Lại vén áng mây chiều.

latuan

Cựu Thành Viên Diễn Đàn
Tham gia
15 Thg 4 2015
Bài viết
1,256
Điểm tương tác
409
Điểm
83
...
Phật pháp u huyền, vi diệu, linh thông không bờ mé, không dễ nghĩ bàn. Từ khi pháp Phật lan truyền vào nhân loại đã cứu giúp hằng hà sa chúng sinh nơi 3 cõi thoát ra mọi khổ đau, kiếp nạn. Lại cũng có vô số hà sa chúng sinh ở 6 đường nhờ lĩnh hội sống nơi chánh pháp mà giải thoát hoàn toàn, liễu thoát sinh tử. Thời gian lâu xa, chánh pháp ngày càng bị mai một, không sáng rõ như trước. Bởi do, người học Phật đời sau không thật chứng ngộ, lĩnh hội hoàn toàn sự huyền diệu của giáo lý, kinh điển nhà Phật. Cả người truyền pháp lẫn người học Phật đều không nhận ra tâm yếu chánh pháp là phá tan ngã trở về vô ngã, đạt được vô ngã thì lại không chấp trước vào ngã và vô ngã.
Do không thực chứng mà người học Phật đem kinh điển ra lạm bàn, hý luận, bàn huyền, nói diệu,… mà nơi tâm ý lại mê mờ, không nhận rõ lẽ ngụy chân. Người học Phật đạt được ít tỏ ngộ thì nuôi lớn đại ngã, rơi vào lợi dưỡng, lợi danh, lui sụt chí bồ đề. Người học Phật đạt ít tỏ ngộ khác thì rơi vào tà kiến “Phật pháp tùy duyên” nên không thường sống với bi nguyện của chư Phật cùng bồ tát. Bởi lẽ người học Phật này đã nhận biết “Tự thân đã có vỏ bọc an toàn”. Âu cũng là người học Phật hàng thanh văn, mong cầu thánh quả,…
Tất cả những lầm lạc trên đã khiến Phật pháp ngày càng xa rời nhân gian, là “của riêng” người học Phật nhưng lại chẳng mang lại cứu cánh Niết bàn. Phật pháp trở nên cao siêu, huyễn hoặc, không còn sáng rõ, gần gũi với đời sống con người. Chánh pháp vì thế trở nên xa lạ, lạc lỏng trong lòng nhân loại. Phật Thích Ca trở nên là một đấng thần linh huyền bí, nhiều thần thông, biến hóa. Mỗi khi có kiếp nạn, khổ đau thì con người lại gọi Như Lai ra để nguyện cầu và mong mỏi việc làm đó sẽ giúp mọi việc lại bình yên, an toàn. Thật là nông nổi, huyễn hoặc!
Phật pháp đã đi quá xa đến mức làm lạc lối cả chánh pháp nơi lòng người. Phật pháp đã đi xa giờ đến lúc trở về. Nếu cứ mãi đi xa mà không về là trái đạo, trái đạo tất sẽ diệt vong, chánh lại hóa thành tà.
Tôi vì lời Phật thuyết “Chánh pháp còn bỏ huống hồ là phi pháp” mà tỏ bày chánh pháp chân thật.
Sau một thời gian tìm hiểu kinh sách Phật, tôi được biết “Lúc Phật nhập diệt, Người nằm nghiêng về một bên, đầu hướng về phương bắc”. Không chỉ vậy, tôi từng viếng thăm một vài cảnh chùa, tôi đã gặp tượng Phật nằm nghiêng một bên với dáng vẻ khoan thai, an tịnh. Khi Phật nằm nghiêng con người đã dùng ngôn từ giả lập tạo ra thế nằm sư tử tọa.
Tôi thấy gì nơi dáng nằm sư tử tọa?
Một sự trằn trọc, băn khoăn, một niềm trăn trở. Xem ra 49 năm hoằng pháp của Như Lai không chỉ toàn màu hồng mà là đầy dẫy những cam go, thử thách, gian truân. Phật Thích Ca vẫn thường sống trong sự tự tại, bình thản, an lạc nhưng điều đó không hẳn là Người không có những suy tư, lo nghĩ.
