Kính gửi mọi người
tôi muốn gửi đến một trích đoạn trong KINH DUY MA CẬT- PHẨM BỒ TÁT để cùng tham khảo cho bài viết trên:
BỒ TÁT TRÌ THẾ (18)
Phật bảo Bồ Tát Trì Thế:
- Ông đi đến thăm bịnh ông Duy Ma Cật.
Bồ Tát Trì Thế bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn? Con không kham lãnh đến thăm bịnh ông. Vì sao? - Nhớ lại lúc trước, con ở nơi tịnh thất, bấy giờ ma Ba Tuần (19) đem một muôn hai nghìn Thiên nữ giống như trời Ðế Thích, trổi nhạc đờn ca đi đến chỗ con ở, Ma cùng với quyến thuộc cúi đầu làm lễ dưới chân con, chấp tay cung kính đứng sang một bên. Trong ý con cho là trời Ðế Thích nên bảo rằng: "Lành thay, mới đến Kiều Thi Ca (20)? Dù là có phước chớ nên buông lung. Ông nên quán ngũ dục là vô thường để cầu cội lành, ở nơi thân mạng, tài sản mà tu pháp bền chắc (21)".
Ma vương nói với con: "Thưa Chánh sĩ (22)! Xin Ngài nhận một muôn hai nghìn Thiên nữ này để dùng hầu hạ quét tước". Con nói rằng: "Này Kiều Thi Ca! Ông đừng cho vật phi pháp này, tôi là kẻ Sa môn Thích tử, việc ấy không phải việc của tôi". Nói chưa dứt lời, bỗng ông Duy Ma Cạt đến nói với con: "Ðây chẳng phải là Ðế Thich, mà là Ma đến khuấy nhiễu ông đấy !..." Ông lại bảo Ma rằng: "Các vị Thiên nữ này nên đem cho ta, như ta đây mới nên thọ". Ma sợ hãi nghĩ rằng: "Có lẽ ông Duy Ma Cật đến khuấy rối ta chăng?". Ma muốn ẩn hình mà không thể ẩn, rán hết thần lực, cũng không đi được. Liền nghe giữa hư không có tiếng rằng: "Này Ba Tuần! Hãy đem Thiên nữ cho ông Duy Ma Cật thì mới đi được". Ma vì sợ hãi, nên miễn cưỡng cho.
Khi ấy ông Duy Ma Cật bảo các Thiên nữ rằng:
- Ma đã đem các ngươi cho ta rồi, nay các ngươi đều phải phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Rồi ông theo căn cơ của Thiên nữ mà nói pháp để cho phát ý đạo, và bảo rằng "Các ngươi đã phát ý đạo, có Pháp vui để tự vui chớ nên vui theo ngũ dục (23) nữa".
Thiên nữ hỏi: "Thế nào là Pháp vui?".
Ðáp: "Vui thuờng tin Phật; vui muốn nghe pháp; vui cúng dường tăng; vui lìa ngũ dục; vui quán ngũ ấm như oán tặc; vui quán thân tứ đại như rắn độc; vui quán nội nhập (sáu căn) như không; vui giữ gìn đạo ý; vui lợi ích chúng sanh; vui cung kính cúng dường bực sư trưởng; vui nhẫn nhục nhu hòa; vui siêng nhóm căn lành, vui thiền định chẳng loạn; vui rời cấu nhiễm đặng trí tuệ sáng suốt; vui mở rộng tâm Bồ Ðề; vui hàng phục các Ma; vui đoạn phiền não; vui thanh tịnh cõi nuớc Phật; vui thành tựu các tướng tốt mà tu các công đức; vui trang nghiêm đạo tràng; vui nghe pháp thâm diệu mà không sợ; vui ba môn giải thoát mà không vui phi thời (24); vui gần bạn đồng học; vui ở chung với người không phải đồng học mà lòng không chướng ngại, vui giúp đỡ ác tri thức; vui gần thiện tri thức; vui tâm hoan hỷ thanh tịnh; vui tu vô lượng Pháp đạo phẩm. Ðó là Pháp vui của Bồ Tát".
Khi ấy ma Ba Tuần bảo các Thiên nữ rằng: "Ta muốn cũng các ngươi đồng trở về Thiên cung".
Các Thiên nữ đáp: "Ông đã đem chúng tôi cho cư sĩ, chúng tôi có pháp vui, chúng tôi vui lắm, không còn muốn vui theo ngũ dục nữa".
Ma liền thưa với ông Duy Ma Cật rằng: "Xin Ngài nên xả các Thiên nữ này; người đem tất cả vật của mình để bố thí cho kẻ khác, đó mới là Bồ Tát".
Ông Duy Ma Cật nói: "Ta đã xả rồi, ngươi hãy đem đi để cho tất cả các người được pháp nguyện đầy đủ".
Lúc ấy các Thiên nữ hỏi ông Duy Ma Cật rằng:
- Chúng tôi làm thế nào ở nơi cung ma?
Ông Duy Ma Cật đáp: "Này các chị, có Pháp môn tên là "Vô tận đăng", các chị nên học. Vô tận đăng là ví như một ngọn đèn mồi đốt trăm ngàn ngọn đèn, chỗ tối đều sáng, sáng mãi không cùng tận. Như thế đó các chị? Vả lại một vị Bồ Tát mở mang dẫn dắt trăm nghìn chúng sanh phát tâm Bồ Ðề, đạo tâm của mình cũng chẳng bị tiêu mất, tùy nói Pháp gì đều thêm lợi ích cho các Pháp lành, đó gọi là "Vô tận đăng". Các chị dầu ở cung ma mà dùng Pháp môn "Vô Tận Ðăng" này làm cho vô số Thiên nữ phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng, Chánh Giác, đó là báo ơn Phật, cũng là làm lợi ích cho tất cả chúng sanh".
Bấy giờ các Thiên nữ cúi đầu đảnh lễ dưới chân ông Duy Ma Cật rồi theo ma Ba Tuần trở về Thiên cung, bỗng nhiên biến mất không còn thấy nữa.
- Bạch Thế Tôn! Ông Duy Ma Cật có thần lực tự tại và trí tuệ biện tài như thế, nên con không kham lãnh đến thăm bịnh ông.
qua trích đoạn trên tôi thiết nghĩ không cần hành xử như thế. chúng ta hãy noi gương ngài , học cách của ngài có phải được lợi trăm bề ? tôi không muốn giải thích nhiều chỉ e thêm lắm lời rồi sinh hiểu lầm nhau thì rất đáng tiếc.