Tham Thiền hay Niêm Phật
Trích: Duy Lực Ngữ Lục
Hỏi : Thiền tông lấy câu "Niệm Phật là ai" để tham, Tịnh độ niệm Phật lấy câu "A Di Đà Phật" , vậy sự thù thắng như thế nào để đạt đạo ?
Đáp : Đức Phật dạy chúng sanh tu hành gồm tám mươi bốn ngàn pháp môn, tùy theo căn cơ của mọi chúng sanh. Mục đích của Phật chỉ muốn mọi chúng sanh đều thành Phật, đạt đến tự do tự tại, vĩnh viễn thoát khỏi tất cả khổ. Sở dĩ có tám mươi bốn ngàn pháp môn là tùy theo căn cơ trình độ, sở thích của từng chúng sanh , do vọng tâm của chúng sanh muôn ngàn sai biệt nên mới dạy nhiều pháp môn, nhưng qui tụ lại thành bốn loại : Tham Thiền, niệm Phật, trì chú, quán tưởng.
Tham Thiền là tham câu thoại đầu, niệm Phật là Tịnh độ, hai cách tu khác nhau.
Tông chỉ của Tịnh Độ là TÍN, NGUYỆN, HÀNH. TÍN là tin, gồm có ba :
1/ Tin lời của Phật không vọng ngữ.
2/ Tin kiếp này sẽ được vãng sanh.
3/ Tin Cõi Tịnh Độ không bệnh không già không chết, muốn gì được nấy.
NGUYỆN có hai : Đại nguyện và tiểu nguyện. Thế nào là tiểu nguyện ? Là cầu cho mình được vãng sanh. Nhưng tiểu nguyện thì không hợp nhân quả, không được vãng sanh. Tại sao ? Như đã kể trên, tin Tịnh độ không có già, không bệnh, không chết thì làm sao có đi đầu thai để trả nợ ? Phật pháp là nói về nhân quả; hễ tạo thiện nhân thì được thiện quả, tạo ác nhân ắt chịu ác quả, thiện quả tạm gác qua, về ác quả thì từ nhỏ tới lớn có ăn thịt cá không? Có sát sanh không? Cho dù bắt đầu từ bụng mẹ ra chưa hề đập chết con muỗi, không đạp chết con kiến, thế còn có ăn thịt không ? Có ăn cá không ? Nếu có, ăn một miếng thịt phải trả nợ một miếng thịt, ăn một con cá phải trả nợ một con cá, ấy mới hợp với nhân quả. Nếu vãng sanh Cực Lạc không trở lại nữa thì ai đầu thai trả nợ ? Thế là không hợp với nhân quả rồi ! Không hợp nhân quả thì không phải Phật pháp, nên nói tiểu nguyện không hợp với nhân quả, phải phát đại nguyện.
Đại nguyện như thế nào ? Ví như người thiếu nợ không có tiền trả, hẹn lại kỳ sau : Những nợ mạng nợ thịt mà mình thiếu, nay dù làm việc thiện bố thí cúng dường. đều hồi hướng cho tất cả chúng sanh, nguyện cùng ta sanh Cõi Cực Lạc, còn những chúng sanh chưa sanh Cõi Cực Lạc thì sau khi ta thành Phật rồi sẽ trở về độ hết tất cả chủ nợ, tất cả chúng sanh, ấy mới là đại nguyện, mới hợp nhân quả.
Lại, có hai thứ hạnh khi niệm Phật: Tán tâm niệm Phật và Nhất tâm niệm Phật. " Nhất tâm niệm Phật một câu hơn tán tâm niệm Phật ngàn lần". Thế nào là tán tâm niệm Phật ? Vừa niệm Phật vừa lo đủ thứ việc nhà, việc làm, lo Phật sự, lo ứng phó thí chủ v.v. Còn Nhất tâm niệm Phật là chỉ biết niệm Phật, ngoài ra không biết đến việc khác.Làm thế nào có thể nhất tâm niệm Phật ?
Ngài Ấn Quang Pháp sư, Tổ thứ mười ba Tông Tịnh Độ Trung Quốc dạy về nhất tâm niệm Phật bằng cách ghi số ( nhớ số ) niệm Phật, từng câu một, từ 1 nhớ đến 10. Ví như niệm một câu "A Di Đà Phật" nhớ là 1. ( chứ chẳng phải niệm thành "A Di Đà Phật 1, A Di Đà Phật 2.) . Vậy từ 1 nhớ đến 10, nếu dài quá nhớ không hết thì chia thành hai đoạn như từ 1 -5, từ 6 - 10, hoặc chia thành ba : ! -3, 4 -6, 7 - 10. Đến khi nào thuộc lòng rồi bỏ sự ghi số mà chỉ niệm Phật, đến lúc quen thuộc rồi bốn chữ A Di Đà Phật luôn ở trong tâm, niệm cũng ở trong tâm, không niệm cũng ở trong tâm, ấy gọi là "Niệm mà không niệm, không niệm mà niệm", đạt đến nhất tâm bất loạn vậy.
