Giải mã truyện Tây du- Lê Anh Dũng
+ Dư Âm.
Toàn bộ các nhân vật, sự kiện trong Tây du ký của Ngô Thừa Ân đều là hư cấu mà Hầu vương là nhân vật hư cấu rất độc đáo.
Đối chiếu tỉ mỉ giữa lịch sử và tiểu thuyết có thể thấy TDK mô phỏng sự tích đức Phật Thích ca (PTC) và sự tích đức Lục tổ Huệ Năng chép trong Phẩm thứ Nhất (Hành do) của Pháp bảo đàn kinh [PBĐK] để hư cấu thành sự tích Hầu vương.
1. Giác ngộ lẽ vô thường
A. Theo PTC, Thái tử Cồ Đàm sẽ kế vị vua cha Tịnh Phạn để làm vua, nhưng sau khi đi qua bốn cửa thành, Thái tử giác ngộ lẽ tứ khổ (sanh, lão, bệnh, tử), đã quyết tâm từ bỏ ngai vàng, xa rời vợ trẻ con thơ, đang đêm lẻn ra khỏi hoàng cung, du phương tìm đạo giải thoát.
B. Theo [TDK I 1982: 35], Hầu vương ở núi Hoa quả, động Thủy liêm, ngồi trên ngai vua, đang hưởng thụ sung sướng, chợt giác ngộ lẽ sống chết vô thường, liền phát tâm bồ đề, lìa bỏ ngôi vua, vượt biển tìm đạo tu thành phật tiên để giải thoát luân hồi sinh tử.
2. Nhân duyên trò tìm được thầy
A. Theo PBĐK, đức Lục tổ Huệ Năng họ Lư (638-713), thuở nhỏ sớm mồ côi cha, nhà nghèo, mẹ con bán củi sống qua ngày. Một hôm Huệ Năng đem củi giao cho khách hàng xong, vừa trở gót ra về bỗng nghe có người tụng kinh Kim cang đến câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (Không nên trụ vào đâu mà sinh ra tâm của mình). Huệ Năng hỏi người ấy học kinh này từ đâu, thì được chỉ dẫn đến chùa Đông thiền, do đức Ngũ tổ Hoằng Nhẫn trụ trì.
B. Theo [TDK I 1982: 41-43], Hầu vương trên đường tìm đạo, một hôm qua rừng chợt nghe một người kiếm củi hát:
Gặp nhau Phật đạo phép mầu,
Bình tâm tĩnh tọa tụng câu Huỳnh đình...
Hầu vương hỏi thăm bài hát này học từ đâu, được người kiếm củi chỉ đến động Tà nguyệt Tam tinh, núi Linh đài Phương thốn, do Tổ sư Tu Bồ Đề làm chủ.
Lưu ý: PBĐK và TDK đều nói đến củi, duyên khởi từ củi mà phăng ra con đường đến gặp thầy học đạo. Củi là chất đốt, dùng để đun nấu; vậy củi là ẩn ngữ nhắc đến luyện hỏa hầu, đốt lò bát quái, luyện đơn nấu thuốc, tức là ám chỉ việc tham thiền của nhà Phật hay tịnh luyện của đạo Lão.
[Xem bài Ngọn gió trong lò.]
3. Thầy hỏi mục đích đi tu của trò
A. Theo PBĐK, Huệ Năng đến gặp đức Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Tổ hỏi: “Muốn cầu vật chi?” Huệ Năng đáp: “Chỉ cầu làm phật chứ chẳng cầu vật chi khác.”
B. Theo [TDK I 1982: 51], Tổ sư Tu Bồ Đề hỏi Hầu vương: “Nay nhà ngươi muốn học đạo gì?” Rồi Tổ sư giới thiệu đủ các môn phép thuật, nhưng Hầu vương khăng khăng chỉ đòi học được phép trường sinh, tức là chỉ muốn tu thành tiên phật.
[“Trường sinh” hiểu theo dân gian là sống lâu dài, không chết. Hiểu theo đạo Cao đài, chỉ có tu cho thành bậc kim tiên hay phật mới thoát ra vòng luân hồi, không còn bị luật sinh tử chi phối, và đó mới thực là trường sinh.]
4. Buổi sơ kiến thầy trò nói đến tánh
A. Theo PBĐK, Khi Huệ Năng mới đến chùa, đức Ngũ tổ chê là người gốc phương nam quê mùa không thể làm phật. Huệ Năng cãi: “Người ta có phân biệt phương nam, phương bắc nhưng phật tánh không có nam, bắc.”
B. Theo [TDK I 1982: 47], Hầu vương chân ướt chân ráo đến động Tà nguyệt Tam tinh, ra mắt Tổ sư. Tổ hỏi tánh (họ) Hầu vương là gì, Hầu vương đáp rằng không có tánh (bản tính).
5. Phải công quả trước khi thọ pháp
A. Theo PBĐK, Huệ Năng ở lại chùa của đức Ngũ tổ, được giao chẻ củi, giã gạo. Sau khi làm công quả hơn tám tháng mới được Tổ truyền pháp.
B. Theo [TDK I 1982: 49], Hầu vương ở lại động Tà nguyệt Tam tinh, chăm lo quét dọn, làm vườn, gánh nước, kiếm củi, sau bảy năm công quả mới được Tổ truyền pháp. Vậy, cả Huệ Năng và Hầu vương trước khi thọ pháp thiền (công phu) đều phải trải qua một quá trình làm công quả.
[Theo Cao đài, điều kiện này là căn bản không thể thiếu được đối với các hành giả (người tu thiền), vì nếu không có công quả làm nền móng, giải trừ nghiệp (karma) thì quá trình thực hành công phu (hành thiền) sẽ gặp nhiều chướng ngại. Do đó, pháp môn tu của Cao đài ngày nay kết hợp công quả, công phu với công trình (luyện kỷ, tu thân cho nên đạo hạnh), gọi chung là tam công.]
