LUẬN PHÁ TƯỚNG
Luận rằng: Ví có người hỏi:
Nếu muốn cầu đạo phải tu cách nào cho chóng tắt nhất?
Đáp: Chỉ có pháp quán tâm nhiếp hết các pháp là chóng tắt nhất.
Hỏi:
Vì sao một pháp nhiếp được hết các pháp?
Đáp: Vì tâm là nguồn cội của vạn pháp, hết thảy pháp đều từ tâm sanh. Nếu tỏ được tâm thì vạn pháp đều đủ. Cũng như cây to, cành lá hoa quả sum suê đều từ gốc cây. Khi trồng cây phải chú ý săn sóc ở gốc thì cây mới được sanh sôi. Đốn cây cũng cứ đốn ở gốc thì toàn thân cây đều chết. Nếu tỏ tâm mà tu thì dụng lực ít mà thành công dễ; chẳng tỏ tâm mà tu phí công vô ích. Nên biết tất cả thiện ác đều từ tâm, lìa tâm mà tìm Đạo là việc luống công.
Hỏi:
Vì sao quán tâm gọi là cứu cánh?
Đáp: Bực Đại Bồ-Tát khi thâm nhập vào pháp đại trí huệ, biết được tứ đại vốn rỗng không vô ngã. Thấy được tự tâm khởi dụng hai mặt khác nhau: một là tâm nhiễm, hai là tâm tịnh. Hai mặt tâm pháp này tự nhiên vốn đầy đủ. Tuy nhờ duyên hợp, nhưng hai tướng vẫn làm nhân đối đãi cho nhau. Tâm tịnh thích làm nhân lành, tâm nhiễm thường ưa nghiệp ác. Nếu chẳng thọ nhiễm thì gọi là thánh, thoát ly các khổ, chứng cái thật yên vui. Nếu đọa vào tâm nhiễm thì tạo nhiệp chịu trói buộc, gọi là phàm; trôi lăn trong ba cõi, chịu muôn điều thống khổ. Vì sao thế? Vì tâm nhiễm trái chướng với thể Chơn Như. Nên kinh Thập Ðịa nói: Trong thân chúng sanh có tánh Phật Kim Cang tròn sáng như mặt trời, rộng lớn không bờ mé. Vì bị mây năm ấm che khuất như đèn bị chậu úp, sáng không hiện được.
Lại trong kinh Niết Bàn có nói: Hết thảy chúng sanh đều có tánh Phật, vì bị vô minh che khuất nên chẳng được giải thoát, tánh Phật tức là tánh giác đó! Chỉ tự giác và làm cho kẻ khác giác ngộ. Giác ngộ rõ suốt thì gọi là giải thoát.
Nên biết tất cả việc thiện đều lấy "giác" làm gốc. Nhờ giác mới có thể hiển hiện các cội công đức, đức quả Niết Bàn cũng nhân đây mà thành tựu. Quán tâm như thế gọi là "liễu".
Hỏi:
Như trên đã nói, tánh Phật chơn như, tất cả công đức đều nương nơi giác làm gốc, chẳng hay cái tâm vô minh lấy đâu làm gốc?
Đáp: Cái tâm vô minh tuy có 84.000 phiền não tình dục và hà sa các điều ác đều nhân ba độc làm gốc, ba độc là tham sân si đó. Cái tâm ba độc này tự nó đủ tất cả khả năng làm ác; cũng như cội cây to chỉ có một, nhưng có biết bao cành lá. Căn cội của ba độc, trong mỗi một cái rễ sanh ra các nghiệp ác vô lượng vô biên không thể tỷ dụ. Tâm ba độc như thế từ trong bản thể ứng hiện ra sáu căn, cũng gọi là sáu kẻ giặc, tức là sáu thức đó! Do sáu thức nầy ra vào các căn tham đắm trần cảnh, tạo thành nghiệp ác trái chướng với nhơn thế, nên gọi là sáu kẻ giặc.