- Nhưng pháp môn niệm Phật là chấp thật, cần có chữ Tín; tham Thiền là phá chấp thật, cần có sự nghi. Tức là niệm "A Di Đà Phật cần có lòng tin, còn tham câu "Niệm Phật là ai" cần phải nghi. Do đó, nói "Thiền Tịnh song tu" là không được, hễ tu Tịnh Độ phải đúng theo tông chỉ của Tịnh Độ, tham thiền phải theo đúng tông chỉ của Thiền tông, nếu Thiền Tịnh song tu thì dứt khoát hai cái đều không thành.
Hỏi : Đời mạt pháp nên tu pháp môn nào thích hợp ?
Đáp : Theo lời của Tổ Sư cũng như lời của Phật nói :" Nhất thiết duy tâm tạo", bốn câu kệ trong Kinh Hoa Nghiêm :" Nhược nhơn dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo". Chánh pháp cũng là duy tâm tạo, mạt pháp cũng là duy tâm tạo, "nhất thiết" bao gồm tất cả pháp, đâu có phân biệt chánh pháp hay mạt pháp ! Do tâm của mình chấp thật thành có. Tổ sư Thiền tông nói "Có thể chuyển mạt pháp thành chánh pháp"; thượng căn, hạ căn cũng do tâm chấp thật thành có phân biệt, nên Tổ sư nói "chuyển hạ căn thành thượng căn".
Nói đến mạt pháp chánh pháp, trước kia chưa mở trí huệ, tôi cũng tin rằng trong mạt pháp con người không tham thiền được vì không có nhân tài. Nên trước kia tôi hoằng pháp Tịnh Độ, trải qua mười mấy - hai mươi năm, sau đó phát hiện chưa một người nào tu đúng tông chỉ Tịnh Độ, tu còn không có, nói chi vãng sanh !
* Ngày mùng 2 tháng 4 năm 1977 ÂL, ngài Trụ Trì Chùa Từ Ân bảo tôi hoằng pháp Tổ Sư Thiền, ấy chẳng phải ý tôi muốn, tôi đã từng phát nguyện là chưa kiến tánh thì không thuyết pháp. Trước đó một ngày , tôi được mời cúng dường tại Tịnh Xá Giác Huê ở Quận 5, Hòa Thượng Trụ Trì lúc cúng ngọ tại Chùa Từ Ân tuyên bố với các Phật tử rằng ngày mai sẽ có thầy Duy Lực ra hoằng pháp Tổ Sư Thiền, lúc đó tôi còn chưa hay biết. Tối đến, Hòa Thượng mới thông báo cho tôi biết là sáng ngày Mùng 2 Phật tử đến nghe pháp.
Tôi bất đắc dĩ phải ra hoằng pháp, nhưng còn mang một thành kiến rằng Tịnh Độ thích hợp hơn pháp Thiền, nên mỗi ngày tôi đều giảng ba lần về pháp Tịnh Độ. Ngày hôm sau, Hòa Thượng đến phòng tôi bảo "Đừng nói pháp Tịnh Độ nữa mà phải giảng về pháp Thiền,Tịnh Độ đã nhiều người hoằng dương rồi nhưng pháp thiền thì chưa có người nào." Mặc dù vậy, tôi vẫn giảng tiếp pháp môn Tịnh Độ trong vài ngày.
Tôi hoằng pháp Tịnh Độ, vạch rõ đường đi và tăng cường lòng tin cho Phật tử, kể các sự tích của Cổ Đức và các vị tu trong thời nay để chứng tỏ, nhưng người nghe vẫn không thực hành đúng theo tông chỉ của Tịnh Độ.
Tôi bắt đầu hoằng pháp Tổ Sư Thiền, Phật tử tham thiền trên năm trăm người, mặc dù chúng không hoàn toàn chuyên tu tham thiền, nhưng số tiểu ngộ phát huệ cũng có gần trăm người. So sánh với lúc hoằng Tịnh độ gần hai mươi năm, chưa có một người tu đúng tông chỉ, ngược lại khi hoằng pháp Tổ Sư Thiền từ mấy năm nay, lại có hơn mấy trăm người thực hành và cả trăm người được phát huệ, thông suốt kinh điển, thì biết pháp nào thù thắng hay không thù thắng, pháp nào thích hợp hay không thích hợp rồi.
Thật ra, thù thắng hay không thù thắng, thích hợp hay không thích hợp, đều lọt vào tứ cú. Nghi tình là quét sạch tứ cú thì có gì là thù thắng hay không thù thắng, thích hợp hay không thích hợp ? Hiện nay nhân tài tham thiền rất nhiều, số người tham thiền đã xuất ngoại có mặt ở nhiều nước trên thế giới : Anh, Pháp, Mỹ, Uùc, Canada. Vậy nếu hỏi đến pháp nào thù thắng, pháp nào thích hợp thì không biết đâu mà nói, tất cả đều do tâm mình, chứ không thể chấp vào lời của Phật, của Tổ.
