Mong cầu - Cái khổ không của riêng ai.

Tấn Hạnh

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 7 2011
Bài viết
339
Điểm tương tác
375
Điểm
63


Bản thân chúng ta khổ là vì đâu ? Vì ta có thân người. Ta sợ đói no. Ta sợ bệnh tật, sợ chết chóc. Ta sợ bị sĩ nhục xem thường ( trong đó có cả sợ xấu xí )...Ta sợ nhiều lắm. Sợ tất cả những gì bất lợi, nguy hiểm xảy đến cho thân ta, nên ta đã làm cho mình nhuộm đầy những nổi thống khổ của thế gian. Ta mong cầu có được tất cả để thấy rằng bản thân được hạnh phúc, được đầy đủ. Nhưng ta lại vô tình dính vào hai sai lầm lớn nhất mà ta chính là thủ phạm mà cũng là nạn nhân:

- Thứ nhất: Càng mong cầu nhiều thì càng khổ nhiều. Một cái mong cầu mà không có được lại biến thành một cái khổ thực sự hiện hữu. Hai cái mong cầu không có được thì có hai cái khổ hiện hữu xảy đến cho ta...Cứ thế có vô vàng cái mong cầu thì sẽ có vô vàng cái khổ mang đến, khi nó không xảy ra đúng theo ý ta mong. Cứ thế đời người ngập ngụa trong những mong cầu thì càng ngập ngụa trong những đau khổ triền miên không điểm dừng...

- Thứ hai : Các pháp ( muôn vật, hiện tượng.. ) đều vô thường, biến đổi, sinh diệt không lúc nào dừng thì có mong cầu nào đạt được mà tồn tại bên ta lâu dài !? Có được nó thì lại ra sức bảo vệ, giữ gìn, sợ nó mất đi, sợ hư hao, sợ bị hủy diệt...Nhưng làm sao chống lại vô thường, sinh diệt? Ngay thân thể ta đây, cái mà ai ai cũng yêu quý nhất, giữ gìn nhất, không có nó xem như không còn gi tồn tại ( chấp ! ). Vậy mà nó có theo ý ta muốn đâu ( cái này ai cũng biết, quá cơ bản về cái khổ của thân người ). Còn bao nhiêu thứ phải mong cầu có được cho bản thân, đếm làm sao hết? thì khổ đau xảy đến cho kiếp người cũng không có gì có thể chứa đựng nổi. Đây là một sự thực mà ai cũng cố tình né tránh khi nghĩ đến, cố lừa dối bản thân để tìm một chút ít niềm vui của dục lạc trong kiếp người ngày qua ngày sinh diệt triền miên!.

Đọc câu truyện này mà Đức Phật đã từng dạy cho chúng ta thì sẽ hiểu rõ nhất bức tranh con người :

Một câu chuyện thuật lại như sau:


Người kia đi quanh quẩn giữa một khu rừng mênh mông đầy chông gai và đá nhọn. Trong khi lang thang bất định anh sực nhìn lại phía sau, và thấy một thớt voi đang rượt theo. Giựt mình, anh vụt chạy. Voi đuổi theo. Chạy đến một cái giếng cạn, anh định nhảy xuống để tránh voi. Nhưng thấy dưới đáy giếng có con rắn độc. Thớt voi lù lù trờ tới. Hoảng hốt, anh chụp lấy một dây rừng từ cây cao lòng thòng phía trên miệng giếng và vội vã trèo phăng lên, bất chấp gai nhọn đầy trên sợi dây, quàu trầy cả mình mẩy và tay chân. Lúc ấy anh chàng ngước mặt nhìn lên, thấy một ổ ong. Bầy ong bay tủa ra vây đánh anh. Phía trên nữa có hai con chuột, một trắng một đen, đang cặm cụi gậm nhấm sợi dây mà anh đang đeo trên đó. Vừa lúc ấy một giọt mật từ ổ ong rơi xuống ngay vào miệng anh. Bấy giờ, quên cả thớt voi đang rượt, con rắn độc đang nằm dưới đáy giếng, sợi dây đầy gai nhọn quàu trầy cả mình mẩy, bày ong đang vây đánh, và hai con chuột đang gậm nhấm sợi dây, anh mê mệt thọ hưởng giọt mật một cách thỏa thích..."

