NGHIỆP LỰC đối với Đức Phật và Các vị A La Hán

Tấn Hạnh

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 7 2011
Bài viết
339
Điểm tương tác
375
Điểm
63


Những câu truyện đã xảy ra với chính Đức Phật và các vị A La Hán trong cuộc đời hành đạo và giáo hóa chúng sanh. Đã thể hiện đầy đủ tính chất và sức mạnh của nghiệp lực. Phủ lên cuộc sống của chúng sanh không hề sai chạy một mãi may nào. Hiểu được sức mạnh của nghiệp lực, cho ta một cái nhìn thấu suốt về mọi hiện tượng xung quanh không còn nghi ngờ. Cho ta một sự ý thức sâu sắc về ba nghiệp của Thân, Khẩu và Ý. Từ đó chúng ta biết giữ gìn ba nghiệp cho thanh tịnh, giúp chúng ta tu học mau tiến và tránh tạo nghiệp xấu để phải gánh lấy quả báo trong tương lai.

Phần thứ nhất : Nghiệp lực đối với Đức Phật.

* Ngài bị Tôn Ðà Lợi đến hủy báng xúc phạm :

Đức Phật nói cho Tôn giả Xá Lợi Phất nghe rằng:

Ngày xưa, ở thời quá khứ, trong thành nọ, có một diễn viên sân khấu tài ba tên là Tịnh Nhãn, giỏi nghề ca hát. Khi ấy có một dâm nữ tên là Lộc Tướng, nhan sắc tuyệt vời, nghiêm tịnh không ai bằng. Bấy giờ Tịnh Nhãn đi đến chỗ Lộc Tướng nói với nàng rằng:

- Chúng ta nên ra ngoài thành, vào trong rừng cây, tìm chỗ đất tốt cùng nhau vui chơi.

Thấy kỹ nữ Lộc Tướng trang sức quý báo đầy người, tên Tịnh Nhãn nổi lòng tham. Sau đó Tịnh Nhãn này giết chết cô kỹ nữ Lộc Tướng để cướp của. Trong khi tìm cách phi tang thi thể của cô kỹ nử, Tịnh Nhãn thấy gần đó có một vị đạo sĩ ( Bích Chi Phật tên là Lạc Vô Vi ), liền nãy sinh ý định vu họa cho vị đạo sĩ này. Tịnh Nhãn liền cởi lấy y phục rồi chôn xác cô ta trong am của Ngài.

Khi vụ án bị phát hiện, Ngài Lạc Vô Vi đặt tay chân lên mặt đất, biết việc này là nhân duyên của đời trước nên Ngài im lặng không trả lời.
Đến khi nhà vua cho lệnh bắt trói Ngài đem cột Ngài vào con Lạc Ðà, đánh trống rao khắp hang cùng ngõ hẻm. Những người trong nước thấy vậy cho là chuyện lạ nên có người tin, có người vẫn không tin. Mọi người tụ lại để xem Ngài Lạc Vô Vi bị trói ngược trên con Lạc Ðà, mọi người đi theo sau. Tịnh Nhãn cũng đi theo sau. Thấy vậy tâm ông suy nghĩ: "Vị đạo sĩ này vô cớ mà chết oan uổng! Ðiều này chẳng phải nên có sự qúi kính sao. Chính tự tay ta giết Lộc Tướng chứ không phải đạo sĩ giết. Vậy chính ta phải chịu tội chết mà để cho đạo sĩ sống”. Tịnh Nhãn nghĩ như vậy xong, liền bước ra khỏi bức tường, chạy theo mọi người, gọi vị thượng quan nói rằng:

- Ðừng giết đạo sĩ ấy! Không phải đạo sĩ ấy giết Lộc Tướng đâú chính tôi mới là người giết cô ta. Vậy xin các Ngài hãy thả vị đạo sĩ này ra. Hãy trói tôi lại, tùy theo tội mà sử trị.

Họ liền mở trói cho vị Bích Chi Phật, rồi bắt Tịnh Nhãn trói ngược lại như họ đã làm với đạo sĩ. Bấy giờ các Thượng quan...đều hướng về Bích Chi Phật cầu xin sám hối.
Nhưng vị Bích Chi Phật Lạc Vô Vi vẫn im lặng không trả lời. Vị Bích Chi Phật suy nghĩ rằng: " Ta không nên vào thành này khất thực nữa, ta phải nên diệt độ ở đây, truớc mọi người”. Ngay khi đó, ở trên không, Ngài thiêu thân diệt độ.

Bấy giờ đại chúng thảy đều sót thương rơi lệ, hoặc có người sám hối, hoặc có người đảnh lễ. Họ thu lấy xá lợi, dựng bảo tháp ở ngã tư đường.

Tịnh Nhãn lúc đó là Đức Phật bây giờ. Lộc Tướng lúc đó chính là Tôn Ðà Lợi bây giờ vậy.

Lúc xưa Đức Phật đã giết Lộc Tướng, làm oan uổng, khốn khổ cho vị Bích Chi Phật, vì tội ác như vậy cho nên trải qua vô số kiếp trong địa ngục khổ cùng. Cái tai ương ta sót lại lúc ấy, đến nay tuy ta đã thành Phật mà vẫn bị Tôn Ðà Lợi hủy báng.

* Bị Xá-Di-Bạt-Đề hủy báng Ngài và các vị La hán:

Ở thời quá khứ lâu xa, cách đây chín mươi mốt kiếp. Lúc ấy có một vị vua tên là Thiện Thuyết, có một cái thành tên là Thiện Thuyết do vua xây cất. Trong thành có một Bà la môn tên là Diên Như Ðạt, hiếu học, quảng bác bốn bộ sách của ngoại đạo: Thiên văn, Ðồ sấm, Chiêm tướng, Nghệ thuật.

