Chú Văn học kính,
Cháu nhắc lại một lần nữa, nếu Chú dựa trên quan điểm của riêng Chú để nhận xét vấn đề thì cháu không có thêm ý kiến nào, và nếu Chú cho rằng quan điểm của Chú là đúng theo phương diện kinh điển Bắc truyền thì cháu cũng im luôn. Còn nếu như Chú dựa trên suy luận con voi dữ mà đi so sánh với một bậc Thượng Thủ Thinh Văn thì coi chừng Chú phạm ác nghiệp về ý, trừ phi là Chú có cách giải thích khác.
Con voi trong chuyện Chú nói nghe được giọng phạm âm của Đức Phật do Ngài dùng oai lực tâm Từ Vô Lượng và sự tác ý hướng tâm của Ngài để con voi đó nghe được, chứ bản thân con voi đó không có thần thông như các loại thú tứ linh (thần thông của tứ linh và chư thiên là thần thông do thiện nghiệp mà có, không phải thần thông do tu luyện). Trường hợp Đức Xá Lợi Phất thì khác, trong truyền thống Nam tông có nhắc tới sự kiện Rằm tháng giêng này với 3 điều kiện cháu đã ghi rõ ở trên, tức là Đức Phật không hề mở miệng thông báo cho chư Tăng về cuộc họp, mà đây là cuộc họp bí mật giữa Phật và các vị La Hán Tiên khởi thì làm sao có chuyện giống như các kỳ thuyết pháp cho đại chúng sau này ? Đây là truyền thống của chư Phật sau khi tạo thành một nhóm đồ đệ La Hán đầu tiên sẽ tổ chức một cuộc họp mặt bí mật như vậy. Với tâm biết tâm, chư Thánh tăng biết rõ ý muốn của Phật muốn triệu tập chư Thánh tăng do các Ngài có Tha Tâm Thông. Tha Tâm Thông là khả năng biết được tâm ý người khác, không phải Thiên Nhĩ Thông là nghe âm thanh từ bên ngoài. Còn chuyện tiếng nói của Đức Phật có lồng lộng giữa hư không là chuyện khác, không phải lúc nào cũng la toáng lên cho bàn dân thiên hạ biết ý muốn của Ngài là gì. Còn chuyện Chú nói từ thiên thần tới ngạ quỷ, lẫn súc vật đều tề tựu đến nghe Phật thuyết pháp, ấy là do oai lực của Đức Phật đã thu hút những chúng sanh đó, tuy nhiên chư thiên các cung cõi có đủ Ngũ Thông nên biết rõ chuyện gì xảy ra, còn các chúng sanh không có Ngũ Thông thì do Phật lực tác động đến (trường hợp Đức Phật mở không gian cho chúng sanh thấy các cõi Tịnh độ của chư Phật khác là một ví dụ minh hoạ Phật lực có tác dụng bên ngoài năng lực Ngũ Thông của chúng sanh và các Thánh có thần thông hoặc chúng sanh và các Thánh không có thần thông). Thú vật, ngạ quỷ, chư thiên có thể nghe tiếng Phật nói nhưng sẽ có những chủng loại chúng sanh nghe mà không hiểu, như vậy không phải trường hợp cháu muốn nói về thần thông của Đức Xá Lợi Phất, nói rộng thêm một chút: khi đạt tới một ngưỡng giác ngộ nào đó về trí tuệ thì thần thông cũng sẽ tự động trở nên dung hợp với trí tuệ, hơn nữa nếu Chú có đọc bài kinh Trường Trảo và chú giải của kinh này, sẽ thấy Đức Xá Lợi Phất quan sát các cảm thọ của từng chi thiền trong từng tầng thiền mà liễu tri vấn đề Đức Phật giảng cho đạo sĩ tóc dài (trường trảo), với trình độ thiền định như thế đủ cho thấy khả năng Ngũ Thông của ngài là điều dễ hiểu. Theo truyền thống của chư Phật thì các vị Thượng thủ Thinh Văn hầu cận chư Phật, không vị nào mà không đạt Bát thiền - Ngũ Thông hết. Một lẽ nữa, trong câu chuyện Đức Xá Lợi Phất bị quỷ dạ xoa ám sát trong lúc Ngài đang nhập định mà cú đánh nghiêng ngả núi Tu di đó không động chạm gì tới tâm định và thân xác của Ngài thì đủ biết là trình độ thiền định của ngài sâu dày tới đâu. Bên cạnh đó ngài cùng với các đại Thánh khác cùng với Đức Phật thường nhập Diệt tận định; như vậy muốn nhập Diệt tận định này thì vị La Hán phải đi qua tầng Phi tưởng phi phi tưởng (bậc thứ tư của thiền Vô Sắc giới), mà điều kiện có Ngũ thông là chỉ cần qua Tứ Thiền Sắc giới là có rồi. Nếu cho rằng người mà đi qua tám tầng thiền (4 tầng Sắc giới và 4 tầng Vô sắc giới) mà không có một chút thần thông nào thì thật là mắc cười ! Phàm nhân mà còn có được thần thông (như đạo sĩ A Tư Đà đắc thiền Phi tưởng) huống hồ một bậc Thượng Thủ Thinh Văn như ngài Xá Lợi Phất mà không có, chẳng qua vì trong kinh tạng ít thấy nói tới việc vận dụng thần thông của ngài Xá Lợi Phất mà thôi, hơn nữa Bắc tông có truyền thống không tôn trọng các vị La Hán Thinh Văn nên đã có nhiều cách nhìn nhận rất thiếu quan sát như vậy.
>>> Chú hiểu sai lệch vấn đề rồi, cháu không bàn luận gì thêm.
Cháu cũng xin lưu ý Chú về mặt chính tả, Chú nên viết đúng là Ngũ Thông ('Ngũ' tức là 5) chứ không phải là Ngủ Thông ('Ngủ' = đi ngủ, go bed).
Rất tiếc là cho tới thời đại này năm 2011, nếu mà Chú vẫn chỉ biết nhìn theo một phía và bảo thủ theo cách nhìn ấy thì rất khó để bàn luận thêm về tính vi diệu của Giáo Pháp muôn mặt. Thế giới đã nghiên cứu cả hai nhánh Nam và Bắc truyền, thì những ai có thể tiếp thu cả hai luồng tư tưởng của cả hai truyền thống thì sẽ mở rộng thêm cho mình bên ngoài những sự thiếu sót trong quá trình truyền giáo của các Tổ sư thời xưa. Khi nào mở được tâm trí, khi ấy sẽ biết được mình nên làm gì, nên không làm gì để làm cho con đường tâm linh của mình ngày càng rộng mở chứ không phải ngày càng bó hẹp lại ở cái thấy cái biết một chiều của mình.
Kính,