6. Thầy sợ trò bị đồng môn ám hại
A. Theo PBĐK, đức Ngũ tổ Hoằng Nhẫn muốn tuyển người thừa kế y bát thiền tông; giao hẹn ai làm được kệ chứng tỏ đã thấy được tánh mới được chọn làm Lục tổ. Huệ Năng làm bài kệ:
Bồ đề bản vô thụ,
Minh kính diệc phi đài;
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?
Nghĩa là:
Bồ đề vốn không cây,
Cũng chẳng đài gương tỏ;
Vốn không có vật gì,
Chỗ nào đóng bụi lọ?
Bài kệ làm cả chùa xôn xao, kinh ngạc. Đức Ngũ tổ sợ Huệ Năng bị kẻ khác ám hại để đoạt quyền kế vị, liền lấy giày chùi luôn bài kệ như ngầm tỏ ý rẻ rúng, và bảo với mọi người rằng Huệ Năng vẫn chưa thấy tánh (chưa đạt đạo).
Vốn khi Huệ Năng mới đến xin học đạo đã ứng đối lanh lợi, đức Ngũ tổ phòng xa có kẻ ghen tỵ ám hại, nên phải sớm tìm cách che chở. Một hôm Huệ Năng đang giã gạo ở sau chùa, Tổ đi đến bên cạnh, nói nhỏ: “Ta thấy ý kiến ngươi có thể dùng, nhưng e sợ có kẻ ác làm hại ngươi, cho nên chẳng nói với ngươi, ngươi có biết hay chăng?”
B. Theo [TDK I 1982: 65], Hầu vương hầu như đã học xong pháp thuật của Thầy. Một hôm, do tính hiếu thắng, Hầu vương biểu diễn thần thông khoe tài với đồng môn. Tổ sư nghe huyên náo, ra mắng: “Công phu ấy có thể đùa cợt trước mặt mọi người sao? Giả sử ngươi thấy người khác có, ắt phải cầu người ta. Người khác thấy ngươi có, ắt phải cầu ngươi. Nếu ngươi sợ tai vạ, ắt phải truyền cho người ta. Nếu không truyền sẽ bị hại, tính mệnh nhà ngươi khó mà giữ nổi.”
7. Thầy ra ám hiệu hẹn giờ để bí mật truyền riêng pháp môn
A. Theo PBĐK, một hôm khác, sau khi Huệ Năng trình ra bài kệ “Bồ đề bản vô thụ...”, Tổ đến chỗ Ngài đang giã gạo, hỏi bóng gió: “Gạo giã kỹ chưa?” [ngụ ý hỏi trình độ tu hành tới đâu rồi]. Huệ Năng lĩnh hội, cũng đáp bóng gió: “Gạo giã đã kỹ lắm rồi, chỉ còn thiếu cái sàng.” [ngụ ý nói tu đã tới nơi rồi, nhưng chưa có thầy giúp ấn chứng]. Tổ nghe xong, cầm gậy gõ vào cối ba cái rồi lẳng lặng quay đi. Huệ Năng hiểu ý, canh ba lẻn vào phòng Tổ. Ngũ tổ bí mật truyền trao y bát cho Huệ Năng làm Lục tổ.
B. Theo [TDK I 1982: 55] một hôm Tổ sư giới thiệu cho Hầu vương đủ các môn học mà Hầu vương đều nhất quyết không chịu, vì chẳng phải là môn để được sống lâu. Tổ sư làm mặt giận, cầm gậy gõ vào đầu Ngộ không ba cái, quay lưng đi thẳng vào trong, đóng cửa giữa lại. Ngộ không ngầm hiểu: Tổ sư ám chỉ canh ba, đi vào bên trong, lối cửa sau, ở chỗ kín ấy sư phụ sẽ truyền đạo cho.
8. Truyền pháp xong thầy buộc trò lập tức ra đi
A. Theo PBĐK, đức Ngũ tổ mật truyền y bát cho Huệ Năng làm Lục tổ xong, lại thúc hối bảo Ngài phải đi khỏi chùa lập tức: “Nhà ngươi nên đi mau, kẻo e người ta làm hại.” Huệ Năng hỏi: “Đi nẻo nào bây giờ?”
B. Theo [TDK I 1982: 66], sau khi Hầu vương học xong các phép thuật, Tổ sư thấy Hầu vương khoe tài biến hóa với đồng môn, bèn giả mặt giận, mượn cớ mắng nhiếc. Hầu vương cúi đầu xin tha tội, Tổ sư quyết liệt đuổi đi luôn: “Ta cũng không bắt tội nhà ngươi, nhưng nhà ngươi phải đi đi thôi.” Hầu vương ứa lệ, hỏi: “Tôn sư bảo con đi đâu?”
Lưu ý: Khi từ chỗ sư phụ ra đi, hai câu hỏi của hai đệ tử cũng gần giống nhau; Huệ Năng hỏi: “đi nẻo nào?” còn Hầu vương hỏi: “con đi đâu?”
·
Tám điểm tương đồng dẫn trên cho thấy Tây du ký của Ngô Thừa Ân đã dựa vào một phần lịch sử của đạo Phật ở Ấn Độ và lịch sử Thiền tông ở Trung Quốc để hư cấu thành sự tích Hầu vương. Đó là lấy thực (lịch sử) làm hư (tiểu thuyết). Nói khác đi, Hầu vương hoàn toàn không có thật.
[Đã đăng tuần báo Giác ngộ, số 21&22 (bộ mới), ngày 24-8-1996.]
(Tác phẩm này, đến đây là kết).