Lại có một Bà la môn tên là Phạm Thiên, giàu có, nhiều của cải. Vợ của ông ta tên là Tịnh Âm,dung mạo không ai bằng, tánh hạnh diệu hoà.
Bà la môn Phạm Thiên là đàn việt của Diên Như Ðạt, nên vợ ông ta cúng dường cho vị này đồ ẩm thực, quần áo, giường nằm, toạ cụ, thuốc men chữa bệnh lúc đau ốm.

Bấy giờ Phu nhân Tịnh Âm thấy một vị Đạo Sĩ ( là một vị Phật Độc Giác ) y phục tề chỉnh, bước đi vững chải, sáu căn định tịch tĩnh nên trong tâm rất kính mến, liền thỉnh Ngài về để cúng dường, thưa rằng:

–Từ nay về sau, đối với y phục, ẩm thực, giường nằm, thuốc men, con xin thường xuyên cúng dường. Mong Ngài vì con mà thọ nhận.
Phu nhân Tịnh Âm liền lấy đồ ẩm thực thơm ngon đổ đầy bát để cúng Ngài. Vị đạo sĩ thọ nhận xong, ôm bát bay lên hư không, bảy lần xoay chuyển, rồi bay về chỗ cũ. Khi ấy người trong thành thấy sự thần túc này, bảo rằng:

–Trong nước ta có vị này, sẽ khiến cho chúng ta có phước.

Vì vậy nhân dân cả nước vui mừng hăng hái cúng dường cho Ngài. Phu nhân Tịnh Âm cúng dường cho vị Phật Độc Giác mỗi ngày một nhiều, còn cúng dường cho Bà la môn Diên Như Ðạt ngày một ít.
Diên như đạt tự biết Phu nhân cúng dường cho mình ngày mộït ít, còn vị kia ngày một nhiều, nên mới sanh lòng đố kỵ, bài báng rằng:

–Ðạo sĩ này thật ra chẳng có giới đức gì cả. Vì sao vậy? Vì ông ta cùng Phu nhân Tịnh Âm là điều bất tịnh. Do đó mới khiến bà ta cúng dường cho ông nhiều.

Diên Như Ðạt nói với các đệ tử rằng:

–Ðạo sĩ này Phạm giới, không có hạnh tinh tấn. Vậy các đồng tử hãy trở về nhà mình nói rõ cho mọi người biết rằng: “Gã đạo sĩ này không có hạnh thanh tịnh, tư thông với Phu nhân Tịnh Âm”.
Các đồng tử thưa:

–Dạ vâng!

Rồi như lời thầy nói: “Gã đạo sĩ này thật có tâm dâm dục”.

Bấy giờ các đồng tử thọ giáo đi vào thành, đến các ngõ đường làng tuyên bố rằng:
–Gã đạo sĩ có tâm dâm dục, tư thông với Phu nhân Tịnh Âm.
Khi ấy mọi người trong nước đều nghi hoặc, cho rằng: “Bậc có thần túc như vậy mà có tiếng xấu như vậy sao?”.

Tiếng đồn xấu ấy đến thời gian lâu sau mới chấm dứt.
Sau đó, đến khi vị Phật Độc Giác hiện mười tám cách biến hoá, rồi diệt độ. Lúc ấy mọi người mới biết: Diên Như Ðạt là hư vọng, còn vị Đạo sĩ là thanh tịnh.

Diên Như Ðạt lúc ấy là ai chăng? Ðó chính là thân của Đức Phật vậy. Tịnh Âm lúc ấy chính là Xa Di Bạt. Còn các đồng tử lúc ấy nay là các vị La hán này vậy.

" Lúc ấy vì ta mất sự cúng dường nên mới sanh tâm đố kỵ, ganh ghét, cùng với các ngươi huỷ báng vị Phật Độc Giác. Do nhân duyên đó nên ta và các ngươi cùng vào địa ngục chịu thống khổ. Do tai ương này còn sót lại, nay ta tuy đã làm Phật, cùng với các ngươi vẫn bị Xa Di Bạt huỷ báng."

* Đức Thế Tôn bị đau đầu và dòng họ Thích bị tàn sát:

Một thời đức Phật ở tại con suối lớn tên là A Nậu, cùng với các vị đại Tỳ kheo, đều là bậc A la hán, lục thông, thần túc, chỉ trừ Tỳ kheo là A Nan.
Bấy giờ đức Phật bảo tôn giả Xá Lợi Phất:

–Vào thời quá khứ lâu xa về trước, trong thành lớn của La Duyệt Kỳ, gặp vào lúc nạn thiên tai, lúa thóc khan hiếm, con người đi nhặt xương trắng về đập vụn nấu nước để uống, đào gốc các cây cỏ để ăn sống qua ngày. Lúc ấy người ta lấy một thăng vàng (một phần mười đấu) đổi lấy một thăng thốc.

Khi ấy ở La Duyệt Kỳ có một thôn lớn, có hơn mấy trăm ngôi nhà gọi là Chi Việt. Không xa Phía Ðông cái thôn có một cái hồ rất lớn tên là Ða Ngư. Người của thôn Chi Việt dẫn vợ con đến bên cái hồ lớn nhiều cá ấy, dùng thuyền và lưới vây bắt cá ăn thịt mỗi ngày.

Cá trong hồ mỗi ngày vơi đi, dân thôn phát hiện có một con cá rất to, sống trầm dưới đáy hồ. Vì thiếu ăn, người dân trong thôn tuy có kính sợ. Nhưng số người này bảo với những người kia cứ dùng thật nhiều lưới kết lại với nhau thành một tấm lưới thật dài và rộng lớn, rồi thuyền nối thuyền dùng sức người thật đông để vây bắt.

Khi kéo được cá lên, vì thấy cá quá to, người dân trong thôn vây lại, từng người dùng dao xẻ lấy thịt trên mình cá. Từng khối thịt được xẻ trong khi con cá quần quại vì đau đớn. Cái đau đớn khủng khiếp đó bị kéo dài liên tục trong vài ngày vì người dân trong thôn muốn thịt cá được tươi, giữ lâu không hư nên đã không giết cá chết, mà vẫn để cá nằm trong nước, rồi hôm sau kéo lên xẻ thịt tiếp.

Chính cái đau đớn khủng khiếp đó, nổi uất hận. Mà khi chết đi, đã để lại trong tàng thức của con cá đó một nổi hận to lớn. Và hôm nay nghiệp đã trổ quả, tất cả phải chấp nhận, không thể thay đổi được.

Lúc ấy ta là một cậu bé mới bốn tuổi, thấy cá to thì rất vui, lấy cây đập lên đầu cá như một trò tiêu khiển.

Ðức Phật bảo tôn giả Xá Lợi Phất:

–Ngươi có biết người nam, nữ, bé, lớn của thôn Chi Việt lúc ấy là ai chăng? Ðó là giòng họ Thích của nước Ca Tỳ La Vệ hiện nay vậy. Cậu bé lúc ấy chính là thân của ta bấy giờ. Con cá Phù Ngư lúc đó thì nay là vua Tỳ Lưu Luy.

Nay ta đã được thành quả chánh đẳng chánh giác, nhưng vì nhân duyên còn sót lại kiếp trước, nên vua Tỳ Lưu Luy chinh phạt giòng họ Thích, thì lúc đó ta bị đau đầu.

Vua Tỳ Lưu Luy được Đức Phật nhiều lần khuyên can nhưng tâm thù hận quá sâu nặng, nên vẫn âm thầm trả thù.
Nhân duyên nghiệp báo ngày xưa hội tụ với duyên hiện tại. Do từ bé Ông bị dòng họ Thích sĩ nhục vì là con của một tỳ nữ của họ Thích, đem tráo công chúa gã cho vua nước Ba Tư Nặc, sinh ra hai thái tử đó là Thái tử Kỳ Đà và Thái tử Tỳ Lưu Luy. Sau khi vua Ba Tư Nặc chết, Tỳ Lưu Luy giết em là thái tử Kỳ Đà, đoạt ngôi vua. Sau đó liền đem quân tàn sát dòng họ Thích.
Sau khi vua Tỳ Lưu Luy tàn sát dòng họ Thích. Đức Phật tuyên bố Ông ta sẽ bị lửa thiêu chết trong vòng ba ngày. Lời truyền đến tay Tỳ Lưu Luy, vì quá sợ hãi. Ông cho chuẩn bị một chiếc thuyền lớn có đầy đủ tiện nghi. Rồi cùng quần thần xu nịnh, tỳ tùng xuống thuyền dong ra khơi. Ông ta nghĩ rằng ở giữa biển nước thì sẽ không bao giờ chết cháy. Nhưng quả báo thì không thể né tránh dù lên trời hay xuống biển. Hai ngày trôi qua, tưởng đã yên lặng. Đến đêm thứ ba, lòng háo hức trông trời sáng để tự mãn là sẽ không có chuyện gì có thể xảy đến. Đêm thứ ba ấy, một tỳ nữ chong đèn bị gió thổi mạnh, té ngã người, đánh rơi vở đèn, dầu cá gặp lửa thổi bùng lên. Trong màn đêm say ngủ, chỉ người tỳ nữ lúng túng, la toáng lên. Khi mọi người bừng dậy thì ngọn lửa đã bốc cháy dữ dội. Chỉ trong chốc lát, chiếc thuyền đã thành một ngọn đuốc khổng lồ sáng rực trên mặt biển. Những người biết bơi thay nhau phóng vào lòng biển đen ngòm mưu cầu sự sống. Trên ấy, Ông vua Tỳ Lưu Luy hớt hãi trong đám người loạn xạ gào thét và chìm vào trong biển lửa.

* Đức Phật bị cây giáo đâm chân:

Một thời Phật ở tại Tịnh xá Trúc Viên, La Duyệt Kỳ, cùng với chúng Ðại Tỳ kheo Tăng.

Ðức Thế Tôn vào lúc sáng sớm, mặc y bưng bát cùng với chúng Đại Tỳ kheo Tăng và tôn giả A Nan, cùng vào thành La Duyệt Kỳ để khất thực, đang đến các nhà bỗng thấy một thanh gỗ dài của người đẻo gỗ cứng trong xóm, đang chạy loạn xạ theo bên Phật và đứng ngay trước Ngài.

Ðức Phật liền nghĩ:

–Ðiều này do nhân duyên kiếp trước do chính ta tạo ra, nay ta phải gánh lấy.

Mọi người thấy chuyện lạ đều xúm lại xem. Họ thấy xong, kinh ngạc, la thất thanh.

Ðức Phật lại nghĩ:

–Nay ta nên hiện rõ sự quả báo kiếp trước, cho mọi người thấy, tin và hiểu, để họ không dám tạo điều ác.

Do đó, đức Phật bay lên hư không, cách mặt đất một nhẫn; cây giáo nhọn liền đuổi theo đức Phật cũng cao một nhẫn. Đức Phật bay lên cao hơn, cây giáo cũng luôn đuổi theo.

Ðức Phật cùng chúng Tỳ kheo Tăng ra khỏi thành La Duyệt Kỳ mà cây giáo vẫn đuổi theo đức Phật. Khi ấy có nhiều người trong thành đi theo đức Phật ra khỏi thành.

Đức Thế Tôn bảo mọi người trở về thành, đừng theo Ngài. Riêng Ngài trở về Tinh xá Trúc Viên, tự ở trong phòng bảo các Tỳ kheo:

–Các ngươi hãy trở về phòng mình.

Mọi người vâng lời đều trở về phòng.

Tôn giả A Nan hỏi đức Phật:

–Con sẽ làm gì?

