Chào các bạn. Nhìn qua các câu hỏi thì tôi có cảm giác là các bạn không chịu đọc hoặc đọc cho có nên không hiểu những gì tôi nói, chứ trong đó đã nói rõ rồi. Các bạn có thấy gì sai không? Nếu không sai thì nó phải đúng chứ? Có bạn còn nói đọc dễ hiểu nhưng lại hiểu sai thì thà là không hiểu còn hơn. Còn nếu hiểu đúng ý tôi nói gì thì đã không đặt ra những câu hỏi trên. Haizz, xem như mọi thứ tôi viết ra giống như dã tràng xe cát quá.
Thôi giờ vầy, tôi phân tích lại vấn đề Có – Không và Thật – Giả một lần nữa nhé.
Phàm thì trước khi thảo luận vấn đề gì thì chúng ta cần phải thống nhất quan điểm với nhau là đang nói về cái gì, kẻo trở thành tình cảnh “ông nói gà, bà nói vịt”. Tức là ông thì nói nó không biết bơi, bà thì nói biết. Ai cũng cho rằng mình đúng người kia sai. Rốt cuộc là do cả hai đang nói về hai thứ khác nhau mà ra. Do đó, trước khi bàn luận xem con người và thế gian là có thật hay không thì chúng ta cần phải thống nhất quan điểm với nhau ‘Có là gì, Không là gì, Thật là gì, Giả là gì’ rồi sau đó dựa trên những định nghĩa đó mà xem xét vấn đề chúng ta đang bàn luận, đó là con người và thế gian là có thật hay không. Bởi vì nếu như mỗi người hiểu những khái niệm đó khác nhau sẽ thành ra cảnh “ông nói gà, bà nói vịt”. Tức là chúng ta phải có chung quan niệm và đứng ở cùng một góc độ, một hệ quy chiếu như nhau để xem xét vấn đề. Bởi vì khi ở góc độ khác nhau thì vấn đề thành ra khác biệt.
Ví dụ: chúng ta đang đứng ở mặt đất thì có thể nói rằng trái đất đứng yên, còn mặt trời quay quanh nó. Nhưng xét ở góc độ ở bên ngoài hai đối tượng trên thì lại thấy ngược lại, tức là mặt trời đứng yên, còn trái đất quay quanh mặt trời. Còn nếu đứng ở góc độ dải ngân hà thì lại thấy quan điểm đó cũng sai luôn, vì cả mặt trời cũng chuyển động chứ không đứng yên.
Do đó khi tôi nói không có Phật, Niết bàn thì các bạn phật tử đừng vội giãy nảy lên, bởi vì tôi xem xét trên quan điểm vô ngã để nói, là có ý nói không có Phật, Niết bàn theo nghĩa là không có một ông Phật trường sinh bất tử đang ở một nơi chốn nào đó có tên là Niết bàn. Cũng vậy, Bát nhã tâm kinh khi nói “không có khổ, tập, diệt, đạo” là cũng nói theo quan điểm vô ngã. Chứ thực tế thì rõ ràng là có khổ, có Phật rao giảng Tứ diệu đế…chứ đâu có ai bác bỏ là không có. Cũng giống như ví dụ ‘trái đất – mặt trời’ vừa nói trên, cả hai đều nói đúng, nhưng ở hai góc độ khác nhau. Bạn ở góc độ khác mà phản bác những gì tôi nói là do lầm tưởng tôi nói ở cùng góc độ đó giống như bạn. Nói vậy cũng giống như ““ông nói gà, bà nói vịt” đó
…..
