1. Phân tích câu "Vạn pháp duy tâm tạo"
Nghĩa của câu này là mọi pháp đều do Tâm sanh.
- Pháp: là hiện tượng nói chung, hiên tượng sanh diệt và hiện tượng bất sanh bất diệt, hiện tượng chúng sanh, hiện tượng Phật,.....
- Mọi pháp do tâm sanh thì Tâm đó không phải là pháp nào hết. Vì nếu tâm chỉ là một pháp nào đó thì chỉ ở riêng biệt với pháp đó không thể có mặt ở các pháp khác, nên không thể sanh ra pháp nào khác. Như vậy, tâm sanh muôn pháp phải là Tâm Bản Nhiên xưa nay không một vật, vô tướng mà chúng ta thường nghe nói.
- Nhưng Tâm Bản Nhiên đã không một vật thì làm sao sanh vật (pháp nói chung). Nghĩa là bản thân mỗi một Tâm Bản Nhiên thì không có bất kì hình dáng hay tướng trạng gì, không mặc định một điều gì cả và chỉ nếu trơ trọi một mình nó thì không có bất kì hiện tượng gì cả từ nó. Vậy làm sao Tâm Bản Nhiên này lại có thể sanh pháp (có chúng ta hiện nay)?
Trả lời: Tâm Bản Nhiên này với Tâm bản Nhiên kia gặp nhau mà sanh pháp mà chỉ có hai trạng thái: sanh diệt, hoặc Niết Bàn. Nói cách khác "Mọi Tâm Bản Nhiên không nằm ngoài nhau" nên xuất sanh các pháp, hoặc sanh diệt, hoặc bất sanh bất diệt (Niết Bàn). Như vậy ai nói "mọi pháp đều do một mình Tâm tôi (tâm niệm, cả tâm bản nhiên) sanh ra là không đúng Chánh Pháp và thực tế.
Tâm Bản Nhiên này với Tâm bản Nhiên kia gặp nhau nhưng Tâm Bản Nhiên này không rõ biết về chính nó và Tâm Bản Nhiên khác thì đó gọi là Vô Minh, xuất sanh hiện tượng dị biệt và xoay chuyển không ngừng, đó là sự xuất sanh pháp sanh diệt.
Tâm Bản Nhiên này với Tâm bản Nhiên kia gặp nhau nhưng Tâm Bản Nhiên này rõ biết về chính nó và Tâm Bản Nhiên khác, vốn vắng lặng vô sanh không hề có dị biệt thì đó là giác ngộ thành Phật, nơi đó không có hiện tượng dị biệt, bất sanh bất tử, gọi là xuất sanh pháp Niết Bàn.
2. Đất đá cỏ cây do đâu mà sanh? Chúng sanh là gì?
Như trên đã nói "Tâm Bản Nhiên này với Tâm bản Nhiên kia gặp nhau nhưng Tâm Bản Nhiên này không rõ biết về chính nó và Tâm Bản Nhiên khác thì đó gọi là Vô Minh, xuất sanh hiện tượng dị biệt và xoay chuyển không ngừng, đó là sự xuất sanh pháp sanh diệt. " Nhóm Tâm Bản Nhiên khi giao tiếp không rõ biết mà xuất sanh hiện tượng sanh diệt, gọi là chúng sanh. Nhóm Tâm Bản Nhiên không như vậy, gọi là Phật. Theo định nghĩa này thì Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác vẫn trong nhóm chúng sanh, tuy nhiên với luân hồi đã tự tại.
Hiện tượng cỏ cây đất đá thuộc nhóm hiện tượng sanh diệt, trong nhóm Vô Minh, cụ thể là trạng thái "không biết gì hết", tức chưa có yếu tố thức tánh trong nó. Chúng được gọi là vô tình chúng sanh.
Như vậy, chỉ do rõ biết hay chưa rõ biết cái Tâm Bản Nhiên mà xuất sanh tất cả các hiện tượng từ vô tình chúng sanh, hữu tình chúng sanh, Thánh hóa độ chúng sanh, Phật.