Tất cả chúng sanh đều bị ba độc và sáu kẻ giặc nầy làm mê loạn thân tâm, chìm đắm trong sanh tử, luân hồi trong sáu nẻo chịu các đều đau khổ. Cũng như sông rộng mênh mông, bắt nguồn từ khe suối nhỏ chảy mãi không ngừng, lần ra đến sóng cuộn ba đào, mịt mờ muôn dặm. Nếu có người lấp được tận nguồn thì dòng suối đều dứt. Người cầu giải thoát nếu có thể chuyển ba độc làm ba tụ tịnh giới, chuyển sáu kẻ giặc làm sáu Ba-la-mật, tự nhiên lìa dứt tất cả nghiệp khổ.
Hỏi:
Sáu nẻo ba cõi rộng lớn mênh mông, nếu chỉ quán tâm làm sao thoát khỏi biển khổ vô cùng?
Đáp: Ba cõi nghiệp báo chỉ từ tâm sanh, nếu được vô tâm, tuy ở trong ba cõi nhưng liền thoát ly ba cõi. Ba cõi tức là ba độc đó. Tham là cõi Dục, sân là cõi Sắc, si là cõi Vô Sắc, nên gọi là ba cõi. Từ ba độc này tạo nghiệp nhẹ nặng, thọ báo chẳng đồng, chia ra sáu nẻo nên gọi là sáu thú.
Hỏi:
Sau gọi là nhẹ nặng chia làm sáu nẻo?
Đáp: Chúng sanh chẳng rõ nhân chánh, quên tâm, tu nghiệp thiện vẫn chưa khỏi ba cõi, sanh về ba nẻo nhẹ.
Hỏi:
Sao gọi là ba nẻo nhẹ?
Đáp: Vì là mê lầm tu mười điều thiện, vọng cầu khoái lạc chưa khỏi cõi tham, sanh về đường Trời. Mê giữ năm giới, vọng khởi ghét yêu, chưa khỏi cõi sân nên sanh về đường người. Mê chấp theo hữu vi, tin tà cầu phước, chưa khỏi cõi si, nên sanh về nẻo A-tu-la. Ba loại như thế gọi là đường nhẹ.
Hỏi:
Sao gọi là ba đường nặng?
Đáp: Nghĩa là từ tâm ba độc, chỉ tạo nghiệp ác bị đọa vào ba đường nặng. Nếu nghiệp tham nặng thì đọa vào đường ngạ quỷ, nghiệp sân nặng thì đọa vào đường địa ngục, nghiệp si nặng thì đọa vào đường súc sanh. Ba đường nặng này thông đồng với ba đường nhẹ, cộng thành sáu đường. Nên biết tất cả nghiệp khổ đều từ tâm sanh. Nếu có thể nhiếp tâm, lìa tất cả ác thì cái khổ trong ba cõi sáu đường tự nhiên tiêu diệt, lìa khổ là được giải thoát.
Hỏi:
Như chỗ Phật nói: Ta ở trong ba vô lượng kiếp tu vô lượng khó nhọc nay mới thành Phật; đây Ngài chỉ nói quán tâm, chế ngự ba độc thì gọi là giải thoát là tại làm sao?
Đáp: Lời Phật nói thật không ngoa. Ba vô lượng kiếp tức là ba độc đó. Trong cái tâm ba độc này có vô số niệm ác, trong mỗi niệm ác đều là một kiếp cho nên nói ba vô số kiếp. Tánh chơn như đã bị ba độc che khuất, nếu chẳng siêu cái tâm có ba vô lượng ác độc ấy thì sao gọi là giải thoát! Nay nếu có thể chuyển cái tâm ba độc này làm ba giải thoát, thế gọi là đã vượt qua được ba vô lượng vô số kiếp.
Chúng sanh đời sau ngu si căn độn, chẳng rõ cách nói bí mật của Như Lai bèn cho rằng việc thành Phật không thể tin được. Như thế há chẳng là làm cho người tu nghi lầm thối chuyển đạo Bồ-Đề đó sao!