Trước khi đi vào vấn đề chính, cho tôi quảng cáo chút
Như trong bài viết trước đây, tôi có nói Lý duyên khởi của Phật “cái này có do cái kia có…” là tinh hoa của Phật pháp. Đức Phật đã từng nói ai thấy Duyên khởi tức là thấy ta. Ở đây ngài ám chỉ rằng không phải cái ta “ngũ uẩn” giả hợp của Phật mà ‘thấy ta’ ở đây có nghĩa là thấy cái ta thật của ngài, tức là cái thật tướng của Phật đó. Lại nữa, thật tướng của Phật cũng đều có trong mỗi người chúng ta cũng như vạn pháp. Như vậy nếu đi đúng hướng thì chúng ta sẽ nhìn thấy bản thân ta chính là Phật, đâu đâu cũng là Phật hết! Tất nhiên khi nghe nói “cái này có…” thì mọi người thường hiểu rằng “ta có là do cha mẹ ta có, cái bàn có là do có ông thợ làm ra…” Hiểu như vậy là đúng rồi, nhưng chỉ có vậy thì ai chả biết, đứa con nít nó cũng biết. Nếu Phật nói điều đơn giản như vậy thì có gì là cao siêu vi diệu để mà cho rằng tinh hoa phật pháp, chỉ đáng vứt sọt rác. Đó là do chúng ta chưa hiểu ra ý nghĩa thâm thúy của nó. Chừng hiểu ra rồi thì chúng ta sẽ thấy nó bao quát hết thẩy vạn vật, không còn kẹt hay nghi hoặc điều gì nữa vì đã thông suốt được cái lý lẽ của trời đất là như thế. Để xem tôi quảng cáo vậy có quá lời hay không thì mời các bạn đem cái câu “cái này có do cái kia có” theo tôi và bắt đầu tìm kiếm nhé.
….
Để hiểu đúng và thống nhất quan điểm thì chúng ta hãy xem xét những gì xung quanh mình. Tôi tạm chia ra cái có thật và cái có giả theo mức độ từ “giả” đến “thật” như sau:
1, Lông rùa, sừng thỏ, giấc mơ…
2, Bóng in dưới nước, cầu vồng…
3, Hàng thật - hàng giả.
4, Con người, cảnh vật.
Theo đó thì thấy 1, hoàn toàn do chúng ta tưởng tượng mà ra chứ không có thật ở ngoài đời. Còn 2, thì nó có thật ở ngoài đời nhưng ‘không có thật’ vì biết rằng nó do cái có thật làm ra nó, nếu cái có thật không có thì nó không có. Còn 3, thì đều có thật nhưng cái giả là bắt chước theo cái thật. Đến 4, thì đều là có thật hết.
Các bạn đều thấy và có cảm nhận giống như tôi nói, đúng không? Ai cũng biết rõ cái nào thật hơn cái nào hoặc giả hơn cái nào rồi. Giờ thì chúng ta hãy dựa vào những gì đã nói ở trên mà đưa ra định nghĩa chung rằng “có thật” là gì và “có giả” (không có thật) là gì. Tôi định nghĩa như sau:
_ Có thật là cái tự có (hiện hữu, tồn tại) độc lập mà không lệ thuộc vào cái khác.
_ Có giả là cái có (hiện hữu, tồn tại) do lệ thuộc vào cái có khác.
Lông rùa dù chỉ là tưởng tượng hoàn toàn nhưng nó phải dựa vào khái niệm “lông” và “rùa” có thật. Bóng hình là có giả tạo vì dựa trên vật thật. So sánh giữa con người và giấc mơ thì con người là có thật vì không còn mơ nữa chúng ta vẫn còn hiện hữu, trong khi giấc mơ là giả ảo vì không có con người là không có giấc mơ, tức là con người hiện hữu độc lập không lệ thuộc vào giấc mơ trong khi giấc mơ thì hiện hữu phụ thuộc con người…
Nếu không ai phản bác thì giờ chúng ta dùng định nghĩa đó mà xem xét những gì mà mình cho là “có thật” để xem nó có thật hay không. Hóa ra mọi thứ đều do nhân duyên giả hợp mà ra. Giờ thì các bạn xem lại câu “cái này có do cái kia có” có phải là đúng như định nghĩa về cái có giả tạo mà tôi đã nói ở trên không? Do đó Lý duyên khởi nói vậy cũng tức là nói mọi thứ trên đời đều là giả ảo hết! Biết là thế nhưng mọi người vẫn cho rằng nó có thật. Tại sao vậy? Vấn đề là ở đây :
1, Những gì chúng ta cho là có thật đều có cấu trúc nội tại.
2, Hình tướng của vật luôn hiện hữu dù bị biến đổi.