Trong Bài Pháp Đầu Tiên, gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật mô tả cái khổ như sau:



"Hởi nầy các Tỳ Khưu, bây giờ, đây là chân lý thâm diệu về sự khổ. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ. Tóm lại, bám níu vào ngũ uẩn là khổ."

Một đời người là bao lâu? Được gì mất gì ? Sao ta lại lừa dối chính mình mà không dám nhìn vào sự thật đó! Cũng chỉ mới có hai từ xấu và đẹp đã làm cho thân tâm khổ nhiều lắm rồi. Sự nghi ngờ chính bản thân mình, nghi ngờ bất công của tạo hóa dành cho mình. Những suy nghĩ đó đã bám riết lấy thân tâm ngay từ ngày nhận thức cuộc sống, và nó sẽ bám lấy cho đến khi xác thân tắt hơi thở sau cùng. Còn bao nhiêu mong cầu trong lòng chúng ta nữa ? Hãy ngồi lại quán xét mọi việc xảy ra. Có khi nào chúng ta thấy thân tâm được an ổn và nhẹ nhàng chưa. Vì chúng ta đã tăng tốc, cố sức chạy theo mọi thứ vô thường kia quá lâu rồi, cho nên chúng ta hãy giảm bớt tốc độ lại.

Hãy lắng lòng quán chiếu lại mọi việc trong ta và xung quanh. Ta không thể nào không thấy sự chuyển biến của vô thường trên mọi vật, mọi hiện tượng. Sự bất công mà người không hiểu được lẽ thật luôn luôn tìm cách thoái thác, là tại sao việc đó xảy đến cho tôi mà không phải ai khác?. Chỉ suy nghĩ đó thôi đã mang đến cho ta hai nhân quả không tốt: Thứ nhất là phủ nhận luật nhân quả hiện hữu trong mọi hiện tượng. Thứ hai là lòng ích kỷ, mong điều đó xảy đến cho người khác chứ không phải là mình. Mà người khác mang lấy nó thì có đau khổ ít hơn ta chăng? Sao gọi là người học đạo của Phật nếu ta không thấy được như thế?

Quán xấu xí không đơn giản là quán xấu và đẹp. Mọi đau khổ sở dĩ to lớn và xảy ra liên tục trong tâm là khi đối diện với các hiện tượng ta thấy nó và ta thật có. Ta thấy ta đang gánh chịu, ta thấy nó tồn tại mãi không diệt nên buồn rầu đau khổ. Ta quên nhắc nhở bản thân, mỗi khi đứng trước gương, soi mặt mũi mình trong đó. Ai đang đứng? Bóng dáng trong gương kia là của ai? Hình dáng trong gương thể hiện chính thân thể ta soi vào, thì hình dáng xấu đẹp mà ta đang có đây cũng là cái phản chiếu của nhân quả, mà chính ta đã tạo nên trong dòng luân hồi của chính ta. Không ai ban phát nó đến cho ta. Không một đấng tạo hóa nào làm nên sự bất công đó. Chính ta, chủ nhân của những điều mà ta xem là bất công đó!

Đó là quán trên vô thường nhân quả. Còn quán trên tánh không của các pháp thì ta cũng không thấy mình tồn tại, các pháp xung quanh tồi tại. Ta và người, rồi tất cả muôn vật xung quanh đều nhân duyên hòa hợp mà có nơi đây. Chỉ thiếu hay mất đi một yếu tố là tan rã ngay không thể kéo dài. Sự sống duy trì mỗi ngày là do vay mượn từ bên ngoài vào, nhờ đó mà sự sống được kéo dài theo như " hạn định ". Nếu chỉ cần ngừng cung cấp, một vài đôi bữa là đã vật vã rồi, kéo dài nữa là cầm bằng cái chết. Vì sự sinh tồn của nghiệp báo có thân sinh ra mà tất cả chúng ta và chúng sanh khắp nơi phải mỗi ngày giành giựt mưu sinh. Đem hết tài trí ra để mưu lợi cho hơn người khác, cũng vì một chữ SỢ. Ta mưu cầu, người cũng mưu cầu, muông vật cũng mưu cầu. Tình yêu trong ta cạn dần theo thời gian. Chỉ còn cái ta " thân thể tồn tại " là tất cả. Đau khổ từ đây mà phủ đầy lên muôn sự sống, người đối với người là chiến tranh, vật đối với vật là giành giựt sinh tồn.Tất cả là duyên hòa hợp tạo thành không có thực thể cố định. Chuyển biến sinh diệt từng phút từng giây. Mỗi ngày qua cái chết càng gần thì sao ta phải vì nó mà tạo bao đau khổ cho mình và cho người. Phủ đầy nghiệp báo lẫn nhau!


Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta, thương xót cho những đau khổ mà chúng ta mang lấy. Nổi khổ của chúng ta, nước mắt của chúng ta còn nhiều hơn cả đại dương mênh mông sâu thẳm kia, điều mà Đức Phật mô tả cho Ngài A Nan khi đứng trước biển.

Hãy quên đi cái vô thường biến đổi theo nghiệp báo này, quên đi thân thể xấu đẹp kia. Chúng ta không cần nó như chúng ta nghĩ. Hãy sử dụng nó như một chiếc bè để qua sông bên kia. Chúng ta sẽ không cần đến nó nữa nếu chúng ta đã hoàn tất con đường về. Hãy bắt đầu trở về tu tập theo những lời dạy của Đức Phật. Hãy trở về tìm lấy cái bất diệt mới thực là chính ta. Nơi đó mọi đau khổ sẽ không còn tồn tại.


Kính lễ Đức Thế Tôn, vị Thầy của Giải thoát !


Giá trị của mười điều tâm niệm trong Luận Bảo Vương Tam Muội nhắn nhở chúng ta mạnh mẽ đối diện với những đau khổ vô thường của đời người. Mỗi lần những điều đó xảy đến, ta lại nhìn thấy rõ hơn những điều ta phải đối diện trong cuộc sống của một kiếp người. Tuy nó là những đau đớn, khổ sở mà bản năng ai cũng muốn né tránh - sợ nghe, sợ nó xảy ra cho mình. Người tự lừa dối bản thân thì né tránh, sợ phải đau đớn vì nó. Nhưng nó có tha đâu, sẽ theo suốt cho đến lúc xuôi tay nhắm mắt và theo mãi cho những kiếp lai sinh.

Người trí thì không sợ, dầu đôi khi quần quại đau đớn, đôi khi nước mắt rơi không gì chứa hết...Nhưng những lần như thế, sự nhận thức về bản chất của vô thường, nghiệp báo càng rõ ràng hơn cả. Mỗi lúc như thế, chí quyết tu học thoát sinh tử lại bùng lên dữ dội. Nhất quyết, không còn có con đường nào khác phải đi, là tiến lên tu học hơn nữa. Sử dụng đau khổ, bệnh tật, những điều trái quấy làm phương tiện nhắc nhở bản thân trong việc tu học dẽ duôi, đôi khi buông xuôi của chúng ta. Cố tình quên nó, nó cũng không tha. Cố tình trốn nó, nó cũng không cho thoát. Nên ta dụng nó làm phương tiện nhắc nhở ta, từ bất lợi ta chuyển thành có lợi.

Há những điều tâm niệm đó không phải là lời dạy đầy tình thương của những bậc trí sư sao?



Con đường đã qua, cát trắng bụi mù.
Con đường phía trước, bụi mù cát trắng.
Con đường mưa nắng, ta cũng phải đi.
Vì chỉ có đi, mới về đến đích.





 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên