Thiền sư Bổn Tịnh
(667 - 761)
Sư họ Trương, quê ở Ráng Châu, xuất gia từ thuở ấu thơ. Sau Sư đến tham học với Lục tổ Huệ Năng được Tổ truyền tâm.
Kinh Tịnh Danh nói:
“Bốn đại không chủ, thân cũng không ngã, chỗ thấy không ngã, cùng đạo tương ưng.”
Đại đức nếu cho tứ đại có chủ là ngã, nếu thấy có ngã thì cùng kiếp không thể hội đạo.
Lần này ngài Bổn Tịnh dẫn kinh Duy-ma-cật: thân tứ đại vốn là vô thường, duyên hợp, không có chủ thể, nếu thấy được như vậy chính là thấy đạo.
Bằng ngược lại cái không thật mà chấp là thật, cái vô thường mà chấp thường là si mê, thiếu trí tuệ thì làm sao thấy đạo.
Viễn nghe nói thất sắc lặng lẽ rút lui.
Sư có bài kệ:
Tứ đại vô chủ phục như thủy,
Ngộ khúc phùng trực vô bỉ thử.
Tịnh uế lưỡng xứ bất sanh tâm,
Ủng quyết hà tằng hữu nhị ý.
Xúc cảnh đản tợ thủy vô tâm,
Tại thế tung hoành hữu hà sự?
Dịch:
Bốn đại không chủ cũng như nước,
Dù gặp cong ngay chẳng kia đây.
Hai nơi nhơ sạch tâm không sanh,
Thông bít chưa từng có hai ý.
Xúc cảnh chỉ như nước không tâm,
Ở thế tung hoành nào có việc?
Một đại như thế, bốn đại cũng vậy.
Nếu rõ bốn đại không chủ tức ngộ không tâm.
Nếu rõ không tâm tự nhiên hợp đạo.
Sống bình thường, lòng không vướng mắc các cảnh.
Cảnh là cảnh, mình là mình.
Cả hai bên đều sống với tinh thần tự do tự tại.
Đó là hợp lẽ đạo.
Thiền sư Minh Chí hỏi:
- Nếu nói không tâm là đạo, ngói gạch không tâm cũng ưng là đạo?
Thân tâm xưa nay là đạo, tứ sanh thập loại đều có thân tâm cũng ưng là đạo?
Sư đáp:
- Đại đức nếu hiểu bằng thấy nghe hiểu biết thì cùng đạo khác xa, tức là người cầu thấy nghe hiểu biết, không phải là người cầu đạo.
Kinh nói: “Không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý...”
Sáu căn còn không, thấy nghe hiểu biết nương đâu mà lập?
Cùng tột gốc nguồn chẳng có thì chỗ nào còn tâm?
Đâu không đồng với cỏ cây ngói gạch.
Cách lập luận của thiền sư Bổn Tịnh đơn giản đúng như tinh thần của người ở núi rừng. Như ở trong rừng có cây rừng, có đá, có gió thổi, suối chảy, mây bay, chưa bao giờ nghe có cục đá nào cãi cọ với nhau.
Phong cách của thiền sư Bổn Tịnh thể hiện nếp sống đó.
Do vậy Ngài lý giải rất dễ hiểu, cứ như vậy mà hiểu, suy nghĩ phân biệt là sai.
Minh Chí lặng thinh thối lui.
Sư có bài kệ:
Kiến văn giác tri vô chướng ngại,
Thanh hương vị xúc thường tam-muội.
Như điểu không trung chỉ ma phi,
Vô thủ vô xả vô tắng ái.
Nhược hội ứng xứ bản vô tâm,
Thủy đắc danh vi Quán Tự Tại.
Dịch:
Thấy nghe hiểu biết không chướng ngại,
Tiếng, mùi, vị chạm thường tam-muội.
Như chim trong không mặc tình bay,
Không thủ không xả không thương ghét.
Nếu hội mỗi nơi vốn không tâm,
Mới được tên là Quán Tự Tại.