Ví dụ: dùng một vật thể là “cái bàn” để phân tích cho dễ thấy vấn đề. Nó do 4 cái chân và 1 cái mặt bàn hợp lại mà ra. Ta đặt tên cho cái bàn này là A. Giờ chúng ta thử thí nghiệm như sau:
a, Nếu chúng ta lấy một cái bàn khác tên là B, đem tới thay thế và phá bỏ cái bàn A thì chúng ta nói rằng cái bàn A đã mất đi.
b, Giờ nếu thay 1 cái chân bàn A bằng một cái chân bàn của cái bàn B, thì chúng ta vẫn nói là cái bàn A còn đó nhưng bị thay đổi, đúng không? Sau một gian, ta thay tiếp cái chân khác của A từ B sang…cứ vậy từ từ thay luôn cái mặt bàn A bằng cái mặt bàn B, thế nhưng chúng ta vẫn nói là cái bàn A còn đó nhưng bị thay đổi.
Như vậy làm theo cách b, thì rõ ràng cái bàn cũ là A đã không còn mà là một cái bàn mới là B rồi. Rõ là chúng ta đã bị ảo giác đánh lừa vì cứ thay thế từ từ các bộ phận của cái bàn B sang cái bàn A nên thấy cái bàn A đó luôn hiện hữu, chỉ nói là nó bị thay đổi.
Nói vậy để thấy rằng chúng ta đã bị vọng tưởng đến hai lần: “cái bàn” chỉ là tên gọi của những thứ không phải cái bàn hợp nhau lại, nó là giả thể chứ không phải thực thể. Đã vậy, khi làm như cách b, thì thật ra không còn “cái bàn” như xưa nữa vì đã thay thế bằng những thứ khác, nhưng chúng ta vẫn hiểu lầm rằng nó vẫn là cái bàn cũ. Thật ra thì nó đã là cái bàn B chứ không còn là cái bàn A, nhưng ta vẫn bị lừa rằng đây là cái bàn A.
Kết luận: chúng ta đã bị đánh lừa bởi cái hình tướng bên ngoài giả tạo của nó!
….
Những gì ở trên vừa nói cho chúng ta thấy cái bàn chỉ là một hình tướng giả tạo, tức là giả tướng chứ không phải thật tướng. Giờ đây có hai cách nói. Một là nói rằng cái bàn không có thật tướng. Hai là nói rằng cái bàn có thật tướng trống không (trống rỗng) Cách nói đầu tiên là cách nói phủ định, cách thứ hai là khẳng định, nhưng cả hai cách nói tuy khác biệt về ngôn từ nhưng đều cùng một nghĩa. Nói cách nào cũng được, nhưng vì chúng ta hay chấp có nên dùng cách nói khẳng định cho dễ hiểu vấn đề. Như đã biết trước đó, vì có thật mới có giả. Ở đây ta thấy, vì có thật tướng của cái bàn nên mới có giả tướng. Mặc khác, chính vì rỗng không như vậy nên giả tướng mới được hiện ra. Chúng ta cứ hình dung sự rỗng không này như là không gian cho dễ hiểu đi. Giống như cái nhà do rỗng không trong đó mới bao chứa các đồ vật bên trong cái nhà, chứ nó rắn đặc thì không thể chất chứa được cái gì cả. Cũng vậy, do thật tướng của cái bàn có đặc tính là trống không như vậy mới có thể làm cho 5 vật thể của giả tướng cái bàn hợp lại mà sinh ra, rồi sau đó ly tán và mất đi. Suốt quá trình 5 vật thể đó từ nơi khác đến duyên hợp rồi sau đó duyên tan, phân ly đi nơi khác thì sự rỗng không của thật tướng vẫn “như như bất động”, nó không từ đâu đến và cũng không đi về đâu cả vì sự rỗng không đã có sẵn.