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

–Ngươi cũng trở về phòng của mình.

Tôn giả A Nan trở về phòng.

Ðức Phật liền suy nghĩ:

–Việc này do đời trước ta tự tạo, chắc chắn ta phải gánh lấy. Ngài liền lấy Ðại y, gấp làm bốn lớp, ngồi lên chỗ ngồi cũ. Ðức Phật liền đưa chân mặt ra. Khi ấy cây giáo liền từ gót chân Ngài đưa lên rồi đâm xuống, rồi xuyên qua lòng đất, mất hút.

–Mặt đất bây giờ chấn động, tôn giả A Nan, các Tỳ kheo đều tự nghĩ rằng chắc cây giáo đã gây ra vết thương cho đức Phật rồi!

Khi đức Phật bị cây giáo đâm xong, liền bị đau một cách khổ sở, đau gần đứt hơi thở. Tôn giả A Nan liền đến chỗ đức Phật, thấy cây giáo đâm vào chân Ngài làm bị thương, liền bị ngất, ngã nhào xuống đất. Ðức Phật liền bảo lấy nước rảy lên tôn giả A Nan, tôn giả A Nan tỉnh dậy, đảnh lễ dưới chân đức Phật, xoa vào chân Ngài, khóc lóc rơi lệ nói rằng:

–Ðức Phật nhờ chân này mà đến dưới gốc cây hàng phục ma quân; rồi lên đến cõi trời thứ ba mươi ba thuyết pháp cho mẹ Ngài. Thân của đức Thế Tôn là Kim Cương, do nhân duyên gì mà một cây giáo nhỏ lại làm hại Ngài được?!

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

–Thôi đi, chớ có buồn rầu khóc lóc nữa! Vì nhân duyên của thế gian nên bị luân chuyển sanh tử, mới có khổ hoạn này.

Tôn giả A Nan hỏi đức Phật:

–Nay cái vết thương này gây nên đau nhức, nó sẽ phát triển hay sẽ bớt dần?

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

–Dần dần sẽ bớt.

Khi ấy, tôn giả Xá Lợi Phất dẫn các Tỳ kheo Tăng đến chỗ đức Phật, cúi lạy dưới chân Ngài, rồi đứng qua một bên đau xót.

Bấy giờ trong chúng Tỳ kheo có vị lậu chưa tận, thấy vết thương ấy kêu khóc bi ai, rơi lệ than rằng:

–Ðức Thế Tôn đại từ bi, không có vật nào mà không tế độ, nhưng vì sao lại bị sự đau đớn này?!

Ðức Phật bảo các vị ấy rằng:

–Thôi đi, đừng khóc! Ðời trước tự ta đã tạo ra việc này, nên phải gánh lấy, không thế trốn tránh ở đâu được. Nó cũng không phải do cha tạo ra, cũng không phải do mẹ tạo ra, cũng không phải do vua tạo ra, cũng không phải do trời tạo ra, cũng không phải do Sa môn, Bà la môn tạo ra. Chính ta đã tạo thì nay ta Phải gánh lấy.

Các vị lậu tận, thần thông, đều im lặng suy nghĩ: “Ngày trước đức Phật đã từng nói kệ:

Người đời đã tạo tác
Hoặc làm thiện hay ác
Việc ấy trở lại mình
Không mất, không hư nát.

Bấy giờ Kỳ Bà nghe đức Phật bị cây giáo đâm chân, khóc lóc đi đến chỗ vua A Xà Thế.

Vua A Xà Thế hỏi:

–Vì sao khanh khóc?

Kỳ Bà đáp:

–Tôi nghe đức Phật bị cây giáo đâm chân, nên tôi khóc.


Vua A Xà Thế nghe lời nói ấy xong, từ trên giường chết ngất, rơi xuống đất. Khi ấy, toàn cung điện trong và ngoài đều kinh hoàng, sợ hãi.

Nhà vua đứng dậy, rơi nước mắt, ra lệnh quần thần:

–Hãy mau chuẩn bị xe cộ, ta muốn đến chỗ đức Phật.

Nhà vua liền xa giá, đi ra khỏi thành. Bốn tộc tánh trong thành, thanh tín nam nữ, nghe đức Phật bị cây thương đâm vào chân, vì vậy nhà vua cùng em là Kỳ Bà, với dân chúng trong thành có cả trăm ngàn người, cùng đi đến chỗ đức Phật. Vua xuống xe, cởi mũ, bỏ kiếm, cất lộng, đi bộ đến chỗ đức Phật. Lúc ấy đức Phật đang nằm bên hông Phải.

Nhà vua đảnh lễ đức Phật xong, lấy tay nắm chân đức Phật, xoa nén, miệng thì tự xưng quốc hiệu, tên họ rằng:

–Con là A Xà Thế, vua nước Ma Kiệt, thăm hỏi đức Thế Tôn : “Sự đau nhức của vết thương có giảm chút nào chăng?”.

Ðức Phật trả lời vua A Xà Thế:

–Mong Ðại vương thường được an ổn, trường thọ, không bệnh, vua nên lấy pháp trị dân, đừng hành động phi pháp.

Ðức Phật bảo nhà vua ngồi xuống. Nhà vua liền ngồi. Nhà vua hỏi đức Phật:

–Con theo đức Như Lai được nghe rằng: “Thân của Phật là Kim Cang, không thể huỷ hoại được. Không rõ vì sao bây giờ lại bị cây giáo bằng gỗ đâm vào chân?

Ðức Phật bảo nhà vua:

–Tất cả các pháp đều do nhân duyên mà huỷ hoại. Thân của ta tuy là Kim Cương, gương giáo không thể phá hoại được, nhưng do nhân duyên kiếp trước huỷ hoại.

Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói bài tụng:

Người đời đã tạo tác
Liền tự thấy hành động.
Làm thiện được báo thiện
Làm ác bị báo ác.