Nếu chấp vào lời nói, ví như chấp vào tứ cú của Phật: Cú thứ nhất "Có", cú thứ nhì "Không", cú thứ ba :" Chẳng có chẳng không", cú thứ tư :" Cũng có cũng không". Mà ý Phật là muốn mình lìa tứ cú; hễ chấp "Có" thì Phật nói "Không" để phá chấp, hễ chấp "không" thì Phật nói "Có" để phá chấp của chúng sanh. Lúc Phật nói "Có" ý Phật chẳng phải là có, lúc nói "Không" ý của Phật chẳng phải không, nếu chấp vào lời nói là nghịch với ý, nên Tổ Sư Thiền tông thí dụ như "con chó và con sư tử" :
Có người liệng ra một cục xương, con chó liền đuổi theo cục xương, còn sư tử chẳng màng đến cục xương mà cắn ngay người đó. Con người dụ cho Tự tánh, cục xương dụ cho lời nói của Phật, của Tổ; hễ hướng về lời nói của Phật, Tổ mà ngộ ấy là con chó,hướng về Tự tánh mà ngộ mới là sư tử. Phật muốn mình làm con sư tử chứ không muốn mình là con chó, chớ nên đuổi theo lời mà chấp là thật. Lời nói ấy là khai thị cho người ngộ vào tự tánh, trong Kinh Pháp Hoa nói " Khai thị ngộ nhập tri kiến Phật", khai thị đó chẳng phải để ngộ nhập cái khai thị, mà là nhờ khai thị ngộ nhập tự tánh của mình. Thế thì không cần phân biệt thù thắng hay chẳng thù thắng, thích hợp hay chẳng thích hợp, tất cả đều do tâm của mình, do lòng tin của mình vậy.
Hỏi : Nhiều người nghĩ rằng "Niệm Phật nếu mình vẫn còn nghiệp chướng , khi vãng sanh tiếp tục nhờ tha lực tiếp dẫn", còn Thiền tông phải tự lực, hễ tự lực yếu thì kiếp sau dẫu được làm người, làm quan, có địa vị nhưng mê muội, phải lăn lóc trong dòng đời thì bao nhiêu công sức của kiếp trước bỏ hết sao ?
Đáp : Không đúng. Phật pháp nói là nhân duyên, ví như trong kinh Pháp Bảo Đàn, ngài Lục Tổ nói : "Quí vị được nghe tôi thuyết pháp, ấy là nhân duyên đã được gieo trồng từ bao nhiêu kiếp". Đã có nhân duyên rồi thì nhân duyên ấy làm sao mất được ! Nếu có mất là không đúng nhân quả. Lời của Sư bà vừa hỏi là lời nói bên Tịnh Độ, hễ chuyên về pháp mônTịnh Độ thì lời nói cũng hướng về pháp môn ấy.
Phật thuyết đủ thứ kinh, ở kinh này thì tán thán hạnh của kinh này hạng nhất, ở quyển kinh kia thì tán thán hạnh của kinh kia hạng nhất, kết quả là kinh nào thù thắng ? Ý của Phật là muốn chúng ta nhất môn thâm nhập, nên nói những lời phương tiện ấy. Như tôi vừa nói ở trên, về một phương diện khác, Phật nói người nữ có năm thứ chướng, nhưng ở kinh Đại thừa liễu nghĩa như Kinh Pháp Hoa thì Phật lại phá năm thứ chướng của người nữ.
Về vấn đề tự lực và tha lực : Nếu có TỰ và THA chẳng phải pháp bất nhị của Tự tánh; Tự tánh bất nhị làm sao có tự và tha, mà nói là có tha lực để nhờ ! Nếu có tha lực để nhờ thì Phật Thích Ca đã thành Phật, A Nan là em trai của ngài, ắt có thể nhờ Phật lực của người anh mà thành Phật sao ! ( Kinh Lăng Nghiêm ). A Nan là em của Phật cũng chẳng thể nhờ, La Hầu La là con của Phật cũng chẳng thể nhờ, kể cả cha mẹ của Phật cũng chẳng thể nhờ thì tha lực làm sao nhờ được !
Bởi do tâm chấp thật của người tu Tịnh Độ rất nặng, Đức Phật chẳng thể nào khiến bỏ chấp được, nên phải tùy thuận chúng sanh: Tất cả mười pháp giới nếu chấp vào đó thì chi bằng tạm thời cho chấp vào Phật, tạo nhân duyên cho sanh cõi Tây Phương rồi, do hoàn cảnh khiến buông bỏ tập khí xong, chuyển qua tham Thiền mới có thể kiến tánh thành Phật . Bây giờ do tâm chấp quá nặng, nếu không tạm cho chấp thật thì chẳng có phương tiện cứu độ. Phật cứu độ chúng sanh không bỏ sót chúng sanh nào, mặc dù bệnh chấp quá nặng, nên mới có pháp môn Tịnh Độ.
Nếu có thể bỏ được bệnh chấp ngay kiếp này thì đâu cần đợi đến kiếp sau ! kiếp này thành Phật có phải hơn không ? Ví như nói " Hạ phẩm hạ sanh", sau khi chết phải trải qua mười hai đại kiếp mới có thể ra khỏi, một đại kiếp biết phải trải qua thời gian bao lâu không ? Nếu có thể ngay trong kiếp này , trải qua mấy mươi năm được thành Phật thì hay biết bao !