Lại quay về hơn 2500, tôi đến nơi Người nhập diệt. Tôi lặng lẽ chiêm bái Người, Người vẫn điềm nhiên nhìn ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống nơi cánh rừng Sala thơm mát.
Lúc bấy giờ, có vị du sĩ Subhadda nghe tin Phật sắp nhập diệt liền tìm đến tham bái. Gặp được Phật, ông liền quỳ xuống lạy tạ và nói:
- Thế Tôn, con nghe nói tới các vị lãnh đạo các giáo phái như Purana Kassapa, Makhali Gosala, Ajita Kesakambali, Pakudha Kaccayana, Sanjaya Belatthiputta và Nigantha Nathaputta,… Con muốn hỏi Thế Tôn xem trong những vị đó có ai thật sự đạt đạo hay không?
Phật nói:
- Subhadda, họ có đạt đạo hay không đạt đạo việc đó không nên bàn tới bây giờ vì điều đó không cần thiết. Subhadda, Như Lai sẽ chỉ cho con đường tu học để tự ông có thể đạt sự giác ngộ giải thoát. Rồi Phật dạy cho Subhadda về giáo lý Bát chánh đạo.
Sau khi trình bày cặn kẽ đạo lý Bát chánh đạo, Phật nói:
- Subhadda, ở đâu trong đoàn thể nào mà có sự thực hành Bát chánh đạo là ở đó có thể có người đạt đạo. Subhadda, ông hãy thực hiện theo phương pháp Bát chánh đạo rồi chính ông sẽ trở nên người đạt đạo. Khi đó, ông không cần phải đặt câu hỏi người này hay người kia có thật là người đạt đạo hay không?
Được Phật chỉ bày, du sĩ Subhadda thấy tâm hồn rộng mở, ông mừng rỡ và xin Phật được xuất gia, làm đệ tử Người. Phật chấp thuận và Subhadda chính là vị đệ tử cuối cùng được Phật nhận vào giáo đoàn khất sĩ.
Trời đã tối tự lâu rồi. Sau khi Phật dặn dò mọi việc và khuyên dạy đại chúng, Người đã nằm ngay ngắn trở lại, hơi thở khoan thai, bình thản. Sau cùng, Người nói:
- Vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt, các vị hãy tinh tiến lên để đạt đến giải thoát.
Nói xong, Phật nhắm mắt. Đó cũng là lời nói cuối cùng của Người.
Nhận biết Phật đã nhập diệt trong sự bình thản, tự tại và nằm ngay ngắn, khoan thai như những người hiền lành, sống tốt trong hiện đời. Tôi càng rõ biết “Phật rất gần gũi, mộc mạc, chân chất, hòa đồng với mọi người”.
Tôi như nghe lời nhắn nhủ của chư Phật mười phương “Đừng biến Như Lai thành người xa lạ, là một Đấng quyền năng huyễn hoặc, đáng kính, chỉ nhằm việc tôn thờ, cúng bái, nguyện cầu. Mỗi chúng sinh nơi 3 cõi đều có đức tánh Như Lai, hãy hiển lộ, sống với đức tánh Như Lai thì mọi chúng sinh đều là Phật cả”.
Nơi dáng nằm sư tử tọa, tôi đã nhận ra được “Phật Thích Ca suy tư, trăn trở là vì điều gì?”.
Giáo lý về con đường tỉnh thức, giải thoát khỏi luân hồi thậm thâm, vi diệu, làm sao có thể chỉ bày cho chúng sinh nơi 3 cõi với căn tánh muôn ngàn sai biệt, với đầy dẫy những kiến chấp, định kiến, tà kiến,… tin nhận và thật sống với sự sáng rõ nơi chánh pháp?
Với sự hiểu biết cùng tận về vạn pháp, Phật đã tìm ra lời giải bằng việc bày ra muôn vàn phương tiện khéo, vi diệu tùy thuận theo từng căn tánh, hoàn cảnh của mỗi chúng sinh trong 6 đường.