Cho nên này Ðại vương! Cần phải học bỏ điều ác, theo đều thiện. Những kẻ ác độc ngu si không học vấn chưa biết chơn đạo, đùa giỡn, coi thường việc tạo tội, về sau phải khóc lóc mà lãnh thọ. Cho nên, này Ðại vương! Không nên vì đùa giỡn mà tạo tội. Vua nên học như vậy!

Nhà vua bảo Kà Bà:

–Ngươi hoà hiệp các thứ thuốc thật tốt rửa vết thương, chữa trị làm cho vết thương của đức Phật mau lành!

Kà Bà thưa:

–Xin vâng!

Kỳ Bà liền đảnh lễ đức Phật, rửa chân Ngài, rồi đắp thuốc để sanh da. Lấy tay xoa bớp chân Ngài, dùng miệng chú nguyện: “Mong đức Phật sống lâu, mong tai hoạn này chóng tiêu trừ, mong cho tất cả chúng sanh được vĩnh viễn thoát khỏi cái khổ”. Ông liền đứng lên đảnh lễ đức Phật, rồi đứng qua một bên.

Đức Phật bảo với Đại chúng và tôn giả Xá Lợi Phất:
Ngày xưa, vô số A tăng kỳ kiếp về trước, bấy giờ có đội khách buôn. Họ đều bỏ chung tiền của, muốn dóng thuyền đi biển, công việc đã xong, mở neo, trương buồm, xuất hành. Gió thổi đưa đi, trên thuyền lúc bấy giờ có người dã tâm, muốn giết hết người trên thuyền đoạt của. Ta biết được dã tâm đó, nên đã ra tay sát hại y. Dùng mâu kích đâm làm cho y gãy chân rồi mạng chung. Mọi việc vẫn chưa diễn ra, ta lại tự ý định đoạt và hành động nên mới có quả báo ngày hôm nay.

Bấy giờ đức Phật vì vua A Xà Thế, tất cả mọi người trong hội, nói Pháp Tứ Ðế.

Khi đức Phật thuyết như vậy, sáu mươi vị Tỳ kheo và những người nghe trong hội, được lậu tận, ý khai mở, được Pháp nhãn thanh tịnh.

* Nhân duyên Ðề Bà Ðạt Ða lăn đá giết Đức Phật:

Ngày xưa vào thời quá khứ, ở thành nọ có một trưởng giả tên là Tu Ðàn, hết sức giàu có của cải, voi ngựa, sản nghiệp đầy đủ. Ông có một người con trai tên là Tu Ma Ðề. Trưởng giả Tu Ðàn bỗng nhiên mạng chung. Tu Ma Ðề có một người em khác mẹ là Tu Da Xá. Lúc ấy Ma Ðề suy nghĩ:”Ta Phải lập kế gì để không cho Tu Da Xá hưởng Phần tài sản”. Tu Ma Ðề lại suy nghĩ: “Chỉ có cách giết nó đi mới khỏi chia gia tài”. Do đó liền bày kế rủ Tu Da Xá leo núi với mình.

Khi ấy Tu Ma Ðề cùng Tu Da Xá đi lên núi. Khi đã lên đến gần mé núi, nơi chổ cao nguy hiểm. Liền gạt Tu Da Xá đến bên, xô người em xuống núi, khiến cho người em chết ngay.

Ðức Phật bảo Tôn giả Xá Lợi Phất:

- Người tên là Tu Ma Ðề lúc ấy thì chính là thân của ta. Người em là Tu

Da Xá lúc ấy thì nay là Ðề Bà Ðạt Ða.

Ðức Phật bảo Tôn giả Xá Lợi Phất:

- Lúc ấy vì ta tham của cải mà giết hại người em. Bây giờ duyên xưa còn sót lại, nay ta tuy đã được thành Ðẳng Chánh giác nhưng không thoát khỏi quả báo đời trước. Ta ở trên núi Kỳ Xà Quật, đang kinh hành trên mặt đất, bị Ðề Bà Ðạt Ða dùng cây nâng tản đá dài sáu trượng, rộng ba trượng, đội lên đầu ta. Khi ấy vị thần cuả núi Kỳ Xà Quật tên là Tỳ La lấy tay chụp đá. Chỉ có một mẫu đá nhỏ rơi trúng ngón chân cái của ta, làm rách da chảy máu.

* Ngài và các vị Tỳ kheo phải ăn mã mạch ( một loại thốc nhuyễn như cám dành cho ngựa ) suốt ba tháng:

Một thời đức Phật ở tại con suối lớn A Nậu, cùng với đại chúng Tỳ kheo, đều là bậc A la hán, đầy đủ lục thông, thần túc.

Bấy giờ, đức Phật bảo tôn giả Xá Lợi Phất:

–Thời quá khứ lâu xa, khi ấy có một vị Phật tên là Tỳ Bà Diếp Như Lai, Chí chơn, Ðẳng chánh giác, Minh hạnh thành, là bậc Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn, ở trong thành Bàn Ðầu Ma Bạt, cùng với chúng Ðại Tỳ kheo là mười sáu vạn tám ngàn vị.

Bấy giờ nhà vua tên là Bàn Ðầu, cùng với quần thần, thứ dân, thanh tín sĩ và thanh tín nữ, đem bốn sự cúng dường cho đức Như Lai Tỳ Bà Diếp cùng với đại chúng chẳng thiếu thứ gì. Khi ấy ở trong thành có một Đạo sĩ tên là Nhân Ðề Kỳ Lợi cũng biết về pháp thuật. Ông dạy học cho chúng đồng tử.

Bấy giờ nhà vua mở hội, trước tiên mời đức Phật, đức Phật im lặng nhận lời. Nhà vua trở về cung chuẩn bị các món ngon bổ và đặt sàn toạ, dùng nệm, thảm bằng nỉ lót sàn nhà.

Nhà vua đến đức Phật bưng lò hương, ở trên toà, quỳ dài bạch rằng:

–Nay đã đúng giờ cúi mong đức Thế Tôn hạ cố.

Khi ấy đức Phật Tỳ Bà Diếp thấy thì giờ đã đến, liền bảo đại chúng mặc y ôm bát, đến phó hội, theo lời thỉnh của nhà vua. Bấy giờ đại chúng vây quanh, đi đến cung vua, rồi ngồi trên toà. Nhà vua liền mời đức Phật và đại chúng thọ thực. Tự tay vua bới sớt thức ăn, các thứ ngon bổ để dâng cúng. Lúc ấy có một Tỳ kheo là Di Lặc bị bệnh, không đến dự được.

Ðức Phật và đại chúng thọ thực xong, liền trở về. Khi trở về, các Ngài có nhận đồ ăn của nhà vua cúng dường cho các Tỳ kheo bệnh. Lúc các Ngài đi ngang qua hòn núi của Phạm chí, ông ta thấy đồ ăn ngon, liền sanh lòng đố kỵ, nói rằng:

– Sa môn trọc đầu này, đúng ra phải ăn lúa của ngựa, chứ không nên cúng dường món ăn ngon bổ này.

Ông bảo các đệ tử:

–Các ngươi thấy gã đạo nhân trọc đầu này ăn toàn đồ ăn ngon bổ chăng?

Các đồng tử thưa:

–Quả thật chúng con có thấy.

Họ nói:

–Thầy trò của bọn người này phải ăn lúa ngựa mới đúng.

Ðức Phật bảo tôn giả Xá Lợi Phất:

–Ngươi có biết người Phạm Chí ở núi là ai chăng? Chính là thân của ta đó. Còn chúng đồng tử lúc đó thì nay là các vị La hán này. Còn Tỳ kheo Di Lặc bị bệnh lúc ấy thì nay là Bồ Tát Di Lặc.

Ðức Phật bảo tôn giả Xá Lợi Phất:

–Lúc ấy vì ta có lòng đố kỵ nó rằng: “Bọn người này không nên ăn những món ăn ngon bổ. Họ nên ăn lúa ngựa mới phải”. Lúc ấy các ngươi cũng nói vậy, do đó ta và các ngươi trải qua vô số năm ở trong địa ngục chịu thống khổ. Nay ta tuy thành Phật, nhưng vì nghiệp duyên sót lại đời trước, nên ta và các ngươi phải ăn lúa ngựa ngót chín mươi ngày tại ấp Tỳ Lan.

Ngươi xem đức Như Lai, các điều ác đã hết, các điều thiện đầy đủ. Với các Trời, Rồng, Quỷ thần, vua Trời Ðế Thích, quần thần nhân dân và chúng sanh, Ngài đều muốn độ thoát. Vậy mà vẫn không tránh khỏi nhân duyên kiếp đời trước này, huống chi bọn ngu si chưa đắc đạo?! Này Xá Lợi Phất! Phải phòng hộ thân, khẩu, ý.



Phần thứ hai : Nghiệp lực đối với A La Hán


 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Tấn Hạnh

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 7 2011
Bài viết
339
Điểm tương tác
375
Điểm
63


Phần thứ hai : Nghiệp lực đối với A La Hán
.



Ai cũng tưởng rằng Thánh Tăng Đại Mục Kiền Liên ( Maha Mog-gallana ) sẽ nhập diệt một cách kỳ diệu, nhất là vị Thánh Tăng này lại là bậc Thượng thừa của các loại thần thông.

Nhưng Ngài đã chấm dứt cuộc đời một cách rất đáng thương, rất cảm động (nếu không muốn nói là ghê rợn). Và chỉ có những bậc Thánh nhơn từ tâm tròn đủ như ngài mới có thể viên tịch bằng một cái chết thảm khốc như thế.

Thánh Tăng Đại Mục Kiền Liên nhập diệt nửa tháng sau Đại đức Xá Lợi Phất ( Sàriputta ). Nghĩa là vào ngày trăng non (mồng 1) (khoảng giữa hai tháng 10 và 11 Dương lịch). Lúc ấy nhằm mùa thu, lá vàng rơi đầy tiễn đưa ngài giã từ “biển khổ”.

Đêm Phật nhập Niết-bàn là đêm trăng tròn tháng 4 (nhằm tháng 5 Dương lịch) tức là nửa năm sau hai vị đại đệ tử viên tịch. Phật hưởng thọ tám mươi tuổi, trong khi cả Thánh Tăng Xá Lợi Phất lẫn Thánh Tăng Đại Mục Kiền Liên đã từ trần năm thứ 84 của kiếp chót.

Sau đây là những biến cố đáng thương trong cái chết của Thánh Tăng Đại Mục Kiền Liên:

Lúc ấy Nathaputta (Ni-kiền-tử), Giáo chủ đạo Lõa thể (Jains: Jinas) mà trong Kinh điển Pali gọi là Niganthasasana (Ni-kiền giáo) cũng vừa qua đời.

Có sự tranh luận, xét lại giáo lý của Ni-kiền-tử , và hàng ngũ những đạo sĩ tu theo môn phái này. Kết quả Ni-kiền giáo (hay còn gọi là đạo Lõa thể) đã bị mất một số tín đồ và cảm tình viên khá đông, khiến cho các đạo sĩ cầm đầu đâm ra tức giận.

Nhiều sư trưởng đạo Lõa thể còn nghe đồn rằng: Đại đức Mục Kiền Liên, sau những chuyến Thiên du (lên trời thuyết pháp rồi trở về) đã tiết lộ rằng: Hầu hết tín đồ Phật giáo đều được sanh lên cõi trên, nhưng rất hiếm những kẻ tu theo đạo khác được hưởng hạnh phúc ấy. Trái lại, họ còn bị đọa vào cảnh khổ và tái sanh thành nhiều sinh vật thấp hơn loài người. Đây có lẽ là tin đồn thất thiệt, nhưng là một trong những lý do khiến cho các đạo khác, kể cả đạo Lõa thể (Ni-kiền giáo) bị sút giảm hậu thuẫn. Đặc biệt, một chi giáo cuồng tín của đạo Lõa thể ở vương quốc Ma-kiệt-đà (Magadha) đã trở nên giận dữ trước sự mất danh tiếng càng lúc càng trầm trọng ấy, nên họ chủ tâm tiêu diệt Đại đức Mục Kiền Liên.

Những đạo sĩ cuồng tín Ni-kiền giáo ấy không chịu điều tra rõ nguyên nhân suy đồi của môn phái mình. Họ chỉ biết âm mưu phỉ báng và trút hết lên đầu Đại đức Mục Kiền Liên. Nhiều lần họ mưu tâm ám sát vị Thánh Tăng ấy nữa nhưng đều thất bại. Về sau, họ phải mướn bọn cướp làm việc đó.

Thuở bấy giờ cũng có bọn chuyên đâm thuê chém mướn, sẵn sàng sát nhân, nếu được trả nhiều tiền như ngày nay. Họ là những kẻ vô cùng tham lam và hung bạo. Đối với họ chỉ có tiền là “cao quý” nhất, nên họ bất chấp việc giết người nào, dù cho nạn nhân là một vị Thánh Tăng! Do đó, một số đạo sĩ cuồng tín Ni-kiền giáo (đạo Lõa thể) liền tìm mướn họ đi giết Đại đức Mục Kiền Liên.

Khi ấy, Mục Kiền Liên đang ẩn tu một mình trong tịnh cốc vắng, ven rừng Kalasika, thuộc vương quốc Ma-kiệt-đà. Đại đức Mục Kiền Liên biết rằng “đoạn chót của đời mình” sắp đến. Một vị Thánh Tăng khi đã được hưởng “hương vị” giải thoát hằng thấy rằng “xác thân phàm tục này chỉ là một chướng ngại hay một gánh nặng mà thôi!”.

Do đó, Đại đức Mục Kiền Liên đã không một chút mảy may nghĩ đến việc dùng thần thông để được sống trường thọ. Ngược lại, khi Đại đức Mục Kiền Liên thấy bọn cướp giết mướn lại gần, ngài chỉ nghĩ “Ta không nỡ để cho các kẻ ấy phạm trọng tội!”. Thế là toàn thân ngài tự nhiên biến mất (do thần thông của một Tôn túc A-la-hán đầy lòng từ bi phát tác, chứ không phải do sự sợ sệt hay lòng tham sống mà ra).

Bọn sát nhân (có sách gọi là bọn cướp) xông vào tịnh cốc, không tìm thấy một ai, chúng lục lạo khắp nơi, nhưng vẫn vô hiệu, bèn thất vọng ra về. Ngày hôm sau, chúng trở lại, và cũng rơi vào tình trạng như cũ. Nghĩa là từ xa chúng thấy Đại đức Mục Kiền Liên thấp thoáng, nhưng khi đến gần, chẳng tìm ra Đại đức đâu cả, mặc dù càng lúc chúng càng kéo đồng bọn đông hơn và lục soát kỹ hơn. Chúng cũng khôn ngoan cho bộ hạ mai phục, rình rập xung quanh tịnh cốc để phát giác sự xuất hiện của Đại đức Mục Kiền Liên, rồi vẫn không có kết quả. Sáu ngày liên tiếp như thế, sáu lần bọn cướp xông vào hãm hại Đại đức Mục Kiền Liên và sáu lần Đại đức Mục Kiền Liên vì lòng từ bi, chỉ một niệm “không muốn kẻ ngu muội phạm trọng tội” thân thể ngài đã biến mất một cách như nhau.

Động lực của thần thông vốn không phải là để bảo vệ xác thân ô trược này, mà để cứu độ những tâm hồn hung bạo. Nhưng tiếc thay thần thông ấy của một vị đại Tôn túc A-la-hán đã không cảnh tỉnh được bọn người tội lỗi, nên qua ngày thứ bảy, Đại đức Mục Kiền Liên đã quán xét bằng Tha tâm thông, thấy rằng “bọn cướp vì tham tiền quá độ sẽ không bao giờ từ bỏ hành động sát nhân ấy”.

Trong khiĐại đức Mục Kiền Liên sử dụng Tha tâm thông như thế, thì “Di thần” thần công của ngài tự nhiên biến mất, xác thịt ngài bất thần hiện lại như cũ, ngồi yên trong tịnh cốc.

Thì ra ác quả một hành động tội lỗi xa xưa (khi tiền kiếp nọ, Đại đức Mục Kiền Liên vì sợ vợ, đã nhu nhược đem cha mẹ bỏ vào rừng hoang, đói khát cho đến chết) nay ác quả đang đuổi kịp. Đại đức Mục Kiền Liên phải trả xong ác quả ấy thì công hạnh mới hoàn toàn! Giống như Đức Phật và Đại đức Xá Lợi Phất, trước khi nhập Niết-bàn đã trải qua một cơn bệnh vậy!

Bọn sát nhân tiến vào tịnh cốc thấy vị Thánh Tăng hiền hòa ngồi đó, liền đâm chết rồi muốn chắc ăn chúng bầm nát tay chân, biến người thành một khối thịt vụn bất động.

Khi biết chắc nạn nhân chỉ còn là một thây ma, không cách nào sống lại, và phe mình sắp được lãnh tiền trả công, bọn sát nhân ung dung bỏ đi không thèm quay lại.

Nhưng Đại đức Mục Kiền Liên là một Thánh Tăng đại Tôn túc thần thông, người không thể nhập Niết-bàn trong tình trạng như thế. Đại đức Mục Kiền Liên trong khi bị đâm chém đã hoàn toàn nhập định, nên mọi đau đớn không chi phối được ngài. Bây giờ, ngài chỉ vận dụng thiền lực tập trung sức mạnh tinh thần điều hợp với thể chất, rồi tái hiện thành một Sa-môn như cũ. Đại đức Mục Kiền Liên cố gắng đem tấm thân xương thịt đầy thương tích đến yết kiến Đức Phật lần chót. Khi hiện diện trước mặt Đức Phật, ngài từ từ quỳ xuống, đảnh lễ đức Thiên Nhơn Sư, rồi ngồi yên, nhắm mắt lìa đời, biến địa điểm gặp gỡ lần cuối của ngài và Đức Phật thành một khung cảnh vô cùng ảm đạm và Thánh thiện. [FONT=&quot](Theo Jàtaka 522E).[/FONT]

Tư cách từ bi đối với những kẻ ác tìm kiếm hạ sát mình, và phẩm hạnh giải thoát mà vị Thánh Tăng này đã đạt được từ khi ngài chứng bậc A-la-hán quả thật đã không rời ngài cho đến phút chót. Phẩm hạnh ấy đã gói trọn bảy ngày sống sau cùng của Mahà Moggallàna. Bảy ngày quá khắc nghiệt của định luật nhân quả và tràn trề lòng Từ bi của một bậc Thánh. Một khoảng thời gian tàn khốc của kiếp sống đầy đe dọa, chỉ có những bậc đã dứt trừ phiền não và không còn dục vọng mới có thể trải qua một cách dễ dàng! Nghiệp tạo tác trong quá khứ phải trổ quả trong hiện tại là một điều tự nhiên. Người phàm hay Thánh nhơn chỉ khác nhau ở cách đón nhận cái quả ấy. Nếu phàm tục đón nhận hậu quả một cách si mê thì Thánh nhơn nhìn thấy hậu quả một cách sáng suốt thanh tịnh.

( Trích trong
Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN )


A LA HÁN là quả thoát sinh tử, chứng Niết Bàn tại tâm. Ngay đời sống hiện tiền, báo thân chưa xả bỏ đã sống được với Niết Bàn tĩnh lặng.

Nhưng báo thân thì vẫn chịu luật nghiệp quả tác động. Có thể dùng thần thông để lẫn tránh, nhưng các Ngài vẫn chấp nhận trả, dù biết là có thể tránh được.

+ Một là tránh bằng cách Tịch luôn- nhập Niết Bàn tịch diệt, thoát khỏi sanh tử nghiệp báo không còn vướng bận..

+ Hai là trốn ( vận thần thông hay chạy chổ khác trốn ) ngày này qua ngày khác, chổ này qua chổ khác, cứ thế mà trốn chạy khi báo thân chưa xả bỏ ? Nếu trốn như vậy thì sao gọi là giác ngộ? Sao gọi là chứng đắc như như, muôn pháp đều không?. Và càng không đúng với luật nhân quả! Các Ngài biết nhưng vẫn nhận lấy, vì trách nhiệm không trốn chạy, làm đúng với luật nhân quả mà mình đã chứng ngộ. Thể hiện tinh thần chánh pháp, không sợ hãi khi đối diện với nhân quả. Hình ảnh của Ngài thể hiện cũng là tấm gương tu học nhắc nhở cho đời sau về sức mạnh của nhân quả và làm sáng tỏ tinh thần luật nhân quả mà Đức Phật đã thuyết dạy.

Khi phân tích truyện nhân quả của Thánh Tăng Đại Mục Kiền Liên, có hai nhận định được đưa ra:

Một nhận định nói rằng Ngài Mục Kiền Liên dụng thần thông khi gặp nạn thì thần thông mất, không sử dụng được vì lúc đó nghiệp báo đã đến. Thần thông tự mất không dụng được.

Hai là nhận định rằng Ngài biết trước chuyện sẽ xảy ra cho mình nên có khả năng vận dụng thần thông để tránh. Nhưng một vị A LA HÁN không thể sợ chết mà dùng thần thông để tránh nghiệp báo ngày này qua ngày khác, lần này qua lần khác ( không giống như chúng ta được ! ) không thể là hình ảnh của một vị A LA HÁN giác ngộ. Nên ngày chấp nhận trả nghiệp báo mà không dùng đến thần thông của mình. Và Đức Phật đã nói với đại chúng như thế, và bảo với Đại Chúng rẳng, Ngài Mục kiền Liên đã biết trước tất cả.


Khi đắc quả A LA HÁN, các vị có thể kéo dài mạng sống của mình theo như mong muốn ( hạng định tùy theo các Ngài ), nhưng kéo dài là có chủ ý theo chánh pháp. Vì Mục Đích độ chúng sanh ( như Đức Phật từng bảo với Ngài A Nan về thời gian tịch diệt của Đức Phật, và chờ Ngài A Nan thỉnh cầu xin Đức Phật lưu lại nữa để độ chúng sanh. Nếu không vì thỉnh cầu thì Như Lai sẽ không ở lại, thể hiện tinh thần vì lợi ích chúng sanh, lợi ích số đông mà ở lại. Nhưng tiếc thay khi đó Ngài A Nan đã bị Ma vương che khuất làm Ngài không nghe thấy Đức Phật nói gì sau ba lần như thế, và chúng sanh mất đi cơ hội được Đức Phật lưu trú lại nhân gian thêm một thời gian lợi lạc ).

Ngài MA HA CA DIẾP vì vâng lời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà lưu trú lại nhân gian ( ẩn mình trong núi Kê Túc như Kinh mô tả ) chờ ngày trao Y Bát của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho Đức Phật Di Lặc sau này xuất hiện độ chúng sanh. Cũng đúng với tinh thần vì đạo và chúng sanh mà lưu lại nhân gian.


 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên