SÁT GIỚI
Sát giới là một tiêu đề làm cho Phật tử bận tâm rất nhiều . Đây là một cứ điểm cho ngoại giáo tấn công . Tuy sự tấn công của họ như cơn cuồng lũ nhưng nó cũng tan như những gợn sóng tàn .
Trước hết, ta hãy củng cố quan niệm cơ bản cổ điển trước.
Phi Vân
-------------------------------
Phàm các loài sanh từ trứng, thai, ẩm, hóa, tánh vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết đâu khác. Chỉ do tạo nghiệp kết oán, nên thọ tên khác hiệu khác. Ngày trước vốn kiếp người, nay sanh đàn giống khác nhau. Hoặc là bạn bè, hoặc là anh em. Thay đổi áo xiêm đai mũ, biến làm mai vảy cánh lông. Vợ quên chồng, chồng quên vợ, con trái cha, cha trái con. Đã thấy đổi đầu khác mặt, lôi về mổ bụng chặt chân. Luống lo tham sống sợ chết, lại không một lời kêu đau khổ. Ngươi giết nó, nó giết ngươi, hắn ăn nó, nó ăn lại hắn, hằng không ngày dứt, mải tạo oan trái. Kiếp kiếp trả nhau, đời đời thù nhau.
Người quay đầu liền đến quê nhà, kẻ phóng tâm hằng chìm địa ngục.
Sách Nho dạy: “Thi ân bố đức.”
Kinh Đạo dạy: “Ái vật háo sanh.”
Phật chỉ cấm sát là giữ giới, ngươi phải để ý tuân hành chớ phạm.
Kệ rằng:
Cánh lông mai vảy trọn hàm linh,
Sợ chết tham sanh nào khác tình.
Từ trước Thánh hiền lòng chẳng nỡ,
Đâu cam thấy chết vẫn tham sanh.
Vua Trần Thái Tôn
------------------------------------------
Diễn Ý (H.T. Thanh Từ)
NĂM GIỚI
Trong bài Năm Giới ngài Trần Thái Tông nhắc nhở người cư sĩ tại gia, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng rất lớn với người xuất gia.
Ảnh hưởng ở hai mặt:
1) Năm giới là căn bản của người xuất gia, nếu thọ Sa-di, Năm giới là đầu trong Mười giới Sa-di, nếu thọ Tỳ-kheo, bốn giới đầu trong Năm giới là Tứ Ba-la-di của Tỳ-kheo.
2) Người xuất gia lấy Năm giới làm căn bản để hướng dẫn Phật tử tu hành, nếu chúng ta không hiểu rành thì sự hướng dẫn không đầy đủ. Thế nên Năm giới là nền tảng của Phật tử tại gia, cũng là trợ duyên lớn cho người xuất gia. Vậy Tăng Ni và Phật tử học Năm giới đều có lợi ích.
SÁT GIỚI
“Phàm các loài sanh từ trứng, thai, ẩm, hóa, tánh vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết đâu khác. Chỉ do tạo nghiệp, kết oán, nên thọ tên khác, hiệu khác.”
Mở đầu ngài Trần Thái Tông chỉ rõ tai hại của sự sát sanh. Trong bốn loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh tuy hình tướng khác nhau song tánh vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết không có khác. Chỉ do tạo nghiệp thiện ác sai biệt nên thọ tên khác, hiệu khác, tỷ dụ như tên người, tên súc sanh..., nghiệp có sai biệt chớ thể tánh không khác.
“Ngày trước vốn loài người, nay sanh đàn giống khác nhau.” Như hiện giờ cùng làm người, nhưng kẻ tạo nghiệp thiện, người tạo nghiệp ác. Sau kiếp này, khi sanh trở lại, chúng ta hoặc làm người hoặc làm súc sanh, hay các loài khác... Chúng ta có phước làm người được đầy đủ sáu căn và đủ tất cả nhu cầu, các loài khác thiếu phước hơn phải sanh làm loài vật bị đọa đày khổ sở.
“Hoặc là bạn bè, hoặc là anh em. Thay đổi áo xiêm đai mũ, biến làm mai vảy cánh lông.” Trong đời này hoặc là bạn bè anh em, qua đời khác thay đổi hình thức cũ, có người biến thành loài rùa loài trạnh có mai, hoặc biến thành loài cá loài trăn có vảy, hay loài chim có cánh có lông... Tuy đời này cùng là người, song kiếp tới biến thành khác loại. Lúc ấy còn nhớ nhau không? Thế nên:
“Vợ quên chồng, chồng quên vợ, con trái cha, cha trái con.” Khi xưa là vợ chồng, đổi qua kiếp khác mang hình thức khác, nên quên nhau, cha con cũng không biết được nhau. Vì thế xảy ra những chuyện:
“Đã thấy đổi đầu khác mặt, lôi về mổ bụng chặt chân.” Vì thay đổi đầu mặt, đâu còn nhớ nhau nữa, nên khi xưa là người thân của mình, bây giờ sanh làm gà vịt, mình mổ bụng chặt chân không chút xót thương.
“Luống lo tham sống sợ chết, lại không một lời kêu đau khổ.” Nghe câu này thật là đau đớn! Con vật nào cũng tham sống sợ chết. Như khi gà vịt bị cắt cổ thì giẫy giụa, hay bò lợn bị bắt đem làm thịt thì kêu la, chúng ta đâu có màng tới, chúng tham sống sợ chết, lại không một lời kêu đau khổ vì không biết nói cho người thấu hiểu. Chúng ta không biết nỗi đau đớn của chúng nên sẵn sàng giết không chút xót thương. Mình giết nó, nó oán hận mình. Vì vậy:
“Ngươi giết nó, nó giết ngươi, hắn ăn nó, nó ăn hắn, hằng không ngày dứt, mải tạo oan trái. Kiếp kiếp trả nhau, đời đời thù nhau.” Bây giờ chúng ta giết con vật, nó không giết được mình thì kiếp sau nó sẽ trả thù lại. Ngày nay mình ăn nó thì ngày sau nó ăn lại mình. Cứ ăn nuốt lẫn nhau mãi không có ngày thôi dứt nên oan trái đời kiếp nối tiếp luôn. Như người đập đầu bò, nó oán hận, khi được trở lại làm người, nó chỉ muốn giết lại người đã đập nó. Tại sao người lại muốn giết người? Vì hận đời trước đã gieo, kiếp này gặp lại chỉ muốn giết nhau. Vậy một khi gây oán hận cho ai thì sau này mình phải đền trả khó mà trốn tránh được. Như mình giết loài vật để được ăn ngon thích miệng, kiếp sau nó cũng giết lại mình để được ăn ngon thích miệng.
“Người quay đầu liền đến quê nhà, kẻ phóng tâm hằng chìm địa ngục.” Câu này có tánh cách thiền. Nếu biết quay đầu trở lại liền đến quê nhà, tức là không để tâm đuổi theo dục lạc hay sáu trần thế gian, thì chúng ta thấy được cái chân thật của mình, đó là quê nhà muôn thuở. Quê nhà sẵn có của mình chỉ cần một phen quay đầu nhìn lại thì thấy, chớ không phải là xa. Còn kẻ phóng tâm hằng chìm địa ngục. Nếu người nào hay phóng tâm chạy theo ngoại cảnh, đó là nhân chìm trong địa ngục. Trong câu hết sức gọn này chúng ta thấy rõ ràng hai mặt. Một bên là người tỉnh biết quay đầu trở lại quan sát chính mình để dẹp bỏ những vọng tưởng điên đảo, đó là người trở về quê nhà. Một bên là kẻ mê buông tâm chạy theo ngoại cảnh, sáu trần, đó là nhân để chìm trong địa ngục.
Ngài Trần Thái Tông dẫn chứng: “Sách Nho dạy: Thi ân bố đức. Kinh Đạo dạy: Ái vật háo sanh. Phật chỉ cấm sát là giữ giới, ngươi phải để ý tuân hành chớ phạm.” Đoạn này nói đến ba phần: Nhà Nho dạy: Làm người phải thi ân bố đức, tức là đối với người và các loài vật chúng ta phải đem ân đức ban rải khắp tất cả. Kinh Đạo tức Lão giáo dạy: Ái vật háo sanh. Đối với loài vật mình phải biết thương và biết quí sanh mạng của nó (háo sanh là thích sanh), đừng giết hại nó. Như vậy nhà Nho với Lão giáo nói đơn giản mà hay. Còn Phật giáo dạy thế nào? Phật chỉ cấm sát là giữ giới, lời dạy tuy không văn chương nhưng rất cụ thể. Không nói thương quí, không nói ban ân bố đức, Phật chỉ bảo đừng giết. Lời nói thẳng, đơn giản và thực tế, có tánh cách bắt buộc. Thế nên khi vào đạo, giới đầu tiên là cấm sát sanh tức không được giết hại chúng sanh, đó là háo sanh, đó là thi ân bố đức rồi. Vì thế:
“Ngươi phải để ý tuân hành chớ phạm.” Phạm giới là có tội, phạm giới tức là sát hại chúng sanh.
Lời nói thực tế, không phải lời nói rỗng nói suông. Thế nên trong nhà Phật chúng ta thấy dường như có sự khắt khe bắt buộc giữ giới. Sự thật vì muốn tâm chúng ta lương thiện, đầy đủ phước đức nên đức Phật cấm sát sanh, chúng ta sợ không dám làm những tội ác, đó là chúng ta ái vật, háo sanh rồi.
Để kết thúc, ngài Trần Thái Tông làm bài kệ:
Cánh lông mai vảy trọn hàm linh,
Sợ chết tham sanh nào khác tình.
Từ trước Thánh hiền lòng chẳng nỡ,
Đâu cam thấy chết vẫn tham sanh.
Những loài có cánh có lông, có mai, có vảy, tất cả đều là hàm linh. Hàm linh là những chúng sanh có chứa sẵn tánh linh nơi mình, dù cho khác loại song đều sẵn một tánh linh. Tất cả đều tham sống sợ chết như nhau, kể cả loài người cũng vậy.
Những bậc Thánh hiền ngày xưa lòng không nỡ làm cho chúng sanh chết khi thấy chúng tham sống như mình. Chúng ta biết tham sống không muốn chết, các loài vật cũng vậy, nếu ép chúng chết, đó là tàn nhẫn, là ác tâm.
Đây là bài răn về giới sát. Nếu chúng ta không có tâm giết hại chúng sanh, đó là tâm thi ân bố đức, thương vật háo sanh. Như thế chúng ta đã ngừa tránh được tội lỗi, không gây oan trái để phải đền trả và chịu khổ ở đời sau. Vì vậy đức Phật dạy muốn đời này đời sau đều an vui thì chúng ta đừng sát hại chúng sanh.
---------------------------------
Sát giới là một tiêu đề làm cho Phật tử bận tâm rất nhiều . Đây là một cứ điểm cho ngoại giáo tấn công . Tuy sự tấn công của họ như cơn cuồng lũ nhưng nó cũng tan như những gợn sóng tàn .
Trước hết, ta hãy củng cố quan niệm cơ bản cổ điển trước.
Phi Vân
-------------------------------
Phàm các loài sanh từ trứng, thai, ẩm, hóa, tánh vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết đâu khác. Chỉ do tạo nghiệp kết oán, nên thọ tên khác hiệu khác. Ngày trước vốn kiếp người, nay sanh đàn giống khác nhau. Hoặc là bạn bè, hoặc là anh em. Thay đổi áo xiêm đai mũ, biến làm mai vảy cánh lông. Vợ quên chồng, chồng quên vợ, con trái cha, cha trái con. Đã thấy đổi đầu khác mặt, lôi về mổ bụng chặt chân. Luống lo tham sống sợ chết, lại không một lời kêu đau khổ. Ngươi giết nó, nó giết ngươi, hắn ăn nó, nó ăn lại hắn, hằng không ngày dứt, mải tạo oan trái. Kiếp kiếp trả nhau, đời đời thù nhau.
Người quay đầu liền đến quê nhà, kẻ phóng tâm hằng chìm địa ngục.
Sách Nho dạy: “Thi ân bố đức.”
Kinh Đạo dạy: “Ái vật háo sanh.”
Phật chỉ cấm sát là giữ giới, ngươi phải để ý tuân hành chớ phạm.
Kệ rằng:
Cánh lông mai vảy trọn hàm linh,
Sợ chết tham sanh nào khác tình.
Từ trước Thánh hiền lòng chẳng nỡ,
Đâu cam thấy chết vẫn tham sanh.
Vua Trần Thái Tôn
------------------------------------------
Diễn Ý (H.T. Thanh Từ)
NĂM GIỚI
Trong bài Năm Giới ngài Trần Thái Tông nhắc nhở người cư sĩ tại gia, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng rất lớn với người xuất gia.
Ảnh hưởng ở hai mặt:
1) Năm giới là căn bản của người xuất gia, nếu thọ Sa-di, Năm giới là đầu trong Mười giới Sa-di, nếu thọ Tỳ-kheo, bốn giới đầu trong Năm giới là Tứ Ba-la-di của Tỳ-kheo.
2) Người xuất gia lấy Năm giới làm căn bản để hướng dẫn Phật tử tu hành, nếu chúng ta không hiểu rành thì sự hướng dẫn không đầy đủ. Thế nên Năm giới là nền tảng của Phật tử tại gia, cũng là trợ duyên lớn cho người xuất gia. Vậy Tăng Ni và Phật tử học Năm giới đều có lợi ích.
SÁT GIỚI
“Phàm các loài sanh từ trứng, thai, ẩm, hóa, tánh vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết đâu khác. Chỉ do tạo nghiệp, kết oán, nên thọ tên khác, hiệu khác.”
Mở đầu ngài Trần Thái Tông chỉ rõ tai hại của sự sát sanh. Trong bốn loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh tuy hình tướng khác nhau song tánh vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết không có khác. Chỉ do tạo nghiệp thiện ác sai biệt nên thọ tên khác, hiệu khác, tỷ dụ như tên người, tên súc sanh..., nghiệp có sai biệt chớ thể tánh không khác.
“Ngày trước vốn loài người, nay sanh đàn giống khác nhau.” Như hiện giờ cùng làm người, nhưng kẻ tạo nghiệp thiện, người tạo nghiệp ác. Sau kiếp này, khi sanh trở lại, chúng ta hoặc làm người hoặc làm súc sanh, hay các loài khác... Chúng ta có phước làm người được đầy đủ sáu căn và đủ tất cả nhu cầu, các loài khác thiếu phước hơn phải sanh làm loài vật bị đọa đày khổ sở.
“Hoặc là bạn bè, hoặc là anh em. Thay đổi áo xiêm đai mũ, biến làm mai vảy cánh lông.” Trong đời này hoặc là bạn bè anh em, qua đời khác thay đổi hình thức cũ, có người biến thành loài rùa loài trạnh có mai, hoặc biến thành loài cá loài trăn có vảy, hay loài chim có cánh có lông... Tuy đời này cùng là người, song kiếp tới biến thành khác loại. Lúc ấy còn nhớ nhau không? Thế nên:
“Vợ quên chồng, chồng quên vợ, con trái cha, cha trái con.” Khi xưa là vợ chồng, đổi qua kiếp khác mang hình thức khác, nên quên nhau, cha con cũng không biết được nhau. Vì thế xảy ra những chuyện:
“Đã thấy đổi đầu khác mặt, lôi về mổ bụng chặt chân.” Vì thay đổi đầu mặt, đâu còn nhớ nhau nữa, nên khi xưa là người thân của mình, bây giờ sanh làm gà vịt, mình mổ bụng chặt chân không chút xót thương.
“Luống lo tham sống sợ chết, lại không một lời kêu đau khổ.” Nghe câu này thật là đau đớn! Con vật nào cũng tham sống sợ chết. Như khi gà vịt bị cắt cổ thì giẫy giụa, hay bò lợn bị bắt đem làm thịt thì kêu la, chúng ta đâu có màng tới, chúng tham sống sợ chết, lại không một lời kêu đau khổ vì không biết nói cho người thấu hiểu. Chúng ta không biết nỗi đau đớn của chúng nên sẵn sàng giết không chút xót thương. Mình giết nó, nó oán hận mình. Vì vậy:
“Ngươi giết nó, nó giết ngươi, hắn ăn nó, nó ăn hắn, hằng không ngày dứt, mải tạo oan trái. Kiếp kiếp trả nhau, đời đời thù nhau.” Bây giờ chúng ta giết con vật, nó không giết được mình thì kiếp sau nó sẽ trả thù lại. Ngày nay mình ăn nó thì ngày sau nó ăn lại mình. Cứ ăn nuốt lẫn nhau mãi không có ngày thôi dứt nên oan trái đời kiếp nối tiếp luôn. Như người đập đầu bò, nó oán hận, khi được trở lại làm người, nó chỉ muốn giết lại người đã đập nó. Tại sao người lại muốn giết người? Vì hận đời trước đã gieo, kiếp này gặp lại chỉ muốn giết nhau. Vậy một khi gây oán hận cho ai thì sau này mình phải đền trả khó mà trốn tránh được. Như mình giết loài vật để được ăn ngon thích miệng, kiếp sau nó cũng giết lại mình để được ăn ngon thích miệng.
“Người quay đầu liền đến quê nhà, kẻ phóng tâm hằng chìm địa ngục.” Câu này có tánh cách thiền. Nếu biết quay đầu trở lại liền đến quê nhà, tức là không để tâm đuổi theo dục lạc hay sáu trần thế gian, thì chúng ta thấy được cái chân thật của mình, đó là quê nhà muôn thuở. Quê nhà sẵn có của mình chỉ cần một phen quay đầu nhìn lại thì thấy, chớ không phải là xa. Còn kẻ phóng tâm hằng chìm địa ngục. Nếu người nào hay phóng tâm chạy theo ngoại cảnh, đó là nhân chìm trong địa ngục. Trong câu hết sức gọn này chúng ta thấy rõ ràng hai mặt. Một bên là người tỉnh biết quay đầu trở lại quan sát chính mình để dẹp bỏ những vọng tưởng điên đảo, đó là người trở về quê nhà. Một bên là kẻ mê buông tâm chạy theo ngoại cảnh, sáu trần, đó là nhân để chìm trong địa ngục.
Ngài Trần Thái Tông dẫn chứng: “Sách Nho dạy: Thi ân bố đức. Kinh Đạo dạy: Ái vật háo sanh. Phật chỉ cấm sát là giữ giới, ngươi phải để ý tuân hành chớ phạm.” Đoạn này nói đến ba phần: Nhà Nho dạy: Làm người phải thi ân bố đức, tức là đối với người và các loài vật chúng ta phải đem ân đức ban rải khắp tất cả. Kinh Đạo tức Lão giáo dạy: Ái vật háo sanh. Đối với loài vật mình phải biết thương và biết quí sanh mạng của nó (háo sanh là thích sanh), đừng giết hại nó. Như vậy nhà Nho với Lão giáo nói đơn giản mà hay. Còn Phật giáo dạy thế nào? Phật chỉ cấm sát là giữ giới, lời dạy tuy không văn chương nhưng rất cụ thể. Không nói thương quí, không nói ban ân bố đức, Phật chỉ bảo đừng giết. Lời nói thẳng, đơn giản và thực tế, có tánh cách bắt buộc. Thế nên khi vào đạo, giới đầu tiên là cấm sát sanh tức không được giết hại chúng sanh, đó là háo sanh, đó là thi ân bố đức rồi. Vì thế:
“Ngươi phải để ý tuân hành chớ phạm.” Phạm giới là có tội, phạm giới tức là sát hại chúng sanh.
Lời nói thực tế, không phải lời nói rỗng nói suông. Thế nên trong nhà Phật chúng ta thấy dường như có sự khắt khe bắt buộc giữ giới. Sự thật vì muốn tâm chúng ta lương thiện, đầy đủ phước đức nên đức Phật cấm sát sanh, chúng ta sợ không dám làm những tội ác, đó là chúng ta ái vật, háo sanh rồi.
Để kết thúc, ngài Trần Thái Tông làm bài kệ:
Cánh lông mai vảy trọn hàm linh,
Sợ chết tham sanh nào khác tình.
Từ trước Thánh hiền lòng chẳng nỡ,
Đâu cam thấy chết vẫn tham sanh.
Những loài có cánh có lông, có mai, có vảy, tất cả đều là hàm linh. Hàm linh là những chúng sanh có chứa sẵn tánh linh nơi mình, dù cho khác loại song đều sẵn một tánh linh. Tất cả đều tham sống sợ chết như nhau, kể cả loài người cũng vậy.
Những bậc Thánh hiền ngày xưa lòng không nỡ làm cho chúng sanh chết khi thấy chúng tham sống như mình. Chúng ta biết tham sống không muốn chết, các loài vật cũng vậy, nếu ép chúng chết, đó là tàn nhẫn, là ác tâm.
Đây là bài răn về giới sát. Nếu chúng ta không có tâm giết hại chúng sanh, đó là tâm thi ân bố đức, thương vật háo sanh. Như thế chúng ta đã ngừa tránh được tội lỗi, không gây oan trái để phải đền trả và chịu khổ ở đời sau. Vì vậy đức Phật dạy muốn đời này đời sau đều an vui thì chúng ta đừng sát hại chúng sanh.
---------------------------------