Những suy tư, trăn trở có ở nơi Phật chỉ thoáng qua vì Phật thường sống với chánh định, sự an lạc, tự tại, giải thoát, không dính mắc.
Với cõi giới hữu hình, Phật dùng phương tiện “Nói mà không nói”.
Với cõi giới vô hình, Phật lại dùng phương tiện “Không nói mà nói”.
Pháp Phật quả thật thậm thâm, vi diệu, không thể nghĩ bàn nhưng cũng lại rất gần gũi, sáng rõ nơi con người tìm về chánh pháp.
Cả đời Phật chỉ có hai lần nhập vào đại định và hằng sống nơi chánh định. Lần nhập đại định đầu tiên là khi Phật chứng ngộ pháp vô sanh dưới cội bồ đề, nơi Người thành đạo. Lần nhập đại định sau cùng là khi Người thể nhập Niết bàn bên cánh rừng Sala.
Tôi cũng đã từng có những trăn trở, băn khoăn “Nên chăng tỏ bày sự chân thật nơi chánh pháp bằng việc phá bỏ những pháp phương tiện mà Phật Thích Ca đã giả lập ra?”. Đến nay, nhân loại đã mê mờ, ngộ nhận nơi chánh pháp bởi do người học Phật lầm lạc, không sáng rõ “Sự chân ngụy nơi pháp Phật”. Nhân loại lại đang rơi vào sự bấn loạn nội tâm, xã hội loài người đang rối ren với tâm phân biệt, dính mắc vào tấm lưới vô minh nhị nguyên. Chiến tranh, giết chóc, hận thù, đau khổ, máu và nước mắt,… Xã hội loài người chỉ được yên bình, ấm no khi nội tâm con người được an định, rời xa điên đảo,… Chỉ có chánh pháp của Phật Thích Ca được làm sáng rõ, rộng truyền mới có thể là cứu cánh cho sự tồn vong của nhân loại và sự sống nơi trái đất.
Cảm nhận được sự ủy thác và bi nguyện của Như Lai, tôi không vào địa ngục thì ai sẽ vào địa ngục. Chánh pháp còn bỏ huống hồ là phi pháp, tôi sẽ đoạn diệt các pháp bằng vào pháp môn không hai của Như Lai “Đoạn mà không đoạn, diệt mà không diệt”.
Những người tu theo Tịnh độ tông hành trì miên mật, khi mất được vãng sinh Cực Lạc, Phật A Di Đà tiếp dẫn, họ sẽ về đâu?
Đã có những “dấu lạ” về việc vãng sinh Tây Phương, như người niệm Phật biết trước giờ “nhắm mắt”, cơ thể người chết mềm mại, tươi nhuận, mây ngũ sắc, luồng ánh sáng lạ,… Những “dấu lạ” này vẫn được tìm thấy ở những người theo tôn giáo khác và cả người không theo đạo giáo. Vì thế cũng không phải là những hiện tượng kỳ đặc, chỉ riêng có nơi pháp tu Tịnh độ.

Đạo trời thân với gì? Chỉ thân với Đức mà thôi. Quỷ thần linh nhờ đâu? Nhờ người mà linh. Cỏ thi là thứ cỏ khô, mai rùa là thứ xương khô đều là vật vô tri. Sao lại không nghĩ đến ngày trước?

Không chỉ vậy! Người học Phật dù là nguyện vãng sinh Tây phương cực lạc lại bày biện thờ cúng ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát, vị bồ tát lập đại nguyện cứu độ chúng sinh nẻo địa ngục ngay nơi người sắp chết. Việc trì tụng kinh cho người mất lại không rõ ràng, những bộ kinh thường được tụng niệm khi người chết là kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Vu Lan Báo Hiếu, kinh Địa Tạng, kinh Sám hối,…
Những việc làm cho thấy con người ngày nay đã rơi vào lễ nghi, hủ tục rườm rà.
Khi sống không làm theo chánh pháp, lúc chết tìm về nương tựa Phật, sám hối có còn kịp không?