Thật tướng của cái bàn cũng là thật tướng của các pháp khác, luôn có đặc tính trống không. Ở trên chúng ta hình dung trống không như là không gian để dễ nhìn thấy vấn đề hợp tan của giả tướng. Giờ chúng ta xét đặc tính trống không này rộng ra, bao hàm hết mọi thứ. Như chúng ta đã bàn luận trước đó rồi, nếu không có cái thật thì làm sao nói cái này là giả, vì giả luôn lệ thuộc vào cái thật, nhờ có cái thật mới có cái giả. Ở đây rõ ràng chúng ta thấy do vọng tưởng trước đó là có cái bàn thật, giờ thấy không phải vậy nên nói là cái bàn giả. Vậy là từ một cái bàn mà lúc đầu cho rằng thật sau đó cho rằng giả. Bây giờ chúng ta hãy quay vào trong tâm thức của mình để suy xét vấn đề. Nếu nói về vật thì chúng ta có ‘giả tướng’ và ‘thật tướng’, còn nói về tâm thức thì chúng ta dùng từ ‘vọng tâm’ và ‘chân tâm’. Khi bàn về vấn đề ‘thật’ và ‘giả’ thì đây rõ ràng là hai ý niệm do tâm thức của ta suy tư, vọng tưởng mà ra. Thực chất đây chỉ là hai ý niệm đối đãi nhau mà thành. Mối tương quan đối đãi có tính chất đồng thời (cùng thời gian) chứ không phải dị thời (khác thời gian) như chúng ta hay có quan điểm thường gặp trong cuộc sống, theo kiểu là cái này có trước sinh ra cái có sau. Nói cho khác đi thì tương quan đối đãi có tính chất phi thời (không có thời gian) vì hai niệm đối lập nương vào nhau mà sinh ra nhau chứ không có niệm trước niệm sau. Niệm ‘giả’ khởi sinh là do có niệm ‘thật’ làm chỗ nương tựa. Ngược lại, niệm ‘thật’ có được cũng là do nương tựa vào niệm ‘giả’. Nếu ở vật thì giả tướng có đặc tính là có hình tướng, thật tướng không có hình tướng và rỗng không, thì cũng vậy, ở trong tâm thì vọng tâm có vọng niệm chứ còn chân tâm không có vọng niệm, nó vốn rỗng rang. Tức là vọng tâm luôn sanh ra niệm liên tục, toàn là những niệm đối đãi nhau như là ‘thật’ đối đãi với ‘giả’, ‘có’ đối đãi với ‘không’, ‘thiện’ đối đãi với ‘ác’, ‘lớn’ đối đãi với ‘nhỏ’, v.v…Chân tâm thì không có vọng niệm, tức là trong chân tâm thì không hề có ‘thật – giả, ‘có – không’, ‘thiện – ác’, v.v…chính nhờ chỗ không có vọng niệm đó mới phát sinh được vọng niệm. Tức là nhờ có cái tâm thật gọi là ‘chân tâm’ mới sinh ra tâm giả gọi là ‘vọng tâm’. Tất nhiên, cái Chân tâm mà ta nói ở đây chỉ là ‘bóng trăng soi trên mặt nước’ chứ không phải là ‘trăng thật’, là Chân tâm đúng như nó là. Vì sao? Vì ta đã đã khởi niệm để có sự hình dung so sánh mà hiểu ra chân tâm là gì thôi, chứ niệm đã sinh thì có nghĩa là vọng tâm như đã nói trước đó rồi. Ta dùng niệm diệt niệm, dùng niệm ‘không có thật hay giả’ để phá bỏ niệm ‘có thật – có giả’, dùng niệm ‘vô niệm’ để phá bỏ niệm ‘có niệm’…như vậy là đối đãi nhau rồi. Vậy là ta phải dùng niệm ‘không có niệm ‘không có thật hay giả’ cũng như ‘có thật – có giả’ để phủ nhận ý niệm trên. Cứ như vậy thì phải làm vắng bặt mọi ý niệm để trở về với chân tâm. Theo đó ta thấy, khi cho rằng chân tâm không có vọng niệm cũng giống như thật tướng của vật không có hình tướng, cả hai đều rỗng không giống như nhau.
Tạm kết luận: Phật nói lý duyên khởi để cho thấy vạn pháp đều là giả tạo, là giả tướng cả. Từ giả tướng đó mà ta suy xét để nhìn thấy thật tướng của vạn pháp. Nhờ có thật tướng với tính chất rỗng không như vậy mới sinh ra giả tướng muôn hình vạn trạng để tỏ bày thật tướng của mình. Thật tướng được PG đặt cho rất nhiều cái tên: Niết bàn, Chân như, Chân tâm, Chân không, Tánh không, Không tánh, Như lai, Bản lại diện mục, Ông chủ, Phật, Phật tánh, Pháp tánh, v.v…dễ làm cho các phật tử sơ cơ bị rối trí mà lầm tưởng là có nhiều thực thể khác nhau. Chẳng qua là “rượu cũ bình mới” cho đỡ nhàm chán thôi.
Nói cho gọn lại, có thể đúc kết thành một câu: Phật là bộ mặt thật của ta và vạn pháp cho nên tất cả đều là sự hiển bày của Phật!