Đức Phật rao giảng điều này rất nhiều đến nỗi mọi người đặt biệt danh cho ngài là “Vô ngã đạo sư”. Ngài đã nói rằng khi chết đi, ngũ uẩn đều bị hoại diệt, trong đó có ký ức. Mà ký ức là thứ lưu trữ những gì mình nhớ trước đây, vậy thì kiếp sau lấy cái gì để nhớ lại được kiếp trước? Còn nếu cho rằng có thì vậy là mâu thuẫn với phật pháp rồi.
Tóm lại, Phật giáo là một tôn giáo vô thần. Phật chỉ là một con người bình thường chứ không phải một vị thần có đủ thứ thần thông phép thuật, nhưng ngài khác mọi người là đã giác ngộ, có thế thôi. Tất nhiên, để thu hút tín đồ thì phải bọc lớp vỏ tôn giáo để cho mọi người tin theo, vì đại chúng vốn có tư tưởng ngu muội, thích cầu xin cúng bái… Ai cũng cứ ham thích những gì là thần bí siêu nhiên nên muốn dẫn dắt họ vào con đường Chánh pháp thì phải nói rằng Phật còn có thần thông quảng đại hơn đám ngoại đạo nhiều lắm. Bởi vậy kinh sách có nói rằng Phật là người siêu phàm, được sinh ra từ nách, mới ra đời đã biết đi biết nói, khi chứng đạo thì có trí tuệ siêu nhiên, đắc thần thông quảng đại, v.v… Sự thật thì như Bát nhã tâm kinh có nói đó: ‘không trí cũng không đắc, vì không có gì để đắc’
_ Không có Nghiệp – Luân hồi:
Thuyết “Nghiệp – Luân hồi’ là của Ấn giáo, Đức Phật mượn nó làm phương tiện thiện xảo để phá chấp đoạn. Theo AG thì con người tạo nghiệp, khi chết đi thì linh hồn phải luân hồi. Nhưng Phật giáo thì bác bỏ linh hồn, vậy là cho rằng Nghiệp đi luân hồi. Như vậy thì nghiệp đâu phải là ta, vì ‘người tạo nghiệp’ với ‘nghiệp’ là khác nhau, một bên là ‘chủ thể tạo tác’ còn một bên là ‘vật bị tạo tác’. Giống như tôi tạo ra cái bàn, nếu sau này tôi chết đi thì cái bàn đâu có phải là tôi, vì “tôi’ và “của tôi” là hai thứ khác nhau. Nói đến đây thì các bạn phật tử chắc lại nhao nhao lên mà rằng, theo kinh nói thì chúng ‘không phải một, không phải hai’
Ừ thì đúng là không phải là một rồi, nhưng rõ ràng là hai thứ khác nhau chứ, cũng như ‘tôi’ với ‘cái bàn’ vậy thôi, hai thứ khác nhau chứ sao lại ‘không phải hai’ cho được. PG lại gượng dùng đến khái niệm “hằng mà chuyển”, nhưng như vậy lại đi ngược với nguyên lý có sinh có diệt rồi. Để lấp bớt lỗ hổng, sau này Duy thức tông có chế thêm mấy loại Thức như A lại da thức, Mạt na thức…để cho thuyết “Nghiệp – Luân hồi” nghe có vẻ xuôi tai hơn, nhưng cũng như “hằng mà chuyển” thôi. Thực ra thì kinh cũng có nói đó chỉ là phương tiện, trong Thành duy thức luận viết thế này: “Nếu lại chấp "Duy thức" là thật có, thì cũng như chấp ngoại cảnh, đều là pháp chấp”
Đã nói rằng vô ngã thì hiểu là không có cái ta, mà đã không có ta thì nếu như có luân hồi thật thì lấy gì để tạo nghiệp? Lấy ngũ uẩn để tạo nghiệp, mà cả hai không là ta thì nghiệp với luân hồi cũng chẳng liên quan gì đến ta. Sự thật thì không có tái sinh luân hồi như AG tưởng tượng ra, biết vậy nhưng Phật dùng nó để phá chấp đoạn. Vì phàm phu cho rằng có bản ngã, có cái ta thật, mà đã có ta thật thì cho rằng khi chết đi là mất tiêu lại sai với lý lẽ về bản ngã. Do đó Phật tạm lấy cái “nghiệp” làm thứ của con người sau khi chết để phá quan điểm “đoạn diệt” của người chấp ngã. Nếu nói tái sinh luân hồi thì nên hiểu là “luân hồi trên từng sát na”, vì mỗi khoảnh khắc thân xác hay ý thức đều biến đổi sinh diệt. Khoa học cho biết, những thứ làm nên thân xác con người được thay thế từ thức ăn, không khí…toàn bộ sau 2 năm. Nói khác đi, thân xác của ta cách đây 2 năm không phải là thân xác bây giờ và 2 năm sau này cũng vậy, là một thân xác khác. PG dùng rất nhiều phương tiện thiện xảo, đều với mục đích tốt cho phàm phu cả thôi. Chẳng hạn, Tây phương cực lạc là phương tiện thiện xảo cho người theo Tịnh độ tông. Chứ thật ra đâu có nó, bởi vậy kinh mới nói khéo rằng cứ làm cho tâm tịnh đi thì lúc đó sẽ thấy nơi nào cũng là cõi Tịnh độ.
Dùng ‘Nghiệp – Luân hồi’ còn là để cho con người làm thiện tránh ác, rất tốt trên phương diện xã hội đạo đức. Nếu nói nó không có thật thì loạn cả lên, chẳng còn ai theo Phật, họ cho rằng không có Luân hồi cũng như Niết bàn thì theo Phật pháp để làm gì nữa. Cũng giống như chúng ta nói có Ông Kẹ làm phương tiện thiện xảo để cho đám con nít sợ mà ráng ăn. Mục đích là để cho nó ăn chóng lớn. Sau này lớn lên, chúng nó tự khắc biết là không có Ông Kẹ, thế rồi chúng nó lại đem Ông Kẹ ra hù dọa đám con nít thế hệ sau
Nói cho đúng nghĩa thì Đức Phật chỉ thuyết pháp theo kiểu “tay không bắt cướp”
, tức là không rao giảng giáo lý cho rằng có thật cái này hay cái kia, mà dùng cái này phá chấp cái nọ, không còn chấp gì nữa thì bỏ luôn cái dùng để phá chấp.
_ Không có Phật – Niết bàn:
Phàm phu có quan điểm chấp có chấp thường nên cứ tưởng là có Niết bàn với Phật ở đâu đó trên cõi trời. Nếu hiểu đúng vô ngã thì thấy rằng Phật cũng giống như ta, đều là một ngũ uẩn giả danh. Tôi đã nói trong bài viết rồi, Niết bàn tức là thật tướng của vạn pháp, còn Phật, chúng sanh hay vạn vật đều là sự hiển bày của thật tướng. Lìa các pháp thì cũng không có thật tướng, ngược lại, cũng vì thật tướng mà các pháp mới hiển bày. Không có Phật hay Niết bàn theo nghĩa là những thực thể, tức là có thật. Bởi vậy khi nói “Phật nhập Niết bàn” là tạm dùng ngôn từ theo AG để nói theo kiểu ẩn dụ ví von thôi chứ sự thật là không có cái gì nhập mà cũng không có cái gì để nhập.
Kinh Lăng già có viết: “Không có Phật, Niết bàn. Không có Niết bàn, Phật”
Long Thọ cũng nói: “Không có Phật hay pháp nào được nói ra trong bất cứ thời điểm nào và nơi nào”
cũng là ý như vậy, là để nói rõ chúng không có thật.
Một trong 3 nhóm câu hỏi của Vachagotta mà Phật im lặng, không trả lời là:
“Sau khi chết thì Phật còn hay mất?”
Hỏi như vậy chứng tỏ không hiểu giáo lý vô ngã mà ngài đã thuyết giảng rồi. Bởi vì người hỏi theo quan điểm chấp ngã, cho rằng có Phật thật, sau khi chết thì Phật đi đâu hay mất tiêu luôn? Do đó nói còn hay mất đều sai với quan điểm vô ngã, vì không hề có Phật thật mà chỉ có một giả danh ‘Thích ca mâu ni’ xuất hiện trên đời và mất đi. Đã không có Phật thì làm sao nói nó là còn hay mất được. Nó cũng vô nghĩa giống như con nít hỏi “Phía bắc của cực bắc là gì?” thì chúng ta cũng phải cứng họng không trả lời được
Vì nó không hiểu ‘cực bắc’, cứ tưởng nó cũng như những nơi khác, tức là có hướng bắc hướng nam. Chứ nếu hiểu đúng thì biết đã là ‘cực bắc’ thì làm gì có ‘phía bắc của cực bắc’ để mà mô tả nó là gì và như thế nào. Cũng vậy, nếu biết không có Phật thì làm gì có chuyện Phật chết, để rồi cho rằng sau khi chết là còn hay không còn.
Tuy nhiên, đại chúng vẫn tin có linh hồn, có thần thánh, tin là có Trời Phật phù hộ độ trì, v.v…thì PG cũng nương theo đó mà nói ‘có’ cho đúng ý họ
Vì nếu không thì họ không có chỗ nương tựa về tinh thần, sẽ bỏ sang các đạo giáo khác và thế là không có cơ hội để rao giảng Chánh pháp cho họ hiểu.