Những năm chiến tranh loạn lạc, người chết như rạ, một manh chiếu che kín thân còn không có.
Lẽ nào khi chết họ không có lối để về?
Giả như sự linh ứng là có, vậy khi Phật A Di Đà và Bồ tát Địa Tạng cùng đến người học Phật sẽ theo ai?
Về cơ bản thật khó nhận biết ai là Bồ tát Địa Tạng?
Ai là Phật A Di Đà?
Vì cho đến chết con người mới có cơ may được gặp, việc này không phải khiến cho thần thức người chết rối trí, điên đảo lắm sao?
Thật ra người học Phật theo phép tu Tịnh độ, sống và hành trì có sự chuẩn mực, lúc chết họ sẽ về đâu?
Nếu có sự hiểu biết về sáng rõ về chánh pháp và phá bỏ được bản ngã thì họ sẽ thể nhập vào cõi Phật, là Niết bàn. Còn nếu chỉ đạt được “Niệm Phật nhất tâm bất loạn” mà thiếu đi sự hiểu biết sáng rõ và việc buông bỏ bản ngã thì người niệm Phật cũng chỉ về nơi cõi trời, là cõi tương ưng với cõi thiên đàng ở các tôn giáo khác. Bởi do chưa phá bỏ được bản ngã thì chỉ sau một thời gian nhất định, họ sẽ tham nhớ thân và tùy theo nghiệp duyên mà rơi vào nơi 3 cõi, trở lại luân hồi.
Có một vấn đề khác, người học Phật cần rõ biết là con người muốn thoát khỏi luân hồi sinh tử thì tự thân phải có sự hiểu biết sáng rõ, hành trì phá bỏ cái tôi mà tự thân chấp giữ mới mong thể nhập vào cõi Phật.
Việc nương cầu tha lực nhằm sinh về cõi Phật là điều không thể.
Nếu như có thể hành trì giúp người khác giải thoát hoàn toàn, liễu thoát sinh tử thì Phật Thích Ca đâu cần phải cho người con La Hầu La, hoàng hậu Kiều Đàm Di, công nương Da du đà la,… xuất gia, hành trì tìm sự giải thoát hoàn toàn cho tự thân.
Không chỉ vậy! Phật Thích Ca cũng đâu từng nói sẽ tiếp dẫn vua cha Tịnh Phạn về Niết Bàn. Phật Thích Ca tạo ra Phật A Di Đà thì không thể nói Người có năng lực và tâm từ bi thua kém Phật A Di Đà. Thế nên, quả thật bằng vào việc chỉ nương cầu tha lực con người sẽ không thể tìm về đến cõi Phật tịch diệt, an lạc. Người học Phật không nên hiểu lầm tâm Phật, bị kinh chuyển đến mê mờ bản tâm.
Cõi Tây Phương cực lạc chỉ là một trong số những phương tiện khéo Phật Thích Ca giả lập nhằm níu giữ thân mạng con người khi con người rơi xuống tận cùng sự khổ đau, tuyệt vọng,…
Thánh Ala, Thượng Đế, Đức Chúa Trời, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư,… ai đã từng thật nhìn thấy?
Họ thật sự tồn tại hay chỉ là những bóng hình huyễn hoặc, không thật?
Con người có thấy chăng cũng chỉ là nhà tiên tri Mohamet, Chúa Jesu, Phật Thích Ca?
Những Đấng quyền năng tối cao tồn tại cũng do nơi lòng mong mỏi của con người. Nhà tiên tri Mohamet, chúa Jesu, Phật Thích Ca đã dùng làm phương tiện thiện xảo mà giả lập ra.
Cùng là phương tiện giả lập nhưng lại có sự khác biệt, việc tạo dựng Thánh Ala, Đức Chúa Trời nơi nhà tiên tri Mohamet, Chúa Jesu chỉ dừng lại ở việc trói buộc niềm tin con người vào quyền năng của những Đấng Tối Cao, khiến con người hoàn toàn lệ thuộc, phụ thuộc họ.
Nếu những Đấng quyền năng đó thật tồn tại cùng với khả năng chi phối trực tiếp vào đời sống con người thì khi tín đồ dòng Sunni giết hại người Shiite và ngược lại, họ sẽ xuất hiện hóa giải cũng như việc ngăn chặn hận thù bùng phát giữa những tín đồ Công giáo và Tin Lành vì những tín đồ đó đều tôn thờ, tin nhận, cầu nguyện, mong mỏi ở nơi họ.
Sự khác biệt nơi phương tiện cõi giới A Di Đà với các tôn giáo khác là Phật Thích Ca đã xây dựng ra giáo lý chỉ dẫn, giúp người học Phật tự tin, tin hoàn toàn vào chính bản thân, tự mỗi người đều có thể trở thành Phật chứ không lệ thuộc, nhờ vả sự nâng đỡ của bất kỳ một vị Phật, bồ tát nào cả. Chỉ bằng vào việc học hỏi, nhận biết sáng rõ pháp Phật, sống tùy thuận theo chánh pháp, buông bỏ cái tôi thường tại thì người học Phật đã là Phật, bồ tát ngay nơi hiện đời và khi mất đi sẽ thể nhập Niết bàn tịch diệt.
Chỉ tự mỗi người mới có thể giúp chính mình thoát ra mọi khổ đau, vượt qua sinh tử. Với những người học Phật lập hạnh bồ tát “Nếu vì cứu khổ chúng sinh nơi 3 cõi thì người học Phật cứ giữ vững chánh định, bước trên sóng sinh tử mà đi, thể nhập nơi bể khổ luân hồi nhưng không đắm chìm đau khổ, tự tại, an lạc,…”.
Tóm lại, cõi Phật A Di Đà là một “tạo hình” mà Phật Thích Ca đã vì lòng mong mỏi, nguyện cầu của hoàng hậu Vi Đề Hi mà thành toàn. Bởi do bà Vi Đề Hi muốn tìm về một cõi giới cực lạc, sáng rỡ, không có mọi đau khổ của trần gian và Phật do nơi tuyệt vọng của người học Phật mà tạo lập.
Những cõi Phật và các vị Phật khác cũng đều như thế, cũng do nhân duyên nơi lòng mong mỏi của chúng sinh 6 đường. Nhất là dựa vào tâm ý nơi con người thời Phật tại thế.
Những hình tượng các vị Phật được lập ra dựa vào nơi pháp thế gian, tâm nguyện của người học Phật. Với những người học Phật lập hạnh bồ tát nơi nẻo Người, Phật rất trân quý và tôn trọng.
Đáng kể đến là vị trưởng giả Cấp Cô Độc Tu Đạt Đa (Sudatta), y sĩ Kỳ Bà (Jivaka), Phú Lâu Na, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ma ha Ca Chiên Diên,… họ chính thật là những vị Phật, bồ tát,...
Bởi lẽ Phật, Bồ tát khi nói đến tận cùng cũng chỉ là những người tự giải thoát bằng sự hiểu biết sáng rõ chánh pháp và cứu người, giúp người thoát khổ, tìm về sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn. Phật, Bồ tát thật sự rất gần gũi, luôn kề cận, giúp đỡ con người và chúng sinh nơi 3 cõi.
Phật đã thể hiện sự trân quý, tôn trọng những người lập hạnh bồ tát, sống có ích lợi lớn cho đời bằng việc tạo ra những hóa thân Phật, Bồ tát nơi pháp xuất thế gian.
Cũng do cơ duyên nơi lòng mong mỏi của người học Phật lúc bấy giờ Phật đã tạo lập ra Phật Dược Sư Lưu Ly Quang chính là hóa thân Phật của y sĩ Kỳ Bà (Jivaka), Địa Tạng Vương Bồ Tát là hóa thân bồ tát của ngài Phú Lâu Na,…
Trong giáo lý, kinh điển nhà Phật thường có xuất hiện hai hóa thân bồ tát là Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền luôn kề cận bên Phật mà nơi pháp thế gian người học Phật không thể nhìn thấy. Đó chính thật là hóa thân ngài Xá Lợi Phất ở nơi Bồ tát Văn Thù Sư Lợi biểu trưng về Trí và hóa thân ngài Mục Kiền Liên ở nơi Bồ tát Phổ Hiền biểu trưng cho Dũng.
Về sau, Phật Thích Ca nhận biết người tìm đến học Phật ngày càng nhiều và phần lớn chỉ lo giải thoát cá nhân, lánh đời vào đạo vì ngộ nhận cứu cánh của đạo giải thoát là “cắt ái, ly gia”. Phật đã phương tiện truyền trao pháp môn đại thừa, khuyên người học Phật lập hạnh bồ tát, nhập thế giúp đời. Bộ Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh ra đời trong bối cảnh đó và ngài Duy Ma Cật, vị cư sĩ tại gia, vị đại bồ tát chính là hóa thân của vị Trưởng giả Cấp Cô Độc Tu Đạt Đa (Sudatta).
Không dừng lại đó, cái thấy sáng rõ của người đạt đạo, chứng trí Như Lai còn nhận biết về sau con người muốn thoát ra mọi khổ đau, hận thù, chiến tranh, tạo dựng một xã hội hòa bình, văn minh, tiến bộ thì phải sống với “Từ bi hỷ xả”. Phật Di Lặc đã xuất thế với thiên bá ức hóa thân.
Với cái thấy cùng tột, sáng rõ của Phật Thích Ca ở 3 thời quá khứ, hiện tại, vị lai ở cả 6 nẻo luân hồi thử hỏi làm sao tôi có thể không đáng kính sợ và nể phục cho được?
Tâm từ bi của Người thật lớn lao, vĩ đại. Thế nên tôi dù có phải “tan xương, nát thịt” muôn kiếp cũng xin nguyện giữ gìn chánh pháp của Như Lai.
Có lẽ sẽ có rất nhiều người học Phật vì sự tỏ bày sự chân thật nơi pháp Phật của tôi mà trái tim tan nát, đánh mất niềm tin về pháp Phật. Sẽ có người cạn nghĩ, vội trách “Phật Thích Ca nói lời hư vọng. Thật đáng khinh!”.
Tôi sẽ lại trình bày “Ngôn ngữ chỉ là phương tiện giả lập, vậy nên các pháp cũng chỉ là phương tiện giả lập mà Phật Thích Ca phải tùy thuận, lập ra giúp con người thoát khổ, giải thoát hoàn toàn”.
Vì lẽ đó, Phật đã bao lần nhắc nhở “Bốn mươi chín năm ta chưa từng nói một lời nào”. Chỉ do nơi người học Phật không chuyển được kinh lại bị kinh chuyển, “Lấy giả làm chân, lộng chân thành giả” nên mê mờ chánh pháp.
Người học Phật và nhân loại đừng vội quên “Các pháp phương tiện là giả lập còn 3 cõi 6 đường, luân hồi, nhân duyên nghiệp quả là chẳng thật có, chẳng thật không”. Muốn thoát khỏi đau khổ, luân hồi thì con người phải thường sống nơi chánh pháp.
Phật đã 49 năm không nói một lời, tôi một phen trộm pháp Phật, giả lập nơi ngôn từ, tùy thuận trình bày vì thế tôi cũng chưa từng nói một lời.
Con đường của nhân loại về sau mỗi người tự chọn lấy lối đi. Sống trong đau khổ, hận thù, giết chóc triền miên, thay hình đổi dạng,… hay sống trong một xã hội hòa bình, hài hòa, văn minh và tiến bộ là tùy duyên vậy.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

ngokhong

Registered
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2009
Bài viết
826
Điểm tương tác
6
Điểm
18
Phật không nói,đạo hữu Latuan cũng không chịu nói ... chỉ viết thôi .Hay đúng hơn là chỉ gõ bàn phím thôi .
 

latuan

Cựu Thành Viên Diễn Đàn
Tham gia
15 Thg 4 2015
Bài viết
1,256
Điểm tương tác
409
Điểm
83
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên